Thỏa hiệp - Dân Làm Báo

Thỏa hiệp

Lê Văn Xiếng (danlambao) Thỏa hiệp là sự đồng ý để người khác hoặc cùng người khác làm việc gì mà thực tâm mình thấy không ổn lắm. Thỏa hiệp thường là chuyện bắt buộc, thường không chính danh và cũng không hoàn toàn hợp với lương tâm đạo lý. Xã hội chúng ta có nhiều sự thỏa hiệp và người ta đã phải chấp nhận nó, chấp nhận thỏa hiệp để tồn tại hoặc chấp nhận thỏa hiệp để hưởng lợi.

Một lần đi Đà Nẵng tôi ghé thăm chùa Linh Ứng ở Bãi bụt. Ngôi chùa nằm trên sườn núi có tượng phật cao 67mét được xem là tượng phật cao nhất Đông Nam Á, khánh thành năm 2010. Khi lên Bà Nà tôi mới biết ở đây cũng có ngôi chùa Linh Ứng khác, cũng to đẹp và mới xây dựng năm 2004. Ngoài ra ở núi Ngũ Hành Sơn cũng có chùa Linh Ứng cổ xây dựng từ thời Gia Long.

Nếu chỉ nhìn những công trình tôn giáo to lớn như thế không thể nói Việt Nam không có tự do tín ngưỡng. Không có sao được khi mỗi ngày có hàng ngàn người viếng thăm lễ bái không hề bị ngăn cản. Trên nguyên tắc, khách thập phương cúng dường và chùa dùng tiền làm từ thiện, phát triển cơ sở hoặc dùng cho công việc phật sự.

Nhưng mới đây có 2 bản tin trái ngược nhau làm chúng ta không khỏi phân vân tự hỏi : Phải chăng đất nước ta thực sự có tự do tôn giáo?

Bản tin thứ nhất là tin vui, SGGP online ngày 18/5/2010 đưa tin sắp xây dựng ngôi chùa lớn thứ 4 tại Việt Nam:
    "Sáng 17-5, tại Khu thương mại cửa khẩu Tân Thanh thuộc huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã diễn ra lễ động thổ xây ngôi chùa lớn thứ 4 ở Việt Nam. Chùa được lấy tên là Phật Quang Sơn. Đây là dự án có tổng vốn lên tới gần 600 tỷ đồng..."
Bản tin thứ hai kém vui, RFA ngày 8/9/2011 cho biết:
    "Chùa Pháp Biên bị đập phá từ năm 2010 nhưng chính quyền chưa trừng trị những kẻ phá hoại một cách thoả đáng, mà ngược lại không cấp phép xây dựng ngôi chùa mới theo đơn yêu cầu của tín đồ Phật giáo trong xã."
Cùng là Phật Giáo nhưng ngôi chùa nhỏ Pháp Biên ở Bà Rịa không được may mắn như chùa Phật Quang Sơn, lý do là ngôi chùa nhỏ ở Bà Rịa không thuộc Giáo Hội Phật Giáo do nhà nước kiểm soát. Không kiểm soát được thì không cho xây dựng, không cấp phép và triệt hạ bằng mọi cách ngay cả dùng côn đồ theo kiểu xã hội đen. Phóng viên Mặc Lâm cho biết tiếp:
    "Ngôi nhà được gọi là chùa này thật ra rất thô sơ nhưng vẫn không qua khỏi kiếp nạn. Khi đang dựng lên thì chính công an xã, công an huyện với gần 150 người, trang bị như đối phó với những thành phần bạo động tới ngay nơi xây dựng để phá cái mà họ gọi là xây dựng chùa bất hợp pháp."
Tự do tôn giáo là quyền của người dân được minh định trong hiến pháp. Quyền nầy bao gồm cả việc từ chối không theo sự chi phối của chính quyền hay bất cứ tổ chức cá nhân nào khác. Chùa Pháp Biên có quyền chọn đại diện ngành dọc là giáo hội Phật Giáo Việt Nam hay giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Dân có quyền tự do tín ngưỡng và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Lý do chùa nhỏ ở Bà Rịa bị khó dễ, cản trở là vì chùa không chịu qui thuận theo giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Hành động của nhà nước rõ ràng đã can thiệp thô bạo vào quyền thực hành tự do tín ngưỡng của các cơ sở tôn giáo.

Vấn đề ở đây không phải chuyện xây dựng không phép mà là nhà nước đã không cấp giấy phép. Chùa đã xin xây lại từ năm 2006 sau trận bão, nhưng không được cấp cũng không được giải thích vì sao không cấp. Ông Trần Văn Thường, một thành viên trong ban Hộ Tự cho biết:
    "Cái chuyện xin phép thì không xin nữa vì trước đây chúng tôi đã xin liên tiếp 6 năm mà họ không cho. Họ không ký giấy mà không nói bất cứ một lý do nào. Liên tiếp 6 -7 năm không ai cho phép hết."
Nếu nhà nước kêu gọi người dân sống theo luật pháp thì cơ quan công quyền phải thực hiện nhiệm vụ của họ trước. Giấy phép phải được cấp trong thời hạn nhất định, còn không cấp thì phải giải thích lý do tại sao giấy phép không thể cấp? Việc im lặng kéo dài là chính quyền đã vi phạm qui định hành chánh của chính mình, là che đậy việc can thiệp bất chính vào hoạt động tôn giáo của nhân dân.

Những thập niên trước dưới chính sách giáo điều Mác, tôn giáo được xem như thuốc phiện, hoạt động tôn giáo trong thời kỳ ấy ảm đạm mờ nhạt. Người ta hy vọng lớp già chết đi mang theo cái "thuốc phiện" quái quỉ ấy để khỏi mất công tiêu diệt nó công khai. Miền bắc và cả miền nam sau 75 cùng chung số phận. Nhà thờ nhà chùa chỉ được phép chống dột để không bị xuống cấp chứ không ai nghĩ sẽ xây dựng cái mới.

Ngày nay tình hình đã khác, nhà thờ, nhà chùa mọc lên rầm rộ hoành tráng, nhưng phía sau cái hoành tráng ấy không phải ai cũng nhìn ra được những mảng thực tế tối tăm. Đất nước đã thay đổi nhưng tư duy giáo điều vẫn chưa thay đổi. Chính quyền vẫn ác cảm với tôn giáo. Những cố gắng kiểm soát tôn giáo xuất phát từ sự sợ hãi những tổ chức dân sự độc lập sẽ là lực lượng đối kháng với quyền lãnh đạo độc tôn của đảng.

Để đánh bóng cái chính sách tự do tín ngưỡng cuội, nhà nước - thông qua mặt trận, công an - áp dụng chính sách thâm độc tiêu chuẫn kép. Một mặt trấn áp không nương tay những giáo hội chống đối, mặt kia bật đèn xanh cấp đất, cấp tiền cho giáo hội ngoan ngoãn qui thuận. Việc giải tỏa phải chừa lại chùa (như trường hợp chùa Pháp Hoa nằm trên kênh Nhiêu Lộc, đường Lê Văn Sĩ , quận 3, Sài Gòn) chỉ là mánh lới tuyên truyền: nhà nước rất ngại đụng đến tôn giáo. Ai đi đoạn đường kênh từ Phú Nhuận về chợ Lê Văn Sĩ cũng thấy ngôi chùa nằm trơ trọi trong lúc tất cả nhà dân đều đã giải tỏa. Có thể nói chùa Pháp Hoa bị để lại đó để tuyên truyền cho chính sách cuội: "Nhà nước ta rất tôn trọng cơ sở tôn giáo"!

Việc cho xây cất các cơ sở dù quốc doanh cũng dẫn đến nguy cơ: phải chấp nhận sự lớn mạnh tiệm tiến của một lực lượng tín hữu vốn không song hành với chủ thuyết cộng sản. Đây là điều nguy hiểm nhà nước ta dư biết, nhưng là về lâu về dài, còn bây giờ chính sách phân biệt và can thiệp nội bộ các tôn giáo được coi là kế sách để giải quyết tình thế.

Thực ra khi bật đèn cho "phát triển tôn giáo quốc doanh", nhà nước lời chứ không lỗ. Sự xây dựng chùa chiềng gần đây cho thấy giáo hội không chỉ thỏa hiệp về tâm linh mà còn thỏa thuận về ăn chia tài chánh. Dưới danh nghĩa tôn tạo trùng tu di tích, hầu hết cáccông trình xây dựng đều do sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch làm chủ đầu tư và dĩ nhiên người có tiền đầu tư sẽ là người hưởng lợi, nhà chùa làm chủ còn nhà nước quản lý! Đây phải chăng là một hình thức kinh doanh tín ngưỡng cấp nhà nước và một kiểu thỏa hiệp không chính thức của Giáo hội Phật giáo?

Đối với giáo hội qui thuận, có sự thỏa hiệp không bao giờ viết ra trên giấy: Tôi để anh hoạt động nhưng phải để tôi cơ cấu người vào giáo hội. Nhà văn Dương Thu Hương gọi hiện tượng nầy một cách khinh miệt là "sư quốc doanh":
    "Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp chùa chiền xứ sở? Chẳng có gì bí mật cả, bên trên là A 25 Cục bảo vệ Văn Hóa thuộc Tổng cục 1 bộ Nội vụ. A 25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để "yểm" Hội Phật giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc."
Phát triển tôn giáo hiện nay thực chất là sự lợi dụng tôn giáo để tô điểm hoa lá cành cho cái hệ thống tư duy cũ. Tôn giáo biến thành món hàng trao đổi. Nhà nước không thực tâm tôn trọng quyền tín ngưỡng, nhà nước chỉ lợi dụng tín ngưỡng để "đánh bóng tên tuổi" chế độ và khai thác các điểm hành hương du lịch. Nơi thờ cúng trang nghiêm cứ nhích lại gần chốn phồn hoa đô hội. Chùa không còn nét đặc thù riêng biệt, như hệ thống chùa Linh Ứng đã có nguy cơ bị biến thành hệ thống franchise kiểu cà phê Trung Nguyên hay bánh mì kẹp thịt Mc Donald.

Là phật tử, chúng ta kính trọng các bậc tu hành theo truyền thống tốt đẹp tôn sư trọng đạo, nhưng chúng ta cũng cương quyết lên án mọi can thiệp vào các hoạt động tôn giáo cũng như phê phán sự thỏa hiệp thực dụng giữa giáo hội quốc doanh với nhà nước.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo