Vài ý về biểu tình - Dân Làm Báo

Vài ý về biểu tình

Le Nguyen (danlambao) - Ở các nước văn minh tiên tiến, biểu tình là chuyện bình thường, biểu tình với vài ba chục người đòi chính phủ dừng dự án đường sắt vì “xâm hại” cây xanh, gây tiếng ồn cho cư dân sống kế cận đường xe lửa của thành phố, biểu tình chống dự án khai khoáng vì gây ô nhiểm môi trường...


Biểu tình với qui mô lớn hơn, qui tụ ngàn người vạn người chống dự thảo luật về thuế khoá, y tế, giáo dục hoặc chống nhà nước thay đổi chính sách làm thiệt hại lợi ích của thành phần nào đó trong xã hội. Tất cả nguyện vọng, biểu tình để bày tỏ nguyện vọng đều được luật pháp bảo vệ, được nhà nước lắng nghe, không hề bị cấm đoán và không hề bị ghép vào tội trời ơi đất hởi nào đó,như trốn thuế, tuyên truyền chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền.

Ở nước Việt Nam cộng sản cũng tỏ ra văn minh không kém. Luật pháp của các nước dân chủ văn minh có điều luật nào tiến bộ đưa vào áp dụng trong cuộc sống thì hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam đều có qui định, đôi khi nhiều hơn nữa là đằng khác. Chẳng hạn các nước dân chủ không có điều luật như điều 4 hiếp pháp tự cho phép đảng cộng sản đại diện giai cấp công nhân, nông dân tầng lớp lao động và cả dân tộc, độc quyền lãnh đạo nhà nước.

Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam cũng qui định rõ, công dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng gần đây nhất, tuyên giáo trung ương cộng sản Việt Nam lại chỉ đạo các phương tiện truyền thông, báo chí  không được viết hai chữ Tiến sĩ hay luật sư khi đưa tin liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ dù ông đã tốt nghiệp ở các trường tiếng tăm của Pháp Quốc. Báo chí cũng không được chỉ đích danh tàu Trung Cộng rượt đuổi, đụng chìm bắn giết ngư dân Việt Nam mà phải viết tin là tàu lạ và báo chí chỉ được viết theo khuôn khổ định hướng, được đưa tin khi cho phép, phải dừng lại theo chỉ đạo khi hết nhu cầu tuyên truyền. Thế thì tự do báo chí, tự do ngôn luận như vậy đó sao?

Về tự do biểu tình cũng không khá hơn, hiến pháp của Việt Nam cũng không cấm nhưng văn bản dưới luật như pháp lệnh, nghị định, quyết định cấm tụ tập đông người, trên 5 người là phạm luật và những người “tụ tập” đòi hỏi quyền lợi chính đáng bị cướp, như nhà đất bị cướp, lãnh thổ đất liền, biển đảo của cha ông ngàn đời để lại, bị lén lút sang nhượng, bị nước ngoài xâm phạm  bị ngăn cản, bắt bớ vu vào những tội vớ vẩn như trốn thuế, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, nhận tiền nước ngoài nói xấu đảng, chống phá chính quyền nhân dân...

Thiết nghĩ, mọi người chúng ta cần nên biết: “ mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho chúng ta quyền được sống ,quyền tư do, quyền mưu cầu hạnh phúc...” trong đó có quyền tự do biểu đạt chính kiến tức quyền bày tỏ nguyện vọng của mình và biểu tình là cách thức thể hiện quyền tự do đó. Tự do có cái giá của nó! Tất cả chế độ độc tài đều có mẫu số chung sẽ không bao giờ trả lại tự do lẽ ra chúng ta được hưởng, nếu chúng ta không quyết tâm đòi lại quyền của mình.

Độc tài cộng sản đã cướp hết quyền của chúng ta, ngay cả biểu đạt lòng yêu nước, biểu đạt nguyện vọng chống xâm lăng bá quyền phương bắc cũng bị cướp mất. Chúng ta phải lên tiếng, phải đứng thẳng lên quyết tâm đòi lại quyền tư do chính đáng này. Người xưa đã nói: “Đi sẽ tới ,gõ cửa sẽ mở.” Qua những cuộc biểu tình vừa rồi đã cho chúng ta nhiều bài học hữu ích.

Thứ nhất, học được bài học thực tiễn của đấu tranh bất bạo động, thấy được sức mạnh của đám đông có lẽ phải.

Thứ hai, nhận ra thái độ, phương pháp của lực lượng an ninh, công an... tham gia trấn áp, ngăn trở biểu tình để tìm ra cách đối phó.

Thứ ba, thu hút số lượng lớn công dân mạng từ quốc nội đến hải ngoại, quan tâm theo dõi diễn biến trước biểu tình và thảo luận học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau sau biểu tình, rất tích cực và hữu ích.

Thứ tư, các cá nhân tham gia biểu tình đã vượt qua sợ hãi công khai cảm nghĩ của mình, của các bạn cùng tham gia cuộc biểu tình, qua các bài viết dạt dào lòng yêu nước chống ngoại xâm, đăng tải trên các trang mạng lề trái.

Tổng kết nhận xét của công dân mạng từ các cuộc biểu tình vừa qua, có một số thành công nhất định ít nhiều thông tin về Hoàng sa, Trường sa đã chuyển tải đến nhiều thành phần nhân dân không có điều kiện tiếp cận thế giới thông tin hiện đại và cũng qua những cuộc biểu tình này đã được các cơ quan truyền thông quốc tế chuyển tải hình ảnh người dân Việt Nam chống hành vi vi phạm lãnh hải của Trung Quốc ra dư luận quốc tế. Điều này thuận lợi rất nhiều cho sự kiện tranh chấp trên biển đông của Việt Nam.

Theo chiều hướng đó, với số lượng đông đảo công dân mạng lên tiếng trên diễn đàn, thiết nghĩ chúng ta đã đủ sức kêu gọi biểu tình khắp ba miền đất nước và rút kinh nghiệm từ các lần kêu gọi biểu tình vừa qua, dù không thực hiện được ý định biểu tình tuần hành nhưng đã tạo được tiếng vang lớn, với thông tin Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đã đến được anh xe ôm, chị bán quà vặt, cô chú bán buôn nhỏ lẽ trong chợ Bến Thành, Saigon...  

Từ khám phá mới trong việc kêu gọi biểu tình, được xem là khá bất ngờ của một số bạn tiếp cận ghi lại cảm nghĩ  của quý anh, chị, cô, bác chưa tham gia biểu tình, chung quanh và trong chợ Bến Thành. Chính khám phá bất ngờ này, chúng ta có thể chọn kêu gọi biểu tình ở các chợ, bến xe khắp các tỉnh thành, nơi có nhiều người không có thời giờ, không biết sử dụng máy vi tính, bị bưng bít thông tin và chỉ nghe thông tin một chiều do nhà nước định hướng, không tiếp cận được thông tin trung thực đang xảy ra chung quanh và trên đất nước mình. Và chính địa điểm chợ, bến xe này sẽ là đầu mối chuyển tải thông tin đến các ngõ ngách của các tỉnh thành, các vùng quê xa xôi hẻo lánh qua cách rỉ tai, truyền miệng hợp pháp.

Để cụ thể hóa, chúng ta có thể công khai thảo luận trên diễn đàn mạng, về ngày giờ địa điểm, cách thức thực hiện, nội dung lời kêu gọi biểu tình. Công khai bàn luận trên trang mạng, chúng ta có nhiều lợi thế: một là công dân mạng cư ngụ bất cứ đâu, khắp ba miền đất nước đều có thể tham gia góp ý, không giới hạn số lượng tham gia, không sợ công an bao vây bố ráp bắt bớ; hai là nhiều phương cách đưa ra thảo luận sẽ có cách thích hợp, ứng dụng cho hoàn cảnh từng địa phương, giúp cho tham dự viên thành thạo tổ chức biểu tình trên lý thuyết và sẽ ít sai sót hơn khi hành động tổ chức biểu tình trong thực tiễn; ba là công khai thảo luận kêu gọi biểu tình trên mạng để thu hút công an, an ninh nhằm mở rộng không gian cho các tôn giáo, công nhân, dân oan tổ chức, chuẩn bị nhập cuộc.

Xin nhớ mục đích của chúng ta là “kêu gọi biểu tình” chứ không nhất thiết phải thực hiện biểu tình cho bằng được, phải luôn uyển chuyển, thích nghi tình hình của từng địa phương từ phương cách đến địa điểm, thời điểm hầu đạt kết quả tốt nhất. Biểu tình là mục tiêu hướng tới của lời kêu gọi, nhưng với tình thế hiện tại, được thì tốt không được cũng chẳng sao bởi mục đích chọn trung tâm chợ, bến xe tổ chức biểu tình là chúng ta hướng vào mục tiêu tiếp cận rỉ tai, truyền miệng thông tin đến thành phần chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội những gì xảy ra cho quê hương mình và từ nơi đây thông tin sẽ vang xa, rộng trong nhân dân, nhằm phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của mạng lưới truyền thông một chiều của đảng cộng sản Việt Nam.

Một khi thông tin trung thực đến với người dân, sự thật được phơi bày, tuyên truyền dốí trá bị lột tả trần trụi sẽ là lúc toàn dân bước qua sợ hãi, đứng lên đòi quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc trong đó có quyền tự do biểu đạt chính kiến tức quyền biểu tình chống bất công, chống xâm lăng phương bắc, bày tỏ lòng yêu nước.      



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo