Người Buôn Gió - Công sai bị đánh, nước Vệ xôn xao, báo giới đua nhau lên án kẻ đánh công sai, nào phải trừng trị nghiêm khắc, nào là đạo đức xã hội xuống cấp cần chấn chỉnh. Bọn tuyên huấn được dịp moi tiền lại vẽ ra những dự án cải tạo đầu óc nhân dân sao cho không thằng dân nào dám cựa lại công sai.
Có đứa con gái, tức giận lỡ tay bợp công sai một cái. Lập tức cả guồng máy pháp luật hoạt động nhanh chóng khẩn trương, báo giới thì la làng, quan lại thì tiến hành tố tụng, mới vài ngày đâu vào đấy cả.
Mới được dăm bữa, công sai đang thi hành nhiệm vụ bị kẻ khác dùng gậy sắt tấn công dồn dập, công sai chạy rồi, kẻ kia còn đến tận đồn trú tìm để tấn công tiếp, báo giới, thiên hạ lại được dịp la lối kêu về tệ nạn công sai bị đánh. Hóa ra là kẻ đánh cũng lại là công sai. Thế là im tịt.
Còn chuyện công sai mà đánh người thì sao, công sai đánh thì thường chỉ có chết, mà người đã chết mang đi chôn là hết chuyện. Công sai xứ Thanh giết cả người lớn lẫn trẻ em, bao lâu rồi cũng không thấy báo chí tin tức gì về xét xử, công sai kinh kỳ đánh chết Trịnh lão gia cũng vậy, vụ việc cứ im lìm. Còn ở phía Nam thì Nhật thư sinh chết trong phủ bị kêu là tự vẫn, duy có vụ ở xứ Lạng Giang cũ do tranh chấp chức quan đầu tình mà vụ công sai đánh chết người đầu tiên xác nhận là đột tử, sau chuyển thành gây thương tích mà kêu án.
Phàm những công sai bị đánh, dù nhỏ cũng được làm nhanh chóng. Còn vụ công sai đánh người thì lê thế lắm.
Bởi người ta nhận thức rằng công sai là người của triều đình, chuyện xác minh cần phải cẩn thận không như người thường được, giờ có lắm kẻ lợi dung vu cáo.
Thế cho nên nếu có người kiện công sai đánh người, quan thụ lý triệu lên phủ hỏi cặn kẽ rằng:
- Ai soạn đơn này?
-Tôi
- Soạn ở đâu?
-Nhà
- Soạn đơn bằng cái gì?
- Giấy bút
- Giấy loại gì?
- Loại a
- Mua giấy ở đâu ?
- Ở hiệu
- Mua lúc nào ?
- Hôm kia
- Mua bao nhiêu tiền ?
- 2 hào
- Tiền ở đâu ra mua giấy?
- Tiền tôi
- Thế lương tháng được bao nhiêu mà dư tiền mua giấy, chứng minh xem nào.khoản nào sinh hoạt, khoản nào xe cộ, trà thuốc, gia đình.?
Người làm đơn liệt kê hì hụi mất 3 ngày, trình quan xong. Quan hỏi.
- Thế lúc soạn đơn có ai bên cạnh không ?
- Không
- Thế ai làm chứng là ngươi tự soạn đơn này?
- Tôi
- Thế lúc xảy ra sực việc ngươi ở đâu?
- Ở đó
- Ngươi ra đó làm gì, đang giờ làm việc, ngươi mò ra chỗ đó có ý gì ?
- Tôi thấy việc ở đó là việc chung của mọi người, cho nên tôi ra đó xem
- Bao nhiêu người không ra, cơ quan ngươi không ai ra, vậy sao mỗi mình ngươi ra.?
- Họ không ra là việc của họ, tôi ra là việc của tôi ?
- Việc của tôi là việc gì ?
- Vì tôi quan tâm đến đất nước .
- Việc nước có nhà Sản lo rồi, người không lo thân ngươi, ra đó phải chăng muốn nhân sự làm rối ren thêm ?
- Thế ngươi ra đó bằng gì ?
- Đi xe ?
- Xe của ai ?
- Của tôi
- Gửi xe ở đâu ?
- Ở hiệu bán giải khát.
- Lúc đó có ai làm chứng là ngươi có mặt ở đó không ?
Người khiếu nại:
- Giờ tôi làm người làm chứng, quan lại bắt tôi đi tìm người làm chứng là tôi ở đó chứng kiến nữa, rồi quan lại hỏi người đó vì sao ở đó làm chứng, rồi ai làm chứng cho người đó làm chứng tôi đang chứng kiến sự việc. Chứng và chứng như vậy đến bao giờ ?
Quan đập bàn:
- Ở đây chỉ có tao mới có quyền hỏi, mày không được phép hỏi tao.
Người khiệu nại hết nhẫn nại, đã tuần này từ khi gửi đơn khiếu nại về việc thấy công sai đánh người, anh bị quan trên gọi liên tiếp triền miên. Chịu không nổi anh hặc lại quan:
- Tại sao tôi khiếu nại việc công sai đánh người, quan không điều tra về việc đó, lại cứ điều tra tôi.
Quan cười nham hiểm:
- À đây là đang điều tra cả đấy, phải xét người làm đơn có công tâm không ? Có ai xúi giục không ? Sau đó mới tiếp tục đến việc khác, làm gì cũng phải có trình tự chứ ? Nếu ngươi là người có lòng tốt, muốn xã hội tốt đẹp hơn vì việc chung, mà ngươi lại nề hà dăm ba tháng bỏ thời gian ra làm việc với bản phủ, vậy chả phải ngươi không có lòng mà có ý gì chăng ? Nếu có lòng ngươi đâu phải sốt ruột, việc như ta nói rồi, cũng phải qua từng giai đoạn, làm là phải cẩn thận, không thể bỏ qua tình tiết, giai đoạn được. Thôi hôm nay ngươi vội thì ta gia ơn cho về, hai hôm sau lên đây làm việc tiếp.
Người làm đơn dãy nảy:
- Tôi đi lại phủ cả tháng nay, kẻ đánh người nhởn nhơ ngoài kia, trong khi tôi bỏ công, bỏ việc hàng ngày đến đây làm việc. Xin quan làm cho nhanh tôi còn phải đi kiếm ăn.
Quan gằn giọng:
- Ai bảo người làm đơn, ta mới phải làm việc với ngươi, ngươi không làm thì ai gọi ngươi làm gì?
Người làm đơn tạm về, hai hôm sau anh đang đi làm, công sai đến gọi thủ trưởng anh ra, kêu là phải cho anh đi làm việc với triều đình. Anh đi rồi, các công sai khác mang giấy tờ đề nghị thủ trưởng anh khai các hoạt động kinh doanh, thuế má, nhân lực.....
Tháng sau cứ tiếp diễn như vậy, anh chán quá không đi nữa.
Quan trên kết luận hồ sơ rằng:
- Do người làm chứng không tiếp tục làm việc, cho nên chứng cứ công sai đánh người là không rõ ràng. Bởi vậy không thể khởi tố vụ án này. Ngoài ra cần đề nghị triều đình cấp thêm kinh phí để điều tra kẻ làm đơn có ý đồ gì không ? Để có biện pháp giáo dục, trấn áp phòng ngừa lần sau và phòng ngừa những kẻ khác có ý đồ tương tự.