Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại - Dân Làm Báo

Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại


Hoa Sương Tuyết (danlambao) Vừa mới ra trường, Vũ Đức Tuấn được bố trí công tác tại lực lượng anh ninh  Hà Thành. Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ đều là thanh niên xung phong chống Mĩ nên từ nhỏ Tuấn đã được dạy bảo để thấm nhuần lòng yêu nước. Và một trong những lí do để cậu thi vào ngành an ninh chính là để phục vụ nhân dân, báo đáp ơn nghĩa của họ đối với cha mẹ mình trong những năm kháng chiến.
Ra trường với lon thiếu úy trên vai, được công tác gần nhà là một hạnh phúc lớn với cậu nhưng cũng là nỗi bất hạnh cho hai ông bà già  tuổi đã xế chiều.

Được tin sắp có cuộc tụ tập đông người tại vườn hoa Lê-nin trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc, lực lượng an ninh Hà Thành được chỉ thị phải  cô lập, giải tán được đám đông ấy bằng mọi giá, kể cả dùng biện pháp mạnh. Lần đầu tiên tham gia một sự kiện quan trọng như vậy trong thâm tâm Tuấn mừng lắm. Cậu nghĩ thầm: “Đây là dịp may hiếm có để thể hiện bản thân mình với cấp trên, được thực hiện lí tưởng bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc chống lại âm mưu diễn biến hòa bình hòng lật đổ chính quyền nhà nước.”

Lệnh được ban ra, các đơn vị nhanh chóng triển khai vào cuộc. Chỉ tội cho Tuấn lần đầu làm nhiệm vụ cậu vô cùng hồi hộp, 3 giờ sáng mới tập trung tại cơ quan nhưng cậu không tài nào ngủ được, cứ đi lại trong phòng không biết bao nhiêu lần.

Giờ khắc cũng đã đến. Mới sáng sớm hàng trăm người biểu tình từ nhiều ngã  đường tiến về vườn hoa, trước Sứ quán Trung Quốc. Những tiếng hô to: Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam, đả đảo bọn Trung Quốc vang lên trong đám đông ngày càng nhiều. Trong số những người dẫn đầu đoàn biểu tình, người ta nhận thấy những mái tóc đã điểm màu hoa râm, có người còn chống cả gậy; thanh niên có, sinh viên có, phụ nữ con nít cũng không ngoại lệ. Cả một góc trời rực đỏ cờ đỏ sao vàng. Đối lập với điều đó là cả một rừng sắc lính đủ loại:an ninh, công an, dân phòng… chìm có, nổi có  với khuôn mặt “lăm lăm như thịt hầm nấu cháo”.

Cứ nơi nào có tiếng hô vang lên thì các anh này lại nhiệt tình chạy đến, đấm, đá, thụi bịch. Thôi thì đủ kiểu, miễn sao cho họ im mồm là được. Đỉnh cao nhất là cảnh Tuấn cùng với đồng đội  khiên một người biểu tình – được xem là lì lợm nhất- như cảnh người ta khiên heo tới lò quay; lâu lâu các anh không quên tặng cho người này vài cái đạp ân huệ, vì nó cứ luôn mồm hô: "Việt Nam muôn năm!". Năm ba phút người ta thấy những chiếc xe bus chạy nhanh như ma đuổi để chở vài hành khách khó tính về đồn vì nghe đâu chúng nó quên mang theo tiền, đi biểu tình sợ người ta cướp - chắc họ nghĩ vậy.

Cuộc biểu tình nhanh  chóng bị cô lập và giải tán với lực lượng an ninh công an… hùng hậu.

Cuối ngày hôm đó, họp giao ban, đội của Tuấn được khen không ngớt lời nào là: với hành động dũng cảm mưu trí, bịt mồm kẻ biểu tình lì lợm, cô lập giải tán nhanh chóng đám đông, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của bọn phản động; đặc biệt vị lãnh đạo khen Tuấn không hết lời và hứa sẽ thăng cấp trong nay mai. Điều đó càng khiến cho Tuấn tự hào và hãnh diện.

Tan sở, cậu lấy xe nhanh chóng rời cơ quan về nhà. Đoạn đường từ nhà trên cơ quan cậu đã đi nhiêu lần nhưng sao hồm nay thấy sao nó ngắn vậy hay trong lòng ta đang vui – Tuấn thầm nghĩ. Nhưng cậu không thể ngờ, ở nhà, hai ông bà đang phải chịu cơn  thịnh nộ của búa rìu dư luận.

Hôm nay là ngày đặc biệt đối với cậu và gia đình vì là ngày bố của Tuấn tròn 70 tuổi. Trong đầu, Tuấn định sẽ khoe với bố về chiến công ngày hôm nay như là một món quà sinh nhật đặc biệt tặng cho ông cụ. Nhưng ý nghĩ ấy chợt tan biến khi vừa về đến nhà. Bữa cơm đã dọn sẵn, nhưng không khí bất thường lắm, không còn ánh mắt trìu mến của bố đón cậu thường ngày mà là đôi mắt sắc lạnh, cạnh khóe mắt vẫn còn ươn ướt.

Chưa đợi cậu ngồi vào bàn ông Tư, bố cậu, đứng phắt dậy chỉ thẳng vào mặt Tuấn, giọng đứt quãng:

- Mày có… biết có bao nhiêu người gọi điện đến chửi thẳng vào mặt tao là đã sinh ra một thằng hại dân hại nước không?

Tuấn ngơ ngác không hiểu điều gì thì  ông lại bồi thêm:

- Tao cho mày ăn học là để phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc chứ không phải là đàn áp nhân dân, đàn áp những người yêu nước nghe rõ chưa?

Đến đây Tuấn đã hiểu, cậu bật dậy khỏi ghế, mắt nhìn về phía bố giọng mỉa mai:

- Con thấy mình không có gì sai cả! Nhưng bọn đó mà bố cho là những người yêu nước thì con không thể hiểu nổi bố. Chúng chỉ là bọn trí thức bất mãn, những thanh niên bị kích động được bọn phản động lưu vong hà hơi thổi sức nhằm đánh bóng tên tuổi của mình, nhằm lật đổ nhà nước.

Câu nói của Tuấn khiến ông Tư nghẹn đến cổ nhưng ông vẫn cố giữ bình tĩnh:

- Mày nói ai là bọn trí thức bất mãn, ai đánh bóng tên tuổi? Mày không thấy những người trí thức tóc đã hai màu rồi sao? Mày có nghĩ người ta cần cái danh hảo lắm ở tuổi gần đất xa trời hay sao? Ai là thanh niên bị lôi kéo kích động? Kích động mà chúng nó biết hô đả đảo Trung Quốc bảo vệ quyện lợi cho ngư dân và chủ quyền nước nhà?

Những câu hỏi liên tiếp khiến Tuấn như ngơ người, cậu không biết nói gì chỉ lẳng lặng về phòng nhưng trong lòng vẫn không phục. “Mình chả có gì  sai cả. Đó là lệnh của cấp trên mà cấp trên bao giờ cũng đúng. Mình không thể lung lay ý chí được”  - Tuấn thầm nghĩ trong đầu.

Sau một ngày dài, mệt mỏi Tuấn nằm dài trên giường với nỗi thất vọng nặng nề khi những câu mà bố vẫn văng vẳng đâu đây. Mòn quà đặc biệt cậu định dâng bố thiếu chút nữa khiến ông ấy lên máu về bên kia  thế giới. Tại sao bố không hiểu cho mình - cậu thầm nghĩ.

Chuông điện thoại reo, đó là số của Hà, người yêu của Tuấn. Vừa nhấc máy, Tuấn đã nghe những lời nằng nề từ phía đâu dây bên kia:

- Em không ngờ anh lại thậm tệ như vậy. Anh lại quay lưng đồng bào mình. Một ông già chống cậy mà anh cũng nhẫn tâm đàn áp dã man như vậy. Anh hãy lên mạng mà xem, anh bây giờ nổi tiếng lắm đấy, giọng Hà mỉa mai.

Tuấn chưa kịp thanh minh gì thì điện thoại đã ngắt. Cậu gọi lại bao nhiêu lần cũng không được. Bật máy vi tính, vào google tra thử xem cái bọn phản động này nó nói xấu mình đến cỡ nào. Hình của Tuấn cùng đồng đội khiên người biểu tình đăng trên trang nhất của tất cả các trang lề trái. Tuấn chép miệng: “Đúng là bọn phản động!” Cậu tắt ngay màn hình vì không thể chịu nổi những bình luận phản động thế này. Quá mệt và thất vọng, Tuấn nằm dài thiếp đi khi nào không biết.

Sáng hôm sau, như thường lệ cậu vẫn chạy thể dục quanh khu phố mình một vòng. Nhưng thật lạ, mọi ánh mắt nhìn cậu với vẻ khác thường. Cậu chào ai người ta cũng chẳng phản ứng họ còn nhìn với ánh mắt khinh miệt. Thậm chí có hai ông bà lớn tuổi còn nhổ một bãi nước bọt trước mặt Tuấn. Chạy đã xa nhưng cậu vẫn nghe vọng lại tiến chửi rủa: “Đồ hại dân hại nước. Sao hai ông bà Tư đức độ thế lại sinh ra thằng con như thế này. Thật vồ phúc quá!”

Gần về đến nhà Tuấn ghé vào của hàng bán xôi của mẹ Tám, cái tên mà cậu vẫn thường gọi hằng ngày. Nhưng hôm nay thật lạ. Cậu hỏi mua xôi mà bà không bán, lại còn nói vu vơ: “Tao không bán cho đồ hại dân hại nước”. Câu nói ấy như chạm vào nọc tự ái của Tuấn. Cậu quát lên:

- Bà bảo ai là đồ hại dân hại nước. Bà có muốn tôi lôi cổ bà lên phương hay không? Đúng là giọng điệu bọn phản động!

- Cậu cứ lôi, mà cậu có lôi hết những người  dân Việt Nam yêu nước mà cậu cho là phản động không?

Tuấn điên tiết quay phắt vào nhà. Không nói một lời, khuôn mặt hầm hầm đi nhanh lên phòng của mình. Không khí trong nhà vẫn nặng nề, ông Tư vẫn còn giận đứa con của mình lắm. Bao nhiêu hi vọng ông đổ dồn vào nó mà giờ đây… Không biết ông có còn dám vác cái mặt để đi ra phố nữa không? Ông cứ nghĩ đến cảnh người ta sỉ vào mặt mình: Đồ cha  không biết dạy con, sinh ra kẻ  hại dân hại nước - Nghĩ đến đó ông nghẹn lời rưng rưng nước mắt.

Cả ngày hôm đó Tuấn giam mình suốt trong phòng. Căn phòng tối om, tràn ngập khói thuốc. Cậu miên mang nghĩ đến lí tưởng mà mình theo đuổi. “Tại sao mình làm đúng mà mọi người đều khinh bỉ, xem thường mình? Bọn chúng là phản động chứ yêu nước quái gì? Cấp trên đã chỉ thị như vậy, không lẽ họ đã sai? Nhưng nếu chúng là phản động thì tại sao lại có nhiều người ủng hộ đến như vậy, trong đó có cả bố mẹ mình, cả mẹ Tám nữa?” Hàng loạt câu hỏi vang lên trong đầu không sao lí giải nỗi.

Bỗng Tuấn nhớ đến một câu mà cậu từng nghe đâu đó hồi ở giảng đường: Niềm tin mà không có sự hoài nghi thì đó là niềm tin ngu xuẩn nhất. Nhiệt tình cộng với ngu dốt chỉ thành phá hoại. Chuông điện thoại reo làm cậu sực tỉnh. Ở đầu dây bên kia vang lên giọng nói: “Sắp có biểu tình, mời thiếu úy đến ngay”.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo