Trần Quang Hạ (danlambao) - Biểu tình quốc doanh chất độc da cam, đi bộ hòa bình xanh thì được chứ biểu tình chống đối tự phát thì không. Lo sợ sự phẫn nộ trong dân chúng bùng phát đồng nghĩa với thừa nhận phẫn nộ ấy tồn tại. Nhà nước không nói công khai nhưng vô hình chung đã thiết lập công khai: Hệ thống công an chìm nổi dàn trải khắp nước đang chứng minh sự phẫn nộ trong dân chúng là có thật...
*
Xuống đường là sự bày tỏ mạnh mẽ ý kiến người dân khi chính quyền không giải quyết yêu cầu chính đáng của họ. Bày tỏ ý kiến tập thể là quyền của công dân được điều 69 Hiến Pháp thừa nhận "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Trong kỳ họp quốc hội gần đây, dân biểu Dương Trung Quốc và Trương Trọng Nghĩa phát biểu về sự cần thiết phải có Luật Biểu Tình để công dân thực hiện quyền hiến định, đồng thời cơ quan công quyền không lúng túng khi xử lý.
Thế nhưng đối với người dân, chưa có luật có nghĩa biểu tình là không phạm luật. Chưa có thì làm sao phạm được? Luật biểu tình chưa có nhưng luật cấm biểu tình cũng không có, như vậy nguyên tắc "không cấm, được quyền làm" có thể ứng dụng ở đây. Cơ quan công quyền cần luật để xử lý những vi phạm do biểu tình gây ra chứ công dân không cần luật mới được phép xuống đường vì đơn giản đó là quyền Hiến Định.
Quyền được sống, được hít thở, được xây dựng hạnh phúc v.v... là điều tự nhiên. Quyền cũng không thể hiểu theo nghĩa xin cho. Giả sử chúng ta có luật về biểu tình, nhà nước sẽ qui định xin phép. Chắc chắn không ai xin được giấy phép "nhạy cảm" như thế trong cái cơ chế quan liêu hiện nay. Ở các nước dân chủ, biểu tình trên đất tư mới cần giấy phép, còn nơi công cộng thì không.
Để chứng tỏ nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa có đầy đủ các điều luật văn minh như xã hội dân chủ, câu thòng "theo qui định của pháp luật" được viết ra có dụng ý: Vậy nhưng không phải vậy. Chính sự mập mờ đã gây ra tai hại khi đất nước chuyển qua phát triển kinh tế, xã hội phát sinh những hoạt động phức tạp hơn, giai đoạn mà mọi khái niệm luật pháp đòi hỏi phải công khai minh bạch.
Câu thòng "theo qui định của pháp luật" cũng được hiểu: Biểu tình được phép tổ chức, tiến hành trong tinh thần tương tác, tôn trọng các luật lệ qui định khác như giao thông công cộng, an toàn dân cư, thương mại v.v... Nếu như thế, tất cả các cuộc biểu tình yêu nước, biểu tình dân oan, cầu nguyện tôn giáo lâu nay đều tốt đẹp, vì không có cơ quan hay cá nhân nào phản ảnh hay kiện tụng người biểu tình đòi bồi thường thiệt hại. Chúng ta thấy biểu tình ôn hòa ở Việt Nam là dễ thương, mẫu mực và tự chế nhất thế giới.
Nhà nước muốn thế giới nhìn nhận như một nhà nước pháp quyền nhưng không muốn pháp quyền đó đe dọa độc quyền lãnh đạo của Đảng. Biểu tình quốc doanh chất độc da cam, đi bộ hòa bình xanh thì được chứ biểu tình chống đối tự phát thì không. Lo sợ sự phẫn nộ trong dân chúng bùng phát đồng nghĩa với thừa nhận phẫn nộ ấy tồn tại. Nhà nước không nói công khai nhưng vô hình chung đã thiết lập công khai: Hệ thống công an chìm nổi dàn trải khắp nước đang chứng minh sự phẫn nộ trong dân chúng là có thật.
Ở các nước, cảnh sát đứng trên lằn ranh của họ trông chừng người biểu tình. Trong tình huống đặc biệt, cảnh sát mới "dàn chào" khi cần thiết. Ở nước ta công an tự do thâm nhập vào người biểu tình và cả những người không biểu tình để tìm bắt, chụp ảnh, đánh nóng đánh nguội một cách vô lý. Từ cưỡng bức viết cam kết, đe dọa gia đình người thân, cắt người canh gác ngày đêm đến dàn cảnh tai nạn giữa thanh thiên bạch nhật. Từ nhắn tin đe dọa đến thuê mướn côn đồ hành hung quậy phá.
Trong xã hội dân sự người dân có quyền phản đối hoặc kiện nhà nước (thành phố, tỉnh, huyện...) vì những việc làm của công an. Những hành vi đe dọa nặc danh, xâm nhập vào gia cư, rỉ tai người thân hàng xóm, ngồi lỳ trước nhà canh gác... là gây hậu quả tâm lý nghiêm trọng. Xã hội văn minh lên án hành động mông mụi nầy.
Chúng ta yêu nước bao nhiêu thì càng tức giận cái guồng máy trấn áp nầy bấy nhiêu. Chúng ta phẫn nộ hành động ngang ngược của Trung Quốc thì càng thấy lợm giọng cho cái mánh lới, thủ đoạn của nghành an ninh Việt Nam, khoác cái tên cao đẹp: Công An Nhân Dân.
Sau 9 lần biểu tình ở Hà Nội, công an tỏ ra bối rối trong phương thức trấn áp. Mỗi người biểu tình là mỗi ngọn lửa thắp sáng niềm tin. Mỗi người xuống đường là mỗi lãnh tụ, họ nhận tín hiệu bằng tốc độ ánh sáng internet. Thủ đoạn triệt hạ những người đi đầu không thể áp dụng trong thế kỷ 21 khi mỗi trái tim đếu là lãnh tụ.
Sự thất bại của công an không có gì khó hiểu. Người biểu tình thiết tha một lòng yêu nước, không "thế lực thù địch", không "ăn tiền nước ngoài", không mưu đồ "chống phá cách mạng", không "âm mưu lật đổ chính quyền". Chúng ta xuống đường bởi vì dân tộc bị sỉ nhục. Chúng ta phẫn uất bởi thái độ im lặng đê hèn và nguy cơ mất nước rõ ràng trước mắt.
Đối diện với sự cao cả như thế, satan phải cuối đầu, quan tòa phải lí nhí, huống hồ những người an ninh chỉ biết làm theo lệnh cấp trên mù quáng. Bạo lực và thủ đoạn nhất định sẽ thất bại trước sự quang minh chính đại của lòng yêu nước.