Từ một bài hát xưa, nghĩ về đất nước hôm nay - Dân Làm Báo

Từ một bài hát xưa, nghĩ về đất nước hôm nay

Hậu Duệ Trưng Vương (bạn đọc Danlambao) - Trước Anh Linh của Tổ Quốc, trước Hương Hồn của Tiền Nhân, con viết lên những dòng suy tư này,về đất nước VN thân yêu, để chia sẻ với tất cả bà con xa gần, những ai có quan tâm đến tiền đồ Tổ Quốc. Rất mong những dòng này cũng lọt vào mắt các nhà lãnh đạo VN hiện tại, để mọi người cùng chung tay góp sức “sửa lại tấm bản đồ Việt Nam đã rách nát!”

Mỗi khi rảnh hay buồn, tôi thường có thói quen nghe nhạc. Tôi thích những bài nhạc về quê hương đất nước, gợi tình yêu mến non sông tổ quốc. Những bản nhạc ấy dẫn dắt tôi vào một tình cảm sâu đậm với Tổ Quốc Việt Nam mến yêu. Lịch sử dạy cho ta về truyền thống hào hùng của tổ tiên trong việc yêu nước và bảo vệ non sông, nhưng phải công nhận tác động mãnh liệt của âm nhạc, thi ca đã dẫn ta vào những tâm tình, những cảm xúc sâu xa da diết, gắn liền ta với non sông, với đồng bào ruột thịt.

Tiếng hát của một ca sĩ nổi tiếng từ xưa phát ra nhẹ nhàng bài tình ca quê hương mang tên “Bà Mẹ Gio Linh” của nhạc sĩ Phạm Duy, mô tả cảnh một bà mẹ quê Việt Nam có con đi kháng chiến chống ngoại xâm. Vào một ngày, người con ấy bị giặc bắt được đem ra chợ cắt đầu. Nghe được hung tin, bà âm thầm mang khăn đi bọc đầu con đem về, nhẫn nhục trong đau thương không nói một câu! Bà chấp nhận tất cả chỉ vì lòng yêu quê hương tổ quốc! Câu chuyện này là có thật trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, mà hình như tác gỉa cũng có tham gia. Bài hát với những lời ca não lòng:

“Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày. Cho dù áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy…Mẹ mừng con đánh giặc hay, ra công xới vun cầy cấy. Mẹ già tưới nước trồng rau, nghe tin xóm làng kêu gào: quân thù đã bắt được con, đem ra giữa chợ cắt đầu! Nghẹn ngào không nói một câu, đem khăn gói đi lấy đầu! Trở về thôn xóm buồn teo, xa xa tiếng chuông chùa réo! … Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay…”

Nghe xong bài hát, tôi thấy đau nhói trong tim, và nước mắt tuôn trào không ngăn nổi!

Ôi! đất nước tôi là thế đấy, người dân tôi là thế đấy. Dòng lịch sử bốn ngàn năm dựng nước của tổ tiên, gắn liền với biết bao tấm lòng yêu nước thiết tha, sự hy sinh vô bờ của bao gia đình, bao bà mẹ hiền đã vì nước mà dâng hiến đứa con trai thân thương duy nhất, là điểm tựa nương lúc tuổi già! Bao người vợ trẻ mà sau đã trở thành những quả phụ khi tóc còn xanh, đời còn trẻ, nhưng chấp nhận thay chồng chăm sóc mẹ già, con dại cho chồng đi chiến đấu bảo vệ non sông! Bao nhiêu trẻ thơ đầu quấn khăn tang vì cha đi chinh chiến ngăn quân thù, và đã đem thân đền nợ nước! Đất nước không là của riêng ai, nhưng mọi người đều coi đất nước là của mình, và dành cho Mẹ Tổ Quốc một tình yêu sâu thẳm. Mọi con dân đất Việt đều yêu mến Mẹ Việt Nam, và khi núi sông lên tiếng, thì khắp nơi, mọi người trẻ già trai gái đều đáp lời, và sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng để gánh vác việc nước, đền nợ Tổ Quốc đã cưu mang suốt cuộc đời ta. Vì thế mà không ai trốn tránh việc chung, lúc thời bình thì chăm lo ruộng vườn, xây dựng làng quê, xây dựng đất nước, ai làm việc nấy, cần cù và nỗ lực. Lúc quốc biến thì gác tay cày, gác việc làm ăn, gác gia đình riêng, giã từ người thân, ôm súng gươm đi giết giặc, không ai tính toán lợi riêng.

Người có học cũng như người ít học, người nông thôn cũng như người thành thị, không ai phân bì, thoái thác nhiệm vụ trước non sông tổ quốc. Mọi người hầu như sinh ra trên đất nước này, thì đã mang nặng tình yêu sông núi, thôn làng, không cần dạy bảo. Vì thế mà trên khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng thấy những dấu tích lịch sử hay huyền thoại về tình yêu tổ quốc: Miền Bắc cho đến miền Nam đều có những đền đài, di tích của nhiều vị anh hùng cứu quốc, xây dựng non sông, chăm lo cho dân nước. Quê hương có núi Vọng Phu, gói ghém một huyền thoại của dân tộc về một thiếu phụ trung trinh ôm con chờ chồng đi chinh chiến xa xôi để giữ yên bờ cõi, bao năm tháng mỏi mòn đến nỗi người hóa thành đá, đứng đó mà chờ chồng! Trên miền núi rừng cao nguyên Đà Lạt có Đồi Thông Hai Mộ, ghi dấu một tình yêu thủy chung của một đôi trai gái biết đặt nợ nước trên tình riêng. Khi non sông có biến, hịch vua ban ra tìm người cứu nước, chàng trai muốn lên đường tòng quân giết giặc, nhưng không nỡ bỏ lại người yêu. Để không làm vướng bận cho chàng, nên sau buổi chiều trên đồi thông để tâm sự nỗi niềm và khuyên chàng tòng quân giệt thù, cô gái đã trầm mình dưới hồ Than Thở. Hôm sau, khi đi tìm người yêu ở nơi cũ, chàng đã tìm được đôi guốc của nàng còn trên bờ hồ! Đau thương ngập tràn, nhưng nhớ lại buổi chiều qua, và như nhận được những lời nhắn nhủ của người yêu, chàng hào kiệt đã gạt nước mắt lên đường đầu quân. Giặc tan, làm xong nghĩa vụ với nước, chàng trở về đến khóc than bên mộ người yêu nằm trên đồi thông cạnh hồ, rồi chàng cũng trầm mình chết theo nàng cho trọn nghĩa đá vàng. Dân trong vùng đã vớt xác chàng chôn ngay cạnh mộ nàng trên đồi thông. Từ đó đồi thông bên cạnh hồ Than Thở, giữa cảnh núi rừng thơ mộng Đà Lạt, được dân chúng gọi tên là “Đồi Thông Hai Mộ”. Cho đến ngày nay, tình yêu thanh cao của đôi thanh niên này đã đi vào huyền thoại, và trở nên một bản tình ca bất diệt giữa núi rừng Tây Nguyên.

Và còn rất nhiều danh tích, ở nhiều địa phương nữa mà tôi không biết hết. Tất cả những dấu ấn của sự đóng góp phần xây dựng tổ quốc ấy, đã tạo nên những trang sử hào hùng và thấm đượm tình non sông, khiến cho mọi người Việt Nam cần phải ghi tâm khắc cốt, và phải sống sao cho phải đạo làm người, làm dân của một đất nước với những trang sử vẻ vang hào hùng và thắm tình ấy.

Nếu tất cả người dân Việt đều ý thức như vậy, thì đâu có những vụ PMU, PCI, những vụ buôn lậu ở Nam Phi, ở Úc, ở Hàn, ở Nhật…, những vụ buôn người, kinh doanh gái mại dâm đưa ra nước ngoài hầu thu tích những đồng tiền tội lỗi, nhơ nhuốc vào túi riêng như ngày hôm nay?! Nếu biết rằng đất nước là di sản chung của tiền nhân để lại cho cháu con muôn đời, thì làm sao có kẻ dám biển thủ hàng trăm, hàng ngàn mẫu đất công làm của riêng? Nếu biết giải giang sơn hoa gấm mà giống dòng Lạc Hồng đang sinh sống là kết tinh bằng máu xương của cha ông, thì làm sao có kẻ dám phá hoại, bán đứng? Nếu biết mọi người dân Việt cùng là con một cha, cùng một cội nguồn, thì làm sao có cảnh nồi da xáo thịt, kẻ cầm quyền hà hiếp bóc lột người dân đen, quân đội bên này giới tuyến tàn sát bên kia, kẻ thắng trả thù người thua, nhất là cảnh CA coi dân như kẻ thù, giết dân như giết ngóe, mà luật pháp không đếm xỉa đến? Nếu biết giang sơn là của cha ông để lại, mỗi thế hệ phải ra công giữ gìn xây đắp, thì đâu có thể một số kẻ tự chiếm đoạt làm của riêng, tận thu tận vét vào túi riêng, để cho đất nước tan tành, non sông xơ xác tiêu điều chỉ vì lòng tham vô đáy?

Ai là kẻ có quyền đem đất đai của tiền nhân đi dâng hiến mưu lợi riêng, hay vì lo cho địa vị, chức quyền mà để mặc giang sơn cho quân thù dày xéo? Còn nỗi nhục nào hơn khi những người yêu nước biểu tình chống xâm lăng Trung Cộng lại bị hăm he đe dọa, bị lực lượng CA lùa lên xe buýt bắt đi, bị giam cầm hành hạ, thậm chí bị đạp lên mặt, bị vác quăng lên xe CS, và bị bắt cóc, bắt nóng, bắt nguội, bị đưa đi biệt giam như những nhà ái quốc hiện nay hàng trăm, hàng triệu, kẻ bị tù đầy, người sống bên ngoài nhưng mất tự do, bị tra tấn tinh thần hàng ngày, hàng đêm, sống không bằng chết?! Những kẻ hành hung người ái quốc một cách tàn bạo, vô cảm đó, họ có phải là người Việt Nam không? Họ có phải là con cháu Rồng Tiên không? Tại sao mà dám phá hoại đất nước, sát hại đồng bào? Họ đã tự xác nhận là KẺ THÙ CỦA DÂN TỘC, và đáng bị lên án, bị nguyền rủa muôn đời!

Những người vì cơm áo gạo tiền mà phải bán rẻ lương tâm, làm CÁI LOA, làm nô lệ cho kẻ phản quốc, dám lên tiếng nhục mạ người yêu nước; nhất là những người đang nắm quyền cai trị đất nước, hãy đọc lại những trang sử của dân tộc, hãy nghĩ đến công lao và xương máu của cha ông, hãy một lần nghe những bản nhạc về quê hương mến yêu này, để mà dừng tay lại, để mà hồi tâm lại, hãy đừng tham lam nữa, đừng hại dân hại nước nữa, đừng vô lương tâm, vô trách nhiệm, đừng làm nhục cho non sông nữa! Hãy ngoảnh nhìn những người mẹ già nông thôn xưa kia, còng lưng trên nương rẫy, cơm ăn bát vơi bát đầy mà vẫn tận tụy hy sinh cho con đi đánh giặc giữ vững quê hương. Hãy nhớ đến biết bao chiến sĩ đã bỏ mình ngoài biển khơi để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, hay hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh thân mình bảo vệ biên cương phía Bắc năm 1988, nay những cốt nhục anh hùng ấy đã phải NẰM TRÊN ĐẤT TÀU vì các người cắt đất cho đàn anh thảo khấu! Phần giang sơn còn lại thì ngày nay các người cầy xới tan hoang để lấy bauxite, lấy titan đi bán chia chác với nhau. Hãy ngoảnh lại mà nhìn những người vợ, những trẻ thơ đầu quấn khăn tang vì chồng, cha đã hy sinh đền nợ nước, và hãy nhìn những người chiến sĩ trở về từ chiến trường với đôi nạng trên tay, một phần thân thể của họ đã được dâng hiến cho quê hương tổ quốc, có ai trong số họ đi buôn lậu hay rửa tiền, chuyển đồ ăn cắp từ nước ngoài, hay bán nước để sống không? Thế thì tại sao các người phải làm như thế cho nhục nhã bản thân, và làm nhục cả cho đất nước, lỗi đạo làm người, chất chồng tội ác lên vai các người và con cháu các người? Mà luật pháp nào cho phép các người được hoành hành như vậy? Tiền của, tài sản các người ăn đến bao đời cho hết? Xe hơi nhà lầu các người còn thiếu gì? Các người cũng biết lo sợ quả báo đấy chứ? Các người thật ra đâu có VÔ THẦN? Các người cũng có chưng bàn thờ Phật, có thắp hương cúng quảy nguyện cầu, đi hết đền nọ miếu kia để xin xỏ tiền bạc danh vọng, chức quyền đấy mà! Nhưng tham lam, bất công và gieo nhân ác như thế thì các người cầu xin với ai? Ai sẽ nhận lời cầu mà ban ơn cho các người? Thần Thánh thì không hề chấp nhận của hối lộ, vì các Ngài không cần nhà lầu xe hơi, không cần tiền tỷ để đi cá độ, đánh bạc hay cho vợ nhỏ vợ lớn như người trần mắt thịt chúng ta, chẳng lẽ các Ngài lại ban ơn thêm sức cho những kẻ sâu dân mọt nước “sống lâu, giàu bền” để mà hại dân hại nước sao? Chẳng lẽ các Ngài không thương dân, không biết đến những nỗi oan khuất của dân? Chẳng lẽ các Ngài lại muốn cho bao nhiêu người phải chết, phải khốn khổ để một thiểu số kẻ gian ác được sống sung sướng mãi? Thượng Đế hay Thần Phật là những bậc chí từ chí nhân, nên còn để cho các người thời gian mà ăn năn hối cải, tu nhân tích đức hay đền bù lầm lỗi, nhưng cũng có thời hạn, chứ không phải là vô hạn, nên các người cũng đừng nên nấn ná mà vơ vét thêm, kẻo vơ thêm không được mà rút ra cũng chẳng còn kịp. Cái thứ tôn giáo mách qué, thực dụng và trần tục ấy của các người chỉ làm ô nhơ bộ mặt của thần thánh, phá hoại nền văn minh, văn hóa của dân tộc, và làm dơ bẩn thêm cho xã hội mà thôi!

Nỗi đau của dân đã ngút ngàn, tiếng kêu của dân đã thấu trời xanh, tội ác của các người đã chất đầy núi, máu oan đã chảy thành sông! Lịch sử nước Việt đã có thời nào mà người nông dân phải mất ruộng vì chính quyền cưỡng chiếm chưa? Đã có thời nào mà mẹ già “anh hùng” phải chết vì dùi cui hay súng đạn do kẻ cướp đất đàn áp bạo tàn như hiện nay chưa? Các người có mở mắt mà nhìn những trẻ thơ vô tội, những cụ già neo đơn sống vật vờ trong ngõ tối, trong túp lều xơ xác, hay tá túc dưới chân cầu? Các người có mở tai để nghe tiếng than khóc của dân oan chưa, có nhìn thấy cảnh màn trời chiếu đất của dân khiếu kiện, có thấy được nỗi ức oan căm phẫn của toàn dân trước cơn bão giá trong nước và ngoại xâm bên ngoài tấn công, nhất là nhìn thấy trong đất nước điêu linh một bọn sâu mọt đục khoét, một bọn Việt gian cấu kết với giặc cõng rắn cắn gà nhà?

Mọi người còn chút lương tâm đã phải xốn mắt vì những lâu đài nguy nga tráng lệ của kẻ bạo quyền, có chưng bày cả những bảo vật di sản của quốc gia được lấy cắp, bên cạnh những túp lều mái dột, không vách che của người dân khốn cùng, những manh áo tả tơi bọc sơ những tấm thân gầy còm tiều tụy của cụ già, trẻ thơ! Nhớ rằng những thứ tài sản quý giá ấy trong nhà các người, nó chẳng những không làm tăng thêm giá trị của kẻ chủ nhà, mà nó còn là bằng chứng tố giác tội tham lậm bất chính của các người đã chiếm của công làm của riêng, đã hút máu của dân! Xin nhắc nhở cho các người rằng, cuộc sống xa hoa nhung gấm của các người đã được trả giá bằng cảnh sống lầm than đau khổ của bao người dân dưới thời CS, nhất là thời TƯ BẢN ĐỎ của các người! Các người lại tạo nên những TRANG SỬ ĐEN bên những trang sử vàng của dân Việt! Nên nhớ rằng của cải không mua được mạng sống, vinh hoa giàu có không mua được phẩm giá, danh dự con người! Không một kẻ nào chà đạp lên đạo đức, sống tán tận lương tâm mà kéo dài được thêm tuổi thọ, và tìm được hạnh phúc bởi đồng tiền bất lương bất chính đâu!

Thời gian sẽ qua đi, và tội ác sẽ bày ra, lịch sử và dân tộc sẽ lên án, xét xử công bằng những công, tội của mọi người. Ai mà chả biết nhiều kẻ trong các người đang xây nhiều chùa chiền am tự để kinh doanh tôn giáo, nhưng nhất là để làm nơi ẩn nấp cho các người khi lửa căm hờn của dân đã bùng lên. Nhưng thần thánh chỉ che chở người ngay, nhà thờ, am tự, chùa chiền chỉ là nơi dung thân của người chân tu, chứ không che chở bảo vệ được kẻ gian ác!

Lời nguyện cầu của toàn dân Việt xin dâng lên Thượng Đế chí công và nhân từ, là xin cho những kẻ bất nhân vô đạo được hồi tâm cảnh tỉnh, cho dân Việt Nam sớm thoát vòng điêu linh, cho quê hương tổ quốc VN được vẹn toàn, cho muôn người dân Việt khắp nơi biết thương yêu nhau, và chung tay xây dựng một NGÔI NHÀ VN ẤM EM, HẠNH PHÚC, CƯỜNG THỊNH VÀ TRƯỜNG TỒN.

Hỡi anh em đồng bào! Tất cả chúng ta hãy quyết tâm chung sức chung lòng SỬA LẠI TẤM BẢN ĐỒ VIỆT NAM MÀ THẾ HỆ CON CHÁU CHÚNG TA ĐÃ LÀM RÁCH NÁT, hầu tạ lỗi với Tổ Tiên đã đổ bao xương máu để xây dựng và giữ gìn.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo