Đất sống cho người khác ý kiến - Dân Làm Báo

Đất sống cho người khác ý kiến

Huỳnh Ngọc Chênh Từ xa xưa đến nay, trên toàn thế giới, chưa có nhà cầm quyền nào cho rằng mình đại diện cho ý chi của toàn dân. Nhà cầm quyền chỉ đại diện cho ý chí của một bộ phận nhân dân. Nhà cầm quyền chân chính hay còn gọi là chinh quyền thì bộ phận nhân dân mà họ đại diện chiếm số đông, nhà cầm quyền khác đại diện cho ý chí của một bộ phận nhân dân không chiếm đa số.

Những nhà cầm quyền chỉ đại diện cho ý chí của một người hoặc của một nhóm nhỏ người thì được gọi là nhà cầm quyền độc tài. Ngày nay những nhà cầm quyền như vậy vẫn còn tồn ở nhiều nước trên thế giới. Hầu hết những nhà cầm quyền độc tài đều cai trị dân bằng các công cụ trấn áp bạo lực, không cho phép tồn tại những người dân bất đồng ý kiến. Những người bất đồng ý kiến bị đưa ra ngoài vòng pháp luật, bị trấn áp tàn bạo và tiêu diệt sạch. Đó là những nhà cầm quyền phong kiến thời xưa, nhà cầm quyền Phát xít ở Đức và Ý, nhà cầm quyền Apacthai ở Nam Phi, nhà cầm quyền Taliban ở Afghanistan, nhà cầm quyền Cộng Sản Pôn Pốt, nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Triều Tiên, các nhà cầm quyền Cộng Sản ở Đông Âu...

Ở Việt Nam, những người yêu nước theo ý chí Cộng Sản đã giành chính quyền (từ do đảng Cộng Sản sử dụng) từ năm 1945. Nhà cầm quyền đó tồn tại liên tục cho đến ngày nay và tự đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản nên được gọi là nhà cầm quyền Cộng Sản.

Do vậy nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đại diện cho ý chí của gần bốn triệu đảng viên đảng Cộng Sản và có thể có thêm ý chí đồng tình của một bộ phận dân chúng không phải là đảng viên nữa. Như vậy vẫn còn một bộ phận dân chúng không đồng ý chí với nhà cầm quyền Cộng Sản. Bộ phận dân chúng đó là những người bất đồng ý kiến. Bộ phận đó chiếm đa số hay thiểu số trong toàn dân là chưa được xác định vì nhà cầm quyền Cộng Sản chưa hề cho tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề nầy.

Những người bất đồng ý kiến cũng có nhiều loại. Có người hoàn toàn chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản và hệ thống pháp luật của nhà cầm quyền nầy bằng những hành động cụ thể. Những người ấy tự đứng ra ngoài vòng pháp luật của nhà cầm quyền Cộng Sản, hoặc tập họp lại thành từng nhóm, hoặc riêng rẽ từng cá nhân, hoặc công khai hoặc bí mật hoạt động chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản. Dĩ nhiên những người đó bị nhà cầm quyền Cộng Sản xem là kẻ thù và họ bị tiêu diệt.

Lại có những người bất đồng ý kiến khác, chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản một cách tiêu cực, họ thấy không còn đất sống trên chính quê hương mình nên từ bỏ quê hương tổ quốc để ra đi. Hơn một triệu người như vậy đã đào thoát vào Nam sau năm 1954, khi nhà cầm quyền Cộng Sản cai trị một nửa tổ quốc phía Bắc và hàng triệu người khác chấp nhận mọi hiểm nguy (bị tù đày, bị bắn chết, bị đói khát trên biển, bị cướp biển hảm hiếp và sát hại...) đào thoát ra nước ngoài sau năm 1975, khi nhà cầm quyền Cộng Sản cai trị trên toàn cõi Việt Nam.

Nhưng cũng còn một bộ phận dân chúng bất đồng ý kiến khác vẫn còn làm ăn sinh sống ngay trên đất nước Việt Nam. Tạm gọi họ là những người bất đồng ý kiến hợp pháp. Họ là những người bất đồng ý kiến nhưng không chống lại nhà cầm quyền Cộng Sản, họ chấp nhận sự cai trị của nhà cầm quyền nầy, tôn trọng luật pháp của nhà cầm quyền nầy đặt ra và thậm chí không dám cho nhà cầm quyền biết rằng họ là người bất đồng ý kiến vì họ tưởng rằng- hoặc nhà cầm quyền làm cho họ tưởng rằng- bất đồng ý kiến là vi phạm pháp luật. Tuy vậy trong số những người bất đồng ý kiến hợp pháp cũng có những người am hiểu luật pháp, họ biết rằng luật pháp hiện nay cho phép họ có ý kiến khác, cho phép họ được bày tỏ ý kiến khác đó của mình.

Nhưng những người bất đồng ý kiến hợp pháp bày tỏ ý kiến của mình bằng phương tiện gì?

Theo luật pháp của nhà cầm quyền hiện hành, tất cả các phương tiện truyền thông trong nước chỉ được cấp phép hoạt động khi nó là của cơ quan của đảng Cộng Sản, của các tổ chức quần chúng của đảng Cộng Sản hoặc của nhà cầm quyền (cũng của đảng Cộng Sản). Dĩ nhiên những phương tiện truyền thông nầy-là hàng ngàn tờ báo, hàng trăm đài phát thanh và truyền hình- là của đảng Cộng Sản nên chỉ đăng tải những ý kiến của đảng Cộng Sản, của nhà cầm quyền Cộng Sản và của những người dân có cùng ý kiến với đảng Cộng Sản. Do vậy ý kiến của những người bất đồng ý kiến hợp pháp không thể nào được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Cộng Sản ấy.

Tuy vậy vẫn có chỗ cho những người bất đồng ý kiến hợp pháp nêu lên ý kiến của mình đó là các phương tiện truyền thông ở nước ngoài và những trang blog, trang web cá nhân.

Luật pháp hiện hành không cấm đoán cá nhân mở trang web riêng, mở blog riêng. Do vậy không những người dân mà các quan chức của đảng Cộng Sản, của nhà cầm quyền Cộng Sản, kể cả những lãnh đạo cao cấp đều có mở trang web riêng của mình.

Vì Việt Nam đã hội nhập với thế giới, đã bang giao chính thức với nhiều nước trên thế giới nên những phương tiện truyền thông của các nước mà Việt Nam đã bang giao như BBC, VOA, RFI, CNN, Hoàn Cầu, NHK, RAI, Đài Bắc Kinh, New york Times...không phải là những tổ chức thù địch. Vì thế công dân Việt Nam xem, nghe hoặc nêu ý kiến trên các phương tiện truyền thông đó đều hoàn toàn không trái với pháp luật. Bằng chứng là các nhà lãnh đạo Cộng Sản của nhà cầm quyền Việt Nam như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Trương Tấn sang...đều đã một hoặc nhiều lần nêu ý kiến của mình trên các phương tiện truyền thông đó.

Chính vì hiểu điều nầy mà thời gian gần đây hàng loạt những người bất đồng ý kiến hợp pháp đã không ngần ngại đăng tải ý kiến của mình trên các trang web cá nhân hoặc trên các đài báo hợp pháp nước ngoài.

Như vậy trên đất nước Việt Nam đang tồn tại một bộ phận nhân dân bất đồng ý kiến hợp pháp được quyền sinh sống làm ăn bình đẳng, được quyền nêu ý kiến bất đồng của mình trên mọi phương tiện truyền thông hợp pháp trong và ngoài nước miễn các phương tiện ấy không từ chối.

Tuy nhiên trong thực tế nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đang gây sức ép lên những người bất đồng ý kiến hợp pháp, đang đối xử với họ một cách thiếu bình đẳng so với những người dân đồng chính kiến (đáng lẻ ra những người bất đồng ý kiến phải được ưu ái hơn vì họ đã bị thiệt thòi là chấp nhận sự cai trị của nhà cầm quyền không đồng với ý kiến của họ). Bằng chứng là càng ngày càng có nhiều người bất đồng ý kiến bị bắt bớ vì lý do nầy lý do khác, tiêu biểu và thời sự nhất là vụ băt bớ và xét xử sai luật nhà bất đồng ý kiến hợp pháp Cù Huy Hà Vũ. Vụ việc nầy đang gây ra những phản ứng không đồng tình trong dư luận cả trong lẫn ngoài nước.(Lý do kết tội chống nhà cầm quyền của ông Hà Vũ cũng như của một số những người bất đồng ý kiến khác là: đã nêu ý kiến bất đồng trên các trang web cá nhân hoặc trên các phương tiện truyền thông nước ngoài).

Tất cả những gì đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây đã gây ra những lo ngại cho những người dân bất đồng ý kiến hợp pháp, họ có cảm giác như bị thu hẹp dần đất sống trên chính đất nước của họ.

Những người dân bất đồng ý kiến hợp pháp, qua các phương tiện truyền thông gần đây cho thấy, họ không bỏ chạy ra nước ngoài nữa, họ ở lại trên đất nước của họ và đang lên tiếng đòi hỏi: Họ phải có đất sống bình đẳng như những người dân đồng ý kiến khác.

Luật pháp của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không chống lại điều nầy.

Chỉ có chế độ độc tài mới không chừa đất sống cho những người dân khác ý kiến.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo