Cưỡng chế trái luật, được bao che đến cùng - Dân Làm Báo

Cưỡng chế trái luật, được bao che đến cùng


Tường Thụy - "Với mức ăn cướp chỉ ngần ấy mà cả một hệ thống chằng chịt bảo kê cho nhau, đổi trắng thay đen về những điều trẻ con cũng biết thì thử hỏi với những vụ ăn cướp tài sản gấp hàng vạn lần thì chúng sẽ kinh khủng như thế nào. Vấn đề ở chỗ, cần vạch trần bản chất của chúng..."
*

Trong lá thư gửi ông Hà Hùng Cường, tôi không nhắc lại việc làm sai trái của những người tôi tố cáo vì tài liệu tôi gửi đến Bộ tư pháp đã dày cộp, họ có thể lục trong đó để đọc. Lá thư ấy, tôi chỉ nói đến việc Bộ tư pháp có thái độ như thế nào đối với đơn tố cáo của tôi thôi.

Sau khi tôi công bố công khai “Thư gửi ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng tư pháp”, một số bạn muốn tìm hiểu sự việc như thế nào, chấp hành viên Cao Thị Minh Hằng, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án Thanh Trì Nguyễn Đức Hạnh, Phó cục trưởng Cục THA Hà Nội Nguyễn Đức Thường và Cục THA Hà Nội sai phạm đến đâu. Vì vậy, tôi viết bài này để đáp ứng yêu cầu của độc giả.


Cưỡng chế trái luật, được bao che đến cùng

1. Buộc phải khởi kiện. Tòa sơ thẩm xử đúng, tòa phúc thẩm bác đơn:

Năm 2005, tôi có nhu cầu làm lại nhà. Khi tôi đang dỡ nhà cũ thì nhà liền kề huy động anh em họ hàng mang sắt, búa xông vào nhà tôi đóng cọc chiếm đất và đánh đập gia đình tôi. Gọi cảnh sát 113 cũng không giải quyết được gì. Tố cáo đến chính quyền và công an các cấp không ai trả lời. Đến khi tôi ra chính quyền xin giấy phép làm nhà thì UBND xã Vĩnh Quỳnh nói là nhà ông Đến có đơn tranh chấp nên không thể cấp phép.


Để có thể xin phép làm nhà, tôi buộc phải khởi kiện lên Tòa án ND Thanh Trì. Phiên tòa sơ thẩm xử phần đất nhà bên kia đòi là thuộc quyền sử dụng của tôi.

Sau đó bên bị đơn kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm cho rằng: Chưa có cơ sở pháp lý nào để xác định diện tích đất đang có tranh chấp (giọt gianh) là đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tôi. Tòa sơ thẩm buộc nhà ông Đến phải phá bỏ phần mái gianh này là không có cơ sở pháp luật (tôi tóm tắt, không trích nguyên văn). Vì thế tòa phúc thẩm bác đơn của tôi.

Quyết định thi hành án ngày 3/10/2006 của Thi hành án huyện Thanh Trì (nay là chi cục thi hành án Thanh Trì) chỉ ghi khoản phải thi hành án là tôi phải nộp án phí. Dù không đồng ý với bản án phúc thẩm nhưng tôi vẫn chấp hành quyết định thi hành án này vì chính quyền ra điều kiện như thế mới cấp trích lục bản đồ để xin phép làm nhà.

2. Thi hành án huyện Thanh Trì xuyên tạc bản án, lý sự cù nhầy

Thế rồi chẳng hiểu sao, ngày 14/8/2007 tức là gần 1 năm sau, THA Thanh Trì lại ra tiếp một quyết định thi hành án khác, trong đó khoản phải thi hành ghi theo quyết định của bản án phúc thẩm (bác đơn) mà không nói tôi phải làm gì, trong khi miệng thì nói tôi phải giao đất cho nhà ông Đến. Họ lý sự cù nhầy rằng tòa bác đơn của tôi tức là công nhận cho bên kia. Tôi nhiều lần phân tích rõ cho họ biết, ngay cả trường hợp tòa công nhận cho bên kia thì tôi cũng không có nghĩa vụ phải giao nếu tòa không quyết định tôi phải giao. Tôi yêu cầu ghi rõ khoản phải giao đất vào quyết định thi hành án để tôi biết tôi phải làm gì nhưng họ không chịu ghi.

Trong suốt mấy tháng sau đó, chấp hành viên Cao Thị Minh Hằng khi thì đến nhà tôi, khi thì mời tôi vào xã, khi thì mời tôi đến cơ quan thi hành án để thuyết phục tôi tự nguyện giao đất cho nhà ông Đến. Trong những lần ấy, tôi đều yêu cầu ghi lời họ vào quyết định thi hành án để tôi có cơ sở thi hành nhưng họ vẫn không dám ghi.

Thế rồi, mặc dù quyết định của tòa phúc thẩm cũng như quyết định thi hành án không ghi nhưng chấp hành viên Cao Thị Minh Hằng vẫn liều lĩnh ra quyết định cưỡng chế, ký ngày 29/11/2007.

Sau khi nhận được quyết định cưỡng chế, tôi khiếu nại lên Trưởng thi hành án Thanh Trì Nguyễn Đức Hạnh nhưng ông ta bác đơn của tôi cho rằng yêu cầu của tôi không có căn cứ pháp luật.

Tôi tiếp tục viết đơn lên Thi hành án Tp Hà Nội (nay là Cục THA Tp Hà Nội). Thế nhưng THA Hà Nội không có việc làm nào để đình chỉ cưỡng chế và cũng không trả lời đơn của tôi.

Cuối cũng thì việc cưỡng chế họ vẫn thực hiện vào ngày 7/12/2007. Họ đục phá móng bê tông cốt thép theo chiều rộng 0.2m, chiều dài 7,7 mét, khoét vào chân tường, làm chảy cát nền rồi đục dọc lên phần thân tường làm hư hai nghiêm trọng đến kết cấu nhà tôi, ảnh hưởng đến tuổi thọ và mỹ quan công trình

Nhà tôi xây theo giấy phép do UBND huyện Thanh Trì cấp, theo trích lục bản đồ lưu ở địa chính, khi đó đang trong giai đoạn hoàn thiện.

3. Trưởng thi hành án Thanh Trì và Thi hành án Tp Hà Nội tìm cách che đậy cho cấp dưới:

Sau khi bị cưỡng chế trái phép, tôi khiếu nại lên Trưởng THA Thanh Trì và Trưởng THA Tp Hà Nội. Trưởng THA Thanh Trì trả lời không chấp nhận đơn của tôi

3.1 Thi hành án Tp Hà Nội biết việc cưỡng chế là sai

- Trong buổi làm việc lần đầu với ông Sơn Phó trưởng THA HN, ông này nói: “Nếu bản án không có việc phải giao đất thì anh cứ yên tâm”.

- Trong buổi làm việc ngày 16/6/2008, ông Sơn (Phòng kiểm tra giải quyết khiếu nại) cho biết: Chúng tôi đã triệu tập cô Hằng (là người ra quyết định cưỡng chế) lên làm việc. Ông Sơn có nói cô Hằng có sai thì chỉ là thiếu trách nhiệm chứ không vi phạm về mặt hình sự (?).

- Trong tất cả các lần làm việc giữa tôi với nhiều cán bộ của THA không ai có bất cứ một ý kiến nào bác bỏ đơn của tôi. Không có ý kiến nào có phần nội dung như công văn sau này họ trả lời.

3.2 THA Hà Nội tìm cách bao che cho cấp dưới:

- Khi biết là sai, THA Hà Nội cố tình kéo dài thời hạn trả lời công dân, từ khi tôi gửi đơn lần đầu 18/2/2008 đến 31/12/2008 mới trả lời. Trong thời gian đó tôi tiếp tục gửi đơn thêm 2 lần nữa và qua 14 lần đi lại, gặp tất cả 5 cán bộ THA HN. Khi bị công dân hỏi và thúc ép nên bắt buộc phải trả lời.

- Đến khi bí quá, THA Hà Nội tìm cách để có văn bản giải thích của Tòa án HN nhưng không cho tôi xem, chỉ cầm trên tay dấm dứ. Tôi đấu tranh mãi, họ mới đi phô tô 1 bản (chắc là sợ tôi xé mất bản chính), đưa tôi xem rồi thu lại ngay.

Sau này tôi mới biết, công văn giải thích bản án này do thẩm phán Nguyễn Thái Sơn của Tòa án ND Tp Hà Nội ký ngày 16/12/2008, trong khi bản án phúc thẩm ra ngày 24/7/2006, nghĩa là sau 2 năm 4 tháng.

Công văn này giải thích cũng theo luận điệu của THA Thanh Trì rằng, đã bác đơn nghĩa là đất thuộc nhà bên kia.

Ngoài ra, bằng câu “Ông Đến, bà Thuận tiếp tục quản lý sử dụng phần đất này theo qui định của pháp luật về đất đai”, ông Nguyễn Thái Sơn cho rằng, phần đất này nhà ông Đến đang sử dụng. Chẳng lẽ ông ta đọc bản án mà không hiểu gì? Trên thực tế, phần đất này nhà tôi và chủ cũ sử dụng để xây nhà từ trước đến nay, nhà bên kia khi xây tường bao đã trừ phần đất ấy ra. Họ đã sử dụng một ngày nào đâu mà “tiếp tục sử dụng”. Đây là một trò láu cá của ông Nguyễn Thái Sơn: nếu sau này, sự việc đổ bể thì ông ta chỉ nhận rằng mình hiểu nhầm.

Tôi đã lên Tòa án ND Tp Hà Nội để đòi công văn giải thích bản án này. Sau rất nhiều khó khăn, kiên trì đấu tranh, cuối cùng họ buộc phải giao cho tôi. Lập tức, tôi có đơn khiếu nại về công văn này nhưng mấy năm nay, Tòa án tối cao vẫn không trả lời tôi (Tòa án HN đẩy đơn lên tòa tối cao).

- Trong công văn trả lời, THAHN nói tôi không khiếu nại về quyết định THA. Vì các quyết định THA không ghi rõ tôi phải làm gì tiếp, tôi cho rằng tôi đóng tiền án phí theo quyết định lần đầu là đã xong nên tôi không khiếu nại. QĐ thi hành án sau thì ghi theo bản án không nói tôi phải làm gì nên tôi cũng không khiếu nại. Chỉ có QĐ cững chế mới ghi cụ thể thì tôi khiếu nại ngay lập tức.

- THA HN lợi dụng công văn giải thích bừa bãi của ông Nguyễn Thái Sơn, để bao biện cho việc thi hành án trái luật của Cao Thị Minh Hằng và THA Thanh Trì. Họ đến nhà tôi chỉ xem xét việc nhà tôi thiệt hại ra sao rồi kết luận “không có việc huỷ hoại tài sản của ông Thụy”. Theo họ, nếu nhà bị đổ mới gọi là hủy hoại?

4. Cao Thị Minh Hằng và những người bao che có phạm tội hình sự hay không?

Như tôi đã nói, trong buổi làm việc ngày 16/6/2008, ông Sơn (Phòng kiểm tra giải quyết khiếu nại) cho biết: Chúng tôi đã triệu tập cô Hằng (là người ra quyết định cưỡng chế) lên làm việc. Ông Sơn có nói cô Hằng có sai thì chỉ là thiếu trách nhiệm chứ không vi phạm về mặt hình sự.

Vậy có phải Cao Thị Minh Hằng và nhưng người đồng lõa có phạm tội hình sự hay không, chúng ta hãy tham khảo vài điều có liên quan của Bộ luật hình sự:


Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật

1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (trong trường hợp trên là cướp đất)

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

...

Tòa phúc thẩm cho rằng, việc tòa sơ thẩm yêu cầu bên kia dỡ mái ngói công trình phụ chìa sang nhà tôi là không có cơ sở nên bác đơn của tôi để giữ phần mái ngói ấy. Thế nhưng, bằng lý sự cù nhầy, THA Thanh Trì đã cưỡng chế, phá nhà tôi để giao đất cho nhà khác.

Việc cưỡng chế của THA Thanh Trì đã làm thay đổi bản đồ địa chính năm 1994: Bản xác nhận sử dụng đất ở có trích lục bản đồ năm 1994, thể hiện ranh giới nhà tôi với nhà ông Đến phần tranh chấp là một đường liên tục, nay đã bị gãy khúc 0.2 m mà THA cho dỡ tường cũ để cắt cho nhà ông Đến. Tôi nhấn mạnh: ranh giới giữa hai nhà trước đây được ngăn cách bới tường nhà và tường rào do chính nhà ông ta xây nên.

Đọc đến đây, chắc sẽ có bạn cho rằng, vài mét vuông đất có thể cho nhau được sao để sự việc rắc rối như thế.

Các bạn hãy tưởng tượng: một kẻ xin bạn không đến vài mét vuông đất, chỉ vài nghìn đồng thôi mà nó cứ bảo tiền trong túi bạn là tiền của nó rồi gọi đồng bọn xông vào đánh bạn, thò tay vào túi bạn móc bằng được. Đến khi bạn kêu, những người có trách nhiệm phân xử bắt bạn chứng minh tiền trong túi là của bạn. Tất nhiên bạn chững minh được nhưng nó không nghe rồi kết luận chưa có cơ sở để khẳng định số tiền nó cướp của bạn là của bạn, mà nó chưa có cơ sở kết luận là của bạn nghĩa là của thằng kia, khi đó bạn nghĩ thế nào và xử lý ra sao?

Mặt khác, với mức ăn cướp chỉ ngần ấy mà cả một hệ thống chằng chịt bảo kê cho nhau, đổi trắng thay đen về những điều trẻ con cũng biết thì thử hỏi với những vụ ăn cướp tài sản gấp hàng vạn lần thì chúng sẽ kinh khủng như thế nào.

Vấn đề ở chỗ, cần vạch trần bản chất của chúng.

Biếm họa của Đỗ Đức Đông Ngàn - dongngandoduc.multiply.com


gửi Dân Làm Báo



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo