(BBC) - Chính quyền Hà Nội muốn lấy lại một phần ngôi nhà hiện nay từ gia đình ông Cù Huy Hà Hà Vũ để lập nhà lưu niệm cố nhà thơ Xuân Diệu, theo như quyết định ra từ đầu tháng Chín năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên quyết định này chỉ được thông báo cho bà Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của ông Cù Huy Hà Vũ, cách đây vài hôm.
Bà Dương Hà đã có đơn khiếu nại quyết định mà bà nói có từ trước khi ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt hai tháng và "xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Cù Huy Hà Vũ".
Bà viết trong đơn khiếu nại: "Tại sao Quyết định số 4337/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội được ban hành từ ngày 06/9/2010 phần "Nơi nhận" của Quyết định không có tên người thừa kế duy nhất di sản của Nhà thơ Xuân Diệu là ông Cù Huy Hà Vũ và không thông báo ngay cho ông Cù Huy Hà Vũ biết để ông Vũ thực hiện kịp thời quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình?
Bà cũng nói với BBC bà mới lên gặp chồng bà hôm 27/9 nhưng không nói cho ông biết vì "sợ ông buồn".
Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhắc tới quyết định hồi năm 2003, cũng của thành phố Hà Nội về việc "thu hồi một phần diện tích nhà đất tại số 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, giao cho Sở Văn hóa thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) quản lý, sử dụng làm Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu.
Quyết định cũng có đoạn: "Giao UBND quận Ba Đình tổ chức bảo vệ cho các cơ quan đơn vị thực hiện việc xác định mốc giới và bàn giao mốc giới.
"Trong quá trình thực hiện, nếu tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND Thành phố, cản trở các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà đất tại 24 Điện Biên Phủ thì UBND quận Ba Đình xử lý vi phạm theo đúng thẩm quyền và đúng các quy định của pháp luật để thực hiện."
'Sung công' di sản?
Bản thân ông Hà Vũ và mẹ của ông, cũng là em gái nhà thơ Xuân Diệu, bà Ngô Thị Xuân Như khi còn sống đã mạnh mẽ phản đối quyết định ngày 11/12/2003 của thành phố Hà Nội nhằm thực hiện một quyết định từ năm 2002 của Bộ Văn hóa Thông tin về việc lập "Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu".
Trong đơn khiếu nại hồi tháng Ba năm 2008 mà bà Dương Hà mới gửi cho trang boxitvn.net, ông Hà Vũ viết:
"Việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập bảo tàng hay tôn vinh di sản thể hiện nhà nước công nhận giá trị của di sản trong phạm vi địa phương, quốc gia, thậm chí thế giới chứ tuyệt nhiên không đồng nghĩa với "quốc hữu hóa" hoặc xác lập quyền sở hữu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với di sản.
"...Còn nếu tôn vinh di sản đồng nghĩa với truất quyền sở hữu của người chủ di sản thì có lẽ Vịnh Hạ Long, Huế...sau khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới hẳn đã không còn thuộc chủ quyền Việt Nam mà là của Liên hiệp quốc từ lâu rồi!"
Ông Vũ cũng viết thêm: "...Mục đích của việc thành lập Phòng lưu niệm Xuân Diệu không phải để tôn vinh Nhà thơ mà tạo cớ để chiếm đoạt nhà cửa, tài sản của gia đình nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội vì không có chính quyền nào trên thế giới này tôn vinh danh nhân bằng cách hất gia đình và con cháu của người ấy ra đường!"
Còn mẹ ông Vũ, bà Xuân Như, viết trong một đơn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hồi tháng Ba năm 2008, hơn một năm trước khi bà mất:
"Sau khi anh Xuân Diệu mất vào tháng 12/1985, Cù Huy Hà Vũ trở thành người thừa kế duy nhất di sản của anh Diệu, vẫn ở và sử dụng nhà đất thuộc quyền sử dụng của anh Diệu lúc sinh thời tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội.
"...Thật chưa từng có trên cõi đời này, danh nhân được chính quyền tôn vinh thì di sản bị sung công, gia đình danh nhân không những không được tham khảo mà còn bị thẳng thừng xóa sổ!"
Không di chúc
Biệt thự hai tầng ở số 24 Điện Biên Phủ, cũng nhìn ra cả đường Trần Phú, là nơi sinh sống của hai nhà thơ Cù Huy Cận và Ngô Xuân Diệu cùng gia đình.
Tầng một ngôi nhà này cũng có một người khác, ông Vũ Quang Triệu đang ở và sở hữu khoảng 100 m2 nhà và đất. Ông Cù Huy Hà Vũ, vợ và hai con sử dụng phần đất còn lại ở tầng một từ nhiều năm nay.
Toàn bộ tầng hai và một phần ngôi nhà phụ nhìn ra đường Trần Phú hiện do bà Trần Lệ Thu, người có hai con với cố nhà thơ Cù Huy Cận, sử dụng. Gia đình ông Hà Vũ nói bà Thu cũng sử dụng chung một phòng khách ở tầng một.
Quyết định hồi tháng Chín năm 2010 của thành phố Hà Nội nói sẽ "xác định mốc giới, bàn giao mốc giới và cấp trích lục bản đồ đối với diện tích 50m2 đất ở tại 24 Điện Biên Phủ cho bà Trần Lệ Thu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2407/VPCP-KNTN ngày 24/4/2010 của Văn phòng Chính phủ".
Hồi đầu năm 2010, Báo Thanh Tra cũng đã có bài nói "khi qua đời, nhà thơ Xuân Diệu không có vợ, không có con nên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương, chỉ đạo thành lập phòng lưu niệm nhà thơ, giao cho các cơ quan chức năng triển khai thực hiện, quản lý".
Hai nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu đều không để lại di chúc khi qua đời, nhưng ông Hà Vũ cho rằng ông là người thừa kế duy nhất tài sản và di sản của nhà thơ Xuân Diệu.
Trong khi đó ông Huy Cận có năm người thừa kế gồm vợ và bốn con (hai người con của bà Xuân Như - Cù Huy Hà Vũ và Cù Thị Xuân Bích và hai người con của bà Lệ Thu - Cù Thu Anh và Cù Lệ Duyên).
Hiện văn phòng luật của ông Cù Huy Hà Vũ và bà Nguyễn Thị Dương Hà lấy địa chỉ 24 Điện Biên Phủ làm văn phòng giao địch.
Tại đây cũng có một cửa hàng kinh doanh điện thoại mà gia đình ông Vũ hợp tác cùng một cá nhân khác từ năm năm nay.
Ủy ban nhân dân phường Điện Biên hôm 23/9 cũng đã có văn bản yêu cầu cửa hàng này "dừng kinh doanh để xử lý vi phạm trật tự xây dựng".