Dân Việt - Có thí sinh ghi đáp án là “người đàn ông đánh người đàn bà”, hoàn toàn không dính gì đến đáp án, giám khảo không thể cho điểm nhưng thanh tra buộc phải cho điểm tối đa vì có “đàn bà” trong đáp án.
Theo kế hoạch của ngành GDĐT, chậm nhất trong ngày 16.6 việc chấm thi phải hoàn thành để ngày 18.6 công bố kết quả thi tốt nghiệp. Năm nay, lần đầu tiên, các sở GDĐT của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã họp tại Cần Thơ và thống nhất đáp án chấm thi tốt nghiệp. Nhiều giáo viên khẳng định rất nhiều bài viết ngô nghê, lẽ ra chỉ đáng nhận 2 - 3 điểm, giám khảo đã phải chấm đến 7 - 8 điểm.
Liên quan đến đáp án câu 1 trong đề thi về đoạn cuối truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhiều thí sinh viết “người đàn bà bị chồng đánh” hoặc “người đàn bà ngăn cản con đánh chồng” cho dù so với câu hỏi thì đó là câu trả lời hoàn toàn không chính xác, giám khảo vẫn phải cho điểm!
Các giám khảo ở Long An chấm bài dựa vào “hướng dẫn” được ghi trên bảng.
Bi hài hơn, có thí sinh ghi đáp án là “người đàn ông đánh người đàn bà”, hoàn toàn không dính gì đến đáp án, giám khảo không thể cho điểm nhưng thanh tra buộc phải cho điểm tối đa vì có “đàn bà” trong đáp án. “Hễ có “đàn bà” là có điểm, có “đàn bà” mà lại có “hồng hồng” nữa thì càng điểm cao”.
Cũng theo đáp án của khu vực ĐBSCL, học sinh được quyền viết dư, được sai lỗi chính tả và không tính điểm diễn đạt, nên nhiều bài viết trình độ còn thua học sinh… lớp 6, vẫn được điểm cao. Ở câu 3b: Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Đáp án hướng dẫn: Sa vào kể chuyện, tóm tắt: Vẫn cho 3,0 điểm.
Nhiều giáo viên cho rằng chấm bài theo hướng “mở” là có lợi cho học sinh nhưng không có nghĩa là học sinh làm sai cũng có điểm.
“Đáp án kiểu này chẳng khác nào giết chết môn văn và làm dốt học sinh. Bản thân tôi cho đây chính là bệnh thành tích trong giáo dục, nhưng đáp án đã quy định như vậy, chúng tôi chấm đúng thực chất thanh tra cũng không cho phép” - một giáo viên nổi tiếng dạy giỏi ở Trường THPT Tân An (Long An) nói.
Quang Thanh - Hữu Danh