Hà Tĩnh: Trường “loạn thu”, “bóp nặn” dân nghèo! (bài 2) - Dân Làm Báo

Hà Tĩnh: Trường “loạn thu”, “bóp nặn” dân nghèo! (bài 2)


Kê Sơn (tamnhin.net) - Tiếp tục tìm hiểu về việc “loạn thu” ở trường THCS Lê Văn Thiêm (Đức Thọ - Hà Tĩnh), PV phát hiện không ít chuyện khuất tất.


Thầy Nguyễn Trường Cao, Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Thiêm (hình trái): “Tiền quỹ lao động là để thuê người cắt cỏ trong khuôn viên. Còn tiền vệ sinh thuê bảo vệ làm công tác vệ sinh”.

Năm nào cũng thu tiền xây dựng trường!

Ông Nguyễn Trường Cao – Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Thiêm cho biết: trường có 10 lớp, 300 HS của 2 xã Trung Lễ và Đức Thủy. Trước khi vào năm học mới BGH trường đã có tờ trình dự toán các hạng mục cần tu sửa gửi UBND hai xã và đã được thông qua.

Theo đó, kinh phí dự trù các hạng mục xây dựng, sửa chữa trong năm học 2011 - 2012 lên tới 117 triệu đồng, dự kiến thu từ học sinh khoảng 83 triệu, còn thiếu 34 triệu đồng xin 2 xã hỗ trợ.

Tờ trình về xây dựng do trường gửi xã, trong đó, khoản “sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh” lên tới 20 triệu đồng, “thay bản lề” lên tới 30 triệu đồng.

Điều lạ là có những hạng mục ở năm học trước đã được tu sửa thì đến năm nay lại làm tiếp và số tiền lại cao hơn nhiều lần. Như hạng mục “sửa hệ thống điện nhà vệ sinh” trong năm học trước hết gần 6 triệu đồng thì năm nay lại thêm hạng mục “sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh” nhưng số tiền dự toán lên tới 20 triệu đồng. Mục “sửa bản lề cánh cửa” lên tới 30 triệu đồng.

"Tiền xây dựng hàng năm cũng phải đóng, tiền bảo vệ năm nào nhà trường cũng thu nhưng không hiểu làm sao mà các công trình này luôn luôn bị hỏng", một phụ huynh ngán ngẩm.

Những điều khuất tất

Mặc dù ở trường này không có nhân viên y tế học đường nhưng các em vẫn phải nộp quỹ y tế học đường 10.000đ. Thầy Cao giải thích là nộp quỹ này là để hợp đồng với cán bộ y tế của trạm xá xã (?). Chúng tôi hỏi nếu không làm hợp đồng với trạm xá lỡ các em có bị tai nạn đưa vào trạm xá không được họ chữa trị hay sao thì thầy Cao không trả lời.

Bà Trần Thị Liệu, Quyền Trạm trưởng trạm Y tế Trung Lễ khẳng định: “Trường Lê Văn Thiêm không làm hợp đồng gì với trạm”. Bà Phan Thị Hồng Minh, Trạm trưởng trạm Y tế Đức Thủy cũng khẳng định như vậy. Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, nhà trường đã được trích lại gần 10% tổng số tiền BHYT thu được (210 nghìn đồng/em) để phục vụ công tác y tế học đường.

Ảnh: Trong Báo cáo thu chi quỹ xây dựng năm học 2010 – 2011 của trường THCS Lê Văn Thiêm có sự chính xác đến "từng milimet" giữa số tiền thu và chi.

Mặc dù HS đã nộp Quỹ lao động (50 nghìn đồng), nhưng lại còn phải nộp tiền làm vệ sinh + điện nước (50 nghìn).

Ông Cao giải thích: Tiền quỹ lao động là để thuê người cắt cỏ trong khuôn viên (?). Còn tiền vệ sinh + điện nước thuê bảo vệ làm công tác vệ sinh và mua nước uống, nước sinh hoạt và tiền điện. Theo thầy Cao thì cắt cỏ và làm vệ sinh không thể gộp chung vào khái niệm “lao động”! Mà tiền thuê cắt cỏ ở trường này cũng cực đắt, lên tới 15 triệu đồng/năm học!

Về phần quỹ đội + chữ thập đỏ 30.000/HS (quỹ đội, sao 25.000; quỹ chữ thập đỏ 5.000) thầy Cao nói đã có sự cho phép của Huyện đoàn. Nhưng ông Hoàng Xuân Hùng - Bí thư Huyện Đoàn Đức Thọ lại khẳng định: "Huyện đoàn và phòng giáo dục đã thống nhất cho việc thu quỹ đội + sao là 19.000 (quỹ đội 11.000, quỹ sao 8.000) chứ không phải là 25.000 đồng. Và việc thu quỹ không nhất thiết bằng tiền. Các trường có thể thông qua các kế hoạch nhỏ như thu gom giấy loại, sắt vụn rồi bán lấy làm quỹ". Chỉ riêng quỹ này, trường đã “ăn chêch lệch” lên tới 1,8 triệu đồng.

Giáo viên cũng bị “bòn rút”?

Không chỉ HS bị “loạn thu” mà ngay cả giáo viên cũng bị nhà trường “bòn rút”. Trong tháng 7/2011, BGH nhà trường đã tự ý trừ 4 ngày lương của mỗi người mà không thông báo trước khiến các giáo viên rất bức xúc. Theo Luật Lao động, việc trừ lương chỉ được tiến hành khi người lao động nhất trí.

Thầy Cao nói: "Tháng 7, chúng tôi có trừ 4 ngày lương cho 4 loại quỹ, khoản trừ này nhà trường đã thông báo từ hồi tháng 6; còn tên của 4 loại quỹ thì tôi không nhớ". Theo chúng tôi được biết, đây là 4 loại quỹ của UBND huyện giao chỉ tiêu vận động, trong đó có 3 loại quỹ mỗi loại bằng 1 ngày lương của cán bộ giáo viên, còn quỹ phòng chống thiên tai chỉ khoảng 2 trăm ngàn cho cả trường. Thế nhưng trường không cần vận động ai cả, mà trừ “thẳng cánh” 4 ngày lương/người. Phải chăng là kiểu “lập lờ đánh lận con đen” để tư túi?

Khi chúng tôi xin được xem các văn bản cho phép thu, chi các khoản thì thầy Cao trả lời là tất cả các khoản thu đều có văn bản nhưng hôm nay kế toán nghỉ nên không cung cấp được.

Công khai… nửa vời

Để tỏ rõ tính minh bạch, hợp lý, trường THCS Lê Văn Thiêm đã công bố bản công khai tài chính khoản thu xây dựng của năm học 2010 – 2011. Trường thu được 97.992.000 đồng, và chi hết vừa vặn chừng đó tiền. Tuy nhiên, rất nhiều khoản thu khác lại không được công khai, nên phụ huynh không thể biết trường đã làm gì với khoản những khoản tiền đó. Đây là việc làm trái với quy định của Bộ GD – ĐT về công khai tài chính trong các cơ sở giáo dục.

Quyết định là ở phụ huynh!

Trao đổi với PV Tamnhin.net, ông Võ Viết Tình, Phó Chủ tịch HĐND xã Trung Lễ cho biết: "Việc lập tờ trình là do nhà trường đề ra. Quyết định chính ở đây vẫn là phụ huynh. Nếu phụ huynh cảm thấy những khoản nào không hợp lý thì hãy đề xuất lên xã, xã sẽ có ý kiến với BGH nhà trường xem xét”.

Đa số phụ huynh đều không nắm được các quy định thu chi của ngành giáo dục, lại vốn “nể” thầy cô, “sợ” nhà trường, nên dù có biết thu sai cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Trách nhiệm “thổi còi” những khoản thu trái phép của nhà trường thuộc về xã, nhưng xã lại “chuyền bóng” sang cho dân.

Ông Tình cho biết thêm: “Để đảm bảo việc đóng góp của học sinh là thiết thực, phát huy được hiệu quả cho việc giáo dục UBND xã đang có kế hoạch sẽ lập đoàn kiểm tra vào ngày 11/9 tới".




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo