tuy ba là một tuy một là ba
Lê Văn Xiếng (danlambao) - Theo dõi là việc làm bình thường của ngành an ninh hoặc điều tra hình sự. Để thu thập bằng chứng cho hồ sơ khởi tố một vụ trộm cắp tài sản, công an cử người (thường gọi là trinh sát) theo dõi đối tượng nhiều ngày cho đến khi bắt quả tang đương sự tiêu thụ đồ gian. Với vật chứng, người chứng cụ thể, kẻ cắp có thể bị bắt giữ để truy tố trước tòa án. Tổ chức hay cá nhân đôi khi cũng làm việc nầy - thí dụ một công ty bảo hiểm cần chứng cứ xác định một vụ gian lận. Họ mướn thám tử theo dõi để thu thập bằng chứng, sau đó trưng dẫn trước tòa để từ chối bồi thường cho thân chủ. Việc làm của họ nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Hoạt động như thế được xã hội chấp nhận vì nó đem lại kết quả tích cực. Kẻ trộm cắp bị xét xử trước tòa án, người mua bảo hiểm không lấy được tiền vì gian lận. Công lý và sự minh bạch cuộc sống thuyết phục chúng ta rằng những hành động "theo dõi" như thế là cần thiết. Chúng ta không phàn nàn gì về kỹ thuật tác nghiệp của người đi theo dõi nếu họ tiến hành kín đáo, không gây phiền nhiễu, không cản trở hoặc cản trở ít nhất công việc làm ăn của người dân.
Thế nhưng có những chuyện "theo dõi" mà chúng ta không chấp nhận được, đó là theo dõi những công dân đã có những hoạt động công khai trong xã hội. Hoạt động của những công dân nầy là đệ đạt thỉnh nguyện, khiếu nại khiếu tố, viết bài trên blog, trên báo hoặc biểu tình bày tỏ ý chí... Tất cả đều công khai hợp lệ không vi phạm pháp luật nhà nước. Việc làm như thế không phải là lý do để bị theo dõi, vì họ không có gì dấu diếm hay qua mặt luật pháp. Họ chỉ làm những việc mà xã hội văn minh coi là bình thường, không có gì khuất tất.
Điều lạ là đối với trường hợp nầy, công an tiến hành theo dõi nửa bí mật nửa công khai. Hình như mục tiêu không phải để tìm manh mối hay bằng chứng. Người đi biểu tình, viết blog, viết báo ở Việt Nam luôn công khai tên tuổi, không chỉ để khẳng định sự chính danh, mà còn chứng tỏ sự trong sáng trong việc đấu tranh chống hiện tượng tiêu cực. Theo dõi mà muốn cho người ta biết là việc làm có tính toán nhằm gây căng thẳng tinh thần, gây sợ hãi không chỉ cho một người mà còn cả gia đình, bạn bè người thân. Rõ ràng kiểu theo dõi nầy là một tính toán lợi hại và thâm hiểm.
Việc theo đuôi, canh gác có thể kéo dài tùy đối tượng, tùy thời điểm hoặc tình hình chính trị thời sự. Cả trung đội mật vụ thay phiên nhau lảng vảng trước nhà chị Bùi Minh Hằng gần đây cho thấy phương tiện điều tra đã biến tướng thành công cụ trấn áp, nhằm uy hiếp tinh thần những người yêu nước. Công dân thọ thuế như chúng ta có quyền đặt câu hỏi:
Hiện nay trên cả nước có bao nhiêu công an mật vụ đang đóng chốt trước nhà những người dân chủ?
Tiền bạc trả lương từ tiền thuế của nhân dân cho họ có xứng đáng hay không xứng đáng?
Đe dọa làm áp lực đuổi học, đuổi việc cũng được áp dụng để đối phó với người được cho là "vi phạm kỷ luật" hoặc "vi phạm an ninh quốc gia". Không thể "cắt sổ gạo" thì "cắt học, cắt việc" nhằm cô lập, triệt hạ con đường thăng tiến sinh nhai của đương sự. Ở mức độ như thế tuy chưa thể so sánh với xã hội phát xít, nhưng tính thâm độc dai dẳng chắc hẳn không thua kém. Khi không có lý do để bắt đi tù, người ta "khoanh" lại với hy vọng làm người phản kháng bỏ cuộc, hoặc ít nhất cũng ngăn ngừa sự lây lan ra các tầng lớp khác.
Xây tường xi măng nhốt người yêu nước không bằng làm tường mật vụ bao vây họ tại nhà, tiện thể răn đe luôn cả cộng đồng hàng xóm.
Trước ngày biểu tình lần thứ 11 đã có những đoàn người như công an, dân phố, hội phường... đến "thăm nhà" hoặc gởi "giấy mời làm việc" với công an. Có người được "vận động" đến nỗi không có áo quần để mặc ra đường, hoặc bị ngăn chặn không bước ra khỏi nhà được. Thế giới biết người biểu tình đã bị đàn áp, nhưng thế giới không biết người chưa biểu tình cũng bị đàn áp. Thực tế người ta đã khống chế dân chúng từ trong tư tưởng, ý nghĩ và ra tay trấn áp trước khi hành động biểu tình xảy ra.
Áp bức dân chúng như thế nầy chỉ thấy ở các nước xã hội chủ nghĩa, nơi mà cụm từ "đấu tranh phòng ngừa" được vận dụng để triển khai thành công cụ ngăn cản. Nếu việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm hình sự như trộm cắp, xì ke, ma túy được mọi người đồng tình thì việc "đấu tranh ngăn ngừa" áp dụng với những nhà dân chủ, những sĩ phu, những blogger nổi tiếng là không chấp nhận được. Nó vi phạm nguyên tắc giản đơn về luật pháp và những ước lệ thông thường giúp xã hội vận động lành mạnh để tiến lên về phía trước.
Chúng ta hãy lên tiếng để phản đối và cương quyết đấu tranh để tiêu diệt nó.