Vì sao Hà Nội sợ Bắc Kinh đến vậy? - Dân Làm Báo

Vì sao Hà Nội sợ Bắc Kinh đến vậy?


Song Chi Có lần, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã viết bài “Sao bỗng dưng họ lại hèn vậy?” để bày tỏ sự ngạc nhiên trước cách hành xử của Hà Nội đối với Bắc Kinh trong suốt thời gian qua.

Bởi, theo ông, nếu nhìn lại thời chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến với Campuchia, hay với Trung Quốc năm 1979, thì không ai có thể nói Việt cộng là hèn cả. Vậy mà bây giờ... Cái hèn của những người lãnh đạo Việt Nam trước nhà cầm quyền Trung Quốc đã là điều mà phần lớn người dân, dù có quan điểm chính trị khác nhau, vẫn phải cay đắng thừa nhận!

Câu hỏi tại sao trước kia những người cộng sản Việt Nam không biết sợ và đã đánh thắng nhiều “kẻ thù”- kể cả Hoa Kỳ, còn bây giờ họ lại sợ hãi “người láng giềng, anh em, đồng chí 16 chữ vàng” đến thế. Thiết tưởng cũng chẳng có gì khó hiểu cho lắm.

Riêng trong cuộc chiến tranh với Mỹ và với Việt Nam Cộng Hòa, sự chiến thắng của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, suy cho cùng do họ có rất nhiều lợi thế và biết tận dụng tối đa những lợi thế này.

Thứ nhất, họ đã khai thác được lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm mạnh mẽ của người dân dưới chiêu bài “chống Mỹ cứu nước.”

Thứ hai, lúc bấy giờ Hà Nội có được sự hỗ trợ về nhiều mặt của phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Chẳng hề thua kém gì sự chi viện của Mỹ dành cho Nam Việt Nam. Thậm chí trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến khi viện trợ ở miền Nam bị cắt giảm nặng nề thì ở miền Bắc vẫn hết sức hùng hậu.

Thứ ba, họ rất biết cách tuyên truyền, định hướng dư luận với nhân dân miền Bắc và với quốc tế. Tranh thủ sự ủng hộ của các phong trào phản chiến, phong trào xã hội có tính chất khuynh tả ở các nước phương Tây. Báo chí phương Tây, nhất là báo chí của Mỹ đã góp phần làm cho phong trào phản chiến tại Mỹ dâng cao cộng với dư luận quốc tế dẫn đến việc Mỹ quyết định rút khỏi Việt Nam...

Nhưng bây giờ nếu xảy ra cuộc chiến với Trung Quốc, Hà Nội không còn có những lợi thế đó nữa.

Người Việt Nam muôn đời vẫn là một dân tộc rất có tinh thần yêu nước, nhưng liệu bây giờ đảng cộng sản còn nhận được sự ủng hộ 100% của nhân dân nữa không? Những người đảng viên từ trên xuống dưới, đặc biệt là các cấp lãnh đạo, không còn là những người vô sản. Trái lại, bây giờ họ có quá nhiều thứ để mất, nên tinh thần chiến đấu chắc chắn cũng không thể bằng như ngày xưa.

Việt Nam cũng không còn ai là đồng minh như đã từng có Liên Xô, Trung Quốc... Trước kia, trong cuộc chiến tranh với một quốc gia dân chủ mà chính phủ rất sợ phản ứng của người dân như Hoa Kỳ, ÐCS Việt Nam đã tận dụng điều này để tạo sức ép về mặt dư luận với nhân dân Mỹ. Ðể đến lượt họ, gây sức ép lại với chính phủ Mỹ.

Nhưng với nhà cầm quyền Trung Quốc thì nhà cầm quyền Việt Nam thua vì ÐCS Trung Quốc - cũng giống như ÐCS Việt Nam, thậm chí còn hơn hẳn một bậc, chẳng hề coi nhân dân họ ra ký lô gì.

Dưới sự thống trị của ÐCSTQ, người ta ghi nhận, có từ 60 đến 80 triệu người dân Trung Quốc vô tội đã bị giết hại. Qua các phong trào đàn áp các phần tử phản động, cuộc cải cách ruộng đất, chiến dịch Ðại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa, thảm sát Thiên An Môn cho đến chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công...

Còn nói về việc nướng quân trong chiến tranh thì Trung Quốc sẵn sàng chẳng ngán gì ai. Mao Trạch Ðông đã từng tuyên bố một câu “nổi tiếng” đại ý nếu chiến tranh xảy ra và nếu cần thiết, TQ sẵn sàng hy sinh một nửa số dân! Các cường quốc khác có dám làm như vậy không.

Chưa kể, tất cả những trò ma mãnh, thủ đoạn nào mà ÐCS Việt Nam có thể sử dụng với đối phương thì ÐCS Trung Quốc còn là thầy của họ.

Nếu Hà Nội chuyên nói ngược, nói một đằng làm một nẻo thì Bắc Kinh còn hơn thế nữa.

Cả hai quốc gia này đều nắm trong tay toàn bộ ngành báo chí truyền thông trong nước, tha hồ chỉ đạo cho báo chí nói gì thì nói. Muốn đổi trắng thay đen, sửa đổi lịch sử, muốn tuyên truyền chính nghĩa về phía mình, bôi nhọ kẻ thù, kích động lòng căm thù của nhân dân... tha hồ.

Chỉ qua những sự việc gần đây thì thấy, tàu TQ thường xuyên xâm phạm lãnh hải Việt Nam, có những hành động bắt giữ, cướp bóc, đòi tiền chuộc, đánh chìm tàu của ngư dân, phá hoại tàu thăm dò dầu khí Việt Nam... Nhưng họ lại luôn luôn chối biến và đổ lỗi cho Việt Nam. Cũng tương tự như vậy khi TQ xâm phạm lãnh hải Philippines hay Nhật Bản.

Khi báo chí Việt Nam sau một thời gian dài im lặng đã được phép lên tiếng, khi người dân Việt Nam bức xúc xuống đường biểu tình phản đối TQ, TQ liền răn đe Việt Nam phải “định hướng dư luận,” không được làm ầm ĩ! Trong lúc báo chí của họ từ bao lâu nay liên tục “mắng mỏ,” chửi bới Việt Nam. Hết chửi Việt Nam là “lòng lang dạ sói,” “tiểu nhân bỉ ổi không biết xấu hổ,” lại đòi “tát vỡ mặt,” dạy thêm cho một bài học nữa...

Nhà cầm quyền TQ lại có trăm ngàn cách - từ bao vây phá hoại về kinh tế, xã hội, lũng đoạn chính trị...- để bẻ gãy sự kháng cự yếu ớt nếu có, của tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam. Nói tóm lại, chơi cách nào, chơi kiểu gì thì ÐCS Việt Nam cũng thua trắng tay ÐCSTQ. Ðiều đó lý giải vì sao lâu nay Hà Nội lại hèn yếu đến vậy đối với Bắc Kinh.

Những ngày gần đây, phản ứng của Philippines đối với TQ ngày càng tỏ ra tự tin, cứng rắn hơn khi tuyên bố sẽ kiện TQ lên Liên Hiệp Quốc, tập trận chung với hải quân Mỹ, tỏ ý muốn mua hoặc thuê các thiết bị quân sự của Mỹ để bảo vệ lãnh hải... Mỹ và Philippines cũng vừa kêu gọi đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Ðông ra Diễn đàn an ninh khu vực Ðông Nam Á-ARF v.v...

Ngược lại, nhiều dấu hiệu cho thấy những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam lại đang xuống giọng và có vẻ sẽ chấp nhận đàm phán song phương với TQ.

Một sự kiện gần nhất đang làm người dân Việt Nam hết sức hoang mang lo lắng, là cuộc họp ngày 25 tháng 6 tại Bắc Kinh, giữa Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, và Ủy Viên Quốc Vụ Trung Quốc Ðới Bỉnh Quốc.

Thông cáo báo chí chung Việt Nam-TQ đăng trên TTX Việt Nam tuyên bố rằng hai bên sẽ “đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết ‘Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc’; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.”

Không rõ hai bên cam kết những gì nhưng bản tin trên Tân Hoa Xã ngày 28 tháng 6 thúc giục:

“Việt Nam hãy thực hiện đầy đủ một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam (Biển Ðông) vốn đã đạt được trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt của Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào tuần trước...

Rằng: “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.”

Rằng: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.”

Ðồng thời không quên “nhắc nhở” Việt Nam về bức thư ngoại giao của Thủ Tướng Việt Nam Phạm Văn Ðồng năm 1958 gửi tới Thủ Tướng TQ lúc bấy giờ là Chu Ân Lai, đã công nhận chủ quyền này.

Người dân Việt Nam có cảm giác như vừa mới bị ăn một cái tát từ chính nhà nước. Không bẽ bàng, nhục nhã, uất ức sao được khi người dân sôi sục xuống đường, sôi sục viết tuyên cáo phản đối TQ... Học giả Việt Nam khi tham gia Hội Thảo An Ninh về Biển Ðông tại Washington vừa qua thì đem hết sức ra chứng minh sự sai trái của TQ và khẳng định lập trường kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.

Còn những người lãnh đạo lại lẳng lặng tìm cách thỏa hiệp với TQ, sẵn sàng phản bội lợi ích của dân tộc, đất nước như đã hàng trăm hàng ngàn lần như thế!

Thế giới cũng có cảm giác như bị lừa khi vừa lên tiếng bênh vực, ủng hộ Việt Nam, chỉ trích TQ. Thế mà bây giờ hai nước lại quay ngoắt như vậy.

Chả biết thực hư thế nào nhưng tháng 7 này, giàn khoan dầu khổng lồ của TQ sẽ hạ thủy xuống Biển Ðông. Trong khi đó thì Việt Nam vẫn chưa có một phương cách nào để ngăn chặn. Cũng không có một dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ nhân dịp này thoát khỏi mối quan hệ bất xứng và đầy thiệt thòi, nguy hiểm đối với TQ hoặc sẽ can đảm cải cách chính trị để cứu nước.

Người dân Việt Nam thì vẫn như đang mê ngủ. Có thể đa số đã nhận thấy mối nguy từ phương Bắc nhưng không phải ai cũng nhìn ra hoặc dám thừa nhận, cái nguy lớn hơn, gốc rễ của cái họa mất nước, thực ra là từ chính ÐCS Việt Nam và cái mô hình thể chế chính trị này.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo