Lại bàn về nguyên tắc và sự thật - Dân Làm Báo

Lại bàn về nguyên tắc và sự thật

Mẹ Nấm - Phán xét công tội không phải là nhiệm vụ của những người đấu tranh cho xã hội dân chủ, đó là kết quả của nhận thức theo một quá trình. Nói đúng hơn, đây chưa phải là lúc làm việc đó. Bởi đó là nhiệm vụ của lịch sử. Và cũng chả cần đợi lâu, lịch sử đã phán xét rồi đấy thôi.

*

Thế hệ sinh sau 1975 ở Việt Nam nói chung và những người sinh vào những năm cuối thập niên 60 trở đi ở “miền Bắc XHCN” nói riêng có mấy ai chưa một lần ngồi trong lớp mà hát đồng ca “Bác chúng em dáng cao cao…”?

Một câu chuyện kể “vỉa hè” kể rằng, có một vị lãnh đạo cấp cao đến thăm trường thực nghiệm Giảng Võ đã “bắt nhịp” cho một lớp hát bài ”Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh …”

Trong sách giáo khoa tập đọc của lớp “chưa biết làm toán” có bài thơ (mà nhiều người nhầm tưởng là ca dao, thực chất là thơ của nhà thơ Bảo Định Giang):”Tháp Mười đẹp nhất bông sen…”

Rõ ràng, chỉ có người lớn mới làm việc này, và chỉ có người lớn mới biết rõ mục đích việc họ buộc phải ghi câu đó là ca dao…Và việc của một đứa trẻ là phải học thuộc. Đây được xem như một phương pháp giáo dục nhồi sọ điển hình.

Hãy tưởng tượng xem nhé, trong khi cả lớp mẫu giáo cất tiếng “ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng”, có cháu nào bỗng dừng lại và xen ngang hỏi cô giáo “thưa cô Hồ Chí Minh” là ai không? Nếu có, cô giáo phản ứng như thế nào? Cứ cho là không, thì cô giáo cũng sẽ ‘bớt chút thời gian học hát” để giới thiệu với các cháu Hồ Chí Minh là ai.

Vậy đó, Hồ Chí Minh là ai ở trong bạn, có giống với Hồ Chí Minh như tôi biết và hiểu hay không?

Một điều không nên bàn cãi thêm làm gì đó là, Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử, của một giai đoạn lịch sử.(Nhân vật đó tự thân hay được xây dựng, giai đoạn lịch sử đó mang dấu ấn nhân vật, rạng rỡ hay đen tối, chưa cần bàn tới) Và, dĩ nhiên đã là nhân vật lịch sử thì sẽ phải có một sự thật của bản thân nhân vật, bên cạnh còn có một “thật sự” tức là những gì nhân vật đó đã tạo dấu ấn cho giai đoạn lịch sử. Nói chính xác hơn là vai trò xã hội nhất định của nhân vật đó. Cụ thể ở đây, điều cần bàn tới là nhân vật Hồ Chí Minh như đã nói trên.

Về sự thật Hồ Chí Minh.

Có một “sự thật” được xây dựng mang tính “giáo khoa lịch sử”. Tiếp cận thông tin ở góc độ này, người ta biết đến nhân vật Hồ Chí Minh như một nhân vật tạo ra lịch sử. Đó là ý muốn của những “người viết sử”.

Lâu nay, đảng và nhà nước mở cuộc “vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xem chừng chưa đủ lại thêm nhiều hình thức tuyên truyền vận động “học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”…

Ai cũng thấy mục đích của cuộc vận động này, và “tiêu chí để làm giáo khoa” lấy ở đâu? Có thể ở ngoài cái “sự thật “ vừa nêu được không? Và, quan trọng nhất, những ai là phải “bồi dưỡng” hay nói đúng hơn “đối tượng” của cuộc vận động là ai?

Không hẳn tất cả những người “buộc” học tập… đã “thấm nhuần” tất cả những gì thuộc giáo trình. Nhừng thành phần bị nhồi nhét thì không đề cập ở đây nữa. Còn những người nhận ra một phần của “sự thật” họ nghĩ gì và phản ứng ra sao?

Ý muốn của câu hỏi này là “họ tiếp nhận theo một thái độ nào”?

Những người lấy “kiến thức lịch sử” đó làm vũ khí gặp phải những phản ứng nào?

Không ít ý kiến của một số bạn trẻ cho rằng, sự thật về Hồ Chí Minh cần được “phơi sáng”.

Không sai!

Nhưng thái độ trước yêu cầu này về “nguyên tắc và sự thật” đã đúng chưa?

Hồ Chí Minh có sống lại để “thanh minh thanh nga” cho cái “sự thật” để gần với thật sự hơn hay không? Quan trọng hơn nữa, sinh thời Hồ Chí Minh có muốn những học trò của mình “diễn” trò này hay không?

Đây là hai câu hỏi được đặt ra cho vấn đề nguyên tắc và sự thật.

Đảng Cộng sản có thể viện dẫn mục đích tuyên truyền khi cần xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh như một vị thánh sống thì những người đấu tranh cho dân chủ bằng cách này hay cách khác đã phổ biến sự thật về Hồ Chí Minh đến với nhiều người trong thời đại công nghệ hiện nay.

Hồ Chí Minh là một con người, không phải là một hình nộm - đó là sự thật cần phải thừa nhận. Mà đã là người thì ai cũng có điểm đúng đắn và sai lầm. Điều đáng nói ở đây là một thể chế chính trị đã sử dụng con người này như một "tấm chắn lý tưởng" cho toàn xã hội, và hiện tại, toàn bộ công dân từ trẻ đến già sống trong xã hội ấy không thoát ra khỏi tấm lưới tuyên truyền này. Thế hệ chúng ta vốn đã bị nhồi nhét bởi cái sự thật “trớ trêu” đó.

Nếu thể chế và phương thức giáo dục này còn tồn tại trong thời gian lâu, thế hệ con cháu chúng ta đứng trước một thử thách không hề nhỏ. Hình ảnh của nhân vật Hồ Chí Minh vẫn còn được vẽ lên bất cứ “giáo khoa lịch sử nào” và thái độ tiếp nhận của những đứa trẻ bắt đầu hình thành tính cách cũng không mấy đổi thay. Nếu chúng ta cố nhằm vào cái “tên” để bàn luận thì cách hay nhất không phải là quay lưng ngay tức khắc bằng những lời công kích, mạ lỵ mà phải dần dà “pha loãng” những gì bị nhồi trước đó khiến ta tin nhầm.

Sự thật về Hồ Chí Minh - vấn đề này là do nhận thức của mỗi người, không thể ép người ta nhét hết một mớ chữ vào đầu, rồi gọi đó là nguyên tắc và sự thật.

Hồ Chí Minh là một con người, nhưng lại do một hệ thống dựng lên, vậy "Sự thật về Hồ Chí Minh" đúng ra phải là sự thật về một hệ thống tuyên truyền, chứ công kích cá nhân thì được ích gì?

Có thắng được hệ thống giáo dục đang uốn nắn con em mình không??

Chọn cách công kích cá nhân Hồ Chí Minh trong khi bản chất vấn đề nằm ở guồng máy tuyên truyền của thể chế là cách làm xấu đi hình ảnh của những người yêu sự thật và dân chủ nhanh chóng nhất, cá nhân tôi nghĩ vậy.

Tôi tán thành bất cứ động thái nào để đấu tranh cho nền dân chủ thực sự, nhưng bên cạnh đó tôi có quyền nêu ra ý kiến của mình về phương pháp của người khác. Một khi phương pháp đó có những ảnh hưởng nhất định theo chiều tiêu cực, nhất là với phương pháp ở dạng truyền thông.

Chúng ta đấu tranh cho nền dân chủ thật sự. Muốn đến đích đó nhanh nhất, hiệu quả nhất, chúng ta cần gì? Lực lượng, kiến thức…và phương pháp…hay những gì có liên quan v.v.

Chúng ta được trang bị những gì và phương pháp chúng ta tiếp cận vấn đề như thế nào?

Trước hết, chúng ta muốn làm điều gì đó thì phải hiểu điều đó trước đã. Chúng ta muốn một xã hội dân chủ thực sự, vậy chúng ta biết gì về xã hội đó? Đã lờ mờ hình bóng xã hội đó ở đâu chưa? Tất nhiên rồi, đã có. Nó - xã hội dân chủ đã có thể áp dụng ngay bây giờ được chưa? Và những ai mong muốn điều này? Ai chống lại điều này? Không cần trả lời những câu hỏi dạng này. Bởi đó chính là câu trả lời rồi.

Vậy thì, những gì mà hiện nay nhà cầm quyền đang cố xây dựng một hệ tư tưởng, thực chất là củng cố lại dưới một tên gọi khác. Tên gọi này lại là tên của một nhân vật.

Nhiều người cứ nhằm tên nhân vật này để “tìm hiểu” ở dưới dạng khích bác hay hằn học. Vậy đã đúng phương pháp chưa? Cụ thể đã đúng đích ngắm chưa?

Câu chửi, nhưng là câu khen của một nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao :”Tiên sư anh Tào Tháo” đâu phải của nhân vật đó, mà chính là của Nam Cao đấy chứ!

Nguyên tắc tiếp cận sự thật đã đúng chưa? Tính nhân văn trong hành vi này được thể hiện chỗ nào?

Bày tỏ chính kiến và có động thái đấu tranh dân chủ bắt đầu từ nhận thức và thấy rõ tính nhân văn của hành vi, trước một “đối tượng của chủ thể hành động”. Đó mới là nguyên tắc.

Còn sự thật? Nó là kết quả của hành vi khi ta đủ điều kiện để gột sạch làm cho ai cũng thấy ở cùng một nhãn quan lịch sử.

Rượu tắc kè có thể là rượu gạo ngâm tắc kè hoặc do một nhà sản xuất nào đó mang tên Tắc Kè sản xuất mang ra thị trường. Nhưng rượu Napoléon thì chắc chắn không thể ngâm Napoléon được! Cũng như Anh Ba Sàm đâu đưa tin ba sàm…

Tôi có một người bạn Pháp gốc Việt, tên là Phạm Như Khoa năm nay 51 tuổi. Anh sang Pháp sinh sống năm lên chín. và Việt Nam làm ăn năm 2009. Khi hỏi anh Khoa: ”Anh có biết Pr Ho Chi Minh không?". Anh dường như không có nhiều thông tin lắm. Nhưng khi hỏi đến General Vo Nguyen Giap, anh lại cười rất sảng khoái. Anh Khoa còn nghĩ ra một trò chơi mang tên “Điện Biên Phủ game” xin dẫn nguồn ra đây:


Liệu anh bạn tôi có “vô lý” không khi biết rất tường và kính nể Võ Nguyên Giáp mà lại ấm ớ về Hồ Chí Minh?

Xin “thanh minh” giùm bạn tôi rằng: ”Đó là thái độ của cá nhân anh ấy trước một nhân vật lịch sử”.

Đó là kết quả của một quá trình tiếp nhận thông tin dân chủ.

Câu chuyện có ý nghĩa như thế nào đối với các bạn?

Không thể phủ nhận những đóng góp của ông Hồ đối với lịch sử.

Vấn đề ở đây là hậu bối của ông đã nâng quan điểm cá nhân lên hàng tư tưởng và "buộc" người khác phải áp dụng là sai. Đây là vấn đề mà trong các tranh luận về sự thật đằng sau Hồ Chí Minh hay bỏ qua.

Hồ Chí Minh cũng là con người. Có thể những tư tưởng của ông so với bây giờ là không hợp, hoặc có những sai lầm. Nhưng nếu cứ vin vào những điều này để công kích cá nhân ông và thóa mạ người đã chết là sai.

Tôi nói điều này, bởi xét theo “nguyên tắc dân chủ” là tôn trọng sự khác biệt. Ông Hồ khác với chúng ta hiện nay chẳng hạn, thì “đặc trưng dân chủ” bây giờ là phải tôn trọng những gì của ông.

Hãy nhớ, phán xét công tội không phải là nhiệm vụ của những người đấu tranh cho xã hội dân chủ, đó là kết quả của nhận thức theo một quá trình. Nói đúng hơn, đây chưa phải là lúc làm việc đó. Bởi đó là nhiệm vụ của lịch sử.

Và cũng chả cần đợi lâu, lịch sử đã phán xét rồi đấy thôi. (Ở đây tôi chưa xét đến những sai sót mang tính “ý thức hệ” đó như một “tên gọi của sai lầm”.)

Nếu cứ lấy cái “siêu tôi” dân chủ để làm công cụ đấu tranh dân chủ (các lời lẽ xúc phạm cá nhân, công kích, chê bai dè bĩu lý tưởng, thần tượng của người khác...) thì con đường đến xã hội dân chủ còn dài lắm, và lại hẹp nữa.



Vì sao bàn về nguyên tắc và sự thật trong tiến trình dân chủ, tôi lại chọn cách nói về hình tượng Hồ Chí Minh?

Bởi một lẽ, tôi lo lắng cho thế hệ con tôi như bạn Nấm hay đồng lứa, trước hay sau vẫn bị lối tuyên truyền nhồi nhét này áp dụng. Các bạn nhỏ của tôi bắt đầu hình thành tính cách, các bạn ấy phải được “miễn nhiễm” với những gì không tốt, ảnh hưởng đến nhận thức xã hội khi tiếp cận thông tin.

Nguyên tắc và sự thật trong tiến trình dân chủ, cụ thể ở đây là việc minh bạch hóa thông tin, nó đòi hỏi người viết, người phổ biến phải chú ý đến các nguyên tắc giao tiếp ứng xử có văn hóa, để thế hệ trẻ không bị mất đi tính nhân văn trong hành xử (hay nói cách khác là cực đoan) - điều tệ hại vô cùng của một xã hội dân chủ.

Hãy nhận ra sự thật khi nó thật sự ở dạng mở theo một nguyên tắc mang tính nhân văn, đừng đẩy mình vào thế cực đoan ngay từ đầu khi xem xét về một sai lầm của một nhân vật lịch sử.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo