Trần Quốc Việt trích dịch - Tất nhiên, chủ nghĩa Marx không chỉ hấp dẫn đối với các khát vọng tinh thần của nhân loại. Chủ nghĩa Marx cũng khẳng định bản chất côn đồ của nó. Điều này không thể nào được nhấn mạnh cho đủ. Thời này, Stalin và chủ nghĩa Stalin đang bốc mùi nặng. Chúng ta quên tình cảm lãng mạn các trí thức Tây phương đã dành cho tội phạm sát hại biết bao nhiêu người này.
Chúng ta cũng thường bỏ qua sự thật rằng bản chất côn đồ là đặc trưng cơ bản, chứ không phải ngẫu nhiên, của chủ nghĩa Marx. Marx nói về "chuyên chính vô sản". Ông muốn nói gì qua từ "chuyên chính"? Lê Nin giải thích. "Chuyên chính" ông viết vào năm 1906, "có nghĩa là quyền lực vô hạn dựa trên vũ lực, chứ không dựa trên luật pháp." Phòng khi không đủ sức thuyết phục, Lê Nin thêm từ "khoa học": "Thuật ngữ chuyên chính khoa học hầu như không có nghĩa gì khác hơn là quyền lực không bị trói buộc bởi bất kỳ luật pháp nào, tuyệt đối không bị giới hạn bởi bất kỳ điều luật nào, và trực tiếp dựa trên bạo lực." Vào năm 1917, Lê Nin có cơ hội trình ra cho thế giới thấy lý thuyết này khi được thực hành thì trông giống gì. "Ông đã tạo ra hệ thống," Kolakowski nhận xét, "qua đó, tùy hứng của đảng bộ hay cơ quan công an địa phương, bất kỳ lời phê bình nào biết đâu cũng đều có thể bị chụp mũ phản cách mạng khiến cho tác giả của nó phải bị tù đày hay chết." Từ đấy đưa đến tầm quan trọng của khủng bố, một yếu tố cơ bản trong chương trình thiên đường không tưởng của cách mạng ít ra kể từ khi Robespierre nói về "đức tính và đứa con của nó, khủng bố." "Toà án," Lê Nin viết vào năm 1922, " không được cấm khủng bố ... mà phải trình bày một cách rõ ràng và hệ thống những nguyên nhân hình thành nên nền tảng của khủng bố, phải hợp pháp hoá nó về nguyên tắc, một cách rõ ràng, không cần phải giả vờ."
Tuy nhiên, điều rất quan trọng ta cần ghi nhớ không phải là sự tàn bạo của chế độ cai trị cộng sản -tức những gì chúng ta có thể gọi chủ nghĩa Marx tồn tại trong thực tế - mà chính là sự giả dối và xem thuờng luật pháp của chế độ. Chính điều này phân biệt độc tài bình thường với độc tài toàn trị. " Luật pháp," Kolakowski nhận xét, " có thể có những hình phạt rất nặng cho những tội nhẹ mà không nhất thiết phải toàn trị; điều đặc trưng của luật pháp toàn trị chính là xử dụng những nguyên tắc như nguyên tắc của Lê Nin: người dân có thể bị hành quyết vì thể hiện những quan điểm mà có thể " phục vụ khách quan quyền lợi của giai cấp tư sản." Điều này có nghĩa chính quyền có thể muốn giết ai cũng được; ở đây làm gì có cái gọi là luật pháp; không phải bộ luật hình sự quá nặng, mà là nó không tồn tại ngoại trừ chỉ ở cái tên."
Tựa đề của người dịch, tựa đề của bài viết dài trong nguyên bản tiếng Anh là "Leszek Kolakowski & sự phân tích về chủ nghĩa toàn trị."
Roger Kimball là biên tập viên và người xuất bản tạp chí New Criterion. Ông còn là nhà phê bình nghệ thuật và người thường đóng góp bài cho các báo và tạp chí nổi tiếng ở Mỹ và Anh.
Nguồn: Tạp chí New Criterion số tháng Sáu 2005