HÀ NỘI (NV) -“Bộ Công An đã có báo cáo kết quả xác minh bước đầu thông tin về việc công ty Securency hối lộ công ty CFTD của Việt Nam trong cung cấp chất nền in tiền polymer, và chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực.”
Tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN) ngày Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011 đưa tin dựa theo báo cáo của “công tác phòng chống tham nhũng năm 2011” gửi đến Quốc Hội chiều ngày 21 tháng 10.
Tờ TBKTVN nói tai tiếng mà thầy trò ông Thống Ðốc Lê Ðức Thúy ăn hối lộ của công ty liên doanh Úc-Anh Securency để cho trúng thầu in tiền giấy nhựa polymer thay cho tiền giấy bị làm giả tràn lan là “không có dấu hiệu nhận hối lộ, nhận tiền.”
Từ tháng 5, 2009 đến nay, báo The Age ở Úc đã có nhiều bài điều tra khá chi tiết mô tả đường đi nước bước của số tiền hối lộ cho ông Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Ðức Thúy và có thể là cho cả một băng đảng ăn hối lộ gồm cả những kẻ ngồi trên đầu ông ở trong Bộ Chính Trị.
Khách hàng đếm đống tiền Hồ in bằng giấy nhựa polymer trước khi ký thác. Tai tiếng ăn hối lộ để nhà thầu Úc in tiền kéo dài từ hơn 2 năm qua, bây giờ, chế độ Hà Nội chối. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Người đứng bình phong nhận các khoản tiền hối lộ dưới hình thức “hoa hồng” là Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc Công Ty Phát Triển Công Nghệ (AFTD) ở Hà Nội. Số tiền được mô tả là hơn $20 triệu Úc kim mà các dịch vụ cung cấp chỉ là đưa đón phi trường, sắp xếp cuộc họp, thông dịch cho các viên chức Securency khi họ đến Việt Nam thương thảo hợp đồng.
Công ty AFTD có một công ty con là “Banktech” do Lê Ðức Minh, con trai ông Thúy làm giám đốc. Khi vụ việc lùm sùm nổi lên thì Minh bỏ chạy khỏi chỗ này.
Báo Úc nói Lương Ngọc Anh là đại tá tình báo của công an và công ty AFTD chỉ là bình phong làm ăn của nhiều quan chức cao cấp, gồm cả các quan chức tình báo. Chẳng vậy, cái công ty này đã chộp được các vụ thầu mua sắm thiết bị, dịch vụ lên hàng triệu Mỹ kim cho các cơ quan bộ ngành từ Quốc Phòng đến Công An.
Số tiền hối lộ được chuyển vào một số trương mục bí mật ở Thụy Sĩ, Bỉ, Seychelles, Bahamas, Hongkong và một số nơi khác.
Ngày 16 tháng 8, 2011, ông Trần Hữu Lượng, phó tổng thanh tra chính phủ, xác nhận lấp lửng qua cuộc phỏng vấn của VNExpress rằng: “Có dấu hiệu chưa minh bạch liên quan đến in tiền Polymer.”
Cá nhân ông Lê Ðức Thúy được báo The Age nêu đích danh cho con là Lê Ðức Minh du học Anh quốc bằng tiền hối lộ của Securency.
Ít nhất 8 quan chức của Securency và công ty quốc doanh in tiền của chính phủ Úc đã bị tống giam hoặc truy tố về tội hối lộ quan chức ngoại quốc, một tội danh mà các nước dân chủ Tây phương đều có luật rất chặt chẽ.
Khi vỡ lở vụ Huỳnh Ngọc Sỹ (bình phong) ăn hối lộ để cho công ty Nhật PCI trúng thầu tư vấn thiết kế Dự án Ðại lộ Ðông Tây và Môi Trường Nước ở Sài Gòn, hồi năm 2008, Bộ Ngoại Giao CSVN đã lớn tiếng phủ nhận và nói rằng chế độ Hà Nội không thấy có dấu hiệu gì sai trái. Cho tới khi chính phủ Nhật dọa cắt viện trợ và ngưng giải ngân các dự án đã tài trợ và đang thực hiện, thì chế độ Hà Nội mới bắt đầu nhúc nhích. Huỳnh Ngọc Sĩ bị kết án tù.
Bây giờ, chưa thấy phía Úc đưa các bằng cớ cụ thể và chính thức, Hà Nội vẫn chối.
Công ty Phát Triển Công Nghệ AFTD vẫn thấy có một trang nhà trên Internet, bây giờ vẫn còn và vẫn có tên Lương ngọc Anh là tổng giám đốc, thầu cung cấp cho các bộ ngành của chế độ Hà Nội. Ông Lê Ðức Thúy thì đã “hạ cánh an toàn” từ ngày 1 tháng 5, 2011.