Chống đoàn biểu tình, công an bắt nhiều người - Dân Làm Báo

Chống đoàn biểu tình, công an bắt nhiều người

SÀI GÒN (TH) - Một tuần sau cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc diễn ra suôn sẻ tại Sài Gòn, một cuộc biểu tình thứ nhì diễn ra hôm 12 tháng 6 nhưng bị công an ngăn chặn, phân tách, và nhiều người bị bắt, đánh dấu sự không đồng ý của chính quyền khi thanh niên sinh viên tự phát xuống đường.

Cuộc biểu tình lần thứ nhì thu hút được rất đông thanh niên tham gia. Một vài nguồn ước lượng là “khoảng bằng tuần trước,” nhưng nhiều nguồn khác đánh giá “ít hơn hẳn tuần trước”.

Lần biểu tình ngày 12 không được kêu gọi mạnh mẽ bằng lần ngày 5. Trước lần biểu tình ngày 5, những lời kêu gọi được công bố trên nhiều trang blog, nhiều trang web, nhiều trang Facebook của những người nổi tiếng, trong đó có nhà báo, nhà văn, nhà thơ.

Qua đến tuần thứ nhì, mức độ kêu gọi giảm hẳn. Một phần mức kêu gọi không cao bằng tuần trước, được cho là vì nhiều người bị cảnh cáo cấm biểu tình.

Bắt người

Ngay từ lúc đoàn biểu tình còn đang từ từ tụ tập, không khí đã căng thẳng. Mọi ngã tư dẫn đến trung tâm đều có những hàng rào barrier sẵn sàng, trang Dân Làm Báo cho biết.

Giờ tập hợp được giao hẹn là 8 giờ sáng, thì lúc 8:05, một thanh niên bị một toán công an chìm, nổi rượt đuổi vào tới cà phê Highland Coffee đối diện Diamond Plaza, bắt giữ mang đi.

Người thanh niên này được nhiều nguồn tin cho biết là anh Mạc Quảng Thịnh, con trai nhà thơ nhạc sĩ Ðynh Trầm Ca (tác giả của “Ru con tình cũ,” “Trăng hờn tủi,” ...).

Một nhà báo viết trên Facebook, miêu tả cảnh rượt đuổi bắt một thanh niên, được cho là Mạc Quảng Thịnh:

“8 giờ hơn, đang đếm bước trên lề đường Phạm Ngọc Thạch thì có bước chân chạy rầm rập. Mình nép vào tường, một thanh niên cầm tấm biểu ngữ chỉ kịp đọc thoáng chữ China stop... chạy trước, dăm sáu anh lực lưỡng mặc thường phục đằng đằng sát khí bám sát.”

Trong một vụ khác, một thanh niên khác cũng bị bắt đi lúc đang chuẩn bị giăng biểu ngữ. Vụ này được một nhân chứng miêu tả trên Facebook:

“Có một anh áo nâu bước qua đường, đi ngang đám mình đang đứng, anh ấy nói: ‘Anh chuẩn bị giăng biểu ngữ. Tụi em hỗ trợ nha.’ Rồi anh đi vào quán cà phê ở đường Alexandre de Rhodes. Mọi người đang ngơ ngác, chưa hiểu ất giáp gì thì khoảng hai phút sau một chiếc xe lớn lại hốt các xe đậu ở vỉa hè của quán cà phê, và rồi mình thấy anh áo nâu đó được hai người mặc thường phục áp giải ra xe máy, chở đi mất.”

Nhóm thanh niên kiên trì nhất, ở lại biểu tình tới sau 1 giờ trưa, cũng bị đàn áp và hai người bị bắt đi.

Lúc đó, nhóm này còn lại khoảng hơn 100 người. Bất ngờ, công an đưa 2 xe chuyên dụng ập đến, lao vào, và bắt đi hai thanh niên nổi bật nhất trong nhóm.

Vừa bắt hai thanh niên này đi, công an vừa tố cáo họ phạm tội móc túi.

“Nhiều người bất bình và phản ứng với trò vu khống lố lăng, nhưng đành bất lực trước nhóm công an đang rất thô bạo, côn đồ,” theo trang Dân Làm Báo.

Một thanh niên bị an ninh chìm, nổi bu vào bắt lên xe mang đi trong ngày biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn hôm Chủ Nhật. (Hình: Facebook)

Ngăn cản, đàn áp

Ngoài những vụ bắt bớ lộ liễu, công an cũng ra sức ngăn cản và chia rẽ đoàn biểu tình. Nhiều nguồn tin trong nước cho báo Người Việt biết nỗ lực này được sự giúp sức trực tiếp và công khai của nhiều nhân vật tên tuổi trong thành đoàn.

Khu vực quanh tòa tổng lãnh sự bị vây kín, không tới gần được. Số công an chìm nổi được cho là đông gấp đôi, gấp ba người biểu tình.

Ðoàn biểu tình tuần hành bị rất đông công an, an ninh thường phục đi lẫn vào và lấn át, cũng như tách rời đoàn thành nhiều mảng nhỏ.

Nhiều nhân vật tên tuổi từng tham gia cuộc biểu tình hôm 5 tháng 6 đã không có mặt trong ngày 12. Nhiều người trong số họ bị nhắc nhở và cảnh cáo đừng tham dự.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, nổi bật trong cuộc biểu tình bảo vệ Trường Sa-Hoàng Sa năm 2007, bị ngăn chặn không được tham gia tuần đầu, qua tới tuần thứ nhì tiếp tục bị bao vây tứ phía.

Ngay cả nhiều người biểu tình lần trước, cho đến thời điểm này vẫn chưa biết cuộc biểu tình đang diễn ra như thế nào. Thậm chí có người cả tuần nay không dám bước ra đường vì bị đe dọa, mạng Internet thì bị cắt, khi gọi điện hỏi thăm, họ rất ngạc nhiên vì tin có biểu tình ngày hôm nay.

Trường hợp như nhà văn Ðào Hiếu, ông không hề hay biết có biểu tình. Mọi hoạt động của đoàn biểu tình đều nằm trong “tầm ngắm” của nhà cầm quyền.

Với sức mạnh bị phân tán, đoàn biểu tình vừa đi vừa phất cờ, giương biểu ngữ, hô khẩu hiệu. “Từng nhóm công an chìm nổi lẽo đẽo theo sau,” một nhà báo viết trên Facebook.

Không chỉ theo dõi và phân tán, lực lượng công an an ninh Việt Nam còn muốn bảo đảm tin tức đừng lọt ra: Trên đường Phạm Ngọc Thạch và lân cận, nhiều xe phá sóng được trưng dụng. Hầu hết hình ảnh, tin tức chi tiết, phải đến chiều, khi người ta rời khỏi khu vực này, mới đưa được ra ngoài, chuyển được lên mạng.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo