Một trong những Bấm điện tín của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội, bị Wikileaks tiết lộ, cho biết một thiếu tá biên phòng Việt Nam trao đổi với viên chức Mỹ trong tình trạng say rượu, một ngày sau khi hai chính phủ Việt - Trung ký một loạt thỏa thuận quan trọng về biên giới năm 2009.
Từ 16 đến 18/11 năm 2009, đã diễn ra cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Ngày 18/11 năm đó, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã ký Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Một trong những điểm gây tranh cãi cho dư luận trong ngoài nước Việt Nam là chủ đề khai thác, phát triển du lịch thác Bản Giốc, mà khi đó hai phái đoàn nói sẽ sớm khởi động đàm phán xây dựng một hiệp định về việc này.
Theo điện tín của Sứ quán Mỹ, vào ngày 19/11, một ngày sau khi hai nước Việt - Trung ký các thỏa thuận, một viên chức chính trị của sứ quán Mỹ đã lên thăm thác Bản Giốc và gặp lính biên phòng cùng một đại diện đối ngoại của tỉnh Lạng Sơn.
Bức điện kể lại rằng một chỉ huy biên phòng, tự giới thiệu là Thiếu tá Hoa (bản gốc tiếng Anh không có dấu) đến gặp trong tình trạng say rượu (visibly drunk).
Ông này giải thích ông vừa xong một phiên "tham vấn" không chính thức với lính biên phòng Trung Quốc bên kia sông, diễn ra vào mỗi tháng hoặc khi có vấn đề xảy ra.
Khi được hỏi "vấn đề" có thể là gì, ông nói thỉnh thoảng khách du lịch lại bị ngã xuống nước.
Theo bức điện, Thiếu tá này bực bội trước ý kiến rằng Bản Giốc là "điểm nóng", tuy ông thừa nhận vấn đề biên giới là "nhạy cảm".
Vị thiếu tá nói với phía Mỹ rằng ông không biết đường biên giới chính xác của thác, nói rằng đó chỉ là cái thác thôi và chẳng ai có thể đi qua.
Ông kết luận: "Chỉ là vài thước đất thôi, nếu như nó có nghĩa là Việt Nam và Trung Quốc có thể có hòa bình và cùng nhau phát triển."
Quan trọng biểu tượng
Trong phần bình luận, bức điện đồng ý với Thiếu tá Hoa rằng ông này cũng một phần có lý.
Đại sứ Michael Michalak, người ký tên dưới bức điện, nói thương lượng quanh thác Bản Giốc "có tầm quan trọng biểu tượng trong các trí thức dân tộc chủ nghĩa ở Hà Nội và TP. HCM và cộng đồng đối kháng hải ngoại".
Nhưng ông viết trong bức điện: "Tuy vậy, trong thực tế, thỏa thuận biên giới đã gỡ bỏ một tiềm năng va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam."
"Đây là một thành tựu quan trọng, như chúng tôi đã ghi nhận khi thỏa thuận được ký, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến 1979 với Trung Quốc mà đã làm con số người Việt chết lên đến 20.000 được xúc tác bởi một tranh chấp biên giới, ngay cả nếu nguồn cơn gốc rễ là cuộc xâm lăng Campuchia của Việt Nam."
Trên đường về, người đại diện cho ủy ban nhân dân Lạng Sơn chỉ cho phía Mỹ xem những ngôi làng từng bị san phẳng trong cuộc chiến ngắn ngủi năm 1979.
Bức điện kết luận người ta nên ghi nhớ Việt Nam cố gắng "giải quyết một cách thực tiễn mối quan hệ không cân xứng với Trung Quốc".
Những người chỉ trích cho rằng thác Bản Giốc, cả phần chính và phần phụ, là của Việt Nam đã bị Trung Quốc "lấn chiếm".
Còn theo quan điểm chính thức hiện nay của chính phủ Việt Nam, "phần thác cao rất đẹp của Bản Giốc hoàn toàn nằm bên phía Việt Nam, phần thác thấp nhưng là phần chính nằm ở sông Quế Sơn có một phần thuộc Trung Quốc" (Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, phát biểu năm 2007).