Ðới Bỉnh Quốc bình thiên hạ - Dân Làm Báo

Ðới Bỉnh Quốc bình thiên hạ

Ngô Nhân Dụng Ngày hôm qua ông Ðới Bỉnh Quốc (oDai Binggu) rời Việt Nam sau khi cùng ông Nguyễn Thiện Nhân chủ trì phiên họp thứ năm của ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung, một ủy ban thành lập từ năm 2006.

Cuối năm ngoái, mục này đã bàn về một bài do ông Ðới Bỉnh Quốc viết trong đó ông khẳng định rằng Trung Quốc “không tìm cách chiếm bá quyền”. Ông còn khẳng định: “Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc không có truyền thống chiếm bá quyền.”

Chúng tôi không lập lại những ý kiến đã viết trong bài “Ðới Bỉnh Quôc lừa dối” đăng trên báo Người Việt vào tháng 12 năm 2010. Người Việt Nam (đã bị mang tên An Nam đô hộ phủ), người Cao Ly (An Ðông đô hộ phủ) và những dân tộc kém may mắn hơn như người Tây Tạng, người Mãn Châu, Mông Cổ, người Hồi ở Tân Cương, Thanh Hải, tất cả đều có thể làm chứng họ đã là nạn nhân của chính sách bá quyền do các triều đình Trung Quốc thi hành trong hơn hai ngàn năm lịch sử. Bá quyền, hiểu theo nghĩa như chính sách đế quốc trong thế giới ngày nay.

Nhưng nếu xét về nghĩa gốc các từ ngữ thì có thể ông Ðới Bỉnh Quôc vẫn nói đúng. Trung Quốc không phải chỉ có tham vọng bá quyền. Các hoàng đế Trung Hoa đời trước cũng không thèm nghĩ tới bá quyền. Họ muốn đạt tới một mục tiêu cao lớn hơn nữa: Bình Thiên Hạ. Những ông vua xưng Bá đời Chiến Quốc như Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, cũng chỉ là những vua chư hầu, chưa tỏa rộng uy quyền khắp bốn phương như ngôi thiên tử. Tần Thủy Hoàng mới là người có tham vọng làm chủ tất cả thiên hạ, ông đã đạt được mục đích đó vào năm 221 trước Công Nguyên. Từ đời Tần Thủy Hoàng, các vị hoàng đế Trung Hoa sau này đều ôm mộng theo gương đó: Thống trị thiên hạ bằng một “Trật tự Thế giới mới” trong đó nước Trung Hoa đứng ở địa vị trung tâm, và trên đỉnh là vị “Con Trời” ngự trị.

Thiên Hạ nghĩa là tất cả mọi thứ ở dưới bầu trời. Nó bao gồm cả đất đai, thổ sản, dân cư, và một “trật tự thế giới” theo quan niệm của người Trung Hoa. Trong nước Trung Hoa đời trước, quan niệm “chính thống” đó bao gồm lối tổ chức xã hội bên ngoài gọi là theo Khổng Giáo nhưng trên căn bản lại sử dụng các kỹ thuật cai trị của Pháp Gia. Mà phương pháp cốt tủy của Pháp Gia là tập trung quyền hành tuyệt đối trong tay ông vua, khác hẳn quan niệm rộng rãi, trọng dân hơn, của Khổng Tử hay Mạnh Tử. Có thể gọi đó là chủ trương Ngoại Nho Nội Pháp; hay nói ngược lại cũng được. Các nước Á Ðông xưa kia đều chịu ảnh hưởng của “ý thức hệ” gốc Trung Hoa đó. Các ông vua Việt Nam, Cao Ly, Miến Ðiện, các đại hãn Mông Cổ, Khiết Ðan đều chịu nhường, họ chỉ xưng vương, còn danh hiệu hoàng đế để cho ông vua nước Tàu độc quyền sử dụng. Chỉ có ông vua Trung Hoa được coi là chịu Mệnh Trời, là Thiên Tử, Con của Trời. Nhưng các dân tộc bất khuất thì không bao giờ chịu để cho đất nước họ bị nhập làm một với nước Tàu.

Có hai sắc dân, ở Mông Cổ và Mãn Châu, đã sử dụng ý thức hệ Ngoại Nho Nội Pháp làm khí cụ thống trị dân Trung Hoa hàng thế kỷ. Như Vua Ung Chính Nhà Thanh đã từng bài bác những “người Tàu yêu nước quá khích;” bằng cách vin vào những khái niệm Thiên hạ, Mệnh Trời, để biện minh cho chế độ người Mãn ngồi trên đầu người Hán! Mà người Hán, quả thật, đã chịu phục tùng triều đại Mãn thanh trong ba thế kỷ! Nhưng cuối cùng, chính dân tộc Mãn đã mất nước, cũng như đa số người Mông Cổ trước đó. Sau khi nhà Nguyên sụp đổ, các vua nhà Minh được thừa hưởng cả một đế quốc do người Mông Cổ dựng lên. Họ tiếp tục bắt các dân du mục ở phía Bắc và vùng Trung Á thần phục họ, như đã từng bị thua phải thần phục các vua nhà Nguyên. Trong đó có cả nước tổ tiên của người Mông Cổ! Hai sắc dân Mông và Mãn đã bị thua trên mặt trận văn hóa. Vì họ đã sử dụng vũ khí tư tưởng, có thể gọi là ý thức hệ, của người Trung Hoa, để cai trị nước Trung Hoa. Trong đó có quan niệm về Thiên Hạ, và Bình Thiên hạ! Dùng dao của người Trung Hoa, họ đã tự cắt đứt gốc rễ của chính họ! Trong các hình thức nô lệ, không gì nguy hiểm bằng nô lệ về tư tưởng! Bình Thiên Hạ là một khẩu hiệu cũng dễ mê hoặc giống như tiến tới Chủ Nghĩa Xã Hội sau này!

Trong hàng chục năm qua, Bắc Kinh đã mở mặt trận ngoại giao khắp thế giới để gây ảnh hưởng, lôi kéo các nước đang phát triển về phía mình. Trong đó có việc thành lập những Viện Khổng Tử, truyền bá ngôn ngữ, văn hóa. Nhưng họ không dùng Nho Giáo để thay thế chủ nghĩa Cộng Sản với đặc tính Trung Quốc. Ngược lại, họ vẫn mô tả “mô hình Trung Quốc hiện đại” như là một thứ Chủ Nghĩa Xã Hội mới, để các nước đang phát triển noi theo.

Cuốn bạch thư 10,000 chữ mà chính phủ Bắc Kinh mới phát hành viết họ đang “xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu, mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, và hiện đại từ nay đến... giữa thế kỷ 21”. Ðó là một cách quảng cáo cho mô hình Trung Quốc. Mô hình đó bao gồm việc tập trung quyền bính trong tay một đảng, thâu tóm các quyền lợi kinh tế vào trong tay một giai cấp tư bản mới lên, dùng kinh tế thị trường với sự can thiệp trắng trợn của bộ máy hoạch định nhà nước. Trong mục này đã nhiều lần nêu lên những nhược điểm cơ bản trong nền kinh tế Trung Quốc, chúng tôi không lập lại nơi đây. Nhưng mô hình Trung Quốc vẫn có thể mê hoặc rất nhiều người! Các chế độ độc tài ở các nước đang phát triển rất dễ bị lôi cuốn với mô hình này. Vì đó là một thứ ý thức hệ biện minh cho cảnh tập trung quyền hành chính trị và quyền lợi kinh tế trong tay một thiểu số! Trước đây Mao Trạch Ðông đã tìm cách gây ảnh hưởng trên thế giới thứ ba với lý thuyết cách mạng vô sản kiểu Trung Hoa. Ngày nay, các hoàng đế ở Bắc Kinh lại tiếp tục cuộc tấn công đó, nhưng với lý thuyết mới, để tiếp tục Bình Thiên Hạ!

Khi tái lập năm 1951, đảng Cộng Sản Việt Nam đã tôn thờ tư tưởng Mao Trạch Ðông như cách hay nhất để áp dụng chủ nghĩa Mác-Lê Lin tại Á Châu. Trung Cộng đã ảnh hưởng tới Việt Nam qua guồng máy hai đảng, nhiều hơn cả guồng máy nhà nước. Thời ông Nguyễn Cơ Thạch, có lúc Bộ Ngoại Giao không có việc gì làm, vì mọi giao thiệp giữa hai nước đều cho ban đối ngoại của hai trung ương đảng chuyên quyền quyết định. Khi người ta đã nhân danh đảng mà nói, guồng máy nhà nước phải câm miệng lại! Guồng máy đảng là nơi phát ra những tín hiệu chỉ đạo cái đầu mọi người. Muốn Bình Thiên Hạ, tất cả mọi cái đầu phải suy nghĩ giống nhau!

Từ khi Nông Ðức Mạnh triều yết Bắc Kinh giữa năm 2008, rồi cuối năm Nguyễn Tấn Dũng tiếp theo sang Tàu để kết thúc các hiệp ước biên giới, và mở cửa nước Việt Nam cho các công ty Trung Quốc bán sản phẩm và sang làm ăn, Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào quỹ đạo Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng muốn nắm đầu cả về văn hóa tư tưởng, họ phải dùng guồng máy đảng. Tình trạng này thể hiện trong cuộc thăm viếng của ông Ðới Bỉnh Quốc vừa qua.

Báo chí trong nước cho biết trong phiên họp của ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung có “quan chức từ hai đảng cầm quyền, các quan chức quân sự, trung ương và lãnh đạo chính quyền địa phương từ hai quốc gia”. Ðới Bỉnh Quốc không phải là một bộ trưởng ngoại giao, nhưng là người phụ trách đối ngoại trong Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc. Cho nên cuộc họp về bang giao giữa hai nước, thay vì chỉ cần các chuyên gia về vấn đề biên giới, vấn đề hải phận, các chuyên viên kinh tế tài chánh, người ta lại nhấn mạnh tới “quan chức từ hai đảng cầm quyền”.

Với sự có mặt của các quan chức từ hai đảng cầm quyền, mọi quyết định sẽ bắt buộc guồng máy nhà nước phải tuân theo, không thể cãi! Trong cuộc họp mặt này, thay vì chỉ có các nhân vật thuộc chính quyền trung ương, chúng ta còn thấy cả “lãnh đạo chính quyền địa phương từ hai quốc gia” nữa. Bản tin không cho biết đó là những địa phương nào. Có chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, nơi các ngư dân bị “tàu lạ” tấn công hay không? Có chính quyền những tỉnh đang cho người Trung Hoa thuê khai thác rừng, mỏ hay không? Có chính quyền những tỉnh mà các công ty Trung Quốc đang làm ăn mang cả ngàn công nhân Tàu sang làm việc mà không cần giấy phép hay không? Nếu có những người đó, thì họ có thể đã nhận được các chỉ thị trực tiếp trong cuộc họp ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung này, do ông Ðới Bỉnh Quốc chủ trì hay không? Tại sao các quan chức địa phương người Việt lại phải đi nghe các chỉ thị của một ủy viên trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc?

Còn các quan chức địa phương Trung Quốc, sang đây để làm gì? Năm 2008, giữa chuyến đi của hai ông Nông Ðức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng, bí thư tỉnh ủy Quảng Ðông là Uông Dương, ủy viên Bộ Chính Trị, đã qua Việt Nam vào Tháng Chín, bàn bạc về chuyện biên giới và mang theo một đoàn doanh nhân hùng hậu khiến Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Hà Nội phải báo tin gấp về cho Bộ Ngoại Giao Mỹ (Wikileaks, ngày 30 tháng 8, 2011). Chuyến đi của ông Uông Dương có phải là một bước chuẩn bị trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng trước khi bay qua Bắc Kinh? Các vua nhà Thanh đời xưa thường trao việc Việt Nam cho các vị tổng đốc Lưỡng Quảng lo liệu. Ngày nay có thể ông Uông Dương (Wang Yang) cũng mang trách nhiệm tương tự hay không?

Trong cuộc họp của ủy ban chỉ đạo vừa rồi, ông Khổng Huyền Hựu, đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội đã nhấn mạnh, “Chúng ta cần thực hiện tốt cơ chế hợp tác giữa các bộ ngoại giao, quốc phòng, công an, v.v. hai nước, cũng như các ban đối ngoại, tuyên giáo của hai đảng.”

Tại sao cần phải có tuyên giáo của hai đảng dính vào việc bang giao giữa hai quốc gia? Ðây chính là một cái đầu cầu để cho đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể “giáo dục” đầu óc người dân bản xứ! Trung Quốc đã từng yêu cầu đảng Cộng Sản Việt Nam phải “lãnh đạo” báo đài trong nước làm sao cho dân Việt nguôi bớt mối uất hận đối với việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.

Ðại sứ Khổng Huyền Hựu còn nói: “Tôi tin rằng, miễn là hai bên nghiêm chỉnh thực hiện những nhân thức chung của lãnh đạo hai nước, tiếp thu, tham khảo một cách đầy đủ kinh nghiệm thành công về phân giới cắm mốc đường biên giới đất liên của hai nước, cũng như về phân định vịnh Bắc bộ của hai nước, thì chúng ta nhất định có trị tuệ để tránh được, không để những bất đồng làm ảnh hưởng tới sự phát triển thuận lợi của quan hệ hai nước”.

Ðọc lời tuyên bố trên, chúng ta có thể hiểu dụng ý của ông đại sứ Trung Quốc. Ông muốn mọi người Việt Nam học tập “tiếp thu, tham khảo một cách đầy đủ kinh nghiệm thành công về phân giới cắm mốc đường biên giới” để cư xử với đàn anh phương Bắc theo đúng “mô thức” này, không được làm khác. Ðối với Trung Quốc, việc “phân giới cắm mốc đường biên giới” được coi là một thành công. Mọi bất đồng đều được vui vẻ xí xóa. Các quan chức địa phương người Việt Nam chắc đều được dịp tiếp thu, tham khảo sự thành công tốt đẹp đó.

Người dân Việt Nam có thể nghĩ khác. Nhưng họ có quyền nghĩ khác hay không? Nếu nghĩ khác, họ có được nói lên hay không? Trước ngày ông Ðới Bỉnh Quốc sang Hà Nội, bộ máy công an của đảng Cộng Sản Việt Nam đã dẹp tan tất cả các cuộc biểu tình kéo dài hơn hai tháng trước đó. Trong ý thức hệ bao gồm với hai chữ Thiên Hạ, thiên hạ phải có trên có dưới! Nếu những người lãnh đạo nước Việt Nam đã chấp nhận theo đường Trung Quốc, tiến lên một Chủ Nghĩa Xã Hội nào đó (với đặc tính Trung Quốc tất nhiên) thì cũng phải hướng dẫn dư luận dân Việt theo chiều hướng của thiên triều. Ông Ðới Bỉnh Quốc đã hoàn tất một công tác trong quá trình Bình Thiên Hạ!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo