TT - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng việc có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua là bình thường. Việc thay đổi chương trình môn sử cũng mới đang ở giai đoạn phải... bàn.
Ông Luận nói:
- Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém.
Vì vậy, qua quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng sẽ phải thay đổi trong dạy và học không chỉ môn sử mà còn cả các môn khác như địa lý, văn học... Sẽ cần bàn bạc, tìm tòi để thay đổi, có thể thay đổi mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy và học hoặc thay đổi toàn diện...
Với môn sử, việc bàn tính sẽ phải tiến hành cả ở trong giới sử, các thầy cô giáo, chuyên gia về lịch sử. Một mình tôi không quyết hết được cái ấy. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, bàn bạc cùng các hội, các chuyên gia và thay đổi trên tinh thần khoa học.
* Nhưng ông cũng là một nhà giáo, theo cá nhân ông, cách dạy của chúng ta hiện nay bắt học sinh nhớ từng ngày, tháng của các trận đánh có cần thiết? Cách dạy như thế quá nặng đã khiến học sinh học đối phó, học để... quên?
- Nhớ ngày tháng cũng cần. Ngày thành lập Đảng, ngày sinh Bác Hồ có cần nhớ không? Vì vậy, tôi cho rằng không nên cực đoan một chiều. Có những thứ máy móc phải bỏ, nhưng có những ngày tháng sự kiện máu thịt buộc phải nhớ và sẽ không thay đổi yêu cầu này. Ngày giỗ bố, mẹ, ông bà phải nhớ chứ. Anh có thể ra nước ngoài nhưng ngày giỗ bố mẹ anh thì phải nhớ, hay ngày Tết cổ truyền anh không được phép quên.
Nên tôi cho rằng có những thứ dứt khoát phải nhớ, dù là nhớ máy móc. Nhiều thứ khác có thể bỏ.
* Bây giờ rõ ràng học sinh VN thuộc những chuyện của Trung Quốc hơn cả lịch sử VN? Lịch sử VN đang được dạy kém hấp dẫn, cần nhiều kênh đa dạng hơn?
- Tôi đồng ý là nhiều bạn trẻ VN thuộc lịch sử Trung Quốc nhưng đó không phải là chuyện của giáo dục mà là chuyện của xã hội. Người ta thuộc sử Trung Quốc hơn không phải do được dạy, phải học lịch sử, cách dạy sử Trung Quốc hay mà là do đọc truyện, xem phim. Đừng nhầm lẫn chỗ này.
Người ta có thể xem phim Tam Quốc, Thủy Hử, Đường Minh Hoàng... nên không chỉ thanh niên thuộc sử Trung Quốc mà cả người lớn nữa cũng có thể thuộc sử, hiểu sử Trung Quốc hơn sử VN. Cái đó không phải giáo dục từ trường học. Đó là câu chuyện không chỉ của ngành giáo dục nữa và một mình ngành giáo dục không làm được.
* PGS.TS Hà Minh Hồng (trưởng khoa lịch sử Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM): Không lẫn lộn giữa lịch sử và chính trị Chương trình THPT có khá nhiều môn nên học sinh phải ngốn một lượng kiến thức khổng lồ, quá tải. Riêng đối với môn sử, chương trình ngày càng bổ sung, càng có vẻ đầy đủ hơn nhưng càng nặng nề thêm, thiên về sự kiện, ngày tháng làm sử mất đi sự huyền bí và hấp dẫn của nó. Điều đó khiến chương trình khô khan và học sinh không hứng thú, chỉ học đối phó. Tất cả các quốc gia trên thế giới, dù thời kỳ nào họ vẫn cần những con người yêu đất nước mình, tự hào dân tộc mình. Do đó quốc văn, quốc sử, quốc đồ (địa lý) là những môn học được chú trọng. Trong đó, môn sử rất quan trọng. Phải dạy thế nào để học sinh hiểu lịch sử đúng là lịch sử chứ không lẫn lộn giữa lịch sử và chính trị. Cần làm môn sử nhẹ nhàng và thu hút hơn. Theo đó, lịch sử nên được trình bày theo hướng có câu chuyện, có nhân vật chứ không chỉ là những sự kiện, những cột mốc, con số vừa khó nhớ vừa gây nhàm chán. Chúng ta có văn học, văn học sử thì môn lịch sử cũng nên như thế. Chúng ta có thể xây dựng các hình tượng lịch sử gắn với mỗi sự kiện để học sinh dễ theo dõi và nhớ lâu hơn. Bên cạnh đó, cần thay đổi căn bản khung chương trình. Thực tế khung chương trình, thời lượng môn sử hiện nay ở bậc phổ thông bị khống chế bởi nội dung quá nặng. M. GIẢNG ghi * PGS.TS Vũ Quang Hiển (khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐHQG Hà Nội): “Hãy cho cần câu, đừng cho cá” Kết quả thi môn sử năm nay thấp hơn năm trước do hai nguyên nhân chính: do đề khó và do cách dạy học ở bậc phổ thông vẫn chưa có những chuyển biến tích cực. Đề thi sử năm nay ở mỗi câu đều có phần yêu cầu học sinh vừa ghi nhớ kiến thức, vừa hiểu bản chất và biết cách phân tích, đánh giá, vận dụng kiến thức. Để thí sinh làm tốt đề thi như năm nay, đòi hỏi ở bậc THPT, thầy cô giáo phải rèn được cho học sinh cách học để hiểu bản chất sự kiện lịch sử chứ không chỉ cung cấp kiến thức. Giống như việc cho học sinh cần câu chứ không cho cá. Bên cạnh đó là việc rèn luyện kỹ năng phân tích đề, hiểu chính xác yêu cầu của đề thi. Kết quả thi môn sử thấp là do phần đông thí sinh không hiểu yêu cầu của đề, ghi nhớ kiến thức máy móc và không nắm kỹ. Dù đã có nhiều cố gắng để cải thiện nhưng kết quả thi môn sử vẫn cho thấy cách dạy học môn này chưa được thay đổi theo đúng hướng. Tình trạng học vẹt khiến học sinh thấy môn sử nặng nề, sợ học sử và cũng không thể giúp các em làm tốt những đề sử như trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. VĨNH HÀ ghi |