Xin đừng nén chiếc lò xo - Dân Làm Báo

Xin đừng nén chiếc lò xo

Lê Văn Xiếng (danlambao) - Đàn áp bằng bạo lực có thể làm trong khả năng của người nắm giữ quyền lực, nhưng sự bất mãn trong nhân dân giống như chiếc lò xo càng nén càng cứng. Người ta có thể ngăn ngừa nó bung ra nhưng không bao giờ triệt tiêu được nội lực tồn tại bên trong lò xo ấy.

Tụ tập trên hè phố là hành vi của một nhóm người thường không có mục đích rõ ràng, chủ yếu là giải trí, giết thì giờ nhàn rỗi. Tụ tập đông người khác tụ tập kiểu giết thì giờ nhàn rỗi, nó thường có mục đích hoặc lý do nào đó, thí dụ xem ca nhạc, xem biễu diễn hoặc yêu sách một điều gì đó với cá nhân hay tập thể với số lượng người đông hơn. Khi một đám đông bày tỏ yêu sách, cái tập thể ấy có chung một yêu cầu, không nhất thiết sự tụ tập có lý do chính đáng hay không chính đáng, sự can thiệp của chính quyền là cần thiết - để lắng nghe, giải thích hoặc xem xét giải quyết trong chức năng duy trì an ninh trật tự.

Biểu tình là hoạt động khác hẳn hai trường hợp trên. Biểu tình là sự bày tỏ mạnh mẽ ý chí của một tập thể lớn đông người. Biểu tình ủng hộ hay biểu tình chống đối đều có chung đặc điểm là tập thể đoàn kết, sự bày tỏ mạnh mẽ và ý muốn phía đối tượng phải ghi nhận, chú ý hoặc giải quyết. Tuần hành ủng hộ nạn nhân da cam là biểu tình bày tỏ đồng thuận, tuần hành phản đối Trung Quốc là biểu tình bày tỏ phản kháng. Cả hai loại biểu tình đều phải được tôn trọng và thừa nhận như nhau trong một xã hội văn minh tôn trọng quyền dân chủ.

Không có lý do để gọi những cuộc tuần hành biểu tình là tụ tập đông người. Gọi như thế là cố tình làm rối nghĩa tiếng Việt, là hạ thấp nhân phẩm đám đông và xem nhẹ quyền tự do đã được Hiến Pháp thừa nhận.

Mặc dù chưa chính thức nhưng hai cơ quan nhà nước đã hai lần công nhận từ biểu tình một cách công khai. Cuộc họp báo 2/8 của CATP và thông báo 18/8 của UBND Hà Nội không còn ghi "tụ tập đông người"mà ghi rõ là những cuộc biểu tình của những người yêu nước. Đây động thái có thiện chí của phía chính quyền đồng thời là thắng lợi bước đầu của một xã hội dân sự.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, dù có biểu tình hay tụ tập đông người, chính quyền có bổn phận phải lắng nghe, giải thích hay giải quyết thỏa đáng. Bày tỏ lòng yêu nước, thể hiện sự giận dữ đối với bá quyền TQ chỉ là hình thức, còn nội dung yêu sách của người biểu tình tuy không nói ra nhưng rõ ràng là không khó giải quyết. Tôi xin gợi ý theo suy nghĩ của mình, có thể sẽ chưa đầy đủ, đó là:
  • Bảo vệ ngư dân Việt trên biển Đông.
  • Việt Nam phải phản ứng mạnh hơn trước hành động lấn lướt của Trung Quốc.
  • Nhân dân muốn biết hiệp định biên giới 1999 đã ký kết thế nào, Việt Nam mất đất ra sao và ai chịu trách nhiệm?

Nếu nhà nước tỏ thiện chí gặp đoàn biểu tình giải thích những bức xúc trên kết quả chắc chắn sẽ nhiều phần tốt đẹp. Nhân dân sẽ ủng hộ nếu đảng CS chứng tỏ bằng hành động quyết tâm bảo vệ đất nước. Nhưng đáng tiếc đến bây giờ vẫn chưa thấy chính quyền tỏ thiện chí, ngoài việc hù dọa sẽ ra tay đàn áp "bằng mọi biện pháp".

Đàn áp bằng bạo lực có thể làm trong khả năng của người nắm giữ quyền lực, nhưng sự bất mãn trong nhân dân giống như chiếc lò xo càng nén càng cứng. Người ta có thể ngăn ngừa nó bung ra nhưng không bao giờ triệt tiêu được nội lực tồn tại bên trong lò xo ấy.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo