Bài toán Bauxite Việt Nam - Dân Làm Báo

Bài toán Bauxite Việt Nam

Le Nguyen (danlambao) - Tham vọng của bá quyền Bắc Kinh ngày càng lộ ra khá rõ, thế có an tâm để cho chúng đóng quân trên vị trí chiến lược Tây nguyên và treo quả bom bẩn, bùn đỏ lơ lửng trên nóc nhà mình? Tất cả đang chờ câu trả lời của đảng cộng sản Việt Nam!

Nhiều ý kiến phản đối, kiến nghị dừng khai thác bauxite Tây nguyên dần trôi vào quên lãng nhưng nguy cơ bùn đỏ (red mud) quả bom bẩn treo lơ lửng trên nóc nhà Việt Nam vẫn còn đó. Biết bao nhiêu nghiên cứu khoa học có tính thuyết phục cao, xoay quanh chuyện khai thác Bauxite của chuyên viên, trí thức trong lẫn ngoài nước, với nổi lo canh cánh bên lòng, với ý thức trách nhiệm của công dân đối với đất nước, của người đời trước đối với lớp con cháu đời sau nhưng không nhận được phản hồi tích cực từ phía nhà nước. Tất cả đều im lặng, im lặng một cách đáng sợ! Những lãnh đạo cao cấp giữ quyền lực quyết định dự án cứ ởm ờ, mờ mờ ảo ảo, cứ ra vẽ bí mật và âm thầm dùng duy ý chí cộng sản tiến hành khai thác quặng, bất chấp hậu quả cho dân nước.

Dù biết rằng theo dự đoán Bauxite Việt Nam có trữ lượng khá lớn đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Guinea, Australia và nhà nước phải khai thác để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hoá. Mục tiêu đó tạm cho là cần thiết, là tốt nhưng không phải bằng mọi giá, làm cho bằng được bất chấp hậu quả, kể cả hại nhiều hơn lợi, nhất là cho treo quả bom bẩn trên nóc nhà mình, nó sẽ nổ bất cứ lúc nào nếu người chịu trách nhiệm chỉ một phút lơ là, lơ đểnh là gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không như chuyện lơ đểnh đèn báo gây tai nạn chết, bị thương hàng chục người ở Cầu Gềnh hay tắc trách gây sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cướp đi mạng sống cả trăm người. Hậu quả này kinh khủng hơn nhiều, nó tàn sát thiên nhiên từ cây cỏ sinh vật đến con người dưới đồng bằng và di hại lâu dài hằng chục năm cũng như lâu hơn nữa.

Tại sao không công khai dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên, không thông báo chi tiết kế hoạch cho toàn dân giám sát để điều chỉnh kịp thời những tác hại do các cá nhân trách nhiệm tắc trách lẫn kém năng lực gây ra. Chuyện âm thầm nhượng bán biển, đảo, đất biên giới là chuyện lớn nhưng chuyện Bauxite lớn hơn nhiều bởi nhượng bán là biết mình mất cái gì rồi thôi, còn Bauxite nó hệ trọng gấp bội phần, liên quan đến an ninh quốc phòng, đến sự tồn vong của cả dân tộc, không thể khinh suất được.

Nhìn vào toàn bộ dự án và thực hiện dự án khai thác Bauxite tính tới thời gian này, với số lượng thông tin nhỏ giọt, ít ỏi đã khiến cho những người quan tâm đến tương lai nước nhà không khỏi quan ngại sâu sắc. Không lo ngại sao được khi hồ chứa bùn đỏ giao vô tay những kẻ học giả bằng thật năng lực yếu kém, những tên mà tay nghề còn là nghi vấn lớn và tinh thần trách nhiệm là cái gì đó, rất quý hiếm trong đám quan chức nhà nước CSVN.

Về nhà máy tuyển quặng do nhà thầu Trung Quốc xây dựng với số lượng lớn công nhân từ bản quốc sang đóng đô ở vị trí quốc phòng chiến lược của Việt Nam,thế có an tâm được không ? Đó chỉ là nói riêng về sự bất lợi của mặt an ninh quốc phòng.

Về hiệu quả kinh tế,dự án này có thu được lợi nhuận hay không, khi người đại diện tập đoàn than,khoáng sản (TKV) phán : “...hiệu quả kinh tế là 50/50...” môt tập đoàn lớn của nhà nước nói về quyết sách kinh tế, tưởng như tay đánh bạc hạng gộc của giới xã hội đen không bằng, chắc nhiều quan chức khác cũng không khá hơn ông naỳ! Đã có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, trí thức ngoài đảng cộng sản lập luận là khó có lãi bởi điạ điểm khai khác hiểm trở, chi phí vận hành cao: một là cần xây dựng tuyến đường xe lửa cho nhu cầu vận chuyển thành phẩm bột nhôm (Alumina) phí tổn xây dựng tuyến đường này khá cao, lên đến nhiều tỷ mỹ kim; hai là cách vận chuyển bằng xe đặc chủng chuyên chở, kéo container nặng trên dưới 30 tấn từ Tân Rai, Đak Nông xuống cảng Kê gà, Bình Thuận qua tỉnh lộ rồi xuống một trong các con lộ số 28, số 55... mà hai con đường này rất dốc, lại hẹp có nhiều cua gắt như cùi chỏ rất nguy hiểm. Cách khác là sử dụng con đường số 14 ít đồi dốc, ít nguy hiểm hơn nhưng phải vòng xa hơn, đi qua Bình Phước,Bình Dương xuống cảng Gò Dầu (Đồng Nai).

Dù sử dụng con đường nào, tỉnh lộ, quốc lộ đều phải nới rộng lòng đường, nâng cấp chất lượng để chịu đựng được xe đặc chủng có tải trọng cao và chi phí xây dựng,nâng cấp đưa vào phục vụ nhu cầu khai thác Bauxite không hề nhỏ, chưa kể sử dụng xe tải đặc chủng vận chuyển cho khai thác Bauxite là phương án bất khả thi.

Mặt khác, kỹ thuật của nhà máy tuyển quặng (Refinery) của Trung Quốc khi thành phẩm bột nhôm(Alumina) không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, sản phẩm làm ra chỉ bán cho một khách hàng duy nhất là Trung Quốc, nên khó đạt được giá tốt nhất trên thị trường thế giới, nếu không muốn nói là dễ bị ép giá bởi bột nhôm làm ra không bán, chất vào kho để làm gì ? Với lại giá bột nhôm (Alumina) chỉ từ 10% đến 15% so với giá nhôm thành phẩm (Aluminium)nên xác suất có lãi không cao vì chi phí làm thành phẩm không hề rẽ.

Tóm lại, cách mà nhà nước tiến hành dự án khai thác Bauxite có nhiều yếu kém, chưa đạt tối thiểu an toàn cho một dự án lớn tầm vóc quốc gia: Thứ nhất ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, đến an ninh quốc phòng; thứ hai hiệu quả kinh tế thấp, không chừng lại phải bù lỗ.

Thế thì tại sao phải tiến hành dự án mà mình biết chắc phần thua cao hơn phần thắng ? Tại sao không công bố những phức tạp,những bí mật đã lỡ ký kết với ai đó, để cho toàn dân VN biết góp ý hầu tìm ra phương án khác khả thi hơn?

Hiện nay, kỹ thuật tuyển quặng của tây phương, một trong số đó là Outotec, công ty cung cấp kỹ thuật tuyển quặng của Đức cho sản xuất các loại sắt thép, khoáng sản bao gồm bột nhôm (Alumina). Outotec là công ty hàng đầu thế giới đã cung cấp kỹ thuật cho các nhà máy tuyển quặng ở Brazil, India, Australia... đạt tinh chất nhôm bột (Alumina) đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Đó là một trong nhiều địa chỉ cho bài toán Bauxite Tây nguyên cần lưu ý.

Lẽ khác, nếu nhà máy tuyển quặng Bauxite (Refinery) thiết kế xây dựng ven biển, quanh khu vực cảng Kê Gà chẳng hạn với công suất 1.400.000t/năm tức năng suất hơn gấp đôi hai nhà máy Tân Rai, Đak Nông cộng lại, quặng thô được đem xuống bờ biển tuyển lọc, phế phẩm bùn đỏ sẽ được tẩy rửa chất độc hại tồn đọng sau quá trình tuyển quặng bằng nước biển để trở lại trạng thái bảo hoà,sau đó tái sử dụng, chế biến thành vật liệu rắn cho các công trình xây dựng phát triển đường xá, cầu cống, nhà ở... sẽ tháo gỡ được nỗi lo môi trường, an ninh quốc phòng lẫn quả bom bùn đỏ treo lơ lửng trên đầu và có thể đạt hiệu quả kinh tế cao, là một phương án khả thi.

Với phương án này, chưa cần phải xây dựng đường xe lửa ngay cũng như chưa cần phải nâng cấp liên tỉnh lộ, quốc lộ... để vận chuyển quặng thô xuống nhà máy tuyển quặng ven biển như thế sẽ cắt giảm được chi phí vận hành khá nhiều. Có hai phương cách vận chuyển quặng thô Bauxite về nhà máy. Có thể cử người có năng lực, có lòng nhiệt thành lẫn có khả năng đi tham quan, đi thực tế học hỏi rút kinh nghiệm cho công trình khai thác Bauxite Việt Nam.

1) Thứ nhất: sử dụng đường chuyền (conveyor belt) để vận chuyển quặng thô từ hầm mỏ (mines) trên cao nguyên về nhà máy tuyển quặng (refinery) thay vì dùng xe đặc chủng như Ấn Độ (India) đang áp dụng.

2) Thứ hai: sử dụng ống dẫn (slurry pipe) để vận chuyển quặng thô từ hầm mỏ trên núi xuống bờ biển dưới đồng bằng như cách Ba Tây (Brazil) đang thực hiện.

Cả hai mỏ Bauxite của Ấn Độ và Ba Tây đều có cấu trúc hình thể, khoảng cách từ hầm mỏ đến nhà máy luyện nhôm bột ( Alumina) tương tợ như Bauxite Tây Nguyên xuống cảng Kê Gà,Bình Thuận của Việt Nam. Đây là hình mẫu của thế giới đã đang áp dụng, cần nghiên cứu để đưa vào thực tế cho Bauxite Việt Nam.

Ngoài ra, khi bộ máy vận hành khai thác Bauxite đi vào ổn định, đã hoàn thiện thì chuyện xây dựng cụm công nghiệp nhà máy luyện nhôm (Aluminium) bên cạnh nhà máy tuyển quặng bột nhôm (Alumina) để không còn bán nhôm thô mà bán nhôm thành phẩm, chắc chắn sẽ đem nguồn lợi đến cho dân nước lớn hơn nhiều, xa hơn nữa là xây dựng nhà máy chế biến phế phẩm bùn đỏ thành vật liệu rắn cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, thật là nhất cử lưỡng tiện vừa giải quyết được bài toán an ninh quốc phòng,vừa đạt xác suất hiệu quả kinh tế cao.

Những ý kiến thô thiển trình bày ở trên chỉ là gợi ý cho lãnh đạo nhà nước này nên tìm một phương án khác ít nguy hiểm, ít phiêu lưu mà hiệu quả kinh tế cao hơn, bảo đảm an toàn hơn cho hàng chục triệu người dân miền nam trung phần, miền đông nam bộ nói riêng và vì sự an nguy cho đất nước Việt Nam nói chung. Nhất là lãnh đạo CSVN phải sử dụng quyền lực, phải hành động có trách nhiệm và không nên sử dụng quyền lực chính trị để đối đầu,trấn áp, chống lại ý chí nguyện vọng của toàn dân Việt Nam.

Le Nguyen (danlambao)
danlambaovn.blogspot.com



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo