Hàng chục người dân phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã đến trước trụ sở Công ty Cổ phần Môi trường Đồng Xanh đề nghị ban giám đốc công ty giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Bản thân là nhà máy xử lý rác nhưng công ty này lại là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo phản ánh của người dân, sau những cơn mưa lớn, nước cống cộng với nước rỉ rác từ 2 nhà máy xử lý rác tại đây tràn vào nhà và giếng nước của các hộ, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và nguồn nước. Ngoài ra, mùi hôi từ rác phát tán theo gió vào các khu dân cư xa hàng trăm mét, khiến môi trường sống cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Sau nhiều lần phản ánh không có kết quả, người dân đã kéo ra đường ngăn chặn tất cả xe rác tươi, không cho vào nhà máy. Trước đó, vào năm 2010 người dân cũng nhiều lần phản đối nhưng sự việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều vụ xung đột giữa người dân địa phương với tổ chức, đơn vị quản lý hoặc thực hiện công tác xử lý môi trường, cho thấy phản ảnh của người dân là bức thiết và năng lực quản lý yếu kém của nhiều địa phương.
Hàng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng luôn phải cập nhật những tin tức không vui về ô nhiễm môi trường: nhà máy này bị phát hiện xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, công ty kia đổ trộm rác thải công nghiệp ra đồng ruộng của nông dân; sự xuất hiện của các “làng ung thư”, “làng nhiễm Asem”; cá tôm chết trắng hàng loạt trên sông... không còn là chuyện lạ.
Mấy năm trước, người dân hoan hỉ bao nhiêu khi có chủ trương xây dựng nhà máy tại địa phương thì nay lại ra sức phản đối bấy nhiêu và cho đó là nguyên nhân khiến họ mất đất canh tác; phá vỡ nếp sinh hoạt truyền thống; ảnh hưởng an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường.
Báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực phản ánh nhiều góc cạnh của vấn đề, điển hình là các vụ liên quan đến Công ty Vedan Việt Nam, Công ty Tungkuang, Công ty TNHH Miwon, Công ty thuộc da Hào Dương, Công ty giấy Việt Trì...
Môi trường ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng do chỉ chạy đua phát triển kinh tế (ảnh minh họa)
Theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình hình khiếu kiện đất đai vài năm gần đây có dấu hiệu giảm, tuy không nhiều, nhưng khiếu kiện về lĩnh vực môi trường lại có xu hướng gia tăng.
Nhiều vụ khiếu kiện có sự tham gia của số đông người dân; nhiều đơn thư có chữ ký tập thể.
Một trong các nguyên nhân làm cho tình hình khiếu kiện, xung đột gia tăng là cơ quan thực thi pháp luật chưa nghiêm túc với các doanh nghiệp gây ô nhiễm, dẫn đến những bức xúc trong dân.
Hiểu biết pháp luật của người dân ngày càng cao trong khi ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu và trực tiếp đến đời sống, sức khỏe, môi trường sống của họ là nguyên nhân khiếu kiện.
Hiện nay, mức phạt hành chính tối đa là 500 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm về môi trường và có thể khởi tố hình sự nếu gây ô nhiễm nghiêm trọng, theo các điều khoản của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa cá nhân nào bị xử lý hình sự về hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đối với tổ chức, cá nhân chỉ mới áp dụng phạt hành chính.
Doanh nghiệp luôn lấy lợi nhuận làm đầu, nhưng nhiều doanh nghiệp lại cố tình vi phạm, dùng các thủ đoạn tinh vi, lén lút để xả thải ra môi trường như xây dựng hệ thống bí mật, phức tạp và nguỵ trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn nên rất khó phát hiện.
Thực hiện xử lý các vi phạm về môi trường cần mạnh tay, nếu không có giải pháp chiến lược và kịp thời, nước ta sẽ phải trả giá đắt về môi trường sau chuỗi dài chỉ chú trọng, quan tâm phát triển kinh tế.
Ngọc Bách