Nỗi buồn biểu tình ngày 10/07: Giữ lửa không đều e khó nhóm lại - Dân Làm Báo

Nỗi buồn biểu tình ngày 10/07: Giữ lửa không đều e khó nhóm lại

Phương Bích (danlambao) - Đêm qua xong việc mới vào được mạng xem tình hình thế nào. Thấy bên trang Xuân Diện thông báo hoãn biểu tình ngày 10/7, lý do thì mình đọc mới biết là có vụ an ninh định “làm việc” với người đọc tuyên cáo. Đang mừng rỡ vì được nghỉ một ngày chủ nhật thì ngạc nhiên quá khi lò dò sang trang Dân làm báo thấy vẫn hô hào đi, mình tưởng mọi người không biết nên nhắc họ, thế là bị phản ứng liền. Mình cũng hơi băn khoăn, kể ra đến bây giờ đâu có ai đứng ra tổ chức việc biểu tình, nếu ngày mai một số bà con vẫn đi thì sao?

Vậy là sáng nay vẫn dậy sớm, nấu cơm cho bố xong rồi khoác ba lô lên vai, khóa cửa và lên đường!

Mọi lần gửi xe vào nhà chị gái ở Lý Nam Đế, chả hiểu sao lần này thì lại vào ngồi uống nước ở cà phê 32A Điện Biên Phủ. Đang ngồi chờ mấy cháu đem nước ra thì trông thấy 2 bác quen quen đi qua, chạy vội ra hỏi: các bác đã thấy gì chưa?

Bác gái bảo: chưa, đi một vòng chẳng thấy ai.

Hai bác cũng vào uống nước. Ngồi một lúc, thấy 2 bác nói đi ra chỗ cột cờ, hình như mọi người đang ở đó. Cứ để xe máy ở đó, tôi đi theo 2 bác.

Úi giời, cả cái vỉa hè phía trước cột cờ chỉ toàn bóng áo xanh rêu và áo trắng, dễ có đến bốn năm chục anh. Đến chỗ cổng Viện bảo tàng mới thấy dăm mống dân đứng – xin lỗi vì có cả một bác trai đứng tuổi, trông rất hiền lành. Mọi người chào hỏi nhau xong ngó nghiêng xem có thêm ai nữa không. Hình như phía cuối đường có một số không đông lắm nhưng khuất sau những bóng áo xanh dày đặc nên không rõ là bao nhiêu người. Chỗ tôi đứng có 9 người gồm 4 nữ, 5 nam phần lớn là trung tuổi trở lên cả, chỉ có một cậu là còn trẻ và một cháu trai đi cùng mẹ. Có lẽ đứng mới hơn mươi phút, bên kia đường có một cái xe buýt đỗ xịch lại rồi một toán thanh niên quần bò áo phông cộc tay các loại có đeo băng đỏ túa ra. Tôi cứ tưởng như mọi khi là họ chỉ biểu dương lực lượng lượng thôi, ai dè một ông trung niên mặc áo trắng hùng hổ dẫn toán đeo băng đỏ băng qua đường tiến về phía chúng tôi, ông ta hò hét xua đám trật tự đuổi chúng tôi ra khỏi khu vực đó. Thực sự không quen bị quát nạt thô lỗ thế, tôi lên tiếng phản ứng về thái độ của ông ta, thế là ông ta chỉ tay về phía tôi bảo hai cậu đeo băng đỏ ra lệnh:

- Đưa chị này lên xe.

Hai cậu túm lấy tay tôi, nhẹ thôi nhưng khá là kiên quyết đẩy tôi về phía chiếc xe buýt. Ôi giời, sức tôi thì chỉ cần đẩy nhẹ một cái là ngã, chống lại thế nào được, bởi vậy tôi chả có ý đồ kháng cự, tôi bảo:

- Cứ từ từ, lên thì lên chứ sợ gì

Và chả cần lôi kéo, tôi tự bước lên xe buýt, thoải mái tìm chỗ ngồi. Thực ra lúc ấy tôi cũng tự trấn tĩnh mình thôi chứ làm sao có thể dửng dưng được khi một mình mình ở giữa những con người mà mình không thể lường trước được những hành động của họ. Những chuyện họ đối xử thô bạo, thậm chí xảy ra những chuyện chết người mà sau này họ cứ nói là do tai nạn, hoặc chống người thi hành công vụ đăng đầy trên các mặt báo. May quá sau đó tôi thấy tất cả những người đứng cùng tôi đều lần lượt bước lên xe. Nỗi lo lắng của tôi biến mất. Chỉ có 9 người chúng tôi thôi mà có đến mươi mười lăm vị tháp tùng, trong đó có vài anh CSCĐ to cao như hộ pháp không hề ngồi mà cứ đứng lừng lững trên xe, kẻ nào mà yếu bóng vía chắc phải chết khiếp. Người đi đường chắc cũng thấy ngạc nhiên trước hiện tượng có đầy CSCĐ và người đeo băng đỏ trên xe buýt, hoặc họ đoán chúng tôi là tội phạm, hoặc là những người quan trọng !!! Hi hi, tội phạm gì mấy ông bà già hết hơi như chúng tôi và một đứa con nít?


Xe chuyển bánh, tôi loáng thoáng nghe nói xe đi về Mỹ Đình. Tôi chả quan tâm đến nữa, quay sang chuyện trò với mấy người phụ nữ. Đang ngoài trời nóng bức thế lên xe có điều hòa máy lạnh thấy tỉnh cả người. Tuy nhiên tôi cũng không khỏi băn khoăn về việc họ sẽ làm gì với chúng tôi.

Từ cột cờ về Mỹ Đình tương đối xa, nhưng vì chả phải tự nguyện đi nên cảm giác mình còn bị đưa đi xa hơn thế, xa lắm lắm. Nhưng rồi đi mãi cũng phải đến, họ đưa chúng tôi vào trường tiểu học Mễ Trì, đồng thời lại là Đồn công an số 1. Thực ra từ lúc lên xe cho đến lúc vào ngồi trong trụ sở đồn công an, thái độ của những người tháp tùng cũng như ở đồn đối với chúng tôi phần lớn là nhã nhặn và lịch sự. Họ gọi từng người sang các phòng khác nhau, yêu cầu viết bản tường trình. Tôi hỏi:

- Chính tôi mới đang muốn hỏi tại sao các anh buộc tôi lên xe rồi đưa về đây, điều đó các anh phải biết chứ?

- Đưa các bác về đây là phải có nguyên nhân…

- Thế thì các anh nói xem tại sao lại bắt chúng tôi?

- Không phải là bắt mà là mời các bác về đây…

- Tôi thì tôi gọi là bắt vì không ai mời như thế cả.

- Thực ra đưa các bác về đây là công an thành phố, còn chúng tôi là công an huyện nên chúng tôi mới phải hỏi các bác.

À ra thế, thôi được, tôi chỉ thích lý sự một tý thôi chứ cứ khai tất tật rõ ràng cho nhanh để cả hai bên cùng đỡ mất thời gian, tôi ngồi hý hoáy viết : Viết theo yêu cầu của công an - chứ không có tường trình gì cả.

Một anh ngó thấy tôi viết dài gật gù: ờ viết càng chi tiết càng tốt. Hừ! chả phải bảo, các anh thì thiếu gì cách để biết về lai lịch của tôi, giấu làm cóc gì. A! ngó thấy địa chỉ cơ quan tôi đang làm việc, anh chỉ huy nói giọng có vẻ rất “cảnh báo” nhé:

- Lấy lời khai của chị này xong thông báo về cơ quan!

Tôi cười khẩy nói to: cứ gửi thoải mái đi

Hừ, không khéo chính tôi mới lại là người phê bình các ông bà nào dám “cạo” tôi về cái vụ biểu tình này ấy chứ. Các ông các bà là người ăn bổng lộc nhiều nhất mà lại không có trách nhiệm gì với đất nước thế à? Ít ra như một cô bạn ở phòng khác thú nhận: chí ít mình cũng phải biết xấu hổ khi sống theo kiểu bịt mắt che tai. Nói chung là tôi chả ngán, dọa nhầm đối tượng rồi bác công an ạ.

Trong khi tôi viết các thông tin về cá nhân mình, các anh í đòi khám ba lô của tôi, bảo nhỡ đâu có bom thì sao. Hê hê, mình trong tay họ, không cho khám mà được à. Nhưng chính thế tôi lại cảnh giác:

- Bỏ ra thì được nhưng đừng có cho thêm cái gì vào đấy nhé, tôi là tôi sợ mỗi thế thôi.

Viết thì có vẻ gay gắt vậy nhưng cả hai bên đều rất thoải mái, thậm chí còn nói với nhau bằng giọng đùa cợt nữa. Mỗi khi họ lấy cái gì ra là tôi lại gióng:

- Loa là tôi mua bằng tiền lương của tôi đấy, không phải tiền tham nhũng đâu. Thương bà con biểu tình hô hét khản cả giọng nên ủng hộ đấy

- Cả nhà tôi có mỗi một cái lá cờ ấy thôi đấy, nhà tôi mà không có cờ treo là tôi cứ bảo tại các anh lấy của tôi đấy

- Đấy là thuốc của tôi. A! cho tôi xin cốc nước để uống thuốc. Đau đầu quá.

Chả là tôi bị xoang nặng mà. Hi hi, một anh công an còn định thử cái loa của tôi nhưng cũng chỉ giả vờ thế thôi chứ nó mà ré lên thì cũng rách việc vì lạy giời nó kêu to lắm.

Một bác tên là Phi Khanh, phóng viên báo “Hội người cao tuổi” vừa bị đưa vào ngồi cùng bàn với tôi. Ôi giời, bác í là nhà báo có khác, nói như súng máy, dứt khoát không cho khám đồ nghề, vặn vẹo anh công an hỏi “cung” bác í phải xưng rõ họ tên, cấp bậc, thưa gửi rõ ràng, bắt phải viết theo đúng lời bác í. Hi hi, tui cá là ông công an muốn nổi đóa lên lắm vì bác nhà báo cứ như mình mới là người yêu cầu công an. Hơ hơ, tôi quay sang bảo cậu công an trẻ đang hỏi”cung”tôi:

- Ờ mà lẽ ra anh cũng nên xưng rõ…để tôi còn biết mình đang làm việc với ai chứ?

Cậu í cười gật đầu, tôi hỏi lấy lệ thôi nên chứ chả quan tâm lắm đâu, thích vặn vẹo nhau tý thế thôi. Nói chung là tôi khá hợp tác nên “cặp” của tôi làm việc nhẹ nhàng chứ không ồn ào như bác bên cạnh. Cũng có lúc cậu í hỏi tôi việc tôi đi biểu tình thế này có ai rủ rê xui khiến không, tôi gần như nguýt cậu í:

- Tôi chán cái câu hỏi này lắm, thế anh bảo tôi ngần này tuổi mà lại phải để ai rủ rê xui khiến tôi một cái việc như thế sao? Chẳng lẽ tôi không có đủ nhận thức về việc mình làm hay sao? Tôi có phải con nít đâu mà để bị người khác dụ dỗ chứ?...mà tôi hỏi anh, tại sao không bắt ngay từ đầu mà để đến lần thứ 6 mới bắt thế?

Tôi làm một tràng, cậu í không phật ý chỉ gật gù ghi chép. Ừ đã nói rồi còn gì, công an thành phố chứ không phải công an huyện “bắt”. Phải nói là nghề của các cậu í chắc đòi hỏi phải kiên nhẫn lắm khi gặp phải những loại hoặc cứng đầu, hoặc lý sự đầy mình, hoặc nói như súng liên thanh như bác nhà báo kia.

“Khai báo thành khẩn” xong, tôi ngồi chờ. Một anh đến ngồi bên cạnh giả vờ hỏi thân tình:

- Đi thế này được bao nhiêu tiền?

Tôi lại nguýt anh ta:

- Anh hỏi thế chứng tỏ nghiệp vụ các anh quá kém, tôi nhận tiền mà lại đi khai với các anh à? Việc đó các anh phải tự điều tra ra chứ.

Anh ta cười:

- Có đấy

- Có mà anh lại còn phải hỏi tôi – Ý là nếu có thì anh cứ việc bắt tôi đi

Ôi giời nói để mà nói chứ cả hai bên cùng biết thừa về nhau, gớm! kẻ nào mà non gan, mặt tái mét, mồ hôi rịn, tay run… có mà chết với các anh í, lúc ấy các anh í chắc chả hiền như khi gặp những kẻ cứ chiếu tướng vào mặt các anh í như thế này đâu. Tôi cứ nhớ mãi cái câu cụ nhà tôi dẫn lời của người Tàu: lý trực khí hùng, lý cong khí đoản là vậy đấy!

Mải kể chuyện quên không nói, trong lúc tôi “cung khai”, hình như có thêm nhiều người được đưa đến rồi cả đưa đi nữa. Trong “đợt” của tôi có một tay người Nam Định nói năng nhẹ nhàng nhưng lại rất “bạo” mồm, tôi đồ rằng mọi việc sẽ không suôn sẻ với anh ta. Nhưng sau này hình như những người đến từ tỉnh khác họ đều “di lý” trả về tỉnh đó. Thậm chí nghe nói có một cô ở Hà Nam ra có việc, tiện thì ghé tham gia biểu tình luôn, thế là họ tống cô ấy lên xe áp tải về Hà Nam mặc kệ cô ấy kêu la rằng cô ấy đi cùng đứa con chưa đầy ba tuổi của cô ấy lúc đó do người khác bế.

Tôi cứ ngồi chờ chẳng thấy ai hỏi gì đến mình, lại phải lên tiếng:

- Thế nào, còn ai hỏi gì tôi nữa không đây?

- Thôi xong rồi mời chị sang phòng bên.

- Thế mà chả bảo từ nãy.

Sang phòng bên cạnh gặp các bác cùng bị “hốt” với tôi vẫn còn gần đầy đủ. Có bác gái người rất nhỏ bé tên là Thanh - mới hỏi tên- họ cho về từ đời nảo nhưng bác í sợ không dám về một mình mà cứ đòi chờ cả đoàn. Tôi cũng chả hiểu họ định giữ mình vì cái gì nữa. Đang ngồi thấy một gương mặt quen bước vào, tôi bật dậy:

- Úi giời, hóa ra cũng đi à? Tưởng hoãn?

Hai chị em bắt tay nhau thật chặt, cười nói tíu tít, cậu ấy bảo:

- Vừa được các anh ấy “mời” thô bạo về đây

- Thế hả?

Hỏi thế thôi chứ chẳng lạ gì cách mời của họ, nhất là đối với cánh thanh niên. Một tay cầm cái máy quay cứ quay đi quay lại từng gương mặt. Tay này đi, tay khác lại vào chụp, tôi bảo:

- Gớm, chụp gì chụp lắm thế, hỏi cũng thế, hết anh này hỏi lại đến anh khác hỏi, nhiều cửa quá,

Lại cười. Tôi hỏi cậu thanh niên mới vào:

- Này mà cậu tên là gì nhỉ? Khổ, đi biểu tình với nhau mấy lần mà vẫn chả biết tên:

- Em tên Ngữ

- Cho chị xin số điện thoại đi

Hỏi tên, xin số điện thoại liên lạc rộn ràng trước mặt các anh công an, rõ là chả ý tứ gì, tổ chức gì mà non kém thế!

Lát sau họ bảo cậu Ngữ về trước, thấy thế tôi hỏi:

- Thế còn tôi thì sao, còn phải làm gì nữa đây?

- À thôi chị về đi, mấy vị còn ngồi lại là vì chờ lấy máy ảnh, điện thoại.

Thật rõ là, nếu tôi không hỏi thì họ cứ để mặc tôi ngồi đấy đến chiều chắc. Tôi cứ truy việc phải trả chúng tôi về lại cột cờ nhưng biết thừa họ sẽ đánh bài “lờ”. Bác nhà báo Phi Khanh sau khi bị bắt ký vào biên bản không được họ cũng muốn “tống” bác ý về nhưng bác ý cứ đòi tiền xe ôm, dọa nếu không bác í nhất định không về, ông công an bảo ở đến mai cũng được, công an gì mà “cùn” đến thế là cùng.

Tôi nhìn đồng hồ thấy đã hơn 11 giờ, kêu thế là mất toi buổi sáng, đói bụng quá. Ừ thì về , tôi đói lắm rồi, không thi gan được như bác Phi Khanh. Tôi rủ bácThanh đi bộ ra bến xe buýt. Ra đến cửa, tôi chào mấy anh công an:

- Chào các anh chúng tôi về nhé, mà tôi nói trước, chủ nhật tuần sau tôi lại đi đấy.

Mấy tay í chỉ cười chả nói gì. Ra đến sân đầy nhóc các cô chú áo xanh, tôi lại nói tướng lên:

- Tuần sau tôi lại đi đấy.

Hai chị em bá vai nhau vừa cười vừa đi ra cổng. Đi bộ mất gần 100 mét, may thế, bắt được xe 50 về Hoàng Diệu, mất thêm 3000đồng. Thế nào mà trên xe gặp lại mấy người trong đoàn, úi giời, cười nói hỏi han nhau rộn ràng mặc dù mất toi buổi sáng chả hô hét được câu nào.

Tôi đi bộ ngược lại quán cà phê lấy xe. May là cậu bé trông xe không những không phàn nàn gì mà còn hồ hởi kể chuyện có người bị bắt còn để xe đến tận khuya mới quay lại lấy.

Về đến nhà đúng 13 giờ 20 phút, tôi lục ngay nồi cơm nguội, không thèm hâm nóng lại cứ thế vừa ăn vừa vào mạng xem tin tức, cảm thấy hụt hẫng quá, gần như chẳng có tin nào. Hóa ra 9 người chúng tôi bị “hốt” đợt đầu nên còn khá nhẹ nhàng, còn sau đó vào mạng tôi mới biết việc biểu tình vẫn diễn ra trong ít phút nhưng đã bị dập tắt ngay. Tôi có cảm giác chính quyền nhân dịp các nhân sĩ trí thức nghỉ xả hơi không đi hôm nay nên tranh thủ trấn áp thô bạo và quyết liệt chưa từng thấy trong 5 lần biểu tình ở Hà Nội, và có lẽ cũng để “dằn mặt” cho những đợt tới? Trái ngược hẳn với việc giải cứu Nguyễn Tiến Nam tuần trước, lần này người biểu tình đơn độc quá, không đủ sức đối lại với một lực lượng có lẽ không hẳn vì đông hơn mà vì một lý do nào đó? Tuy nhiên thái độ của hai lực lượng “bắt” và “giữ” rất khác nhau. Có phải vì công an thành phố nên “bắt” thì quyết liệt, thô bạo – nghe nói có cả đánh đập chửi bới? còn “giữ” thì là công an huyện nên rất mềm mỏng và không hề có quát tháo to tiếng. Và thế có nghĩa là không phải ai cũng “may mắn” như chúng tôi. Nhìn những bức ảnh trên mạng, tim tôi thắt lại. Các anh ơi, dân mình đấy, chẳng phải quân thù đâu, các anh nên “nhẹ tay”…viết đến đây tôi lại ứa nước mắt..

Nhưng có một điều lạ là công an chỉ hỏi thông tin cá nhân theo thủ tục mà không có vẻ truy hỏi gắt gao chuyện biểu tình, không bắt cam kết không đi biểu tình nữa như tôi vẫn nghe thấy trên mạng mà cứ thế thả về. hay họ chỉ cốt kéo xa chúng tôi ra khỏi cái chỗ í?

Dù sao tôi thấy buồn quá, không muốn tìm hiểu ngọn ngành vì sao mình buồn nữa. Nếu không giữ lửa đều, e rằng khó nhen lại mất.

Hà Nội ngày 10/7/2011

Phương Bích



P/S:

Quên chưa kể một chi tiết. Trong lúc ngồi chờ vì chưa được “chỉ đạo”, tôi có “cãi nhau” với một anh mặc thường phục to béó nom rất bệ vệ, giống “đại gia” hơn là sếp công an chìm:

- Tôi hỏi anh chứ việc tàu Trung Quốc nó cắt cáp dầu khí của mình cả thế giới đều biết, cả nước đều biết, vậy sao bà Phương Nga lại trả lời phóng viên nước ngoài là Bộ Ngoại giao không có thông tin gì về việc này. Rồi nữa, tại hội nghị an ninh ở biển Đông gì đó được tổ chức tại Mỹ, thế giới người ta lên án Trung Quốc, có lợi cho Việt Nam, sao các ông đại diện cho nước ta lại không nói một tiếng nào?

- Ai bảo chị thế?

- Tôi đọc trên mạng.

- Các chị cứ nghe mạng có mà… báo chí của ta nói đầy.

- Báo chí nào nói mà sao dân chúng tôi không hề biết. Nếu mạng nói sai, sao bà Phương Nga, các ông gì đó không lên tiếng phản bác lại đi.

Đương nhiên là ông ta không trả lời, còn tôi có nói chỉ là để được nói vì có ai cho mình cơ hội nói bao giờ đâu, tranh thủ cho các ông í biết quan điểm của người dân một tí. Chẳng lẽ chính quyền chỉ muốn người dân chúng tôi cứ như một cỗ máy, bảo sao nghe vậy ư? Cái gì cũng để nhà nước lo thì chí nguy.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo