Phương Bích (danlambao) - Mệt! Buồn! Thất vọng! Nhưng còn bao nhiêu việc phải làm, đến giờ mới có thời gian viết lên những tâm tư vui buồn trong mấy ngày qua, không phải là để than thở! Than thở mà làm chi? Vô ích! Tôi không lạc quan tếu, nhưng cũng không bi quan, vẫn luôn luôn chờ đợi những điều tươi sáng và tốt đẹp sẽ đến với người dân Việt Nam ta.
Suốt từ tối chủ nhật - ngày 31/7, dư âm của niềm hạnh phúc vẫn còn âm ỉ khi được gặp gỡ những người đồng đội đáng kính và đáng yêu trong 2 tháng xuống đường để hô vang những khẩu hiệu bảo vệ Tổ quốc, phản đối Trung Quốc xâm lược.
Cảm ơn chủ quán cà phê 36 Điện Biên Phủ đã không đóng cửa tối ngày 31/7. Cơn mưa xối xả ngoài trời khiến cho căn phòng lớn chiều tối hôm đó như càng thêm vui hơn với đầy ắp những tiếng cười, tiếng hát, những cái tay bắt mặt mừng. Những mái đầu bạc bên những mái tóc xanh, những khuôn mặt già trẻ ai nấy đều rạng ngời một niềm vui khó có thể tả. Có lẽ những người nếu đến đó chỉ vì nhiệm vụ hẳn cũng sẽ thấy buồn đôi chút vì không được vui chung niềm vui của chúng tôi. Có lúc cao hứng, cánh trẻ lại muốn hô khẩu hiệu cho thêm khí thế nhưng bác Quang A khuyên không nên, mục đích hôm nay gặp gỡ chỉ để hàn huyên mà thôi.
Niềm vui cũ chưa qua, lại hồi hộp pha chút lo âu đón chờ một niềm vui khác…
Ngày 2 tháng 8, tôi xin nghỉ phép để đi xem vụ xử án công khai tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, chắc mẩm lần này tòa sẽ không xử kín như lần trước.
Để tránh việc khó tìm được chỗ gửi xe nên tôi đi taxi. Anh tài xế không tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết tôi đi xem xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, thậm chí anh ấy biết khá nhiều thông tin về vụ này. Trên xe tôi và anh tài chuyện trò như pháo rang. Cùng là người dân, cùng chịu mọi sự tác động của vô vàn những khó khăn trong cuộc sống nên quan điểm khá là tương đồng, chỉ có điều anh tài hơi bi quan quá khi nói rằng phải ba chục năm nữa Việt Nam mới thay đổi được.
Anh tài nhiệt tình đưa tôi đến chỗ gần tòa nhất là trước cửa Hà Nội Tower vì cũng đoán được là xe ô tô khó lòng đến được trước cổng tòa.
Ngay từ lúc còn trên xe tôi đã nhìn thấy đầu phố Thợ Nhuộm bị chăng dây và có vài chú công an đứng canh. Dấu hiệu chẳng lành rồi!
Xuống xe, tôi đi bộ xuôi về phía con đường trước là chợ 19/12, định bụng sẽ rẽ sang Lý Thường Kiệt bằng lối đó. Nhưng đến đó thì cả con đường này cũng bị chăng dây và công an đứng chắn lối không cho vào. Lúc này có thêm bác Quang A, Lê Dũng, và một vài người quen trong đoàn biểu tình “chống Tàu” nhưng chưa biết tên.
Lẽ ra đến nước ấy thì chúng tôi phải hiểu rằng thì là mọi ngả đường “dẫn đến thành Rôm” đều bị chặn đứng rồi chứ, thế mà chúng tôi cứ ngoan cố không tin vào sự thật, vẫn cứ đi vòng vèo qua mọi ngả đường loay hoay tìm lối vào. Trong đoàn có một cậu to lớn kềnh càng đang bị đau chân, còn băng bó trắng toát vẫn cố tập tễnh đi theo mọi người. Tranh thủ lúc mọi người đang đôi co với công an, bác Quang A lẳng lặng men sau những dãy ô tô đỗ trên vỉa hè đi về phía tòa án. Nhưng nghe nói sau đó bác ấy cũng chỉ đi được một quãng thì lại bị “mời” ra khỏi khu vực “cấm”. Đúng là đến con kiến cũng không chui lọt, bất cứ gương mặt “thường dân” nào cũng đều bị loại ngay từ “tuyến” 1, cách ly rất xa khỏi khu vực xử án.
Giờ cao điểm, phố phường thủ đô bắt đầu rối loạn vì việc chặn đường, các loại phương tiện bị dồn vào một số đường khác nên bắt đầu đông nghịt. Thậm chí các bà mẹ trở con nhỏ đi học mẫu giáo cũng phải đấu tranh mãi mới được dắt con đi bộ vào, còn xe thì phải để lại phía ngoài dây chắn.
Mấy người chúng tôi rốt cuộc không tỉnh ra cũng chẳng được, đành chịu thúc thủ trên vỉa hè để quan sát. Mấy tay mặc thường phục đứng bên trong dây chắn cứ chĩa camera quay đi quay lại những kẻ nào to gan đang đứng ngoài dây chắn. Có lúc tôi ngứa mồm hỏi vì sao lại cấm đường thì một anh công an bảo:
- Các bác thông cảm, chúng tôi chỉ đang làm nhiệm vụ thôi.
Tôi tức mình nói móc lại:
- Các anh chỉ biết tuân lệnh như một cái máy thế à?
- Bây giờ không là cái máy thì là gì!
Anh công an cũng tức khí trả lời, nét mặt tỏ ra rất mệt mỏi. Có lẽ họ cũng chả sung sướng gì khi phải đối mặt với dân.
Lê Dũng gàn:
- Chị nói làm gì.
Ừ, vẫn biết là thế nhưng đúng là không cam lòng.
Đã đi đến đây rồi thì cứ đứng xem sự thể sẽ ra sao. Điện thoại hết tiền nên tôi sang bên kia đường để nạp thẻ. Lúc trở về thấy Lê Dũng và cả nhóm đang rời khỏi ngã tư, nghe nói đám công an và an ninh ra gây sự, nói năng khó nghe nên mọi người rủ nhau về chỗ Quán Sứ.
Hóa ra ở góc đường cạnh chùa Quán Sứ khá đông bà con đi xem xử án đang đứng, trong đó có cả Cù Thị Xuân Bích cũng không được vào dự phiên tòa. Tôi gặp khá nhiều gương mặt thân quen như bác Tường Thụy, Minh Hằng, Đức xoăn, Tiến Nam, Thúy Hạnh, bố con cháu Tố Uyên và rất nhiều người khác trong đoàn biểu tình, lại tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau rối rít.
Có tiếng một số người hô: Cù Huy Hà Vũ vô tội.
Nhiều người hô theo nhưng thực sự vẫn còn sự e ngại trong đám đông. Những người thân và bạn bè của tiến sĩ CHHV đã đành, nhưng những người đến đây cốt để được xem phiên tòa xét xử công khai ra làm sao, tranh tụng bằng pháp lý như thế nào thì họ vẫn ngần ngại.
Đứng giữa đám đông tôi thấy ngột ngạt nên lách ra ngoài. Nói chuyện với bố con cháu Tố Uyên được dăm phút thì đằng sau có tiếng xôn xao, đám đông chợt trở nên nhốn nháo. Có tiếng lao xao: Minh Hằng bị bắt rồi.
Hẳn không chỉ mình tôi lo cho Minh Hằng, dù hắn là một người mạnh mẽ và dữ dội nhưng cũng chỉ là đàn bà, tôi lo đám công an bị hắn chửi hôm 17/7 sẽ “tranh thủ” xuống tay với hắn như khi trấn áp người biểu tình. Không thể gọi điện cho Minh Hằng được vì sóng quanh khu vực đó bị phá, mà có lẽ không bị phá sóng thì hắn cũng không thèm nghe vì sau này nghe hắn kể lại tôi mới biết lúc ấy hắn còn đang mải thò cổ ra ngoài gào ầm ĩ lên với người đi đường, đại thể là phản đối bắt người trái phép, đề nghị bà con đi theo xem họ đưa hắn đi đâu, rồi đừng để thêm một Trịnh Xuân Tùng nữa chết ở đồn công an....Cứ đến ngã tư đông người là hắn lại gào thật to, còn khi nào vắng người thì hắn đổi vở quay sang chửi mấy tay an ninh áp giải hắn. Tôi còn lạ gì hắn, có bao giờ hắn chịu để ngơi cái miệng đâu. Chả thế mà tay lái xe cố chạy thật nhanh về đồn để nhốt cái “loa” của hắn lại.
Sau ít phút, đám đông trở lại bình thường khi chiếc xe thộp cổ Minh Hằng chở hắn chạy biến đi như ma đuổi. Việc này không giống như biểu tình chống Trung Quốc, nhưng ai cũng nghĩ rằng họ chẳng có lý do gì để bắt người. Chẳng qua giống như lần trước, họ cứ tôm cổ những ai họ cho là to mồm nhất để cách ly ra khỏi đám đông, chờ phiên tòa xử xong là thả, việc này trỏ thành lệ rồi. Thoạt đầu việc bắt bớ cũng khiến nhiều người hốt hoảng lẫn giận dữ, sau đó thì ai có chửi gì cũng như đấm bị bông, đám an ninh có mỗi việc cách ly mấy cái “loa” ra khỏi khu vực nhạy cảm là hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi bắt đầu thấm mệt vì nắng nóng nên rủ Lê Dũng vào quán cà phê 75 Lý Thường Kiệt. Ở đó từ sáng đã có nhiều gương mặt theo dõi chúng tôi qua cửa kính. Thú thật bây giờ tôi nhìn đâu cũng thấy nghi là công an, mặc dù họ chẳng làm gì mình nhưng như một phản xạ hết sức tự nhiên là có một sự phân biệt rất rõ ràng giữa đám đông, đây là công an, kia là người mình, kia nữa là những kẻ bàng quan…
Xác định là sẽ chờ nghe kết quả cuối ngày thế nào nên chúng tôi cố thủ trong quán cà phê. Gần trưa mưa một trận kinh hoàng, không gian mịt mù. Tôi đứng trên tầng 2 quán cà phê nhìn xuống đường, nhìn đất trời mà thấy lòng mình buồn mênh mang. Tôi không nghĩ rằng tòa sẽ tuyên tiến sĩ CHHV vô tội, qua việc họ rải lực lượng dày đặc để ngăn chặn tuyệt đối những người đi xem xét xử là đủ hiểu kết quả xử án thế nào. Đúng như một số người nói, việc có giảm án đi vài năm hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì. Ý nghĩa là ở chỗ có tội hay vô tội. Ờ mà tôi nghĩ sao không làm một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này nhỉ? Ngay việc thăm dò trên mạng xem có tán thành việc vinh danh các binh sĩ VNCH hy sinh trong trận đánh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 không thì có đến >94% là tán thành. Thực tế cuộc biểu tình hôm 24/7 tại Hà Nội và lễ tưởng niệm ngày 27/7 ở Sài Gòn do các nhân sĩ tổ chức đã trả lời xác đáng cho câu hỏi này.
Gần về chiều, căn phòng trên tầng 2 của quán cà phê 75 Lý Thường Kiệt gần như trở thành chỗ dành riêng cho những người biểu tình. Nhà văn Võ Thị Hảo cũng có mặt, cô giáo trẻ Vân Anh thì đang dạy học cũng cố gọi điện bằng được để hỏi thăm tin tức, hết giờ là hai vợ chồng chở nhau đến ngay quán cà phê. Mọi người ồ lên khi nhìn thấy bác Tạ Trí Hải bước vào, hẳn các cô cậu phục vụ trong quán thấy lạ lắm, cứ tò mò nhìn bác Hải đứng giữa phòng kéo đàn, còn mọi người thì ngồi quây xung quanh vỗ tay theo nhịp hết bài này đến bài khác.
Ở một góc phòng, Xuân Diện mới từ Dã Tượng mò sang vẫn chúi mũi vào máy tính, thỉnh thoảng lại thông báo cho bà con một tin mới nhận được như Minh đại úy bị đình chỉ, mọi người reo ầm lên, nhưng đến đoạn kết luận của công an thì mọi người ầm ầm phẫn nộ, đòi triệu “Cu” Đức đến để giải thích. Đương nhiên cu Đức đến với bộ mặt buồn rười rượi, khẳng định luôn không bao giờ phản bội lại dân biểu tình. Tôi chắc chắn rằng nếu ai trong hoàn cảnh của Đức cũng bị chịu áp lực từ nhiều phía nên rất thông cảm, chỉ có điều khi nó đã bung bét ra thì không còn là chuyện của cá nhân Đức nữa rồi. Đừng có ai hy vọng lấp liếm hay che giấu vụ việc này.
Một lúc Xuân Diện thều thào kêu đói quá, khi mua bánh ruốc về hắn xơi liền 2 chiếc đến suýt nghẹn, rõ khổ thân chàng tiến sĩ.
Một ngày dài chờ đợi, đoán biết trước được kết quả mà sao lòng ai cũng vẫn nuôi một niềm hy vọng dẫu có là mong manh. Tôi chờ đến hơn 6 giờ chiều thì phải chia tay mọi người để về nấu cơm cho bố. Về đến nhà, đang nấu cơm thì bố chạy vào bếp thông báo kết quả: Y án!
Con người ta sống phải biết hy vọng, hãy còn giám đốc thẩm nữa.
Hà Nội ngày 4/8/2011
* Hơn 7 giờ tối ngày 2/8, Phương tuyên cáo gọi điện báo tin đã liên lạc được với Minh Hằng, hắn đã về và cũng đói mèm vì không chịu ăn cơm của công an mời, giờ đang ăn mỳ. Hắn hứa sẽ ra một câu chuyện hấp dẫn nhiều kỳ về 9 tiếng đồng hồ quậy tưng trong đồn công an quận Hoàn Kiếm ra sao.