Phố phường lắm con tườu - Dân Làm Báo

Phố phường lắm con tườu

Anh Thọ (danlambao) - Âm thanh hỗn độn của bàn kéo lê, máy ép mía, tiếng kêu tính tiền, tiếng kể chuyện của một gã bụi bặm nào đó, tiếng xe khách ăn xong đạp máy… Ngày xưa thân ái ơi, mày đã chết rồi; đâu còn sáng Chủ Nhật cho ai đó lười như con mèo dậy trễ nhìn xuống con hẻm cũng ngái ngủ vắng lặng...

*

Nhà tôi nằm trong cư xá 351 Lê Đại Hành đối diện Trường đua Phú Thọ. Xưa thật xưa, nó là cư xá Nhảy Dù của các ông Tá, Úy thuộc LĐ Dù QLVNCH. Về sau gần 1975 nhiều bác sỹ , giáo sư đến đấy ở mang một không khí trí thức cho cư xá. Thày Lâm dạy Lý Hóa trường Chu Văn An lúc nào cũng coi đồng hồ con con dắt ngang lưng trước khi lên xe con cóc phải nhổng đầu một cái mới chạy được là một người tôi luôn kính trọng. Kín cổng cao tường, yên tĩnh và sang trọng là thế cho nên, sau năm ‘75, những người còn ở lại và lớn lên như tôi trở thành nạn nhân của cách sống hoang đàng của cái gọi là ‘ giới trẻ” bây giờ. Từ bên trong sâu chúng rú ga ra đến Lê Đại Hành nhóm tụ đám đua xe để rồi lại chui vào cư xá gầm rú động cơ khi đồng hồ chỉ 1, 2 giờ sáng.

Hôm nọ đọc bài Con hẻm xưa tôi đi của Quốc Thái viết khi, sau mấy mươi năm du học, trở về thăm lại hẻm thời ấu thơ trên đường Tôn Thất Hiệp, cách cư xá 351 của tôi có khúc cua, tôi thầm nghĩ, bố ơi là bố, đến đêm mà ngủ được thì còn phước đấy bố ạ.

Nói thế thôi, hôm nay Chủ Nhật, tôi lóc cóc đi bộ qua hai, ba hẻm trong bài viết để hiểu sự trông đợi của người con xa xứ đã bị phản bội ra sao. Từ TTH tôi luồn vào hẻm 106, đi qua Phở Cường một cách chật vật. Có tiếng quát tháo vang lên từ một khuôn mặt hầm hừ. Quái; tôi nghĩ, Phở quát Hà Nội vào đây rồi à? Ngày trước Phở Xuân Trường và bác bán phở đầu hẻm này lịch sự là mấy. Bạn QT của tôi hẳn thất vọng khi về VN với ký ức về họ.

Vào hẻm 118 đập vào mặt tôi là nguyên một khu cơm, bánh, trái, cà phê chỉ rặt bày bàn trên sân. Tôi kéo tay bạn vào “quán” cơm tấm trước cửa trường mẫu giáo. Bấy giờ mới là 7 giờ sáng nhưng mùi thịt nướng từ bếp nướng đã lan khắp chục nhà cuối hẻm. Ông bạn QT kia hẳn về đây vẫn còn giữ âm thanh rộn rã , “ Trời hồng hồng, nắng xanh xanh, một đàn con nít chạy quanh” của ngày xưa mà rõi mắt bốn bề tứ phía chỉ ngửi thấy mùi khét lẹt của thịt nướng ấm ức tự hỏi bình minh mà sao không dám vươn vai hít đầy lồng ngực không khí trong lành. Ôi, thế này thì bắt đầu thấy tội nghiệp rồi đây. Âm thanh hỗn độn của bàn kéo lê, máy ép mía, tiếng kêu tính tiền, tiếng kể chuyện của một gã bụi bặm nào đó, tiếng xe khách ăn xong đạp máy… Ngày xưa thân ái ơi, mày đã chết rồi; đâu còn sáng Chủ Nhật cho ai đó lười như con mèo dậy trễ nhìn xuống con hẻm cũng ngái ngủ vắng lặng.

Ăn cơm xong chúng tôi qua quán cà phê giữa hẻm. Chỉ vài cái bàn trong nhà nhưng có đến bảy cái bàn đặt trên đường đi và trên sân công viên. Hỗn độn. Suốt gần một tiếng ngồi “thưởng thức” cà phê cóc tại đây; tìm hiểu, chúng tôi biết gia đình này là gia đình cách mạng nên thân quen và được Phường “cho phép” xâm chiếm công viên. Tội nghiệp mấy nhà chung quanh, khách cà phê ngồi chổng khu, luôn miệng ĐM, ĐM rồi tiếng cười rú lên từ bàn mấy đứa học trò bé téo tẹo mà đã chuyền tay coi hình sex khiến tôi thấy lợm giọng cho cái “văn hóa” của cái gia đình cách mạng này đang vì đồng tiền mà trương lên một thứ rác rưởi, nhuốm màu dơ bẩn cho cả xóm. Nhà này thì ông bố bộ đội ngày trước đã chết rồi. Bà mẹ, ly dị chồng đã lâu, chễm chệ ở một căn nhà lầu ngoài chợ sau khi vơ vét được khối tiền từ chức vụ “bác sỹ” khám cho người xin xuất cảnh ở BV Chợ Rẫy. ( ! )

Nhìn qua dãy đối diện tôi nhớ mang máng có nhà của Đại Tá Tâm trước 75 làm tại Phủ Tổng Thống. Tôi nhớ rõ vì ngày ấy, đi học về ngang hẻm này để qua hẻm “thúi” về cư xá, chiều chiều, tôi hay thấy ông Tâm hoặc bà vợ dắt chó ra sân hẻm cầm theo tập giấy vệ sinh để hễ chó ị đâu là ông, bà cúi hốt bằng tay ngay. Ôi, khoảng cách của nhân cách là chỗ đó, ngày xưa từ người trong cương vị hét ra lửa là hành vi hốt bằng tay từng cục c.. chó. Còn ngày nay, chỉ là một cấp lèn quèn vậy mà ị ra lắm thế không biết. Làm người không muốn, cứ đòi làm chó.

Em bước chân qua thềm, mưa vẫn rơi âm thầm và chỉ làm phố buồn thêm”. Phố Buồn của NS Phạm Duy đã rót vào hồn tôi và cả bạn QT kia những nốt thánh thót thanh tao của một con hẻm lầy lội nhưng trong veo tiếng trẻ thơ cười dưới máng xối tắm mưa và những ước mơ no đủ, mộng lành của mọi gia đình nghèo. Mang hình ảnh ấy về lại VN để tìm dĩ vãng, tất cả ai đã có một thời lớn lên tại Sài Gòn này trước ‘75 đều chết đứng khi thấy, ngửi, nghe hình, mùi, tiếng của những con tườu. Vâng, “ chuyện con tườu” là câu của ngày trước nghĩa là “chuyện vớ vẩn” Tôi chẳng bao giờ biết con tườu là con gì nhưng chắc nó cũng na ná như con khỉ, cứ tưởng mình là người mà thật ra là khỉ đang làm trò nhố nhăng.

Lẩn thẩn tiếp dòng suy nghĩ tôi nhớ ngày xưa kẻ cắp khi bị phát hiện cứ thế một mạch chạy thục mạng vì y, dẫu có xấu xa đến mấy, vẫn biết xấu hổ, không dám để người ta biết mặt mình, biết cha mẹ mình. Chết cũng chịu để giữ mẩu rách của tư cách và nhân phẩm. Còn bây giờ ? Hắn ta sẽ quay lại, chường mặt và đánh trả. Tàn mạt ! Văn hóa như thế thì cho ra sản phẩm thứ cấp cũng thứ thứ cấp luôn chứ có gì lạ. Kể ra nhìn từ môt con hẻm cũng có thể luận được câu trả lời cho nhiều thắc mắc. Chẳng hạn; tiếu lâm thôi nhé, tại sao các ca nhạc sỹ, nhà văn bây giờ đa số chạy theo đồng tiền ? Theo cách này thì bởi, có thế họ mới tậu được nhà ở Phú Mỹ Hưng, Saigon Pearl, Everich để có được bầu không khí yên tĩnh và thanh cao, lắng đọng mà sản sinh những tác phẩm tinh thần. Chứ, ở cái khu dân cư như thế này chắc chắn sẽ bó tay, thiên thần âm nhạc nghe những tiếng chát chúa, chửi thề sẽ té xuống đất chết thảm; dòng tư tưởng nào có thể vĩ đại cho nổi trước sự lầy nhầy thế kia ? Một điều nữa; cái này buồn đó nghen, liệu có mầm mống nào của người đàng hoàng, tài năng và cao nhất, người yêu nước, có thể phát triển từ môi trường lờ nhờ, đùng đục như vậy ? Thật vậy, cửa nẻo nhà nào cũng đóng kín như phản đối bất bạo động với môi trường và cũng để tự bảo vệ con cái trong nhà. Ai cứu ?

Trời ạ, sau một buổi sáng CN “hưởng” bầu không khí của một “khu phố văn hóa” như thế, về lại nhà khu cư xá Nhảy Dù (tôi ưa tên này ) tôi lo rằng nếu đêm nay lại mất ngủ vì đám đua xe thì quả hôm nay tôi gặp lắm con tườu thật.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo