Nam Bộ Kháng Chiến – 23.9.1945 - Dân Làm Báo

Nam Bộ Kháng Chiến – 23.9.1945

Hoàng Thanh Trúc (danlambao) - Chấp bút theo bài: Đi tìm “rừng người” của tác giả: Phạm Vũ trên báo Tuổi Trẻ TP/HCM 22-9-2001. 

“Kháng chiến miền Nam là dựa vào rừng người… chúng tôi đi tìm rừng người ấy….” - Phạm Vũ 

Riêng tôi thì không đi tìm, bởi đó là người thân. Ngày giỗ Bà Nội vợ tôi, nhà ở ngoại thành Sài Gòn, hai vợ chồng về góp giỗ họp mặt – Mười tám thôn vườn trầu, Bà Điểm, Hốc Môn, đây là căn cứ địa khét tiếng một thời của cơ quan nội thành Sài Gòn, nơi lưu dấu chân các tên tuổi lớn, những người CS phụ trách tổ chức cho miền Nam kháng chiến chống thực dân Pháp như: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn Thực và cũng là nơi các tên tuổi: Nguyễn văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Ðăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã nằm xuống. 

Tôi nhớ, Ông tôi không quen uống rượu, khi lưng bụng rồi rán uống cạn một ly xây chừng rượu đế, chấp tay cáo lỗi họ hàng thực khách rồi ra sau hè ngã lưng vào chiếc võng đong đưa nhìn ra gốc mít kế bên có hai trụ giây trầu xum xuê lá gọi là chút kỹ niệm với Bà tôi, ông cố giữ lại dù nhà không còn ai ăn trầu - bởi nó còn thì cháu con mới nhớ, nơi đây là mười tám thôn vườn trầu nổi tiếng một thời chống “Tây”. 

Ông làm cai culi đường sắt tuyến hỏa xa Sài Gòn - Biên Hòa, biết chữ quốc ngữ rất sớm, đọc được nhựt trình tiếng Pháp (hồi đó gọi chung như là báo) vì vậy biết nhiều chuyện thời sự Tây Tàu. Mỗi lần như vậy, tôi cũng không ưa rượu, nên nhắm có lệ rồi ra ngồi gợi chuyện xưa cũ cùng ông. Và tôi ngộ ra rất nhiều điều mà nếu bình thường không nhờ men rượu từ cái ly xây chừng đó, vì nhiều lý do, ít khi ông tôi nói hết. Ông tâm sự... 

Bà tôi đêm ấy không nghe lời ông, thay vì cho mượn, thì bà đích thân xách 2 cây đèn huê kỳ (hồi đó trong xóm chỉ nhà ông có) theo chân giao liên và mấy du kích địa phương tới một căn nhà bí mật để các cán bộ Việt Minh từ xa về họp. Giữa đường Bà bị Tây đi “ba trui” (tuần tiểu) phục kích, từ xa nó nhắm 2 cây đèn lia một loạt Thomson, Bà tôi lãnh trọn. Ông tôi thương vợ ở vậy nuôi bốn con tới lớn. 

Ông nói rất nhiều cái lạ. Ông thù Tây, khuyến khích con theo phong trào chống Tây tới cùng nhưng không theo... Việt Minh? Ông nói, lúc ấy ông đã ngờ ngợ có cái gì đó không quang minh chính trực, không hợp lẽ thông thường “Sao đằng mình, mà trước mặt thì đánh Tây nhưng sau lưng thì diệt luôn cả người quốc gia mà ai cũng biết là rất yêu nước kháng Tây cũng kịch liệt?” sao không cùng đồng tâm hiêp lực... một chiếc đũa bẻ dễ hơn là một bó... và nhiều lắm, năm bè bảy mối dành giật chính quyền miền Nam cho đến khi ông biết sau lưng Việt Minh còn có một cái tên rất mới mà nhân dân Việt Nam không biết nó là cái gì, đó là: “Cộng Sản”.

Ông nói cho tới lúc đất nước chia đôi Nam Bắc, cái hình ảnh cuối cùng của người Cộng Sản lìa xa khỏi tim ông là hình ảnh người bạn cuối xóm ngoài bìa ruộng, nghèo khổ, không cục đất chọi chim, vợ chồng quanh năm hái trầu gặt lúa mướn, buổi sáng run tay mừng rớt nước mắt nhận tờ bằng khoán ruộng đất trên mảnh ruộng năm sào do chính quyền Ngô Đình Diệm cấp phát trao tặng, thì sáng hôm sau cả thôn sửng sờ bàng hoàng thấy anh ta, hai tay bị trói trên chiếc cọc quỳ giữa ruộng đầu lìa khỏi cổ trên mảnh ruộng chưa có luống cày, manh áo rách trên lưng ghim mảnh giấy chữ viết tay ngoằn nghèo “Bản án cho kẻ hợp tác với tay sai Ngô Đình Diệm”!? 

Ông nói: Tựu trung nhân dân Miền Nam hy sinh và hy sinh, nhiều lắm cho kháng chiến như toàn cảnh mà tác giả Phạm Vũ đã trải đầy một trang giấy trên báo Tuổi Trẻ, nhưng mặt trái của nó có một sự thật mà không phải ai cũng muốn hiểu và nhìn nhận trong hôm nay. Trong triều dâng như sóng cồn, cuồn cuộn lòng yêu nước nồng nàn chất phát đôn hậu ấy là khát vọng, niềm mơ ước quét sạch thực dân đô hộ, địa chủ, cường hào, cho nước nhà độc lập để đất ta ta cấy, ruộng ta ta cày, tự do như chim trời cá nước. Nhân dân Miền Nam phần đông kiến thức mộc mạc chân phương như trái bắp củ khoai, họ không lường, không nghĩ được ở tầm xa hơn những thành quả có được bằng máu nước mắt ấy sẽ là khởi điểm để phục vụ cho một chủ nghĩa rất xa lạ với bản chất của dân tộc Việt! Bởi vô cùng khó cho họ vào thời điểm ấy có thể hiểu được hết bản chất chủ nghĩa cộng sản là gì! Ngoài một sự ngộ nhận tốt đẹp là hình ảnh lý tưởng đáng yêu của cái liềm cho nông dân và cái búa cho công nhân. 

Đấu tố CCRĐ Miền Bắc 1949 

Ai có đủ can đảm để nói rằng: Nếu không có cuộc chia ly phân đôi đất nước, những người CSVN làm chủ cả dân tộc tại thời điểm ấy thì cuộc CCRĐ long trời lở đất đẫm máu và nước mắt với gần 200.000 lương dân vô tội hy sinh oan uổng trong đấu tố tù đày ở phía Bắc sẽ không có ở phương Nam? Mọi biện chứng khác đi, có lẽ thừa. 1975 – 1978 bộ trưởng nông nghiệp Võ Chí Công, Trưởng Ban cải tạo nông nghiệp phía Nam đã áp dụng đúng mô hình ấy cho toàn ruộng đồng miền Nam, suýt chút nữa cả nước chết vì đói! Cũng có nghĩa, nhân dân Nam Bộ Kháng Chiến bằng xương máu để đánh đổi một giấc mơ... Không Mong Đợi – Trong tâm hồn chân phương đôn hậu: Nam bộ kháng chiến vì độc lập tự do cho ruộng đồng và cho con người chứ không hề là cho CNCS xa lạ. Có thể hôm nay ai đó phủ định nhưng sẽ là đúng trong ngày mai bởi lịch sử không biết dối lừa. 

Có lẽ chúng ta, nhân dân Nam Bộ kỷ niệm ngày truyền thống của mình nên dành một chút suy tư qua lời tâm sự của một vị lão thành cách mạng trong chống Pháp và dưới lá cờ “Lực lượng Giải phóng Miền Nam”: 

NGUYỄN HỘ 
Uỷ viên thường trực/UB kháng chiến /Sài gòn-chợ lớn 
Phó chủ tịch/ Tổng Công Đoàn/ việt Nam. 
Chủ Tịch/ Mặt trận tổ Quốc/ TP/HCM- 53 tuổi Đảng. 

"Anh ruột tôi đại tá QĐNDVN hy sinh ở Củ Chi năm 1966, vợ tôi cán bộ nội thành SG hy sinh tết Mậu Thân 1968. còn tôi gần hết cuộc đời: tù tội, đấu tranh, phục vụ cho dân cho nước vậy mà hôm nay tôi được những người nhân danh Đảng CSVN gắn cho cặp “huy chương còng số 8” trên tay mình cũng bởi vì tiếp tục nặng lòng với dân với nước.

Tôi từng ngữa mặt lên trời than thở: (có đ/c Võ Văn Kiệt chứng kiến) “Tôi thú nhận rằng, chúng tôi,anh em và gia đình đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh mất mát quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì hết, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, nếu có chỉ thiểu số đặc quyền đặc lợi, dân chủ tự do chỉ là khẩu hiệu nói suông bịp bợm. Quả là điều sỉ nhục.” 

Bao nhiêu xương máu của nhân dân hy sinh để khát vọng Độc lập, tự do, dân chủ phải hiện diện trên đất nước này nhưng khi quét sạch quân thù khỏi bờ cõi thì “Chính Đảng cộng sản Việt Nam lại tước đoạt của nhân dân các quyền tự do mà nhân dân đã từng trả giá quá đắt đó – Dân cần tự do dân chủ còn hơn là cơm ăn áo mặc vì đó là thứ vũ khí mà nhân dân phải có để bảo vệ lợi ích của chính mình khi nó bị vi phạm bất cứ trong hoàn cảnh nào. Dân chủ tự do bị chà đạp, vũ khí tự vệ bị tước đoạt thì nhân dân giống như những người bị xiềng xích, bị bịt tai, bịt mắt, khớp miệng và tất nhiên gần 90 triệu người Việt Nam không thể không biến thành tù binh của Đảng cộng sản Việt Nam” 

(Trích QUAN ĐIỂM VÀ CUỘC SỐNG của Ông Nguyễn Hộ) 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo