Nguyễn Hưng Quốc - Cứ nhớ lại hình ảnh Saddam Hussein chui từ căn hầm bí mật lúc bị bắt vào ngày 14 tháng 12, 2003 và hình ảnh Hosni Mubarak nằm thở phập phù trên giường bệnh khi bị lôi ra toà án ở Ai Cập vào đầu tháng 8 vừa qua thì biết. Còn không thì cứ hỏi Gadhafi nếu gặp ông ấy đang trốn chui trốn nhủi đâu đó...
*
Người ta chưa biết những gì đang xảy ra trên thế giới từ mấy năm nay, đặc biệt trong năm 2011 này có phải là làn sóng dân chủ lần thứ tư của nhân loại hay không. Có lẽ cần thêm một thời gian nữa mới biết chắc được.
Tuy nhiên, trước hết, xin nhắc lại ba làn sóng dân chủ đã từng được Samuel Huntington ghi nhận và phân tích. Lần thứ nhất, từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, với việc xuất hiện của một số quốc gia dân chủ đầu tiên, trong đó Mỹ đóng vai trò tiên phong (năm 1776), rồi đến Pháp (1789) và, sau nữa, ở khoảng trên 20 nước khác, chủ yếu ở Âu châu. Lần thứ hai, từ sau Đệ nhị thế chiến đến đầu thập niên 1960, với khoảng trên 30 quốc gia được lọt vào quỹ đạo dân chủ (trong đó có Đức, Ý, Nhật, Áo, v.v…). Và lần thứ ba, từ giữa thập niên 1970 đến cuối thập niên 1990, với xu thế dân chủ hóa ở các nước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brasil, Đài Loan, Hàn Quốc, và cuối cùng, các quốc gia Đông Âu sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.
Đầu năm 2011 có vẻ như một làn sóng dân chủ khác bùng nổ, chủ yếu ở Trung Đông và Bắc Phi, trong một biến cố chính trị được gọi là Mùa xuân Ả Rập (Arab Spring) với các cuộc biểu tình rầm rộ ở Tunisia, Ai Cập, Bahrain, Syria, Yemen, Algeria, Jordan, Morocco và Oman, cũng như một số các cuộc biểu tình khác, nhỏ hơn, ở Kuwait, Lebanon, Saudi Arabia, Sudan và Western Sahara. Dường như lâu lắm rồi nhân loại mới chứng kiến những cuộc biểu tình với quy mô lớn và với sức quật cường dữ dội đến như vậy của dân chúng. Tuy nhiên, ở trên, trong câu đầu tiên đoạn này, tôi vẫn dè dặt với chữ “có vẻ”. Chỉ có vẻ thôi. Lý do là tình hình chính trị ở các quốc gia này khá phức tạp. Một số nhà độc tài vẫn còn tại vị. Ở một số nơi khác, các chế độ độc tài đã bị sụp đổ, nhưng các cuộc đấu tranh giữa các thế lực chính trị trong các quốc gia ấy vẫn còn gay gắt và dằng co, chưa ai biết, cuối cùng, chúng sẽ dẫn đến đâu cả. Người ta hy vọng đó sẽ là một nền tự do thực sự. Nhưng khả năng một chế độ độc tài khác, dựa trên thần quyền của nhóm Hồi giáo cực đoan nào đó, sẽ ra đời không phải là bất khả. Nên đành chờ.
Điều người ta chắc chắn, không còn có thể hoài nghi gì được nữa, là: nhiều chế độ độc tài kéo dài đã bị cáo chung. Nhiều tên bạo chúa cầm quyền gần như tuyệt đối suốt cả mấy chụp năm, lần lược sụp đổ. Nhiều tên độc tài khác thì đang run rẩy.
Bị sụp đổ hẳn thì có Zine el-Abidine Ben Ali ở Tunisia, Hosni Mubarak ở Egypt, Saddam Hussein ở Iraq, Ali Abdullah Saleh ở Yemen, và mới đây, Muammar Muhammad al-Gadhafi ở Libya. Đó là chưa kể Sadam Hussein ở Iraq bị treo cổ cách đây mấy năm.
Một số nhà độc tài khác còn tại vị nhưng khá run rẩy: Bashir ở Sudan (ông này đã tuyên bố không ra tranh cử vào năm 2015), vua Abdullah II bin al-Hussein ở Jordan, vua Abdullah bin Abdul-Aziz Al Saud ở Saudi Arabia, vua Hamad ở Bahrain, vua Mahammed VI ở Morocco, Bashar al-Assad ở Syria, v.v… Tất cả đều đang tỏ ra ít nhiều nhân nhượng trước các đòi hỏi chính đáng của dân chúng.
Người ta thấy gì sau khi chứng kiến sự sụp đổ của các chế độ độc tài như thế?
Thấy, ít nhất hai điều.
Thứ nhất là sự giàu có và xa hoa hầu như vô tận của những kẻ tự xưng là sẵn sàng hy sinh cả đời cho đất nước.
Lấy Tổng thống Hosni Mubarak của Ái Cập làm ví dụ. Theo các chuyên gia Trung Đông, sau 20 năm cầm quyền (1981-2011), tài sản của Mubarak có thể lên đến 70 tỉ đô la Mỹ, bao gồm hàng tỉ đô la ký gửi ở các ngân hàng Thụy Sĩ và vô số bất động sản thuộc loại “khủng” ở những thành phổ mắc tiền hàng đầu trên thế giới như New York và Los Angeles ở Mỹ, London ở Anh, Paris ở Pháp, v.v… Nhiều người cho là tài sản thực sự của Mubarak nhiều hơn hẳn những tỉ phú vốn được xem là giàu nhất thế giới như Carlos Slim Helu (khoảng trên 53 tỉ) hay Bill Gates (khoảng 53 tỉ).
Tuy nhiên, sau khi Muammar Gadhafi sụp đổ, người ta phát hiện bảng xếp hạng nêu ở trên là không đúng sự thật. Có thể Gadhafi còn giàu hơn cả Mubarak. Theo trang mạng InvestmentWatch, tài sản của Gadhafi có thể lên đến 128 tỉ đô la, vượt xa Mubarak. Có nguồn tin cho biết đầu năm 2011, Gadhafi giao cho một nhà môi giới ở London đến 3 tỉ đô la để mua cổ phiếu. Tổng cộng, số tiền đầu tư của Gadhafi ở Anh có thể lên đến 20 tỉ bảng Anh. Số tiền đầu tư ở các ngân hàng Mỹ có lẽ còn cao hơn thế nữa, khoảng trên 30 tỉ. Đó là chưa kể một lượng tiền lớn khác, cũng hàng tỉ đô la, được kỷ gửi và đầu tư ở các nước Phi châu. Và cũng chưa kể đến số tài sản của vợ con ông. Cũng lên đến hàng tỉ đô la.
Sau khi quân nổi dậy chiếm Tripoli, người ta mới thấy cuộc sống xa hoa của Gadhafi và gia đình của ông. Miệng thì lúc nào cũng hò hét cách mạng xã hội chủ nghĩa với những khẩu hiệu như bình đẳng và tình huynh đệ, nhưng trong cuộc sống riêng thì lại hưởng thụ còn hơn cả vua chúa ngày xưa. Hết dinh thự này đến dinh thự khác. Dinh thự nào cũng mênh mông và cũng đầy những tiện nghi hết sức xa xỉ.
Thứ hai là sự yếu ớt của các chế độ độc tài ấy.
Suốt cả mấy chục năm cầm quyền một cách độc đoán, cả Mubarak lẫn Gadhafi đều gợi cho mọi người, nhất là dân chúng nước họ, cái ấn tượng là họ rất mạnh mẽ và bất khả xâm phạm. Bởi vậy, trước khi dân chúng đổ xô xuống đường, hầu như không có ai tin tưởng là chuyện ấy có thể xảy ra. Khi dân chúng đã ào ạt xuống đường rồi, cũng không mấy ai tin tưởng là họ có thể lật đổ được chính quyền. Riêng ở Libya, mặc dù Mỹ và các quốc gia đồng minh liên tục dội bom vào quân đội của Gadhafi, họ vẫn không dám tin tưởng hẳn là sẽ thắng lợi. Đến lúc quân nổi dậy sắp tràn đến thủ đô Tripoli, ai cũng hình dung một trận chiến ác liệt sẽ bùng nổ và máu sẽ ngập trên các đường phố trước khi đội quân trung thành với Gadhafi chịu buông vũ khí chấp nhận thất bại. Thế nhưng sự thật khác hẳn. Quân nổi dậy tiến vào thủ đô một cách khá dễ dàng. Đội quân được xem là trung thành với Gadhafi và từng khiến mọi người khiếp sợ bỗng buông súng đầu hàng hoặc vội vã chạy trốn. Chiến thắng nhanh chóng đến độ nhiều người đâm ngơ ngác tự hỏi: có phải Gadhafi đang trù tính một kế hoạch di tản chiến thuật để đánh bọc hậu quân nổi dậy? Mấy tuần trôi qua, người ta biết đó chỉ là một nỗi sợ vu vơ.
Và người biết nữa, sự thật này: các tên độc tài không thực sự mạnh mẽ như những ấn tượng mà chúng cố tình tạo ra cho dân chúng để dân chúng khiếp sợ và thần phục.
Cứ nhớ lại hình ảnh Saddam Hussein chui từ căn hầm bí mật lúc bị bắt vào ngày 14 tháng 12, 2003 và hình ảnh Hosni Mubarak nằm thở phập phù trên giường bệnh khi bị lôi ra toà án ở Ai Cập vào đầu tháng 8 vừa qua thì biết.
Còn không thì cứ hỏi Gadhafi nếu gặp ông ấy đang trốn chui trốn nhủi đâu đó.