Nguy cơ thụt lùi... trở lại nhóm kém phát triển - Dân Làm Báo

Nguy cơ thụt lùi... trở lại nhóm kém phát triển

Minh Đăng (Tamnhin.net) - Việt Nam còn có thể thụt lùi đến mức “gia nhập lại” nhóm các nước kém phát triển, có thu nhập bình quân đầu người thấp của thế giới.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đã cảnh báo như vậy khi trả lời câu hỏi về đòi hỏi cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá nhấn mạnh, nhìn sâu hơn vào bên trong bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay, thì thấy ngay rằng, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng của nước ta đang bộc lộ rất nhiều bất cập, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, thì khó có thể phát triển tiếp. Trong thế giới đang phát triển không ngừng và rất nhanh chóng, dẫm chân tại chỗ có nghĩa là thụt lùi. 

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá nêu rõ, nguy cơ thụt lùi đó hiện hữu cho dù nhờ thực hiện hai Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000 và 2001-2010), Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, đã đưa nước ta từ một nước thuộc nhóm các nước kém phát triển, có thu nhập bình quân đầu người thấp, trở thành nước thuộc nhóm các nước có thu nhập bình quân đầu người trung bình trên thế giới.

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng phải được xem là nội dung cốt lõi của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Cho đến nay, các nhà khoa học, các nhà quản lý đều nhất trí rằng, cơ cấu lại nền kinh tế, tìm mô hình tăng trưởng mới là công việc rất phức tạp, rất bức bách, phải được thực hiện bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ, với một lộ trình chặt chẽ, khoa học. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ đâu, thì vẫn đang còn ý kiến khác nhau.

Theo Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá, phải bắt đầu từ tái cấu trúc đầu tư. Bởi lẽ, tái cấu trúc đầu tư thực chất là tái cấu trúc việc phân bổ các nguồn lực toàn xã hội cho đầu tư phát triển đất nước. Các nguồn lực dành cho đầu tư phát triển trong từng thời kỳ luôn là một đại lượng nhất định và có giới hạn, thường là thấp xa so với nhu cầu mong muốn. Vì vậy, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này là yêu cầu thường xuyên của mọi cấp quản lý ở mọi giai đoạn phát triển. Thực tiễn cho hay, việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển vừa qua của chúng ta không phải lúc nào cũng đúng, cũng hợp lý. Hậu quả là đã tạo ra cơ cấu kinh tế không phù hợp, kém hiệu quả, năng suất lao động xã hội thấp, khả năng cạnh tranh quốc gia chưa nâng lên được. Vì vậy, chỉ có trên cơ sở tái cấu trúc đầu tư mới tạo ra được cơ cấu kinh tế hợp lý nhất có thể để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế lớn nhất và năng lực cạnh tranh quốc gia cao nhất như mong muốn.

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá nêu rõ, tái cấu trúc đầu tư phải bao gồm cả việc cấu trúc lại các công trình, dự án đã đầu tư không phù hợp để lại hậu quả xấu (bao gồm cả mất ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát cao…) và ngăn ngừa việc tiếp tục sản sinh ra những danh mục đầu tư “ba không” (không rõ mục đích, đầu tư để làm gì và cho ai; không cân đối được nguồn lực, gây chậm trễ việc đưa dự án, công trình vào sử dụng làm triệt tiêu hiệu quả; không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp, gây lãng phí lớn nguồn lực của dân).

Đương nhiên, tái cấu trúc đầu tư không thể thực hiện một cách đơn độc, mà phải đặt trong tổng thể các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế. Vì vậy, theo tôi, cần phải bắt tay ngay vào thiết kế và tổ chức triển khai thực hiện trong những năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm này ít nhất là 3 nhóm giải pháp lớn có liên quan mật thiết với nhau sau đây:

Thứ nhất, tái cấu trúc đầu tư, trước hết là đầu tư công.

Thứ hai, tái cấu trúc doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba, tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng.

Cả ba nhóm giải pháp này đều nhằm vào cùng một hướng là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo vùng lãnh thổ và theo thành phần kinh tế hợp lý nhất có thể, để đạt năng suất, hiệu quả kinh lớn nhất và năng lực cạnh tranh quốc gia cao nhất.

Theo Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá, việc cấu trúc lại những công trình, dự án đã đầu tư không phù hợp để lại hậu quả xấu thực sự là việc rất khó, nhất là khu vực đầu tư công, nhưng không thể không làm.

Chúng ta phải cắt giảm đầu tư công một cách thực chất, để vừa thực hiện giảm tổng cầu, góp phần chống lạm phát trước mắt, vừa tạo cơ cấu kinh tế hợp lý trong trung và dài hạn. Việc thực hiện cắt giảm đầu tư công theo các nguyên tắc: giảm cho được tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội; Nhà nước rút dần ra khỏi lĩnh vực kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận để dồn sức làm những thứ rất cần cho phát triển đất nước mà các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không thể làm; doanh nghiệp nhà nước tập trung sức làm cho được việc tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, chứ không lấy kinh doanh vì lợi nhuận làm mục tiêu. Nguyên tắc chung là trừ những khu vực đặc biệt, còn lại cái gì Nhà nước làm tốt nhất cho nền kinh tế để Nhà nước làm; cái gì tập thể làm tốt nhất để tập thể làm; cái gì tư nhân (cả trong và ngoài nước) làm tốt nhất để tư nhân làm.

Vì thế, trước mắt, nên xóa những công trình, dự án đã thấy trước là không có hiệu quả, mà bán thì không ai mua; bán những công trình, dự án nhà nước không cần nắm giữ và để tư nhân làm hiệu quả hơn. Vấn đề này cần làm song song với việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cũng nên giãn tiến độ xây dựng những công trình, dự án trước mắt chưa cân đối được vốn và hoãn khởi công những công trình đã có quyết định đầu tư, nếu chưa thu xếp được vốn hoặc chưa cần thiết.

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá nêu rõ, vấn đề này lâu nay đã nói quá nhiều, nhưng rất tiếc làm còn ít, thậm chí còn làm ngược lại. Thí dụ, càng hô “đầu tư phải tập trung”, thì đầu tư càng phân tán, dàn trải… Có tình hình này bên cạnh các nguyên nhân luôn tồn tại như vấn đề chạy theo lợi ích cục bộ; chạy theo cái bóng tăng trưởng nhanh về số lượng, bất chấp chất lượng của sự tăng trưởng…, nhưng quan trọng nhất là vấn đề về điều hành, đặc biệt là các vấn đề về quy hoạch, về phân cấp quản lý đầu tư… Vì vậy, đề nghị ngay đầu kế hoạch 5 năm này phải làm các việc:

Thứ nhất, phải rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt, nhưng chưa triển khai thực hiện, bao gồm những danh mục đầu tư do cấp cao phê duyệt. Cương quyết loại bỏ các danh mục đầu tư không còn phù hợp với điều kiện và tiêu chí mới.

Thứ hai, phải xây dựng chương trình đầu tư công cộng (PIP) cho giai đoạn mới. Cho đến nay, chúng ta đã xây dựng và triển khai thực hiện 3 chương trình đầu tư công cộng (PIP I cho 1996-2000; PIP II cho 2001-2005 và PIP III cho 2006-2010). Cần rút kinh nghiệm những mặt thành công và thất bại của mỗi chương trình đầu tư công cộng nêu trên. Chương trình đầu tư công cộng mới phải được tính toán thật hoàn chỉnh, tính toán cân đối thành các chương trình, dự án, phân ra các ngành, vùng và các nguồn vốn bảo đảm thật cụ thể, chi tiết. Và tổ chức triển khai thực hiện thật nghiêm túc, không nóng vội, không ham tăng trưởng nhanh bằng mọi giá.

Thứ ba, phải sửa ngay Nghị định về phân cấp quản lý đầu tư theo nguyên tắc làm gì, bao giờ làm, làm ở đâu phải do Trung ương quyết định, còn việc ai làm, làm thế nào có thể phân cấp, Trung ương chỉ hướng dẫn. Phải thừa nhận rằng, việc phân cấp quản lý đầu tư vừa qua là “quá mức”, vượt tầm kiểm soát của chính các cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí lớn nguồn lực, làm méo mó cơ cấu kinh tế.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo