Nguyễn Hưng Quốc (VOA Blog) - Dân chủ và nhân quyền là hai ý niệm khác nhau. Trong khi dân chủ nhắm đến quyền của mọi người, với tư cách "nhân dân", nghĩa là tập thể; nhân quyền nhắm đến quyền của từng người, với tư cách cá nhân. Trong khi dân chủ nhấn mạnh vào vấn đề ai cầm quyền (đại diện của dân) và người đó lên nắm quyền bằng cách nào (bầu cử); nhân quyền nhấn mạnh chủ yếu đến cách thức hành xử quyền lực của người cầm quyền. Trong khi dân chủ chủ yếu là một thiết chế; nhân quyền là một lý tưởng. Trong khi dân chủ có tính chất địa phương, chịu ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố lịch sử và văn hóa, mỗi nơi một khác, nhân quyền là một cái gì mang tính phổ quát, ở đâu cũng giống nhau, người ta không thể nhân danh truyền thống hay sự dị biệt để phủ nhận hay làm biến dạng nó.
Do những khác biệt nêu trên, người ta nhận thấy trên thế giới có một số hiện tượng đáng chú ý: một, một chính phủ dân chủ (theo nghĩa có phổ thông đầu phiếu) chưa chắc đã tôn trọng nhân quyền, thậm chí, có khi chà đạp lên nhân quyền; hai, ngay cả một nước dân chủ thực sự cũng chưa chắc đã tránh được những bất cập trong lãnh vực nhân quyền; và ba, quan trọng nhất, chính phủ nào biết tôn trọng nhân quyền thì chính phủ ấy chắc chắn là dân chủ.
Như vậy, mối quan hệ giữa dân chủ và nhân quyền có thể được tóm gọn lại thế này: nhân quyền vừa là nền tảng vừa là lý tưởng của dân chủ; và dân chủ, ngược lại, là điều kiện để thực thi nhân quyền.
Xin lưu ý: trung tâm của dân chủ là vấn đề quyền lực. Trong các chế độ độc tài, từ độc tài phong kiến đến độc tài hiện đại, quyền lực chỉ tập trung trong tay một người hoặc một nhóm người với một số đặc điểm chính: một, có tính áp đặt (hoặc nhân danh một thứ “thiên mệnh” hoặc “sứ mệnh” lịch sử nào đó, hoặc đơn giản hơn, bằng cách thoán đoạt qua các biện pháp bạo động); hai, có tính loại trừ (có một số người, có khi rất đông, hoàn toàn không được chia sẻ chút quyền lực nào cả); ba, không bị kiểm soát; bốn, không gắn liền với trách nhiệm; và năm, không bị hạn chế (ngay cả bởi luật pháp và tính chất nhiệm kỳ). Trong các chế độ dân chủ thì khác. Hoàn toàn khác. Quyền lực chính nằm trong tay nhân dân. Chính nhân dân, qua các cuộc bầu cử định kỳ, chọn người đại diện cho mình; và người đại diện ấy chỉ được quyền hành xử quyền lực trong những giới hạn mà luật pháp cho phép; việc hành xử ấy luôn luôn được kiểm tra bởi Quốc Hội cũng như giới truyền thông độc lập với chính quyền. Cuối cùng, những người đại diện ấy không ngừng bị thử thách và đối diện với nguy cơ bị thay thế. Chính những thử thách và nguy cơ ấy buộc họ phải cố gắng, phải có tinh thần trách nhiệm và phải gia tăng sức thuyết phục đối với quần chúng. Thuyết phục bằng nhiều cách, trong đó, hai khía cạnh quan trọng nhất là: sự minh bạch trong công việc và hiệu quả của chính sách.
Nền tảng ý thức hệ của việc phân bố quyền lực trong các chế độ dân chủ cũng là nền tảng của nhân quyền: Mọi người đều có những quyền bình đẳng với nhau, trong đó, nổi bật và quan trọng nhất là quyền được sống một cách an toàn và hạnh phúc; quyền được quyết định số phận của chính mình; quyền được tự do phát triển và thăng tiến. Cái gọi là “người” trong chữ “mọi người” nói trên phải là cá nhân chứ không phải là một tập thể chung chung, như gia đình, dòng họ, giai cấp hay dân tộc. Không có sự phân biệt này sẽ có nhiều khe hở cho vô số những sự lạm quyền và gian dối.
Ví dụ, cách đây một hai thập niên, một số quốc gia ở Á châu, đi đầu là Singapore và Malaysia, thường nhân danh bảng giá trị truyền thống của châu Á để từ khước những đòi hỏi căn bản về nhân quyền. Trong bảng giá trị gọi là truyền thống Á châu ấy, người ta nhấn mạnh đến tinh thần cộng đồng và gia đình. Trên thực tế, đó chỉ là chiêu bài nhằm củng cố quyền lực tuyệt đối của một người hoặc một dòng họ. Thực tế ấy làm cho chiêu bài giá trị truyền thống Á châu càng ngày càng mất sức thuyết phục. Đến nay, hầu như không ai nhắc đến điều đó nữa, ít nhất nhắc một cách công khai, như một chủ thuyết.
Cũng vậy, trước đây, Việt Nam hay sử dụng thủ đoạn đồng nhất tự do dân tộc và tự do cá nhân để từ chối việc mở rộng quyền tự do cho cá nhân. Nhớ, sau năm 1975, trong một chuyến công du sang Pháp, khi bị báo giới Pháp hạch hỏi về vấn đề tự do tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lớn tiếng biện hộ Việt Nam là một quốc gia tự do vì đã tranh đấu giành độc lập từ nhiều đế quốc lớn trên thế giới. Lập luận ấy về sau cũng được các nhà lãnh đạo và giới truyền thông lặp lại: Việt Nam độc lập nghĩa là Việt Nam đã tự do; Việt Nam tự do nghĩa là mọi người Việt Nam đều được tự do.
Khi Phạm Văn Đồng tuyên bố như thế ở Pháp thì ở Việt Nam, vào thời điểm mấy năm đầu thời hậu chiến, hàng trăm ngàn sĩ quan và công chức thuộc chế độ cũ bị giam trong các trại cải tạo; chế độ lý lịch thống trị mọi sinh hoạt xã hội, từ công ăn việc làm đến giáo dục; chính sách hộ khẩu và chính sách lương thực buộc chặt mọi người dân dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của công an địa phương; ngay cả việc đi chùa hay đi nhà thờ cũng bị theo dõi; mọi việc phát biểu công khai đều bị ngăn chận và cấm đoán; v.v… Ngay sau này, tình hình tuy khá hơn chút ít, nhưng tự do cá nhân vẫn hạn chế. Tất cả các cơ quan ngôn luận đều nằm trong tay nhà nước và luôn luôn bị kiểm duyệt nghiêm nhặt. Các cuộc bầu cử được tổ chức định kỳ chỉ là những màn biểu diễn vụng nhằm hợp thức hóa những sự bố trí nhân lực của đảng Cộng sản mà thôi.
Trở lại với nhận định nêu trên: nền tảng của dân chủ là việc nhìn nhận quyền của từng cá nhân, bất kể là cá nhân nào, trong xã hội. Đó là điểm xuất phát đồng thời cũng là mục tiêu của dân chủ. Dân chủ sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu nó không nhằm phát huy sự bình đẳng và tự do của mỗi người với tư cách là cá nhân; không nhằm phát huy nhân quyền nói chung. Hơn nữa, chỉ có dân chủ mới bảo vệ được nhân quyền. Tranh đấu cho nhân quyền, do đó, bao giờ cũng gắn liền với việc tranh đấu để xây dựng một nền dân chủ thực sự.
Nguyễn Hưng Quốc