Biểu tình không cần xin phép - Dân Làm Báo

Biểu tình không cần xin phép

Luật gia Nguyễn Tường Tâm - Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam, quần chúng có thể BIỂU TÌNH KHÔNG XIN PHÉP để lên tiếng ĐÒI HỎI CHÍNH QUYỀN BẤT CỨ MỘT ĐIỀU GÌ liên quan tới quyền hiến định, nếu chịu chấp nhận tổn thất nhỏ là “bị tạm giam tối đa 24 tiếng đồng hồ”. Đồng thời, nếu trong lúc dẹp biểu tình mà chính quyền, kể cả công an lẫn các cơ quan báo, đài truyền thanh truyền hình, mà vi phạm quyền hiến định của người biểu tình thì họ có quyền kiện. Và trong trường hợp đó người biểu tình nên kiện, theo gương của 10 trí thức tiên phong, để tạo một bầu không khí trong đó kiện chính quyền là bình thường trong một quốc gia Việt Nam thực sự tự do và dân chủ...

*

An unjust law is itself a species of violence. Arrest for its breach is more so.
(Một đạo luật bất công tự thân là một hình thức bạo hành. Bắt giam người vi phạm đạo luật đó lại còn là một sự bạo hành hơn nữa.)Mahatma Gandhi

Vấn đề được đặt ra là nếu chính quyền từ chối cấp phép mà người dân vẫn biểu tình thì sao? Hay là nếu người dân biểu tình mà không xin phép chính quyền thì sao?

Bài khảo cứu chuyên môn này về quyền tự do biểu tình đặt trong khuôn khổ luật pháp hiện hành về quyền biểu tình của Việt Nam (không mở rộng sang những lãnh vực khác của luật hình sự như những chương điều liên quan tới anh ninh quốc gia và các quyền tự do khác) và trong giả định chính quyền thực tâm tôn trọng luật pháp do chính họ đặt ra. Trong khuôn khổ như vậy, người dân Việt Nam có thể thực thi quyền TỰ DO BIỂU TÌNH MÀ KHÔNG CẦN XIN PHÉP.

Ý niệm “tự do biểu tình không cần xin phép” đã được chính Bác Hồ mặc nhiên công nhận cách nay gần 70 năm. Mở đầu Sắc lệnh số 31 ngày 13/9/1945, Bác Hồ đã nhận định “Tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà”. Bác nhận định tiếp, “Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;” Do hai nhận định trên của Bác Hồ, điều thứ 1 của Sắc Lệnh số 31 đã qui định “Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ”. Khi qui định như vậy, Bác Hồ đã hàm ý “nếu trong tình thế bình thường, không có gì đặc biệt, thì “Những cuộc biểu tình KHÔNG CẦN PHẢI KHAI TRÌNH nữa”.

Đất nước ta đã chấm dứt chiến tranh được 36 năm (kể từ 1975). Bọn Mỹ đã cút khỏi đất nước ta 2 năm trước đó. Bọn ngụy cũng đã chết gần hết vì tuổi già. Nếu còn sống thì bọn ngụy bây giờ cũng đã trên dưới 70, cái tuổi không còn có thể gây nguy hại cho tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa. Bên ngoài chúng ta đang giao hảo với Trung Quốc. Mặc dù lâu nay có những va chạm, nhưng các va chạm đó theo công bố của báo chí trong nước thì ở mức độ nhỏ và sẽ được chính phủ hai nước giải quyết theo đường lối thương thuyết hòa bình, thân thiện. Vậy thì không còn lý do gì để chính quyền giới hạn khắt khe quyền biểu tình của người dân.

Thậm chí chính quyền KHÔNG THỂ GIỚI-HẠN QUYỀN BIỂU TÌNH KHẮT KHE HƠN CHẾ ĐỘ NGỤY Ở MIỀN NAM TRƯỚC 1975. Nhà nước ta cứ nói bọn ngụy quyền miền Nam là độc tài, tàn ác, đàn áp nhân dân, nhưng thực ra dân chúng trong nam thời đó được tự do biểu tình hơn bây giờ nhiều. Bằng chứng rõ ràng là vì bọn ngụy quyền miền nam tôn trọng quyền tự do biểu tình của người dân hơn nhà nước ta ngày nay rất nhiều nên nhiều đồng chí nội thành của ta như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Hiếu Đằng v.v... và còn nhiều đồng chí còn sống khác nữa, mới có thể công khai vận động tổ chức những cuộc biểu tình lôi kéo đông đảo quần chúng, sinh viên học sinh tham dự để ủng hộ cuộc chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của chúng ta. Chẳng lẽ sau khi giải phóng được miền nam, thống nhất đất nước, tình thế yên bình, chúng ta lại tiêu diệt quyền tự do biểu tình mà vốn dĩ nhân dân miền nam dưới chế độ ngụy vẫn được hưởng hay sao?

Điều 69 Hiến Pháp 1992 hiện hành có thêm chi tiết “theo qui định của pháp luật” để qui định : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Trong khi Quốc Hội chưa ra luật biểu tình thì chính cái đuôi “theo qui định của pháp luật” này đã khiến đại đa số dân chúng thấy ngập ngừng, âu lo và khó hiểu về quyền tự do biểu tình. Do đó mới có hiện tượng một số người lên tiếng yêu cầu Quốc Hội sớm ban hành “luật biểu tình”, và đa số người dân không dám biểu tình dù rằng, kể cả công an, ai cũng muốn biểu tình bày tỏ lòng yêu nước như 11 cuộc biểu tình chống Trung quốc vừa qua. Trong sự ngập ngừng, âu lo về quyền tự do biểu tình, hai bài bàn về quyền này, một của tiến sĩ Hoàng Xuân Phú (1) và một của Luật Sư Huỳnh Văn Đông (2) đã được đón nhận khá nồng nhiệt. Bài khảo cứu này của tôi chỉ bàn thêm một bước nữa về quyền biểu tình mà hai vị trí thức đó chưa bàn, đó là “BIỂU TÌNH KHÔNG CẦN XIN PHÉP”.

Bàn về ý nghĩa pháp lý của cụm từ “theo qui định của pháp luật” là một vấn đề chuyên môn “sâu” không cần thiết phải đề cập tới trong bài khảo cứu phổ thông này. Người dân chỉ cần biết nguyên tắc cụ thể hiện nay theo Bộ Luật Hình Sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 là chưa có đạo luật nào qui định quyền tự do biểu tình thì mọi người đều có quyền biểu tình mà không bị hạn chế gì cả, không sợ vi phạm pháp luật gì cả. Quả thực vậy, “Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự” của BLHS hiện hành qui định, “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.” Điều này áp dụng một trong các nguyên tắc căn bản lâu đời của luật pháp các quốc gia văn minh là “Vô Luật Bất Thành Tội”. Nói nôm na, “Người dân được tự do làm tất cả những gì luật pháp không cấm”.

Nhưng để đối phó với 11 cuộc biểu tình của nhân dân chống Trung Quốc xâm lăng vừa qua, Ủy ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội có nhắc tới một nghị định liên quan tới quyền biểu tình của người dân. Đó là Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP. Bởi thế, để thực thi quyền tự do biểu tình, người dân chỉ cần quan tâm tới nội dung nghị định này mà thôi. Điều trước tiên, không cần phải viện dẫn tự điển, người dân Việt nào cũng hiểu nhóm từ “tập trung đông người nơi công cộng” dùng trong nghị định này là để chỉ hành vi biểu tình. Mặc dù biểu tình cũng có thể được thực hiện bởi chỉ một người.

Nghị định này có những qui định về thủ tục xin phép biểu tình, về những hành vi bị nghiêm cấm và những nguyên tắc và biện pháp xử lý những hành- vi vi-phạm trật tự công cộng.

Về thủ tục xin phép biểu tình, điều 7 của nghị định ghi rõ, việc biểu tình phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra biểu tình. Nội dung đơn xin phép biểu tình được qui định theo điều 8 của nghị định gồm có: tên, tuổi, địa chỉ của người đăng ký, mục đích biểu tình, ngày giờ, địa điểm và lộ trinh, số người dự kiến tham gia, các phương tiện và biểu ngữ, hình ảnh mang theo.

Các qui định vừa nêu đều dễ dàng chấp hành. Nhưng nghị định cũng có qui định những hành vi nghiêm cấm trong điều 5.

Các hành vi mà điều 5 của nghị định này nghiêm cấm thực ra đã bị nghiêm cấm bởi các điều 88 và 89 của Bộ luật hình sự năm 1999 rồi. Điều 5 của nghị định 38/2005/NĐ-CP chỉ lập lại mà thôi. Đó là một sự lập lại không cần thiết và chỉ làm rối rắm thêm một văn bản pháp qui. Do đó khi thảo luận về quyền tự do biểu tình, thiết tưởng không cần thảo luận tính cách hợp hiến hay không của 2 điều luật hình sự vừa nêu mà chỉ cần nhớ những điều chính yếu ngăn cấm trong hai điều luật đó để tránh vi phạm (còn nếu người biểu tình đã tránh vi phạm mà vẫn bị chính quyền vu cáo, chụp mũ thì vấn đề lại bước sang một lãnh vực khác, không nằm trong phạm vi bài khảo cứu này). Những điều cần nhớ trong hai điều luật hình sự 88 và 89 như sau:

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 89. Tội phá rối an ninh

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Nếu những người biểu tình giữ ở tình trạng ôn hòa và tránh vi phạm các qui định ở điều 88 và 89 BLHS ở trên, đặc biệt tránh chống đối khi bị công an cưỡng bức, thì các vi phạm nào khác theo nghị định 38 này, nếu có, chỉ là những vi phạm “trật tự công cộng”. Thực vậy, quan điểm này được ghi nhận chính trong bản thân nghị định. Về nguyên tắc và phương thức xử lý các vi phạm đối với nghị định 38/2005/NĐ-CP, điều 6 có tiêu đề, “Điều 6. Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng” và điều 11 cũng có tiêu đề, “Điều 11. Xử lý vi phạm pháp luật về trật tự công cộng.”

Người đi biểu tình cũng như công an dẹp biểu tình đều cần hiểu và nhớ, một “vi phạm về trật tự công cộng” chỉ là một vi phạm hành chính, tương tự như đi xe không đội mũ bảo hiểm, hay đi xe vượt đèn đỏ v…v.

Cũng chỉ là một vi phạm hành chính khi người biểu tình không có giấy phép do chính quyền cấp. Điều 8 của nghị định 38/2005/NĐ-CP qui định, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản đăng ký, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đăng ký tập trung đông người.

Vấn đề được đặt ra là nếu chính quyền từ chối cấp phép mà người dân vẫn biểu tình thì sao? Hay là nếu người dân biểu tình mà không xin phép chính quyền thì sao?

Rõ ràng một sự biểu tình không phép như vậy là vi phạm vào nghị định 38/2005/NĐ-CP của chính phủ. Nhưng điều quan trọng cần nhớ: nghị định của chính quyền các cấp chỉ là một văn bản hành chánh chứ không ngang hàng với một đạo luật của Quốc Hội. Tất cả mọi văn bản hành chánh đều có giá trị dưới luật. Vi phạm một nghị định hay văn thư của chính quyền mọi cấp không cấu thành một tội phạm hình sự. Đó chỉ là một “Vi phạm hành chánh” .

Vi phạm hành chính cần phải được xử lý đúng theo “Điều 44. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính” của “Pháp Lệnh Về Xử Lý Vi Phạm Hành Chính” được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ban hành ngày 02 tháng 07 năm 2001. Quan điểm này đã được Luật Sư Huỳnh Văn Đông chia sẻ trong bài “Vài chia sẻ về quyền đi biểu tình” (3). Khoản 2 và 3 của Điều 44 qui định người vi phạm hành chánh chỉ có thể bị bắt giữ tối đa 24 giờ và chính quyền phải trao cho người bị tạm giữ một văn bản tạm giữ. Nguyên văn hai điều khoản đó như sau:

2. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ.

Như vừa phân tích ở trên, nếu những người biểu tình giữ ở tình trạng ôn hòa và tránh vi phạm các qui định ở điều 88 và 89 BLHS thì tối đa chỉ bị tạm giam có 24 tiếng đồng hồ. Cuộc tranh đấu cho tự do nào cũng phải trả giá, cái giá “bị tạm giam tối đa có 24 tiếng đồng hồ” là quá nhẹ.

Trong trường hợp biểu tình ôn hòa không vi phạm các nghiêm cấm của điều 88 và 89 BLHS, mà công an vẫn bắt giam vô cớ, dùng vũ lực quá đáng, ép cung và giam giữ quá 24 tiếng đồng hồ hay công an có những vi phạm hình sự khác nữa thì người biểu tình có thể nạp đơn kiện. Quan điểm này đã được các luật sư Trần Đình Triển , Nguyễn Quốc Đạt và Lê Quốc Quân làm rõ qua bài “Người biểu tình bị bắt có thể kiện công an” đăng trên BBC (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110828_protestors_vn_police.shtml) khi các ông cho hay các công dân có nhu cầu khiếu kiện có thể nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cũng trong bài trên, từ góc độ bình luận luật pháp, luật sư Trần Đình Triển nói rằng những người dân cho rằng bị nhà chức trách lạm dụng quyền lực có thể "nhờ các luật sư bảo vệ quyền lợi."

Thực tế vừa có một tiền lệ những người biểu tình kiện chính quyền là đơn kiện gửi tòa án Hà Nội ngày mùng 5/9/2011 của 10 nhân sĩ trí thức nổi tiếng đã từng tham gia biểu tình kiện Đài Phát Thanh và Truyền Hình Hà Nội về tội danh vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình. (4)

Trong các cuộc biểu tình không xin phép này những người biểu tình có thể làm gì và nên làm gì?

Điều tối quan trọng là những người biểu tình phải “đi lề phải”. Tức là phải tuân thủ Hiến Pháp và hai điều 88 và 89 của BLHS. Như vậy sẽ hạn chế rủi ro bị chính quyền vu khống. Hay nếu bị vu khống, chụp mũ thì vẫn có lý để cãi.

Nhưng đồng thời những người biểu tình không cần phải luôn luôn có mục tiêu chống Trung Quốc. Trong cuộc sống, đặc biệt cuộc sống hiện nay, người dân Việt Nam có muôn điều cần bày tỏ, cần đòi hỏi chính quyền quan tâm. Người dân có thể biểu tình để đòi hỏi được thực thi những quyền hiến định khác nữa. Ví dụ quyền tự do ra báo, quyền tự do viết blog, quyền tự do cư trú không bị công an khu vực và tổ dân phố xâm nhập mặc dù có sự phản đối của mình, quyền tự do đi lại không bị ngăn cản vô cớ mặc dù không bị án quản chế, đòi chính quyền phải nhanh chóng điều tra sự việc những tên đầu gấu tấn công người biểu tình (thực chất đó là những tên công an giả dạng), đòi chấm dứt bắt người vô cớ v…v. Nói tóm lại, bất cứ quyền gì mà hiến pháp qui định thì người dân đều có quyền biểu tình để đòi hỏi chính quyền phải bảo đảm và tạo điều kiện dễ dàng cho người dân thực thi các quyền đó, cũng như phải bảo đảm an toàn sinh mạng cho người dân.

Thực tế hiện nay tại những nước văn minh thường thì người dân biểu tình chẳng cần xin phép gì cả. Lý do là vì không nước nào có các đạo luật qui định về quyền biểu tình mà chỉ có các nghị định, văn thư, tức là các pháp qui hành chính. Các pháp qui này chỉ nhằm bảo đảm cho người muốn biểu tình được thực hiện quyền đó một cách tốt đẹp, do đó nếu người biểu tình cảm thấy không cần sự hỗ trợ của chính quyền thì họ chẳng cần xin phép. Thường thì những cuộc biểu tình đông khoảng hàng chục ngàn người trở lên ban tổ chức mới xin phép để chính quyền hỗ trợ, bởi vì với số đông đảo đó, ban tổ chức thấy khó kiểm soát nổi. Những cuộc biểu tình bạo động tại London Anh Quốc trong tháng qua là một ví dụ. Nếu các cuộc biểu tình đó không có bạo động thì cảnh sát Anh quốc không cần can thiệp. Nhưng điều cần hiểu rõ rằng cho dù có bạo động thì ban tổ chức hay những người biểu tình không bạo động cũng không bị bắt giữ hay chịu trách nhiệm. Cảnh sát chỉ bắt giữ những người bạo động trong cuộc biểu tình mà thôi. Và sự trừng phạt cũng chỉ ở mức vi cảnh chứ không bị đưa ra tòa với những bản án lâu ngày. Tại Hoa Kỳ thường có vô số cuộc biểu tình tự phát của quần chúng chẳng ai xin phép cả mà cũng không sao, cuộc biểu tình vẫn suông sẻ như trong trang mạng ở đây cho thấy (http://www.indybay.org/). Tại thành phố San Jose, tiểu bang California trong mấy năm qua có nhiều cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt và rất ít khi ban tổ chức xin phép trước. Ngay cả cuộc biểu tình có khi đông tới 3000 ngàn người gốc Việt ngay trước trụ sở Hội Đồng Thành Phố để phản đối chính quyền, ban tổ chức cũng không xin phép và cảnh sát cũng không can thiệp mà cũng chẳng cần hiện diện. Biểu tình chán thì tự họ giải tán. Clip video này là một ví dụ (http://www.youtube.com/watch?v=776_--_qiHA).

Qua những luận điểm và bằng chứng vừa nêu, người ta thấy trong khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam, quần chúng có thể BIỂU TÌNH KHÔNG XIN PHÉP để lên tiếng ĐÒI HỎI CHÍNH QUYỀN BẤT CỨ MỘT ĐIỀU GÌ liên quan tới quyền hiến định, nếu chịu chấp nhận tổn thất nhỏ là “bị tạm giam tối đa 24 tiếng đồng hồ”. Đồng thời, nếu trong lúc dẹp biểu tình mà chính quyền, kể cả công an lẫn các cơ quan báo, đài truyền thanh truyền hình, mà vi phạm quyền hiến định của người biểu tình thì họ có quyền kiện. Và trong trường hợp đó người biểu tình nên kiện, theo gương của 10 trí thức tiên phong, để tạo một bầu không khí trong đó kiện chính quyền là bình thường trong một quốc gia Việt Nam thực sự tự do và dân chủ.


gửi Dân Làm Báo

*

Chú thích:

(1): “Quyền biểu tình của công dân” của Hoàng Xuân Phú, đăng ngày 9/8/2011 trên blog Nguyễn Xuân Diện

(2); (3): “Vài chia sẻ về quyền đi biểu tình” đăng ngày 27/8/2001

(4): http://danluan.org/node/9859#comment-41115 - “ĐƠN KHỞI KIỆN Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội”


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo