Lá cờ trắng của Chính phủ - Dân Làm Báo

Lá cờ trắng của Chính phủ

Đào Tuấn - Dư luận đang cười rớt răng với những lời “sấm”, nổ vang trời, của “nhà tiên tri” Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Chả biết có thực là Việt Nam không còn trận động đất nào “quá 4 độ richter” (từ 29-5 đến đêm giao thừa Tân Mão) nữa hay không. Chỉ biết là ông đã từng có “tiền sử” tiên tri trật lất nhân chuyện ngăn mưa dịp Đại lễ. Ông Tuấn Anh dại, hoặc ông không quan tâm đến kinh tế, chứ nếu ông suy đoán về lạm phát của nền kinh tế Việt Nam thì kiểu gì cũng nổi cỡ Nostradamus, vớ vẩn được coi như “trạng” như chơi.

Chỉ tiêu lạm phát, một lần nữa, và chỉ chưa đầy 30 ngày sau lần “điều chỉnh” thứ nhất, lại tiếp tục được “điều chỉnh”. Báo chí thân chính phủ dùng một chữ rất “điêu”: Nới. Chính phủ xin nới chỉ tiêu lạm phát lên 17%.

Thực ra, từ hồi tháng 5, tại Hội nghị thường niên ADB, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc đã “nới” lần thứ nhất khi ông nói Việt Nam cố gắng giữ lạm phát cả năm ở mức 11,75% (và tăng trưởng là 6%). Sau đó chỉ 1 tháng, ngày 3-6, Chính phủ công bố “điều chỉnh” chỉ tiêu lạm phát ở mức 15%. Gần đây nhất, ngày 30-6, chỉ tiêu lạm phát một lần nữa lại được điều chỉnh: “Không quá 17%”. Vấn đề có thể “tiên tri” được ngay: 17% chắc chắn chưa, chính xác là không phải là con số cuối cùng. Chính Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng “thật thà” rằng: 17% là con số… “phấn đấu”. Rằng: “Khả năng giữ được 17-18% cũng là tốt”.

Thực ra, căn bệnh “điều chỉnh” đã mãn tính rồi. Năm ngoái, chỉ tiêu lạm phát cũng 7%. Sau 4 tháng đầu năm, Chính phủ bảo phải 8% chứ không thể 7 được. Và mặc dù tháng nào cũng có đánh giá “kinh tế chuyển biến tích cực”, năm nào cũng có “nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô” và ra rả là “bài ca kiên quyết” nhưng kết quả thì lại là “điều chỉnh”. Điều chỉnh nhiều quá, điều chỉnh dày quá, đến mức có cảm giác lạm phát tăng đến đâu thì Chính phủ xin điều chỉnh đến đó. Và hoá ra, điều hành kinh tế vĩ mô còn dễ hơn làm tiên tri. (Xin mở ngoặc về Bộ trưởng Phúc, chỉ ngay hôm sau, ngày 1-7, trong cuộc họp cấp cao Uỷ ban Hỗn hợp sáng kiến chung Việt- Nhật, ông Phúc nói rằng: Kiềm chế được lạm phát. Ô hay, trần đời có một: chỉ tiêu cả năm 7% mà lạm phát 6 tháng đã gần gấp đôi mà vẫn được coi là kiềm chế được lạm phát!).

Năm ngoái, lạm phát cả năm ở mức: 11,75%. Mà hai con số, theo lý thuyết kinh tế, là lạm phát phi mã. Năm nay, con ngựa bất kham có tên là lạm phát còn về đích sớm hơn nhiều. Hết tháng 5, lạm phát đã vọt lên trên 13%. Không điều chỉnh không được. Nhưng lạm phát đến đâu điều chỉnh đến đó thì chỉ tiêu đặt ra để làm gì? Và đến cuối năm, liệu Thủ tướng Chính phủ có dám đứng ra để nói rằng đã không hoàn thành nhiệm vụ mà QH, cơ quan đại diện của dân giao phó?!

Chưa có tính toán cụ thể 1-2% lạm phát mà Chính phủ xin “nới” sẽ ảnh hưởng thế nào đến dân chúng, chỉ biết là cuộc sống trở nên khó khăn hơn với liên tiếp những cú bão giá giáng vào thiên linh cái.

Với nguy cơ lạm phát nhãn tiền có thể gấp tới 3 lần chỉ tiêu được QH giao (7%), câu hỏi không thể không đặt ra là vì sao chỉ tiêu lạm phát lại được tiên tri trật lất như vậy. QH quá lạc quan, quá chủ quan, quá thiếu hiểu biết để đưa ra một con số giời ơi đất hỡi, sai bét nhè so với thực tế? Hay bọn kinh tế thế giới, yếu tố thuộc về khách quan, diễn biến lung tung làm ảnh hưởng đến Việt Nam ta?

Nhưng nếu cái gì cũng được quyết định bởi…yếu tố khách quan thì cần quái gì đến bộ máy chính phủ!

Cái sự xin nới, nói trắng ra, là lá cờ trắng mà Chính phủ đưa ra trước bọn địch lạm phát.

Đào Tuấn



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo