RFI - Trong bản báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nạn buôn người trên thế giới vừa công bố hôm qua 27/6, Philippines, Singapore, Lào đã được rút ra khỏi danh sách Loại 2 ( Tier 2) cần theo dõi về tệ nạn này. Trong khi đó, Việt Nam vẫn bị xếp trong danh sách Tier 2 vì không chứng tỏ được quyết tâm phòng chống nạn buôn người, đặc biệt là buôn lao động sang các nước khác.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton.
Reuters
Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng Việt Nam là xuất xứ và ở một cấp độ nào đó, cũng là điểm đến của các đường dây buôn người. Lao động nam và nữ của Việt Nam ra nước ngoài làm việc thông qua các công ty xuất khẩu lao động, phần lớn là công ty quốc doanh hoặc công tư hợp doanh, trong các lĩnh vực xây dựng, ngư nghiệp, nông nghiệp, hầm mỏ, khai thác gỗ và sản xuất hàng hóa, chủ yếu tại những nước như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập, Nhật Bản, . . .Nhiều phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị lừa bán vào các động mại dâm ở biên giới Cam Bốt, Trung Quốc và Lào, hoặc từ đó bị bán tiếp sang một nước thứ ba như Thái Lan hay Malaysia.
Theo bản báo cáo nói trên, chính phủ Việt Nam trong năm nay đã thông qua luật mới về phòng chống buôn người, cũng như đã đề ra kế hoạch hành động toàn quốc 5 năm để bài trừ tệ nạn này, nhưng vẫn chưa có những tiến bộ rõ rệt trong việc điều tra, truy tố những người phạm tội buôn nguời cũng như bảo vệ các nạn nhân. Chính vì vậy, trong năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách các quốc gia cần theo dõi.
Theo bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam tiếp tục khuyến khích xuất khẩu lao động để góp phần giải quyết nạn thất nghiệp và nghèo khó, cho nên cần phải có thể các biện pháp để bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam ở nưóc ngoài và ngăn chận nạn buôn người, chẳng hạn như phải thi hành nghiêm chỉnh những quy định về các công ty tuyển dụng lao động.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110628-viet-nam-van-trong-danh-sach-cac-quoc-gia-can-theo-doi-ve-nan-buon-nguoi