Tuấn Khanh (Tiền Vệ) - Đêm qua, nếu tôi là một nhà báo, ắt tôi sẽ khó ngủ. Con đường dài trước ngõ dẫn về nơi đâu — tôi không biết — ngầy ngật một đoàn tuần hành những linh hồn chết oan, đang dẫn nhau đi mừng ngày nhà báo Việt Nam. Những nạn nhân bị giết hai lần — một lần bởi vụ án và một lần nữa bị giết bởi ngòi bút của các nhà báo — vẫn đang chờ đợi một buổi cầu siêu cho lòng ăn năn của con người còn sống.
Ngòi bút. Nếu anh không chấm vào sự thật để viết nên hiện sử, thì sẽ chấm vào đâu? Tương lai lủng lỗ chỗ và nhầy nhụa bởi những cây bút không mực, và luôn có lời biện minh (cúi mặt): tôi sống trong thời đại buộc phải nói láo.
Vợ của anh lỗ chỗ, con của anh lỗ chỗ. Tất cả chúng ta lỗ chỗ. Sự thật lỗ chỗ. Tương lai chúng ta lỗ chỗ. Dĩ nhiên, chưa kể phần nhầy nhụa.
Trên truyền hình, đài phát thanh... các nhà báo, các đại nhà báo đưa miệng vào ống nhổ phóng thanh, khạc ra những linh hồn oan khiên như vậy. Quanh năm.
Trên nóc nhà, phòng tắm và trước đầu giường của các nhà báo, những linh hồn im lặng đứng ngồi, chờ đợi. Sự cứu rỗi chỉ có thể đến khi sự thật không bị dồn nén ở lỗ đít. Mới hôm trước, Lê Hựu Hà hiện hồn về trước cửa nhà tôi, lắc đầu, nhìn, buồn buồn, hát “nhân loại đâu có thích đọc sự thật bằng lỗ đít”...
Những bản tin không được phép, đăng vội trên blog ghi lại, có 2 nhà báo bị đánh, 4 người bị cầm tù, 10 người bị sách nhiễu... nhiều quá, tôi đếm không hết. Dĩ nhiên, đó là những nhà báo không quen xài ống nhổ, và cũng không biết viết theo khẩu hiệu. Sợ không? — Dạ, tôi sợ! — Vơ vội tất cả mảnh giấy có được trước mặt, tôi viết tin nhắn gửi đến những người quen ít quen nhiều, có thể không là nhà báo mà là nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Đình Bổn, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện, Trịnh Cung, Bùi Chát, Lý Đợi, Trà Đoá, Thận Nhiên, Phạm Hoàng Quân... nhiều quá, tôi không nhớ hết...
“Coi chừng, đừng để ngày 21 tháng 6 là ngày cầu siêu của chúng ta”, tôi viết.
Tuấn Khanh