Đào Trung Đạo (RFA Blog) - Tin từ trong nước được đài BBC trích dẫn cho biết vào ngày 27/8 tại trụ sở báo Nhân Dân ở Hà Nội đã diễn ra cuộc họp tổng kết nhiệm kỳ năm năm của Hội đồng lý luận TW dưới sự chủ tọa của tướng công an Lê Hồng Anh [LHA] mới lên nắm chức vụ Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nhiều nguồn tin cho rằng ông tướng công an này được đưa lên nắm chức vụ này qua sự vận động xếp đặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trước Đại Hôi Đảng vào đầu năm và cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra sau đó ông LHA là người lãnh đạo ngành công an (nay được thay thế bằng ông Trần Đại Quang.) Việc di chuyển chức vụ của ông LHA sau một loạt sắp xếp lại về tổ chức Đảng, Quốc hội, và Chính phủ đã đặt ra nhiều giả thuyết về tầm vóc quyền lực của vị tướng công an này, và cũng đã có không ít những lời bình luận ở trên các trang mạng xã hội ở cả trong lẫn ngoài nước. Chúng tôi nghĩ thay vì suy diễn hay đặt ra những giả thuyết chúng ta nên nhìn vào những sự kiện diễn ra quanh hoạt động của ông LHA để tìm hiểu vai trò và quyền lực của ông tướng công an này. Thế nên việc ông chủ tọa cuộc họp tổng kết nhiệm kỳ năm năm của Hội đồng lý luận TW, hoạt động đầu tiên trên mặt nổi và lời lẽ (chỉ thị!) của ông LHA ít ra cũng có thể cho chúng ta những chỉ dấu đáng tin cậy hơn là suy diễn. Cùng có mặt trong buổi họp này còn có hai vị ủy viên Bộ chính trị là các ông Tô Huy Rứa – nghe đâu ông này thuộc phe ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – hiện nắm tổ chức Đảng, và Đinh Thế Huynh hiện nắm tuyên giáo TW.
Qua lời phát biểu trong phiên họp của ông LHA chúng ta thấy mang tiếng đây là cuộc họp tổng kết năm năm của Hội đồng Lý luận TW nhưng thực ra chủ đích lại là “…làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra.” Tuy ông LHA đã khôn khéo úp mở tung hỏa mù về mục đích của cuộc họp này bằng vế trước của lời phát biểu “Dân chủ trong thảo luận, tranh luận khoa học sẽ làm sáng tỏ…” nhưng có lẽ không mấy ai chú ý tới vế trước của lời phát biểu này của ông tướng công an, ngược lại vế sau mới thật sự đáng chú ý. Nhưng tuy mục tiêu chính của cuộc họp là tăng cường chỉnh đốn truyền thông chính thống (lề phải) trong bối cảnh các trang mạng tự do ngày càng phát triển mạnh không những gây phức tạp trong xã hội mà còn lấn lướt các cơ quan truyền thông lề phải, mục tiêu thứ nhì “làm rõ thêm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và Nhà Nước pháp quyền xã hôi chủ nghĩa của nhân dân do Đảng lãnh đạo.”tuy là thứ yếu nhưng cũng đực đưa ra. Cũng có thể nói hai vấn đề này trên tổng thể là một tuy ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh đến vấn đề thứ nhất hơn.
Một cách tóm tắt: ông LHA đạ gộp hai vấn đề làm một trong câu “làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cuộc sống mà cuộc sống đang đặt ra” theo lời ông LHA đó là “các vấn đề mới về văn hóa, xã hội, tư tưởng, lý luận, báo chí trong tình hình hiện nay” trong đó tư tưởng và lý luận – trách nhiệm của Hội đồng Lý luận TW – tuy được kể ra trong đó chỉ như hai trong nhiều vấn điều này chứng tỏ cuộc họp với Hội đồng lý luận TW này chỉ là một cái cớ để ông LHA nói về những vấn đề bức thiết hơn là “văn hóa, xã hội, báo chí.” Tuy không đưa ra chi tiết về các vấn đề này nhưng ta cũng có thể hiểu đây là những vấn đề đáng quan tâm nhất của phe bảo thủ trong Đảng hiện nay. Và dĩ nhiên một khi đã quan tâm cũng có nghĩa là “phải chấn chỉnh”.
Từ tiền đề vừa nêu chúng ta có thể tiên đoán trong những ngày sắp tới ông tướng công an LHA sẽ chĩa mũi dùi trấn áp vào truyền thông “lề trái” là các trang mạng tự do ngày càng phát triển mạnh không những gây phức tạp trong xã hội mà còn lấn lướt các cơ quan truyền thông lề phải. Một cuộc chiến dành dân lấn đất gay cấn giữa hai phe hắc bạch phải trái! Ý định “chấn chỉnh” của ông LHA chỉ ra hai nhiệm vụ: thứ nhất buộc hơn 700 tờ báo lề phải cũng như những cơ quan thông tin khác của Đảng phải “tích cực đánh phá” – có thể dùng cả những đòn công an mà nhà văn Nguyên Ngọc gọi là vô liêm sỉ - khối truyền thông lề trái. Như thế cả hắc lẫn bạch, cả trái lẫn phải đề sẽ lãnh những hậu quả khó lường, xấu nhiều tốt ít. Trong tình cảnh này khối các cơ quan thông tin lề phải được Đảng nuôi dưỡng bằng tiền của dân chúng cũng sẽ phải chấn chỉnh hàng ngũ dưới sự kiểm soát khắt khe kiểu công an của ông LHA và thuộc hạ. Và khối thông tin lề trái tuy đang thừa thắng xông lên sau 10 cuộc biểu tính chống Trung quốc về vấn đề Biển Đông ở Hà Nội không thể không quan tâm tới lời răn đe của ông tướng công an LHA. Sự thật rõ ràng là nay người dân – đại diện cho họ bởi những nhân sĩ, trí thức, các lão thành cách mạng, nhà văn… – đã có khả năng thách thức, tố cáo những việc làm sai trái của khối báo chí thông tin do Đảng lãnh đạo, đẩy khối này vào sự bế tắc – nếu làm theo sự lãnh đạo của một vài nhân vật quyền hành trên cao thì sẽ bị “dân chửi”, mất uy tín xã hội, đưa đến việc báo đài bị dân tẩy chay. Quả thực đây là một thách thức quá tầm sức của họ. Vì vậy ông tướng công an dù có “chỉ thị” cách nào đi nữa thì cũng khó “lội ngược” trào lưu phát triển dân chủ hiện nay. Sự thất bại sẽ đặt ông LHA vào tình cảnh suy giảm quyền lực. Câu hỏi: phải chăng đây cũng là một đòn hạ thủ “độc” của những đối thủ chính trị thuộc phe tiến bộ trong Đảng? LHA mất quyền lực đưa đến bị loại trừ cũng có nghĩa Nguyễn Tấn Dũng trượt dốc quyền lực.
Là một tướng công an nên ông LHA có lối ăn nói trịch thượng, mục hạ vô nhân khi tuyên bố các nhà nghiên cứu lý luận “được phép” tự do nêu ý kiến! Bản chất công an của ông LHA đã hiện ra thật rõ nét. Còn về mục tiêu răn đe công cuộc sửa đổi Hiến pháp sắp tới của ông LHA thì sao? Không thấy ông nói rõ nhưng ta cũng hiểu được ông ta ám chỉ việc các vị lão thành cách mạng, giới trí thức và nhiều giới khác kể cả các cựu đảng viên đã từng nắm giữ những chức vụ quan trọng ở Quốc hội và những học viện đang sôi nổi đề nghị sửa đổi Hiến pháp sao cho phù hợp với nhu cầu đổi mới, cải cách hành chính, pháp luật và hội nhập. Tuy những thảo luận đề nghị này không trực tiếp đề cập tới diều 4 trong Hiến pháp nhưng những nguy cơ của việc độc đảng lãnh đạo là nhãn tiền. Tu nhất thời không bỏ điều 4 nhưng hiến pháp sẽ được sửa đổi lại dập theo Hiến pháp 1946 trao cho Chủ tịch nước quyền kiểm sóat chính phủ thì sao?
Tất cả những vấn đề, những câu hỏi đăt ra ở trên chỉ ra sự bối rối đưa đến rạn nứt trong nội bộ Đảng CSVN hiện nay và cuộc tranh giành quyền lực sẽ rất khắc nghiệt. Và có phải vai trò của tướng công an LHA xem ra cũng là một “phép thử” chúng ta có thể quan sát?
Đào Trung Đạo