Đỗ Trung Quân - Tôi biết những lời trách móc thậm chí dè bỉu từ Hà Nội, nơi những cuộc tuần hành ngày càng có qui củ, chính kiến rất rõ rệt với kẻ thù và được chính quyền cũng phần nào nhẹ tay sau những đàn áp tệ hại vừa qua. Tôi cũng chỉ cười buồn. Hà Nội có câu nói ra miệng của Tướng Nhanh, còn Sài Gòn, khác lắm. Nó không có câu nói nào tương tự. Nó, dường như chỉ làm được một điều nhỏ nhoi duy nhất: Nhóm lên đốm lửa ban đầu. Thế thôi.
Thử làm một cái test nhỏ sau mấy tháng vừa qua.
Gọi cho một anh người quen cũ, nay chuyển ngành, làm giám đốc một ngành khác, chỉ để thăm hỏi. Câu trả lời vội vã: “Đang trong buổi họp sẽ gọi lại anh sau”. Đấy là người vẫn thường nhắn tin: “Vừa đọc bài anh trên… xúc động lắm”.
Cú “gọi lại sau” mãi mãi còn ở thì tương lai. Bèn cười một mình, cái SỢ ăn sâu ghê gớm.
Gọi điện hỏi thăm chị P, hiệu trưởng Đại Học Hoa Sen, khi nghe chị ngã xe ngoài đường. Tai nạn nhỏ đủ để chị nghỉ ở nhà một tuần. Theo chị tai nạn này là thật, không phải “tai nạn“ trong ngoặc kép.
Trước đó, chị gửi lời xin lỗi chúng tôi, TS Nguyễn Quang A, Nhà văn Nguyễn Quang Lập và tôi, về việc cuộc thi vẽ logo về biển Đông. Cuộc thi chỉ có thể tiếp tục nếu… không có chúng tôi trong Ban Giám khảo. Tôi vui vẻ chia sẻ và đồng ý, bởi lẽ cá nhân mình không thể to hơn chuyện lớn, nếu chúng tôi phải vắng mặt cuộc thi vẫn được tiếp tục thì quá tốt, tại sao không? Nhưng không lâu sau, cuộc thi ấy cũng đã được yêu cầu không tổ chức nữa. Vì sao? Không khó hiểu để trả lời.
Ngồi uống rượu với vài người quen cũ, trong giới nghề nghiệp của mình. Mấy chục năm trong nghề đều biết nhau cả. Cuộc rượu sẽ vui nếu không có những cái cười mỉa mai “sao lúc này rách việc, xuống đường, viết lách phản động thế”? Tôi đặt ly rượu hỏi lại “Nói thật hay nói chơi? Nếu nói chơi thì trà dư tửu hậu tôi cho qua. Còn nói thật thì giải thích xem phản động là thế nào”? Thấy tôi quyết liệt trong sắc mặt, kẻ vừa nói mà không có lời giải thích là đùa hay thật đã lảng qua chuyện khác; những cái bẹo má , cầm tay tán tỉnh cô tiếp viên, có lẽ là sinh viên đi làm thêm của một nhà hàng không phải bia ôm, với những lời “có cánh“ cải lương thường thấy ở những nơi… xa vợ.
Tôi không nhận định gì cái quyền “tự do cá nhân” ấy. Xin cứ tự nhiên cho, chỉ thấy nên đứng dậy về. “No cơm ấm cật dậm dật tứ bề” là chuyện thường tình. Con đường xưa đi chung, cùng xuất phát điểm, nay lắm kẻ đã êm ấm rẽ qua lối khác cũng là chuyện thường tình. Tôi chỉ cấm duy nhất một điều: trước quốc nạn ngoại xâm, kẻ nào gọi những người bày tỏ thái độ với kẻ thù là phản động, thì chiến tuyến đã phân rõ và không thể ngồi chung.
Sài Gòn im ắng dần. Vì sao? Có nhiều lý do khác nhau mà cá nhân mình không thể trả lời thay.
Tôi biết những lời trách móc thậm chí dè bỉu từ Hà Nội, nơi những cuộc tuần hành ngày càng có qui củ, chính kiến rất rõ rệt với kẻ thù và được chính quyền cũng phần nào nhẹ tay sau những đàn áp tệ hại vừa qua.
Tôi cũng chỉ cười buồn. Hà Nội có câu nói ra miệng của Tướng Nhanh, còn Sài Gòn, khác lắm. Nó không có câu nói nào tương tự. Nó, dường như chỉ làm được một điều nhỏ nhoi duy nhất: Nhóm lên đốm lửa ban đầu. Thế thôi.