Hình ảnh và hình tượng - Dân Làm Báo

Hình ảnh và hình tượng

Người Buôn Gió - Hôm nay thì gia đình ông Vũ nói rằng, có thể ông Vũ không được đeo cà vạt vì người ta sợ ông ấy bị vướng cổ, không cho đi giày vì sợ ông Vũ chạy mất, không cho mặc áo vét mùa hè lý do vì ông Vũ có áo vét mùa đông rồi. Hay chăng người ta muốn ông Vũ phải xuất hiện với bộ dạng không tươm tất, như thế mới chứng minh được cái oai của cơ quan pháp luật, của chính quyền Việt Nam. Còn chuyện luận rõ tội thế nào không quan trọng? Kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng vẫn là tiểu nhân...

Ai cũng muốn mình có một ngoại hình đẹp, bởi thế mới có những hãng thời trang, quần áo hiệu, và cả những trung tâm chăm sóc sắc đẹp, mỹ phẩm, spa, thể hình,thẩm mỹ....tất cả những thứ đó để tạo lên một hình ảnh bề ngoài đẹp mắt, ưa nhìn. Làm đẹp hình ảnh là điều tốt, đó còn là tôn trọng người khác, tôn trọng bản thân mình. Các cụ có câu '' cái răng, cái tóc là góc con người''

Hình tượng thì khác hơn, hình tượng hình thành từ tư duy, hành động, lời nói, cách cư xử, cách sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xuất hiện với trang phục giản dị nhất mà ông ta có thể. Thế nhưng hình tượng giản dị, dễ mến, dễ gần của ông luôn gắn bó với nhân dân Việt Nam. Có lẽ sự giản dị của ông khiến người dân mến ông nhiều nhất, hơn cả những quyết sách chính trị mà đầu óc người dân bấy giờ khó phân định được hiệu quả đến đâu.

Trong phiên tòa 4-4-2011 mà tòa án Hà Nội xử ông Cù Huy Hà Vũ. Người ta thấy một hình ảnh Cù Huy Hà Vũ oai phong, đường hoàng trong gương mặt, ánh mắt cùng với lời nói. Bộ complet với ca vát đỏ tăng thêm vẻ khí phách của ông. Nhìn ông không ai nghĩ đó là một con người đang ở trong xa lim nhà tù, hình ảnh của ông Vũ trong ngày ra tòa sơ thẩm không có dáng dấp của một phạm nhân, nói gì thì nói đó là dáng dấp của một vị anh hùng, bất luận là của bên nào đi nữa thì khí phách ấy không thể không công nhận.

Với các bậc nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam đều có một ban hình ảnh riêng, cỡ phó thủ tướng đã có rồi. Những bức hình chụp đều được kiểm duyệt chặt chẽ bởi ban này, họ có nhiệm vụ chọn sao cho vị nguyên thủ xuất hiện hình ảnh ở công chúng được ấn tượng nhất.

Có lẽ hình ảnh ngày mà ông Cù Huy Hà vũ ra tòa ngày 4-4 -2011 quá đường hoàng, đĩnh đạc, khiến phiên tòa vốn đã nhập nhèm càng trở nên tệ hại bởi hình ảnh của ông Vũ. Với quan niệm hình ảnh của nguyên thủ phải thật oai phong, hình ảnh của tội phạm, nhất là tội phạm chính trị phải hèn yếu. Cho nên báo chí Việt Nam thường rình lúc người ta mỏi cổ cúi đầu để chớp lấy lua loa rằng '' bị cáo đã cúi đầu trước vành móng ngựa''. Thực ra cái chỗ tòa ngồi ở Việt Nam bao giờ cũng được bố trí cao, cố tình như vậy để bị cáo ngẩng cổ lên trông cũng tội, mà cúi đầu trông cũng tội. Việc cổ ý sắp đặt thế này cốt để hạ thấp người bị đưa ra xét xử ngay từ bước đầu,mặc dù tòa chưa định tội cho họ.

Hôm nay thì gia đình ông Vũ nói rằng, có thể ông Vũ không được đeo cà vạt vì người ta sợ ông ấy bị vướng cổ, không cho đi giày vì sợ ông Vũ chạy mất, không cho mặc áo vét mùa hè lý do vì ông Vũ có áo vét mùa đông rồi.

Hay chăng người ta muốn ông Vũ phải xuất hiện với bộ dạng không tươm tất, như thế mới chứng minh được cái oai của cơ quan pháp luật, của chính quyền Việt Nam. Còn chuyện luận rõ tội thế nào không quan trọng?

Kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng vẫn là tiểu nhân.

Hình ảnh có thể dễ dàng bôi nhọ, nhưng hình tượng mãi mãi không bao giờ xuyên tạc được, hình tượng xấu hay hình tượng tốt cũng vậy . Hình tượng xây dựng được khi đã tạo dấu ấn trong trái tim, trong tấm lòng, trong ý thức của nhiều con người, bởi thế âm mưu bôi nhọ đê hèn đến đâu chỉ có tác dụng ngược lại.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo