Bức xúc của một công dân - Dân Làm Báo

Bức xúc của một công dân

Nguyễn Hồng Phi (bạn đọc Danlambao) Tôi là một công dân bình thường, cũng như rất nhiều người dân VN khác, vốn dĩ hơi "hèn" trong việc lên tiếng đấu tranh, đối đầu với những điều sai trái hàng ngày xảy ra trong xã hội, cũng không ngoài lý do cơm áo gạo tiền!. Chỉ biết oán thán và ngán ngẫm ngầm trong ý nghĩ... Nhưng những gì xảy ra ở VN thời gian gần đây đã như những giọt nước tràn ly, khiến tôi không thể không viết ra những dòng này.

Công an Việt Nam - những người có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và tính mạng của dân một cách thiết thực nhất - oái oăm thay, lại chính là những người từng gây ra những hành động phi nhân tính nhất, khiến dân chúng mất lòng tin, bất bình,và phẫn uất. 

Nhiều vụ việc đã bị báo chí và công luận phanh phui. Điển hình gần đây nhất là 2 vụ gây xôn xao dư luận: 

- Đánh người gãy cổ dẫn đến cái chết chỉ vì người này vi phạm luât giao thông ở mức nhẹ - cởi mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy để nghe điện thoại (ông Trịnh Thanh Tùng, bố cô Trịnh Kim Tiến ở phường Phương Mai, Hà Nội). 

- Giam giữ và đánh đập tới chết một thanh niên ở Bắc Giang cũng chỉ vì anh này không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. 

Đành rằng, họ là những người dân đã vi phạm luật giao thông, nhưng, vi phạm ở mức độ nào thì xử lý ở mức độ đó thì không có điều gì phải nói. Thế nhưng, công an đã dùng quyền của mình để hành xử như những tên côn đồ, coi mạng người như cỏ rác,giam giữ, đánh đập họ cho tới chết! bất chấp cả luật pháp! 

Đặc biệt là phong trào biểu tình tại Hà Nội mấy tháng vừa qua phản đối hành động gây hấn, đe dọa xung đột chiến tranh và manh nha dã tâm xâm lược mới của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với lãnh hải của VN vừa qua. 

Người biểu tình ôn hòa đã cố gắng, thậm chí không dẫm lên cả từng thảm cỏ, nhành hoa bên lề phố, chỉ để hô to các khẩu hiệu yêu nước và giữ nước, toàn tâm toàn ý với dân tộc trong vấn đề bảo vệ biển đảo của Tổ quốc... vậy mà họ đã bị ngăn cấm, đàn áp, thậm chí tù đày... bị chụp mũ, bôi nhọ thanh danh bởi phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước. Rồi, chưa hết, khi đã chấm dứt các cuộc biểu tình những biểu tình viên vẫn tiếp tục bị sách nhiễu, bị đe dọa đuổi việc, đuổi khỏi nơi cư trú, hăm he đòi truy tố, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng bởi bàn tay của bọn côn đồ giấu mặt hoặc công khai... 

Anh Phan Trọng Khang, một thương binh 2/4 từng tham gia 2 cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống TQ, không tham gia biểu tình, chỉ tiếp tế thức ăn nước uống cho những người BT bị giam giữ mà cũng bị lôi vào đồn, cạo trọc đầu, bị đánh đập, khảo tra 5 ngày... bị đe dọa truy tố vì tội "chống người thi hành công vụ"!? (sau đó do dư luận phản đối quá gay gắt nên lệnh truy tố trên đã bị hủy bỏ.) 

Em Nguyễn văn Phương, người đọc tuyên cáo yêu nước ở Nhà hát lớn TP bị ép phải viết đơn thôi việc. Phương Bích, Bùi thị Minh Hằng, Nguyễn văn Dũng bị giam ở Hỏa lò như các tội phạm... Nguyễn Tiến Nam bị "mất tích" một ngày vô nguyên cớ... 

Bản thân người viết bài này (từng tham gia biểu tình), dù các cuộc biểu tình đã chấm dứt hàng tháng trời nhưng vẫn bị đe dọa đuổi khỏi nơi cư trú và mới đây, hôm 30 tháng 9 cũng bị một tên hàng xóm vô cớ đánh đập thâm tím cả thân thể mà cho đến nay vẫn chưa hề có hồi âm từ phía chính quyền dù đã trình báo ngay khi đó. 

Có sai không khi có ý kiến cho rằng, chính cấp trên của những nhân vật bạo hành mang danh công an này đã dung túng, bật đèn xanh cho những hành vi đó? và cao hơn nữa, thì bộ máy hành pháp, là Bộ công an đã thực thi đúng luật pháp hay chưa? Và, Nhà nước với sự lãnh đạo duy nhất, chuyên quyền của đảng CS VN đã chèo lái thế nào mà để đến nỗi dân chúng phải hoang mang lo sợ, phải nơm nớp đề phòng chính những người có trách nhiệm bảo vệ cho mình ? 

Hay Nhà nước chỉ coi Luật và Hiến pháp VN như một chiếc áo khoác chỉn chu, bóng bẩy mỗi khi mặc nó để "đối thoại" và ngoại giao với thế giới? 

Hiện trạng cuộc sống của những người dân thường thấp cổ bé họng VN hiện nay quả thực quá mong manh. Họ hầu như mất hẳn lòng tin vào chế độ, vào những người mà chính họ đã đóng thuế để trông cậy được bảo vệ, được phân xử công bằng một cách khả dĩ mỗi khi họ gặp oan trái, bất công? 

Không thể giữ yên được bờ cõi trước họa xâm lăng của bất cứ ngoại bang nào nếu một Chính quyền, một Nhà nước, một Đảng không thu phục được lòng dân. 

Còn dân là còn tất cả chứ không thể "còn Đảng là còn tất cả" như luận điệu của mọt số phần tử cơ hội vốn vẫn quen sống và làm giàu trên đồng tiền thuế của dân ! 

Ngày 4 tháng 10 năm 2011 


Nguyễn Hồng Phi - đang sống tại Hà Nội. 

*

Dân Làm Báo: Nguyễn Hồng Phi là một trong những người cuối cùng được thả ra từ đồn công an Mỹ Đình tối chủ nhật 21 tháng 8. BBC đã phỏng vấn chị và DLB trích đoạn bài viết của BBC: 

Người trong cuộc 

Chị Nguyễn Hồng Phi, một trong số những người cuối cùng được thả ra từ đồn công an Mỹ Đình tối chủ Nhật 21/8 nói với BBC. 

“Người biểu tình đã nắm được mấy tinh thần rằng họ sẽ trấn áp như thế nên đã chia ra thành mấy nhóm lẻ. Nhóm đầu tiên, những người mới tụ tập giăng cờ ngoài Hồ Gươm, khi mới đi được vài bước và hô thì đã bị lực lượng thanh niên cơ động rất đông ̣đảo xấn tới, lùa mọi người lên xe buýt. Họ đã có những hành động như là xô, đẩy, túm áo, cưỡng bức phải lên trên xe.” 

Chị cho được biết hôm Chủ Nhật, UBND TP Hà Nội đã có buổi họp khẩn lúc 6.30 sáng nhằm chuẩn bị những phương tiện ở đằng sau Nhà hát lớn nhằm phục vụ cho đội ‘an ninh trật tự’ nếu có biểu tình xảy ra như ‘vòi rồng và xe buýt và cả dùi cui cùng một số đông ̣đảo lực lượng an ninh’ 

Chị Hồng Phi nói xe chở chị và mọi người chạy lòng vòng qua thành phố rất lâu sau đó mới đưa chúng tôi về công an phường Mỹ Đình. Đến đó, mọi người hô nhau là cương quyết không xuống. 

“Tuy nhiên, do lực lượng của họ quá đông và họ lại giở trò trấn áp lôi kéo một số người xuống nên chúng tôi phải xuống theo.” 

“Khi ở Mỹ Đình, bên ngoài thì họ cầm dùi cui hùng hổ, hù dọa ghê lắm, nhưng vào trong thì họ cũng mời anh, mời chị, mời bác mỗi người một bàn và một nhân viên phụ trách hỏi. Tất cả tinh thần của những người hôm qua là không có gì sợ sệt hay lo lắng cả. “ 

Chị Hồng Phi nói những người biểu tình đã phản đối khi công an nói họ vi phạm nghị định 38CP. Theo chị, thông báo gần đây của UBND TP Hà Nội chưa có tính pháp lý và hiện chưa có văn bản chính thức về luật cấm biểu tình ở Việt Nam. Hơn nữa, giới chức chưa có ‘hồi âm’ về kiến nghị gửi đi ngày 19/8. 

“Họ đã không cưỡng ép được việc chúng tôi công nhận việc đi biểu tình là sai nên họ đã chuyển sang đề tài về mục đích và động cơ của việc đi biểu tình.” 

“Tôi xuống đường không phải vì lý tưởng làm chính trị mà tôi chỉ lo cho những người thân ở gia đình tôi, những người đang sống ở thành phố Lào Cai vì bài học năm 1979 đã quá đau lòng rồi.” 

Chị cũng giải thích:“Không có ai lôi kéo rủ rê tôi và tôi cũng không liên lạc với ai. Đến đó thì mọi người mới gặp và quen biết nhau chứ trước đó thì không.” 

Trong khi đó, chị Hồng Phi dẫn lời cán bộ hỏi cung chị nói: “Việc đó đã có nhà nước lo, các chị xuống đường có giết được thằng Tàu nào không?”. 

Chị nói: “Chúng tôi xuống đường đế chứng tỏ với những người dân quá khích ở Trung Quốc hiểu rằng là nhân dân Việt Nam rất yêu hoà bình, vẫn chuộng hoà bình và hết sức nhẫn nhịn nhưng một khi họ cố tình gây hấn thì chúng tôi cũng sẵn sàng đứng dậy cầm súng.” 

Theo chị Hồng Phi, luật sư trẻ tên là Long, chị Bùi Thị Minh Hằng, và những người bị coi là ‘ngoan cố’ và tích cực nhất bị đưa lên quận Hoàn Kiếm sau khi có mặt trong chuyến xe đầu tiên đến Mỹ Đình lúc khoảng gần 10 sáng Chủ Nhật, 21/8. 

Sau khi làm việc với công an Mỹ Đình, những người biểu tình phải làm việc và lấy lời khai lần hai với lực lượng an ninh thành phố Hà Nội... 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo