Mẹ Nấm - "Nhất khứ bất phục phản", nhắc đến cụm này, nói cho rõ hơn, người ta sẽ nhớ đến câu thơ kết trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Nghĩ khác chút nữa, người ta sẽ nhớ đến hình ảnh Kinh Kha tiến đến bờ Dịch Thủy.
Hôm nay, nhắc lại câu này để nhớ đến phiên tòa ngày 4/4/2011 tại phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Không cần nói gì thêm bởi người ta sẽ nhớ đến phiên tòa như là một sự kiện. Có lẽ không nên nói gì thêm, bởi phiên tòa không phải là hiện tượng hay "triệu chứng" nữa, mà là một sự kiện lịch sử thật sự. Và, điều để đánh dấu phiên tòa là nằm ở câu nói cuối cùng của "bị cáo".
"Tổ quốc và nhân dân sẽ phá án cho tôi."
Trong lịch sử, các phiên tòa xử những người "nói tiếng Việt". Những câu nói cuối của bị cáo tại tòa thường là tâm điểm chú ý, là "điểm nhấn" quan trọng nhất của sự kiện. Nhất là những phiên tòa mang "màu sắc chính trị".
Thậm chí, chưa đến phiên xử cũng đã có những câu không dễ quên. "Ngục trung nhật ký" có hai câu hỏi khá hay.
"Có tội gì đây ta thử hỏi.
Tội trung với nước với dân à?".Quay lại câu nói: "Tổ quốc và nhân dân sẽ phá án cho tôi".
Rất trân trọng khi không nhắc tên tác giả câu nói ngay từ đầu. Và nếu nhắc, xin được gọi tác giả với cách gọi thông thường đầy quý trọng và kính nể là: Tiến sĩ Vũ.
Việc nhà nước bắt tiến sĩ Vũ, về nguyên nhân ai cũng rõ. Điều khiến người ta còn nhắc mãi, đó là "cái cớ" để bắt và giữ tiến sĩ Vũ, từ đó sẽ "truy ngược" lại nguyên nhân.
(Còn nhớ khi bị giữ tại công an phường Tân Thới Nhất, quận 12, khi tranh luận về việc bắt giữ tiến sĩ Vũ, và cả việc "mời tôi hợp tác làm việc bằng cách tạm giữ xe" thì các anh "nhân danh nhân dân" đã nói: "Việc bắt người bằng tội danh nào không quan trọng bằng việc đưa ra xét xử dưới tội danh nào" :))
Sự hài hước có thừa, đến cả người ít quan tâm đến "tình hình chính trị" cũng phải thốt lên rằng: Trò hề vớ vẩn!
Thế nhưng, ở đời này, những sự hài hước vẫn xảy ra hàng ngày đấy thôi.
Đã có không ít người cho rằng, sự kiên 4/4 rồi sẽ qua đi và cũng chỉ là "hiện tượng". Người ta sẽ quên nó như quên việc cứu chữa "cụ" rùa. (Giải thích chút, chữ "cụ" tôi dùng ở đây là để chỉ sự "đại lão" của một động vật, chứ không là cách thể hiện đại từ nhân xưng)
Với những người (không ít) cho rằng vậy, tôi nghĩ, có lẽ không cần bàn thêm với họ làm gì.
"Tổ quốc và nhân dân sẽ phá án cho tôi" - Tiến sĩ Vũ đã phát biểu một câu rất bất ngờ. Bất ngờ cho chính những người mang tiến sĩ Vũ ra xử. Dĩ nhiên, họ nghe và họ hiểu chứ. Và điều quan trọng, họ sẽ hành xử như thế nào với những câu nói "dạng" đó mà thôi.
Bên Tàu, có ông AQ "con đẻ" của ông Chu Thụ Nhân (Lỗ Tấn) cũng có những câu nói. Và đã trở nên châm ngôn cho một giai tầng. Sách giáo khoa Việt có giảng giải thế nào thì cũng phải hiểu một điều, đó là sự chính danh của người phát ngôn. Ngay khúc mở, Lỗ Tấn đã băn khoăn rằng không biết viết cho bác AQ như thế nào cho chính danh. Cái chính danh mà Lỗ Tấn "núp, mớm" cho AQ để nói chính lại là bản thân Lỗ Tấn. Vâng, đúng thế! Ví dụ như khi bị đánh, AQ chẳng làm gì được để chống lại ngoài câu tự xoa dịu bản thân mình như: "Đánh tao như đánh bố nó".., hoặc: "Nhà tao xưa bề thế bằng mấy nhà mày..."
Khi người ta phát ngôn, cơ sở không nằm ở kiến thức, kiến thức chỉ hỗ trợ về mặt ngữ nghĩa. Phải xem cái "danh" có chính khi nói không đã.
"Danh bất chính, tắc ngôn bất thuận"
Tiến sĩ Vũ "đứng" ở đâu khi nói "Tổ quốc và nhân dân sẽ phá án cho tôi"? Liệu chúng ta có phải nghi ngờ về sự chính danh của tiến sĩ?
Bao nhiêu bài báo, bao nhiêu người tập trung xung quanh tòa án, bao nhiêu ý kiến của các bậc trí giả các tầng lớp nhân dân và cả đơn khiếu nại, cả kiến nghị tập thể. Đến cả dư luận quốc tế nữa cũng tham gia trả lời câu hỏi về sự chính danh của tiến sĩ Vũ. Hình ảnh chân thực nhất là dáng hiên ngang của tiến sĩ Vũ từ khi bước vào đến lúc phiên tòa kết thúc, đã khẳng định thêm cho sự chính danh của ông.
Vậy thì điều đặt ra tiếp theo, bên đứng ra xử tiến sĩ Vũ là "tà danh"? Đây là phép suy luận logic thông thường chứ đâu có gì là khó hiểu.
Phiên tòa trong lịch sử, nhà cầm quyền phong kiến thực dân xử cụ Phan Bội Châu. Cụ Sào Nam có chính danh hay không? Phong trào bài khóa, bãi công và biểu tình đòi ân xá cho cụ có chính danh không?
Tất cả những câu hỏi trên đây, nhằm khẳng định lại một điều quá là hiển nhiên. Tổ quốc và nhân dân luôn CHÍNH DANH trong mọi thời đại. Ai có được sự ủng hộ này, đều là những người có tiếng chính danh, và dĩ nhiên những người nào như vậy, cộng thêm với kiến thức và các nhận biết xã hội, họ sẽ nói những điều THUẬN.
"Tổ quốc và nhân dân phá án cho tôi". Thưa tiến sĩ Vũ, câu nói đúng ở mọi khía cạnh đã được khẳng định. Muốn nói thêm với tiến sĩ Vũ rằng, án này không cần phá. Tự thân nó tiêu vong theo lịch sử và sự chính danh của tổ quốc và nhân dân, bởi tiến sĩ Vũ đã đứng về phía nhân dân để nói.
Tổ quốc là khái niệm bất biến, nhân dân cũng vậy. Những nhu cầu của tổ quốc và nhân dân có thể "khả biến" theo lịch sử nhưng những gì thuộc về lợi ích dân tộc luôn là chỗ dựa cho những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích đó.
Hôm nay, những người bắt, xử tiến sĩ Vũ đang cố tình "dựa dẫm" để tạo sự chính danh. Có thể làm vừa lòng hay thỏa mãn một giai tầng nào đó trong xã hội. Nhưng, đó chỉ là sự "tạm bợ" ngắn ngủi. Bởi sự mạo danh luôn là điều "phản thân" tối ưu nhất. Thời gian tồn tại của những kẻ mạo danh không thể gọi là dài. Nói chi đến mãi mãi?
Một tội nhân phạm phải tội mà phải xử ném đá. Những người ném, thứ nhất phải có chính danh, và quan trọng là họ phải sạch tội. Dĩ nhiên, cái gốc để truy tội tức là cơ sở theo đó mà khẳng định tội phải hiển nhiên hoặc được minh chứng là hiển nhiên một cách chắc chắn và thuyết phục.
"Tội" của tiến sĩ Vũ rất lơ mơ. Bởi điều luật để cáo buộc cũng lơ mơ và những người mang ra áp dụng lại càng lơ mơ. Đó là về khía cạnh luật. Bởi sự lơ mơ đó, nên việc tiến sĩ Vũ có chịu mức án nào nữa trong phiên tòa kế đây cũng là sự mù mờ của một "ý thức hệ".
Mong mỏi của tiến sĩ Vũ, án được phá bởi tổ quốc và nhân dân. Cũng đồng nghĩa với việc tổ quốc được đặt lên hàng đầu và nhân dân luôn là gốc của mọi hành vi đúng đắn, mọi sự cố gắng cải tạo xã hội.
Có thể Kinh Kha vượt sông Dịch Thủy và thành công trong mọi dự định thì cũng chỉ nhằm xóa đi một chế độ lỗi thời và tàn nhẫn của nhà Tần, chưa chắc nhân dân (Tàu) đã được lợi ích gì.
Lời nói hay việc làm phản ánh tư duy của chủ thể hành vi. Một tư tưởng tiến bộ sẽ được lịch sử ghi nhận ở sự phát triển xã hội mà nó đóng góp.
Tổ quốc và nhân dân không bao giờ cho cá nhân hay tổ chức nào mượn hoặc mạo danh nhà nước và nhân dân để thực hiện mục đích cá nhân.
Nếu ai đó cố tình "mạo danh" ắt sẽ bị diệt vong nhanh chóng.