Viết cho mùa thu - Dân Làm Báo

Viết cho mùa thu

Mẹ Nấm Những ngày cuối cùng của tháng Tám sắp đi qua, và Hà Nội đang vào thu. Tôi không nhớ nhiều về những ngày đầu tháng rực rỡ, những ngày sôi nổi với bạn bè bằng một lần được ngồi trò chuyện với chị Bùi Hằng, chị Phương Bích và anh Dũng (Aduku).

Khác hẳn với hình ảnh của một nữ quản ca đầy nhiệt huyết bên Bờ Hồ mỗi sáng Chủ Nhật, Bùi Hằng mà tôi gặp rất vui vẻ và "đanh đá" một cách dịu dàng.Chị khoác tay tôi nhìn từ đầu đến chân rồi bảo: "Ôi con bé này còn bé hơn mình nghĩ".Còn tôi thì xin phép chị cho tôi rờ xem hàng chữ "Nợ nước - Thù nhà" trên vai là thật hay là dán.

Lúc chúng tôi đang cùng ngồi nói chuyện thì hình như có một anh an ninh gọi hỏi xem chị đang ở đâu, và chị trả lời anh ấy rất nhẹ nhàng.- Em đã ở ngoài đường rồi anh ạ. Hẹn gặp anh tại địa điểm của những người yêu nước nhé!

Đứng cùng với chị trong đám đông những người tham gia biểu tình tại Hồ Gươm sáng Chủ Nhật ngày 7.08.2011 tôi thực sự thấy phục sức khỏe, và sự kiên trì của chị Hằng. Mọi người hô khẩu hiệu rất phấn khởi, chị giữ nhịp rất đều. Dường như chị không thấy mệt khi phải đi một vòng Bờ Hồ và hát hò cả hơn 3 tiếng.

Khi xem một loạt các tin nhắn hăm dọa chị trong điện thoại, tôi hỏi: "Chị không sợ à?"

Chị trả lời: "Chị đã đi quá nửa đời người rồi em ạ. Sung sướng, khổ nhục gì rồi cũng trải qua, ai cũng sợ, nhưng vượt qua nỗi sợ thì không còn sợ nữa. Chị nghĩ nếu có thể làm được điều gì có ý nghĩa cho đời mình thì chị sẽ làm, vì không thể để đời mình trở thành vô dụng".

Ấn tượng chị để lại trong tôi, ngoài hình ảnh một người yêu nước nhiệt thành, một người phụ nữ luôn có đầy đủ lý lẽ và lập luận sắc bén để "đối thoại" với lực lượng an ninh còn là hình ảnh của một bà chị tốt bụng, chăm lo đến trạng thái sức khỏe và tinh thần của người khác đến nỗi quên cả bản thân mình.Dòng cuối cùng tôi nhận được từ chị :

Bùi Hằng muốn làm bó sen - BH muốn làm NGỌN ĐUỐC

- Ôi Tổ quốc khi cần Tôi chết
- Cho mỗi căn nhà, NGỌN NÚI , CON SÔNG

Nếu chúng dám tàn bạo với chúng ta, với đồng bào của chúng, cho BH này nguyện CHÂM BÓ ĐUỐC... Sẽ hãnh diện lắm nếu có thể chết cho lòng yêu Tổ quốc và con người.

Chị Bùi Hằng (áo dài) và chị Phương Bích (áo đen). Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Trái ngược với sự sôi nổi của chị Hằng, chị Phương Bích (Đặng Bích Phượng) lại là người phụ nữ đối lập. Gặp chị ở ngoài, tôi không thể tin được, bà chị 52 tuổi, nhẹ nhàng trầm tĩnh này lại có thể nói hàng giờ về bố mình. Chị nói: chị đã đi qua thời sôi nổi của tuổi trẻ trong an bình, chị muốn dành hết thời gian của mình để chăm bố. Bố chị Phương Bích có vấn đề với dạ dày, nên hàng ngày ngoài giờ đi làm chị luôn về nhà giành phần nấu ăn cho bác.

Lúc tôi hỏi: "Thế mỗi buổi sáng chị đi tập thể dục ở Bờ Hồ, thì ai nấu cơm hả chị?" Chị bảo, lần nào đi chị cũng tranh thủ đi chợ sáng, rồi lúc "đi dạo" xong, phải về ngay chăm cụ.

Chị Phương Bích ở ngoài dịu dàng, nhẹ nhàng hơn một số bài chị viết trên báo. Chị nói: "không thể tin được là chị lại có thể vượt qua nhiều nỗi sợ hãi để xuống đường cùng mọi người thế này em ạ. Chỉ có thể giải thích điều này bắt nguồn từ tình yêu thiêng liêng đối với Tổ quốc, mà đến chừng tuổi này chị mới cảm nhân được".

Hôm UBND Tp Hà Nội ra thông báo yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình tại Hồ Gươm, chị Phương Bích thông báo việc các cơ quan ban ngành địa phương đến yêu cầu, thuyết phục và làm áp lực với gia đình chị. Bố chị tăng huyết áp ngã bệnh, gia đình xào xáo.

Dòng cuối cùng chị thông báo trên Facebook của mình lúc 4:33 sáng Chủ Nhật ngày 21/08/2011:

Không ngủ được, dậy viết thư gửi ông NT Thảo. Có lẽ để chiến thắng được trò chia rẽ nội bộ này của chính quyền, ta phải chấp nhận sự hy sinh nào đó. Tôi bỏ nhà đi bụi đây.

Người cuối cùng tôi muốn nhắc đến là Nguyễn Văn Dũng (Aduku Aka). Dũng hơn tôi một tuổi, và chúng tôi thống nhất là gọi tên nhau cho thân mật. Quê Dũng ở tận Việt Trì - Phú Thọ. Và mỗi sáng Chủ Nhật hàng tuần, Dũng lại đi xe xuống tận Hà Nội để bày tỏ lòng yêu nước của mình bên Hồ Gươm. Tôi biết Dũng vì chúng tôi có cùng sở thích là đọc sách, và khi gặp nhau, tôi thực sự thấy phục anh bạn mình. Bạn đọc kỹ, nói chậm nhưng quyết liệt và dứt khoát. Nếu nhìn Dũng ở ngoài, bạn sẽ cho rằng đây là một chàng thư sinh trói gà không chặt. Nhưng có nói chuyện, có trao đổi mới thấy được ước mơ và khát vọng nhìn thấy sự tươi mới trên quê hương mình của anh.


Nguyễn Văn Dũng (Aduku Aka)Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Dũng nói với tôi: "Mình rất gàn, nhưng mình gàn vì mình có một sự thay đổi thực sự. Mình gàn vì muốn đem kiến thức mình biết để truyền lại cho các em" (Dũng có một quầy sách nhỏ trước cổng trường)

Tôi chỉ kịp xiết tay Dũng trong một lần hội ngộ bên Hồ Gươm.

Status cuối cùng trên Facebook của mình Dũng viết:

Không bán nước cho người yêu nước
Cứ thích nô với kẻ vong nô.

Tin cuối cùng mà tôi nhận được về Dũng từ bạn bè mình là thế này:

Lúc Binh Nhì giơ cho mình xem tổng tài sản của Dũng Aduku đưa cho Binh Nhì giữ trước khi tạm biệt để lên Hỏa Lò là 1 chiếc ví da cũ trong đó có 3 tờ 10.000đ. Binh Nhì bảo là Dũng nó có tất cả 80.000đ, đổ xăng xe hết 50.000 đ, ăn trưa 20.000đ còn 10.000 để đề phòng thủng săm xe. Khổ thân em quá, Dũng ơi !

Chúng tôi, nhiều người thấy cay mũi khi đọc những dòng này xin gọi anh là "Chú lính chì dũng cảm"!


Mùa thu Hà Nội thường đọng lại trong tôi rất nhiều ký ức đẹp, nhưng có lẽ hôm nay ký ức đó không những đẹp mà còn buồn. Bởi hai người chị, và người bạn của tôi vẫn còn đang bị giam giữ vì bày tỏ lòng yêu nước của mình "không đúng cách".

Viết cho mùa thu năm nay, không mong gì hơn ngoài sự bình an, vững vàng và tinh thần kiên định của chị Hằng, chị Phượng và Dũng.

Tháng Tám mùa thu - ngày thật buồn!


Bài viết riêng cho DCVOnline


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo