Tôi phải nói, tôi phải gào - Dân Làm Báo

Tôi phải nói, tôi phải gào


Bình Minh (danlambao) - Tôi phải nói, tôi phải gào cho… những sợ hãi khiếp nhược vỡ ra, cho tình yêu nước tuôn trào, cho hào khí dân tộc được hâm nóng.

Sau khi đất nước thống nhất, để đập tan âm mưu “phản động”, tại miền Nam các lực lượng công an cảnh sát chìm nổi kiểm soát sự đi lại của dân chúng rất chặt chẽ. Ngoài những buổi họp tổ dân phố, hay những sinh hoạt do phường khóm tổ chức, nếu tụ nhóm khoảng dăm ba người là sẽ bị dòm ngó và bị theo dõi rất kỹ.

Thế mà vào năm 1977, tại Sài Gòn, những người phụ nữ có chồng con bị bắt đi học tập cải tạo - cũng đã tìm cách gặp gỡ và rủ nhau “xuống đường”.

Mười một người đàn bà cùng ba em nhỏ, hai trai một gái, hẹn nhau trước nhà thờ Đức Bà, tại Sài Gòn với những tấm giấy nguệch ngọac viết vội những chữ “Chồng tôi ở đâu ?”, “ Mẹ đi tìm con”, và các em nhỏ với “Ba ở đâu ? Con nhớ ba”. Họ đến đây với một mục đích duy nhất là yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cho biết tin tức về chồng con của họ. Ai cũng nhớ, tháng 5 năm 1975, khi ra lệnh những người thuộc quân cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa phải trình diện đi học tập, Ủy Ban Quân Quản đã “hứa khoan hồng” và kêu gọi chỉ cần đem áo quần lương thực dự trữ cho 10 ngày. Nhưng than ôi... những người chồng những đứa con đã ra đi biền biệt mấy năm liền không một tin tức về nhà.

Cuộc, tạm gọi là “xuống đường”, dĩ nhiên bị giải tán ngay tức khắc chỉ trong vòng 15 phút. Công an cảnh sát, với đồng phục vàng, đồng phục xanh cùng lực lượng dân phòng tay đeo băng đỏ, rầm rập ào ào chạy đến dùng báng súng húc vào hông những người phụ nữ. Có kẻ tay này giật miếng carton biểu ngữ, tay kia tát, chân đá chân thụi vào những người đàn bà cô thế. Các em nhỏ sợ hãi mếu máo khóc cũng bị những cú đá cú đấm vào mặt, rồi tất cả bị lùa lên xe chở đi mất hút.

Tôi nhớ, tôi đã thảng thốt sững sờ - tê buốt cả người khi khúc phim bạo động xảy ra trước mắt trong chớp nhoáng. Tôi cũng đã từng bị những cái tát vào mặt, những cú đạp thốc vào hông, nhưng chưa bao giờ tôi nhói đau như ngày hôm đó, khi nhìn thấy cảnh hai em bé trai khoảng 5 tuổi bị kéo lê xồng xộc trên mặt đường và một bà mẹ già tuổi khoảng 65 đang loạng choạng đứng dậy lại bị thêm một cái tát tai nẩy lửa vào mặt chúi nhủi. Bầu trời như sạm tối lại, chung quanh tôi, có những giọt lệ vội vã chùi, có những viên sỏi ven đuờng bị đá thốc lên bởi những bước chân bực tức.

Ngày hôm nay, hình ảnh hai người đàn bà mảnh mai, chị Dương Hà, với tấm bảng ghi dòng chữ “Chồng Tôi Vô Tội” và chị Cù thị Xuân Bích với “Anh Tôi Vô Tội” trong ngày xử phúc thẩm Luật sư Cù Huy Hà Vũ, chao ơi lòng tôi lại nhói.

Họ cướp, đã cướp tất cả
cướp nhà, cướp đất
cướp cha, cướp chồng
và cướp cả niềm tự tin sinh khí của một con người.

Họ cứ như những con thú dữ điên cuồng say máu, hả hê thẳng tay cướp đoạt tài sản và triệt hạ tận gốc những người ngã ngựa, những người mà họ đã gọi là “anh em” và dùng làm đối tượng trong chiêu bài “giải phóng”. Xuyên qua những chiến dịch trả thù ngông cuồng của nhà cầm quyền với các chính sách diệt tư bản mại sản, diệt văn hóa “đồi trụy”, trại cải tạo, kinh tế mới…. thì hỡi ơi Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là như thế đó ư ?

Nhìn lại, không phải chỉ miền Nam bị hủy diệt mà cả miền Bắc cũng bị trù dập không kém. Qua những chiến dịch cải cách ruộng đất, Trăm Hoa Đua Nở, Nhân Văn Giai Phẩm v.v.. Đảng Cộng sản đã biến những đứa con trong gia đình thành những đao phủ thủ giỏi nhất, tài ba nhất đến nỗi cha mẹ cũng còn phải e dè sợ hãi. Đảng đã dùng miếng ăn để khống chế tinh thần phản kháng, dùng miếng ăn để sai khiến kẻ nhẹ dạ luồn cúi, những bồi bút văn nô và từ đó hầu hết mọi người sống trong âm thầm nhận chịu. Tất cả những tinh hoa hào khí của đất nước đều nằm trong ngục tù, bên ngoài là những con người cúi đầu chấp nhận bị trị. Đảng đã dùng quyền lực đẩy người dân ra hẳn ngòai lề, biến họ thành một đàn cừu ngoan ngoãn, tuân phục.

Cái thói quen của cuộc sống ngòai lề này trong suốt mấy chục năm đã tạo ra một lớp người chỉ muốn an phận. Thay vì khuyến khích tuổi trẻ phải tự tin vươn lên, bậc cha mẹ, với nỗi nhút nhát cố hữu, không những đã ươm trồng cái tự ti của mình vào con cái mà còn khuyến khích cho lối sống an nhiên chờ đợi ân huệ ban phát mà không hề thấy hổ thẹn.

Thật kinh hòang khi sức sống của cả một dân tộc bị thui chột một cách rất bài bản. Ý thức nơi người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hưng đất nước, nhất là cho Độc lập, Tự do của một dân tộc. Và qua chín lần biểu tình, cái sợ hãi nhu nhược vẫn còn bám chặt trong quần chúng. Kẻ an phận tò mò bàng quan bên lề nhiều hơn số người thực sự muốn cứu nước.

Một con én không làm nổi mùa xuân.

Độc lập, tự chủ của một dân tộc không thể xây dựng trên lơ là, nhu nhược, nông cạn. Những tiếng nói đơn lẽ của các nhà dân chủ như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Cù Huy Hà Vũ, Trần Hùynh Duy Thức, Lê Thị Công Nhân, v.v... sẽ không có kết quả nếu không có sự yểm trợ ý thức của khối quần chúng.

Xin hãy đập vỡ cái sợ hãi, cái nhút nhát cố hữu kia đi. Trời ơi, cứ nghĩ đến lúc phải làm nô lệ cho quân xâm lược trên chính đất nước mình, tôi thấy thật nhục nhã và kinh hoàng quá. Tất cả, xin đừng chần chờ, hãy can đảm quật khởi tự lột mình ra khỏi vỏ để sống bằng hào khí thanh niên. Xin đừng biểu tình bằng màn ảnh điện tóan mà hãy mạnh dạn bước ra ngoài cầm loa, cầm bảng tuần hành xuống đường cùng các chị các anh. Cũng xin đừng đứng trên lề để “xem” biểu tình mà hãy bước xuống làm người biểu tình.

Tôi mất bố, tôi mất mẹ, tôi mất chồng,
nên tôi hiểu được những hụt hẫng của mất mát
và bây giờ tôi sắp sửa mất nước,
nên tôi phải nói, nên tôi phài gào …
gào cho đến khi nào anh em tôi tỉnh thức,
cho đến khi nào đồng bào tôi không còn mất chồng mất cha
“Chồng Tôi Vô Tội” “Anh Tôi Vô Tội”
“Chồng tôi ở đâu ?”, “ Mẹ đi tìm con”, “Ba ở đâu ? Con nhớ ba”,

mãi mãi là những câu hỏi nhức nhối mà tất cả chúng ta không thể nhắm mắt bịt tai… chỉ đứng bên lề.

9/8/2011



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo