Thanh Phương (RFI) - Những hành động đàn áp thô bạo những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội đã gây bất bình trong dư luận và khiến phong trào phản đối Trung Quốc đang dần dần chuyển sang một cuộc vận động đòi thực thi một trong những quyền đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam, đó là quyền biểu tình.
Trong lịch sử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chúng ta đã từng thấy sức mạnh của hình ảnh. Cũng giống như trong thời gian chiến tranh Việt Nam, có thể nói không quá đáng là Mỹ đã thua trận một phần chính là do bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc trần truồng chạy trên đường sau khi trúng bom napalm. Bức ảnh này đã gây xúc động dư luận Hoa Kỳ và thế giới, vì nó thể hiện tính chất phi lý, tàn khốc của chiến tranh, cho dù là với danh nghĩa nào. Nó đã khiến cho phong trào phản chiến ở Mỹ dâng cao đến tột đỉnh, buộc chính quyền Hoa Kỳ phải quyết định nhanh chóng rút quân khỏi Việt Nam, bỏ rơi miền Nam vào tay Cộng sản.
Liên hệ đến tình hình Việt Nam hiện nay, có thể nói không ngoa rằng hình ảnh, hay đúng hơn là đoạn video clip, quay cảnh một công an đứng trên xe bus đạp vào đầu một người biểu tình đang bị bốn công khác khiêng lên xe, là một dấu mốc quan trọng.
Nếu như chuyện này xảy ra cách đây vài năm, có lẽ là đa số độc giả sẽ chỉ nghe loáng thoáng thông tin là biểu tình phản đối Trung Quốc bị đàn áp. Nếu chỉ tay nghe, mà mắt không thấy, thì phản ứng sẽ không mạnh. Nhưng bây giờ, trong thời đại công nghệ thông tin toàn cầu, hầu như ai cũng có thể xem được đoạn video clip nói trên. Chỉ cần vào Goggle gõ hàng chữ « công an đạp mặt người biểu tình », là có thể xem được ngay cảnh đó.
Hình ảnh này ngay khi được phổ biến trên mạng đã gây phẫn nộ cho rất nhiều người, mà tiêu biểu là nhà văn Nguyên Ngọc. Trên trang blog Nguyễn Xuân Diện hôm qua, tác giả của « Đất nước đứng lên » đã viết : « Viên thượng tá mặc áo trắng đứng trên xe đưa tay hằm hằm chỉ huy. Viên đại úy mặc áo vàng, hoàn toàn như một tên lưu manh, thẳng chân đạp vào mặt vào mồm người thanh niên đã bị cả một lũ xúm vào khiêng, kéo như đối với một con vật. Ở bất cứ đâu, trong bất cứ chế độ nào, không thể có cách gọi nào khác đối với hai kẻ ấy: hai tên ác ôn! ». Nhà văn Nguyên Ngọc yêu cầu phải trừng trị hai tên « ác ôn » đó.
Hành động đàn áp biểu tình không chỉ gây phẩn nộ dư luận, mà còn khiến những người biểu tình thêm quyết tâm xuống đường phản đối Trung Quốc, nhưng lần này họ đòi thực thi quyền tự do biểu tình, một trong những quyền tự do đã được Hiến pháp Việt Nam quy định.
Trong lời kêu gọi biểu tình ngày mai 24/7, giới nhân sĩ trí thức đã nói rõ là nếu biểu tình lại bị « ngăn cản, giải tán trái Hiến pháp », họ sẽ yêu cầu Quốc hội khẩn trương ra Luật Biểu tình, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam. Đây cũng là yêu cầu của một số luật sư như luật sư Trần Vũ Hải trong bản kiến nghị ngày 29/6 gởi Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Các cuộc cách mạng có những nguyên nhân xâu xa, nhưng thường bùng lên từ một ngòi nổ, chẳng hạn như Cách Mạng Hoa Lài ở Tunisia đã xuất phát từ vụ tự thiêu của một thanh niên bán hàng rong để phản đối cảnh sát. Hãy còn quá sớm để nói rằng hành động đạp vào mặt người biểu tình, mà có người đã gọi châm biếm là « cú đạp lịch sử », sẽ châm ngòi cho một cuộc « Cách Mạng Hoa Lài » ở Việt Nam, nhưng hình ảnh đó làm nổi rõ một điều, đó là ở Việt Nam các quyền tự do cơ bản của người dân còn bị cấm đoán, hạn chế, nếu không muốn nói là bị đàn áp.
Việc các nhân sĩ trí thức đòi thực thi quyền tự do biểu tình có lẽ sẽ là khởi đầu cho một tiến trình đấu tranh lâu dài hơn cho một nền dân chủ ở Việt Nam. Trong bản kiến nghị « Về vấn đề bảo vệ và phát triển đất nước » , mà nay đã thu thập được hơn 970 chữ ký, các nhân sĩ trí thức cũng đã đưa ra yêu sách là phải « thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định ».