Nguyễn Bá Chổi (danlambao) - Được đọc ké “cái” - không biết nên gọi bài hay thư - “Tác giả gửi tới Dân Luận” trên Danlambao của Giáo sư Hà Văn Thịnh, trong đó người viết bày tỏ “day dứt lương tâm” về việc ông “rủa sả” Đức TGM Ngô Quang Kiệt trước đây, Chổi rất thán phục tinh thần phục thiện và can đảm của giáo sư, nhưng cũng hơi “bị” thắc mắc đôi điều.
Trước khi nêu thắc mắc, Chổi cũng xin được nhấn mạnh lý do khiến mình “kiến nghị” hay “thư gửi” hoặc “thỉnh nguyện” v.v... đại khái là “tự do trong khuôn khổ” Xin-Cho này, không phải vì Chổi quen thói “nhảy xổm vào chuyện kẻ khác”, nhưng vì Chổi cũng là người được giáo sư Thịnh “... xin một sự thứ tha... những bạn đọc yêu mến sự thật và công lý...”
Chính vì vận vào thân “yêu mến sự thật và công lý”, như Kiều xưa vận “bạc mệnh”vào thân, Chổi cứ buộc vào mình chuyện tưởng là của thiên hạ mà thực ra cũng là chuyện của chính bản thân; lại là “bạn đọc” của giáo sư “rủa sả”, nên “bị” thắc mắc là vậy.
Thắc mắc trước hết là tại sao một vị Giáo Sư Đại Học “rủa sả” Đức Ngô Quang Kiệt” đã ba năm lại phải đợi đến “Hôm nay (27.9.2011), đọc - nghe từ blog Anh Ba Sàm” mới “ được biết những gì mình viết về TGM ngày nào... là một sai lầm..” (Sic), trong khi vào thời điểm ấy có vô số bài viết phản bác việc cắt xén lời phát biểu của vị TGM Hà Nội nhằm bôi nhọ vu khống kết tội Ngài, phân tích rất rõ ràng, thuyết phục hơn cả Anh Ba Sàm, chẳng hạn như bài viết của J.B Nguyễn Hữu Vinh (1).
Thắc mắc thứ hai là tại sao một vị giáo sư Đại Học lại dễ dàng “rủa sả” một người về một câu nói được “nghe nói ” một nửa mà không tìm hiểu rõ đầy đủ như ông dạy học trò ? Tôi không nghĩ và cũng chẳng tin ông giáo “ấu trỉ, ngây ngô, ngu dốt...” như ông giáo tự phán rồi tự thán. Theo ngu ý, giáo sư có “sai” nhưng không “lầm”, như ông “xưng tội”.
Thắc mắc thư ba là, Phải chăng khi giáo sư viết “...những bạn đọc yêu mến sự thật và công lý thì chẳng thế, bao giờ...” (thứ tha sai lầm của giáo sư) thì cũng có. nghĩa là “chỉ những bạn đọc không yêu sự thật và công lý mới tha thứ” cho giáo sư?. Nếu đúng như vậy thì giáo sư chỉ tin vào những người không “yêu mến sự thật và công lý” mới có lòng nhân, hay ít ra cũng biết làm theo lời Chúa dạy là “hãy tha thứ để được thứ tha”.
Lời người khôn dạy rằng,"biết thì thưa thốt; không biết thì dựa cột mà nghe". So với kiến thức và đạo đức của một nhà giáo tầm cỡ như giáo sư Hà Văn Thịnh, Chổi chưa đáng là học trò nên tự xếp vào “giai cấp” dựa cột. Nhưng cũng có lời khôn dạy rằng,”không biết thì hỏi”. Thành thử những thắc mắc Chổi “kiến nghị” trên đây không phải để “thưa thốt” Giáo Sư, nhưng chỉ là “xin-cho”... biết tại sao lại có chuyện “ta chạy vòng vòng ta chạy vòng quanh” như thế.