Ls Lê Trần Luật (danlambao) - Ở một nơi mà niềm tin cộng đồng bị đánh mất, dối trá lan tràn, phủ kín. Một nơi mà xã hội bức bí ngột ngạt, im lặng và sợ hãi bao trùm. Một nơi mà bạo lực và cường quyền đã trở thành thói quen cai trị. Một nơi mà sự tự do của chúng ta đã bị đánh cắp từ lâu lắm rồi...
*
Chúng ta đang bị giam cầm
Các bạn luật sư thân mến của tôi!
Nghề luật sư là một nghề cao quý, tôi hãnh diện và tự hào vì tôi đã từng là đồng nghiệp của các bạn. Tôi vui mừng khi mà những luật sư nổi tiếng, vì yêu công lý, chuộng lẽ công bằng, tôn trọng luật pháp mà bị bức hại đã từng là đồng nghiệp của chúng ta như Luật sư Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân, Lê Chí Quang, Huỳnh Văn Đông v..v..v.
Nghề luật sư cũng đã mang lại cho tôi nhiều suy tư nặng trĩu trong lòng. Tôi nhìn thấy hàng trăm hàng ngàn người dân oan mất đất, mất nhà trên khắp quê hương của chúng ta. Tôi nhìn thấy hàng trăm tù nhân lương tâm bị bỏ tù một cách oan trái. Tôi nhìn thấy tự do của chúng ta bị tước bỏ từng ngày, gần chín chục triệu đồng bào thân yêu của chúng ta đang bị gông cùm và xiềng xích.
Nghề luật sư cũng gây cho tôi nhiều phiền toái và rắc rối từ phía chính quyền. Những tưởng như đi tù chỉ còn là thời điểm, ơn Chúa tôi vẫn còn bình an. Rất nhiều đồng nghiệp của chúng ta đã bị giam cầm vì công khai chống lại bất công và bạo quyền. Nhiều đồng nghiệp khác đã mất sạch công danh sự nghiệp chỉ vì muốn bảo vệ cho những người bất đồng chính kiến và dân oan.
Tôi và các bạn ở đây, trong đất nước Việt nam nhỏ bé thân yêu này.
Ở một nơi mà niềm tin cộng đồng bị đánh mất, dối trá lan tràn, phủ kín. Một nơi mà xã hội bức bí ngột ngạt, im lặng và sợ hãi bao trùm. Một nơi mà bạo lực và cường quyền đã trở thành thói quen cai trị. Một nơi mà sự tự do của chúng ta đã bị đánh cắp từ lâu lắm rồi.
Ngay từ những ngày đầu tiên, khi người Cộng sản nắm chính quyền cha ông chúng ta ngày trước và chúng ta bây giờ đã mất sự tự do về tư hữu. Hẳn chúng ta ai cũng biết sắc lệnh 59 về cải cách ruộng đất và đặt biệt là “công cuộc quốc hữu hóa” ở miền Nam sau 1975. Di chứng của hai “ cuộc cách mạng” này hết sức kinh khủng, hàng triệu gia đình ly tán mất nhà cửa, ruộng đất, một đêm thức dậy bổng trắng tay, của cải tích cóp mấy đời tự nhiên trở thành tài sản của Nhà nước. Di chứng đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, mà bằng chứng là hiện nay đất đai vẫn là tài sản của nhà nước. Việc Nhà nước vẫn nắm giữ quyền sở hữu đất đai đã biến hàng triệu người thành hàng triệu dân oan mất đất, tạo điều kiện cho cho hàng trăm ngàn cán bộ công chức trở nên giàu có. Còn rất nhiều loại tài sản có giá trị và rất thiết yếu nữa mà tất cả chúng ta không có quyền nắm giữ.
Sự tự do đi lại của chúng ta cũng bị đánh cắp từ lâu. Cho đến bây giờ chúng ta vẫn là những người nô lệ cho chế độ hộ khẩu và hộ chiếu. Chúng ta không thể đi lại tự do và tự do lưu trú trên quê hương mình. Tất cả đều phải trình báo, xin xỏ các cấp chính quyền, tựa như những đứa trẻ phải “đi thưa về trình”. Chúng ta càng không thể tự do rời khỏi sự hà khắc mà chính quyền đã mang lại cho đất nước này. Rất nhiều, rất nhiều người vô cớ bị cấm xuất cảnh, nhiều người cũng chẳng hiểu nổi tại sao mình không được cấp hộ chiếu. Tất cả được chính quyền giải thích bằng cụm tự nhập nhằng khó hiểu “có liên quan đến an ninh quốc gia”. Tôi chắc rằng, giới luật sư chúng ta không ai có thể biết lý do an ninh là gì!
Còn rất nhiều sự tự do khác nữa mà lẽ ra chúng ta phải có để tin chắc rằng chúng ta là một con người với ý nghĩa cao cả của nó, nhưng chúng ta đã không có từ khi mới sinh thành: tự do tín ngưỡng, tự do hội hợp, tự do mít tinh, tự do biểu tình, tự do ngôn luận v.v.v.
Điều nguy hiểm nhất đó là chúng ta bị tước đoạt về tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận chẳng những là một quyền căn bản mà nó còn là công cụ, phương tiện để chúng ta bảo vệ các quyền tự do khác. Chúng ta bị buộc phải im lặng trước bất công và sự thật, chúng ta không được gọi tên đúng bản chất của sự việc. Chúng ta bị giáo dục và ép buộc phải nói những điều sai trái, khác với nhận thức của chúng ta. Chúng ta phải nói tốt và khen ngợi chính quyền. Nếu đi ngược những điều này, chúng ta bị xem đương nhiên là có tội: không âm mưu lật đổ chính quyền thì cũng tuyên truyền chống nhà nước, không chống nhà nước thì lợi dụng các quyền tự do dân chủ… nói chung giá nào chúng ta cũng bị xem là có tội và phải chịu cảnh tù đầy.
Mất hết tự do có nghĩa là chúng ta đang bị giam cầm!
Chúng ta ai cũng biết, cũng nhận ra những điều tôi vừa nói, nhưng tại sao chúng vẫn mãi chịu cảnh khốn khổ này. Phải chăng chúng ta đang sợ hãi? Tôi nghĩ trong lương tâm, trách nhiệm và nhận thức của mình, giới luật sư phải tiên phong, đi đầu trong việc chống lại bất công, bạo quyền, phá dỡ gông cùm, xiềng xích đang đè nặng lên chúng ta và những người dân thân thương đang sống trên quê hương chúng ta!
Sài gòn 20-08-2011