Động cơ thứ nhất của một số người là lợi dụng việc biểu thị thái độ yêu nước, phản đối hành động tàu Trung Quốc gây hấn trên biển vừa qua để đánh bóng cá nhân, khỏa lấp tội lỗi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam...
Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách
ANTĐ - Hơn 2 tháng qua, cứ đến ngày chủ nhật là mấy hãng tin nước ngoài lại xúm vào khai thác việc một số người tụ tập dưới danh nghĩa bảo vệ chủ quyền quốc gia, phản đối những hành vi gây hấn của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của nước ta.
Đáng chú ý là các phương tiện thông tin của các thế lực phản động thường khai thác vài khuôn mặt quen thuộc từng bị pháp luật xử lý về âm mưu tuyên truyền chống phá sự ổn định của đất nước, chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Họ đưa tin đậm về các hoạt động ngăn cản hành động thể hiện lòng yêu nước, cứ như là chỉ có một nhóm người này thật sự yêu nước còn lại Nhà nước và lực lượng giữ gìn trật tự là không yêu nước.
Đã đến lúc cần phải nhận rõ những người khởi xướng và tổ chức các cuộc tụ tập đông người này. Động cơ của họ là gì?
Động cơ thứ nhất của một số người là lợi dụng việc biểu thị thái độ yêu nước, phản đối hành động tàu Trung Quốc gây hấn trên biển vừa qua để đánh bóng cá nhân, khỏa lấp tội lỗi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Bằng cách làm này, họ hy vọng lôi kéo được một số người ngây thơ về chính trị, hoặc nhận thức chưa đầy đủ đi theo họ. Thậm chí một số chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng có mặt. Có người trong số họ vẫn nghĩ rằng việc mình tham gia bày tỏ thái độ chống hành động sai trái này của Trung Quốc là giúp ích cho Nhà nước, cho đất nước.
Nhưng thật ra không như vậy. Bảo vệ chủ quyền quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước cũng như của toàn dân ta. Công việc khó khăn này đòi hỏi phải có các giải pháp tiến hành đồng bộ và phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Một mặt, sử dụng dư luận quốc tế đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, mặt khác phải tăng cường sức mạnh quân đội để đủ sức bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi quốc gia, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền quốc gia. Do tính chất phức tạp của vấn đề, nên quá trình tiến hành đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, vừa kiên quyết về nguyên tắc, vừa mềm dẻo, linh hoạt trong phương thức. Các biểu thị thái độ tự phát có thể phù hợp lúc này và phản tác dụng lúc khác, thậm chí nhiều khi góp phần phá hỏng những cố gắng của Chính phủ trong thương lượng đấu tranh ngoại giao. Nói như vậy là để những người còn nhận thức chưa đầy đủ hoặc phiến diện về chính trị cần nhận rõ đâu là bản chất của vấn đề phức tạp và nhạy cảm này. Còn những khuôn mặt đã cố tình lợi dụng việc này thì cần vạch rõ ý đồ của họ.
Động cơ thứ hai của những kẻ khởi xướng và tụ tập những nhóm đông người vào ngày chủ nhật còn thâm độc hơn nhiều. Đó là hành vi lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước để vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người. Đã có những ý kiến cho rằng họ muốn từ các cuộc tụ tập này biến thành “tiền đề cách mạng đường phố”.
Nghị định 38/2005/CP của Chính phủ đã ghi rõ: Việc tụ tập đông người tại nơi công cộng phải đăng ký với UBND có thẩm quyền trước 7 ngày và phải thực hiện đúng nội dung đăng ký. Bản đăng ký phải có nội dung cơ bản: nội dung, mục đích của việc tập trung đông người, địa điểm tập trung, đường đi, sơ đồ lộ trình sẽ đi qua, số người dự kiến tham gia, phương tiện mang theo, nội dung biểu ngữ, khẩu hiệu nếu có. Sau 7 ngày kể từ khi nhận được bản đăng ký, UBND cùng cấp có thẩm quyền và có trách nhiệm xem xét giải quyết việc đăng ký tập trung đông người. Nghị định 38/2005/CP cũng quy định: Chủ tịch UBND cấp cho phép và cấp trên trực tiếp có quyền đình chỉ hoặc hủy bỏ việc tập trung đông người khi xét thấy các hoạt động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc vi phạm nội dung đã cho phép.
Cũng theo Nghị định 38/2005/CP, khi tập trung đông người mà xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc vi phạm nội dung cho phép tùy theo tình hình cụ thể cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau để ổn định tình hình, bảo đảm trật tự và xử lý người vi phạm: thuyết phục, yêu cầu mọi người chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự công cộng và chấm dứt ngay hành vi vi phạm, cưỡng chế người có hành vi vi phạm rời khỏi địa điểm tập trung đông người trái pháp luật, sử dụng công cụ hỗ trợ và các công cụ, phương tiện khác để đảm bảo trật tự công cộng.
Nghị định 73/2010/ND-CP ngày 12-7-2010 về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội quy định:
Điều 7, khoản 3, mục m, n quy định: Tập trung đông người trái pháp luật tại các khu vực cấm, thực hiện không đúng quy định của pháp luật về việc tập trung đông người ở nơi công cộng, bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Như vậy các quy định của pháp luật xử lý việc tập trung đông người trái pháp luật đã có và đầy đủ. Việc thành phố yêu cầu chấm dứt ngay các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn là việc làm cần thiết. Nó không chỉ bảo đảm giữ gìn trật tự an toàn xã hội của Thủ đô, chấn chỉnh những việc làm sai pháp luật, mà còn góp phần vào tạo sự đồng thuận cao trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt luôn cuộn chảy lòng yêu nước, thương nòi, sẵn sàng đứng lên chiến đấu hy sinh vì danh dự - toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhưng lòng yêu nước cần phải thể hiện đúng cách. Ngay lúc này đây, chúng ta càng thấm thía sự đoàn kết, tỉnh táo, đồng lòng của mỗi con dân nước Việt là điều quan trọng nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước.
Nguyễn Việt