Xin chào bạn Đức!
Xin gửi bức thư này tới bạn qua trang báo điện tử và cũng nhân đây muốn gửi tới những người đang có những tâm trạng giống bạn. Trước hết mình xin chia sẻ với bạn về sự cố bị ông Minh – tổ phó an ninh quận Hoàn Kiếm đã dùng giày đạp vào mặt khi bốn người khác đang khiêng bạn lên xe. Sự việc này khiến cho dư luận mấy ngày qua phẫn uất và như những gì tràn đầy trên mạng chắc bạn đã biết.
Mình xin giới thiệu sơ qua, mình (U50) đang làm ở một công ty nhà nước và cách đây chừng 7-8 năm gì đó, mình không khác bạn nhiều: cặm cụi làm việc, phấn đấu để đạt được vị thế trong công ty và cũng không dấu bạn, mình đã hai lần đi học lớp đối tượng Đảng nhưng có lẽ là do số phận run rủi nên cả hai lần mình đều không kết nạp Đảng. Lần đầu do thất lạc hồ sơ, lần sau thì mình đắn đo rất kỹ và rồi mình từ chối, mặc dù tổ Đảng hết lòng tạo điều kiện, đến giờ thì mình có thể nói là mình đã đúng và người giới thiệu mình (lúc đó là sếp tên Hùng) nay đang có ý định xin ra khỏi Đảng, điều này khi viết ra đây có thể sẽ được anh ấy đọc và chắc sẽ tủm tỉm.
Thưa bạn Đức, có lẽ nếu không có vụ việc bắt giam hai nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ sau vụ điều tra PU18 thì có lẽ mình chưa thay đổi cách nhìn về xã hội và chính trị và cũng sau vụ việc đó mình đã cố vượt qua bức tường bưng bít của chính quyền để tìm hiểu thêm về những điều khiến dư luận còn bán tín bán nghi và quan trọng hơn là giúp mình có được một cái nhìn về những khái niệm được coi là nhạy cảm: Tự do, Dân chủ, Quyền làm người, Đa nguyên chính trị, Đa đảng v.v… Đến giờ thì mình không giám nói là mình hiểu hết nhưng mình có thể khẳng định một điều là mình hiểu những giá trị của một nền Dân chủ đúng nghĩa mà hầu hết các nước trên thế giới đang theo đuổi và không phải ngẫu nhiên mà tên nước Việt Nam lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Dân chủ cộng hòa, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Hẳn khi lấy cái tên đầy đủ này, Cụ Hồ cũng đã nghĩ kỹ và không phải chỉ là để trang điểm cho đẹp, bạn có đồng ý với mình không?
“Dân chủ là để người dân được mở miệng” Cụ Hồ đã nói như thế. Nó cho thấy là Cụ Hồ hiểu rõ cái “quyền năng” của Dân chủ (Cụ không thể cụ thể hóa nó). Đối với các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước hiện nay cũng vậy, họ luôn nói về dân chủ. Nào là dân chủ trong Đảng, dân chủ ở cấp cơ sở, dân chủ XHCN, tập trung dân chủ (mấy chữ dân chủ này mình không viết hoa, bạn đọc hết thư rồi sẽ hiểu tại sao).
Vì vậy, có thể nói rằng, Dân chủ là một đòi hỏi chính đáng và cần thiết. Nếu ở các quốc gia Dân chủ đầy đủ (1) thì Dân chủ chính là mục đích phải hướng tới của mọi chính đảng thì ở xứ ta, dân chủ chính là cái bình phong đẹp đẽ để chính thể tồn tại trong khi người dân không thể có được một không gian gọi đúng từ Dân chủ đơn giản như Cụ Hồ đã nói ở trên. Ý của Cụ Hồ là người dân phải được biểu đạt quan điểm, chính kiến của mình, người dân phải được mở miệng để đóng góp ý kiến đa chiều, mở miệng để nói lên nguyện vọng của mình, mở miệng để thúc giục ai đó đừng quên nhường ghế cho những người tài năng được dân bầu (chưa có điều này)…
Vì vậy thưa bạn, khái niệm Dân chủ không thể là từ nhạy cảm và “bọn dân chủ” càng không phải là bọn xấu như bạn nghĩ: “À cái thằng Nguyễn Tiến Nam, cho chết, ai bảo đi với bọn dân chủ”.
Thưa bạn Đức, khi đọc bài “hậu Nguyễn Chí Đức” mình không khỏi ngạc nhiên là bạn lại “dị ứng” với hai từ Dân chủ đến thế và điều mình ngạc nhiên hơn chính là bạn đã trả miếng và bỏ rơi người bạn đi cùng trong đoàn biều tình khi anh đó bị bắt, đây là một điều tối kỵ vì đoàn biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm lược thế mà bạn lại có thể phân biệt chính kiến của họ. Vậy nếu bạn bị bắt thì người ta lại bảo “à thằng này đi với bọn chống lại người yêu nước, đừng cứu nó” thì bạn nghĩ sao? hay là bạn lại bảo là mình sẽ được tha vì cùng hội cùng thuyền với họ? Bạn Đức đã đọc chuyện “hai người bạn và con gấu” chưa? hay đáo để đó bạn.
Thưa bạn Đức, có lẽ bạn chưa có đủ thông tin về những nhà hoạt động dân chủ (đúng nghĩa), tại sao trong khi họ đang có cuộc sống khá đầy đủ, an bình lại dại dột làm những việc mà chính quyền không ưa để phải chịu cảnh tù tội? có phải họ thiếu hiểu biết trong khi họ là luật sư, trí thức? có phải họ tham chức tham quyền khi có người đã đầu bạc răng long? có phải họ có tham vọng giàu sang phú quý khi họ đã có nghề nghiệp ổn định, thu nhập đủ sống, vợ đẹp con khôn? tại sao họ biết là có thể nguy hiểm cho bản thân và hệ lụy xảy đến với gia đình mà vẫn cứ làm?
Có lẽ bạn đã có câu trả lời cho mình và nếu bạn không có đủ những phân tích cho mình thì bạn khó có thể hiểu, thông cảm, đồng cảm để rồi ủng hộ, cổ vũ và ngưỡng mộ họ.
Thưa bạn Đức, có lẽ nói nhiều cũng không đủ nhưng nếu không nói thì bạn chưa thể hình dung ra, vâng, tôi nói điều này nhưng vẫn nghĩ rằng bạn không hoàn toàn không có những thông tin cho mình, cho dù chỉ là thông tin được kiểm soát có lợi cho ai đó. Những ví dụ sau đây có lẽ sẽ giúp bạn có những so sánh về một nền Dân chủ đầy đủ với một nền dân chủ XHCN:
VD1: Như bạn đã thấy, bạn đã tham gia biểu tình chống TQ nhiều lần, điều này thể hiện tình cảm và nguyện vọng của bạn và đây là một hành vi thể hiện một sinh hoạt Dân chủ và được pháp luật công nhận. Thế nhưng một điều mà bạn biết là chính quyền đã ra sức gây cản trở, đàn áp ngày càng khốc liệt. Hành động xúc phạm đến thân thể của bạn khi bạn không có khả năng tự vệ là một hành động phi đạo đức và phạm pháp, nếu ở một xã hội Dân chủ thì điều này chắc chắn không thể xảy ra vì người phạm pháp sẽ bị xét xử trước pháp luật và điều quan trọng hơn là chính đảng để xảy ra sự cố như vậy sẽ không được người dân tín nhiệm và sẽ bị thay thế bằng một chính đảng khác. Có thể bạn nghĩ điều này không to tát gì nhưng nếu vậy thì bạn đã nhầm vì hễ có bất kỳ một sự cố nhỏ nào sẽ bị các chính đảng đối lập tận dụng để hạ KO họ cho nên họ phải hết sức thận trọng và những điều đã được hiến pháp, pháp luật bảo vệ thì phải luôn lưu ý.
VD2: Nếu bạn đọc những thông tin trên báo, bạn sẽ thấy không ở nơi nào mà cái “văn hóa chịu trách nhiệm” hay “văn hóa từ chức” lại cao như ở các nước Dân chủ đầy đủ. Tôi xin trích dẫn vài sự kiện ở gần ta: Ở Hàn Quốc, một ông bộ trưởng đã từ chức vì đã quy hoạch sai một dự án xây dựng, bộ trưởng quốc phòng phải từ chức vì không thể bảo vệ người dân trên hòn đảo bị Bắc Triều Tiên nã pháo, Thủ tướng Hàn Quốc đi đánh golf trong khi có nhiều sự kiện xảy ra ở Hàn Quốc (trong đó có đình công của ngành đường sắt) đã tự thấy không xứng đáng làm thủ tướng nên phải từ chứcvv… Còn ở Nhật Bản, Thủ Tướng đương nhiệm đã quyết định không hưởng lương cho đến khi khắc phục xong sự cố ở nhà máy điện hạt nhân, Bộ trưởng Nông nghiệpTakehiko Endo đã từ chức vì hợp tác xã nông nghiệp do ông đứng đầu đã nhận 9.930 USD tiền trợ cấp của chính phủ đối với nông dân trồng nho hồi năm 1999 bị thiệt hại do thiên tai nhưng đã sử dụng sai mục đích.vv… Tại Ấn Độ, bộ trưởng giao thông phải từ chức khi để xảy ra sự cố tàu lửa đâm nhau vv…
Còn ở xứ ta thì sao? bạn có biết một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng.” Có phải do lãnh đạo của ta làm tốt hơn ở các nước dân chủ không hả bạn? Nếu bạn theo sát tình hình thì sẽ thấy không ở đâu mà việc để thất thoát tới hàng tỷ USD như tại Vinashin lại chỉ để “rút kinh nghiệm” như ở xứ ta. Bạn có biết chừng ấy tiền là lớn như thế nào không? Nó có thể làm một bác nông dân hoa cả mắt lên vì quá nhiều số 0.
Tôi xin trích dẫn câu nói của một doanh nhân Nhật “ở Việt Nam, nếu một ngày không có tham nhũng thì mọi hoạt động sẽ bị ngưng trệ”. Có lẽ câu nói này đã khái quát viễn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay vì ngay như ở trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng thì nếu không có công nghệ bôi trơn thì không thể dành được dự án, thậm chí bỏ tiền ra rồi mà còn thua do anh khác chi mạnh hơn. Tôi có thể khẳng định điều này vì công ty mà tôi đang làm việc (tôi chỉ là kỹ sư quèn) cũng không phải là ngoại lệ, điều này đang đặt ra cho tôi một sự lựa chọn trớ trêu là hoặc tôi tiếp tục nhận những đồng lương không hoàn toàn chính đáng hoặc tôi bỏ việc. Tôi đã tâm sự với anh bạn là trưởng phòng về điều này, anh cười nói rằng, nếu thế thì em không thể tìm đâu ra một nơi khác, chấm hết.
Thưa bạn Đức, nếu bạn tinh ý, bạn sẽ thấy rằng nhiều vụ án nổi đình nổi đám nhất ở VN lại liên quan tới nước ngoài, không phải do bọn tư bản nó xấu hơn đâu bạn. Đành rằng những công ty có dính dáng chuyện đưa hối lộ đều xấu nhưng nó nói lên điều gì? Đó chính là sự minh bạch trong hệ thống kiểm soát hoạt động của nền kinh tế của các nước đó nên các dự án đầu tư ở nước ngoài cũng không là ngoại lệ . Các vụ Đại lộ Đông - Tây hay vụ “in tiền polyme” nếu ở các nước Nhật và Úc không phát hiện ra thì có lẽ đây sẽ là những công trình tiêu biểu về sự minh bạch và trong sạch??? trong khi đó bạn Đức biết không? riêng gói thầu dịch vụ tư vấn dự án đại lộ đông tây chỉ chiếm một phần nhỏ của cả dự án lớn này, nó cho thấy mức độ bị thất thoát là lớn thế nào và sự “kín kẽ” trong các mối quan hệ của ban quản lý và các công ty Việt Nam là tốt ra sao???
Còn nhiều, nhiều lắm…bạn ạ! (nếu có điều kiện, tôi sẽ gửi cho bạn).
Đến đây tôi có thể tạm kết luận rằng, Dân chủ không phải là điều xấu, Dân chủ không phải là nhạy cảm. Nếu một xã hội nào coi đây là nhạy cảm thì chính họ đang phản lại Dân chủ;
Dân chủ tạo ra các chính phủ thông minh góp phần đưa đất nước phát triển nhanh chóng (ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt – TGĐ Invest Consult Group); Dân chủ đem lại gía trị tinh thần cho người dân vì họ có quyền bày tỏ quan điểm, tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử…;
Dân chủ giúp làm triệt tiêu các phe nhóm lợi ích móc xích với nhau nhằm rút ruột tài sản của dân;
Dân chủ sẽ khiến cho kiểu cai trị cha truyền con nối (chế độ phong kiến và chế độ cộng sản) không còn đất sống.
Dân chủ sẽ tạo nên môi trường chính trị bình đẳng, Dân chủ tạo ra sự công bằng về mặt luật pháp vì chỉ trong chế độ Dân chủ thì mới có nền pháp trị, chỉ có Dân chủ mới có tam quyền phân lập.
Dân chủ sẽ là cẩm nang tốt nhất cho mọi quan chức để họ được nhắc nhở thường xuyên là họ đã làm tốt công việc của mình hay chưa và khi nào thì họ phải nhường ghế cho những người có tài, có đức và thuyết phục được người dân chọn họ bằng lá phiếu thông qua chương trình hành động cụ thể và những thành tích mà họ đã gầy dựng.
Dân chủ phá tan bức tường ngăn cách chúng ta với thế giới, giúp đất nước hội nhập sâu rộng; giúp đất nước chúng ta có nhiều bạn tốt.
Dân chủ không phải là một điều gì xa vời mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mọi người dân nói chung từ vật chất tới tinh thần. Dân chủ có trong từng mảnh quần, manh áo, có trong từng bát cơm, ly nước của bạn, của tôi, của mọi người;
Và… Dân chủ là được tư do biểu tình chống xâm lược mà không bị khiêng như heo, dẫm vào mặt, bạn Đức ạ.
Có lẽ đến đây bạn không còn dị ứng với “bọn dân chủ” nữa chứ?
Bây giờ tôi mới giải nghĩa vì sao tôi không viết hoa từ dân chủ mà nước ta đang xài. Đó là vì đây là thứ dân chủ giả hiệu. Bởi vì ngay cả trong Đảng vẫn chưa hề có dân chủ (bạn tham khảo những bài về “dân chủ trong đảng”) nói gì trong toàn xã hội. Bởi vì vậy, từ này tôi không viết hoa mà viết thường, tôi nghĩ là họ (chính quyền) không nên nhắc tới hai từ Dân chủ đẹp đẽ thì hay biết chừng nào nhưng họ lại muốn dùng nó làm bức màn nhung che chắn cho họ. Vậy đó bạn Đức ạ.
Thôi nhé bạn, chúc bạn khỏe và cố gắng cùng tham gia những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và đừng quên ra tay giải cứu binh nhì nghe. Tạm biệt bạn!
Xin cám ơn các trang báo điện tử giúp tải bức thư này!
Sài Gòn chiều thứ 7, trước cuộc biểu tình tại bờ Hồ Gươm một ngày.
TB: Mình xưng hô thế cho thân mật, nếu có phạm thượng thì mong bạn bỏ qua cho.
(1) Dân chủ đầy đủ để phân biệt với dân chủ giả hiệu (TQ, VN…) đang xài và dân chủ nửa vời (Nga, Cam Pốt…) đang xài