Chấm lại bài chấm cho điểm Bộ trưởng Phạm Bình Minh - Dân Làm Báo

Chấm lại bài chấm cho điểm Bộ trưởng Phạm Bình Minh

Nguyễn Nghĩa (danlambao) Hôm nay, 5/10/11, BVN có bài của Hà Văn Thịnh :"Xin cảm ơn và xin góp ý với Bộ trưởng Phạm Bình Minh." Trong bài này, với tư cách thầy giáo, ông Hà Văn Thịnh cho điểm 6 câu trả lời của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh theo thứ tự sau:

1. Thứ nhất, Ngoại trưởng nói cho mọi người biết rằng TQ chỉ là một trong bảy đối tác chiến lược, đường lưỡi bò là vấn đề tồn đọng duy nhất trong mọi quan hệ Việt – Trung (tuyệt [ H.V.T], nó là biểu trưng cho tất cả sự tham lam và vô lý không thể chấp nhận được) – đồng thời Ngoại trưởng khẳng định rằng cái đường lưỡi bò đó “hoàn toàn không có cơ sở pháp lý” (tuyệt nốt [H.V.T]). 

Câu trả lời này ông H.V.T cho điểm 10 

2. Thứ hai, Ngoại trưởng đã khẳng định rằng Việt Nam “có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước”. Theo tôi [H.V.T], đây là câu trả lời là đủ nghĩa, đủ sức mạnh của một thông điệp gửi tới tận địa chỉ của lòng tham của bất cứ kẻ ngang ngược nào; đồng thời, giải quyết mọi vướng mắc trong tôi lâu nay về quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của Chính phủ ta. Vũ khí của sức mạnh quật cường bất khuất, vũ khí của lòng tự tin không bao giờ bị khuất phục… Nói tóm lại, vũ khí đến sau cái không thể chấp nhận của “đường lưỡi bò” là vũ khí của mọi điều muốn nói. 

Câu trả lời này, ông H.V.T cũng cho điểm 10. 

3. Thứ ba, Ngoại trưởng nói rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề của thế giới bởi vì “Bất kỳ điều gì xảy ra ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới tự do lưu thông và dĩ nhiên ảnh hưởng tới không chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản mà cả các nước khác như Ấn Độ” (Quá đúng [ H.V.T]). Rõ ràng, các anh cần bảo vệ tôi, giúp tôi hay ủng hộ tôi không chỉ là vì tôi mà là vì tất cả chúng ta – đang cùng ở trên một chiếc bè “ổn định”, tại một vùng biển có tên gọi là Biển Đông! 

Là một giáo viên nên mắc bệnh nghề nghiệp, tôi [H.V.T] đánh giá câu trả lời này 10 điểm, tương đương với hai câu trên. 

4. Khi người ta hỏi ông Ngoại trưởng về nhân quyền, ông cố tình không hiểu để chờ phiên dịch (để có thời gian nghĩ – trả lời, cái mẹo muôn đời mà thầy giáo mô cũng biết, khi học sinh giở trò). 

Câu này 4 điểm. 

5. Ông Ngoại trưởng rất giỏi khi chơi chữ trong cách trả lời câu hỏi cuối cùng – rằng, các vị đã đến, thấy rất nhiều thay đổi ở Việt Nam, nhưng các vị có thể thấy “một thứ có thể không đổi – đó là cam kết bảo vệ quyền con người ở Việt Nam” (tôi nhấn mạnh – HVT, sic). 

Câu này 1 điểm. 

*

Ông Hà Văn Thịnh đã dùng thang điểm 10 và có tình cảm trong khi chấm điểm ["Tôi cảm phục Nguyễn Cơ Thạch. Từ lâu lắm rồi, tôi mới được thấy một cán bộ cấp cao Việt Nam trả lời báo chí hay và đủ nội dung cần nói như thế" H.V.T]. 

Vậy, điều dễ hiểu là các điểm ông xướng ra, không hoàn toàn khách quan. Do vậy, để phản biện các câu trả lời của Bộ trưởng Bộ ngoại giao, tôi xin chấm lại với thang điểm 10, nhưng khách quan hơn. Bởi vì : 

"Ở nhà nhất mẹ nhì con, 
Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta". 

Chấm lại. 

Câu trả lời thứ 1 tôi cho rằng chưa đủ ý, chưa xứng đáng với tư cách Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông phải được liên tục trình bầy một cách sáng sủa nhất, rõ ràng nhất, tại mọi nơi, mọi chỗ, mọi cuộc cuộc họp, mọi diễn đàn, mọi hội nghị...Ông Bộ trưởng không làm được điều này trong cuộc tọa đàm này. 

Đường lưỡi bò chỉ là hệ quả của tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. 

Nếu ai nói đến "Đường lưỡi bò," mong Bộ trưởng trả lời về Hoàng Sa, Trường Sa. 

Tại sao vậy ? 

Tại vì nếu Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam thì không có "Đường lưỡi bò ". Hoàng Sa, Trường Sa là tâm điểm của "Đường lưỡi bò". Mà Hoàng Sa, Trường Sa rõ ràng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam 1974 và 1988. 

Cái phi nghĩa của Trung Quốc không được ông Bộ trưởng nêu ra. 

Câu trả lời này, tôi cho điểm 3 - vì chỉ nói được 1 câu: “ Đường lưỡi bò "hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”. 

Câu trả lời 2 mà ông H.V.T cũng cho điểm 10 vì Việt Nam “có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước”. 

Tôi hiểu là vũ khí, đạn dược, chứ không phải lòng yêu nước [Những người biểu tình chống Trung Quốc bị đàn áp, đất nước tham nhũng nặng nề, lòng dân li tán..] 

Với tư cách Bộ trưởng về ngoại giao, ông Phạm Bình Minh nên rút kinh nghiệm trong các trả lời phóng viên sắp tới. 

Nên nói rất ít về vũ khí nếu không cần thiết, nói rất ít hay không nói về chiến tranh. 

Ông hãy để cho các Bloggers chúng tôi đánh giặc mồm với Trung Quốc. 

Nếu lòng căm thù của ông có sục sôi thì cũng kìm lại. 

Ngoại giao đòi hỏi sự tế nhị này. 

Mong rằng Bộ trưởng liên tục đề cao chính nghĩa Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa mà điểm mốc của nó là Hội nghị San Francisco 1951. Tại đây 51 nước tham dự Hội nghị đã công nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời với 48 phiếu bác bỏ, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu chủ quyền của Trung Quốc tại 2 quần đảo này. 

Câu thứ 3, Bộ trưởng đã trả lời đúng ý của chiến lược đa phương hóa tranh chấp Biển Đông chống lại chiến lược đàm phán song phương của Trung Quốc. 

Tuy vậy tôi chỉ cho Bộ trưởng điểm 5 vì chỉ là trung bình. 

Nếu Bộ trưởng phát triển câu trả lời, chỉ cần bằng những diễn biến gần đây nhất như Nhật Bản, Phillipines phản đối dùng vũ lực ở Biển Đông, Mỹ- Úc- Nhật phản đối dùng vũ lực tại Biển Đông... thì mới xứng đáng điểm 10. Vì như vậy, nếu cho những người trên thế giới chưa nắm được tình hình, rằng Việt Nam có chính nghĩa và đang được các nước liên quan ủng hộ, rằng Trung Quốc đang bị cô lập bởi tính phi nghĩa của họ trên Biển Đông. 

Còn câu 4, tôi cho ngay điểm 2. 

Luận cứ của tôi là Bộ trưởng đã dùng tiểu sảo học trò, mà bây giờ đã là Bộ trưởng rồi thì không nên trẻ con như vậy. 

Riêng câu về nhân quyền, ông H.V.T cho điểm 1 thì tôi cho điểm 10. 

Tôi trích dẫn theo bbc : "Tôi biết một số quý vị trong phòng này đã tới Việt Nam và thấy nhiều thay đổi tại Việt Nam, nhất là kể từ năm 1975 tới nay. Và một thứ có thể không đổi - đó là cam kết bảo vệ quyền con người ở Việt Nam."[Phạm Bình Minh] 

Ông Bộ trưởng đã nói thật. Đấy là chính sách trước sau như 1 của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Dù cho Việt Nam có ký đến 1000 các tuyên bố, nghị định, công ước, các điều khoản của LHQ hay gì gì nữa về Nhân quyền thì ở Việt Nam không bao giờ có nhân quyền. Đây là cái bất biến trong xã hội đang biến đổi theo lý thuyết "Mèo trắng hay mèo đen đều tốt, miễn mang lại đồng tiền". 

Chính vì sự thật thà chân thành, trong khi cán bộ cao cấp Việt Nam phần lớn là dối trá trong xã hội thờ phụng dối trá, thì nói thật ở câu trả lời này là 1 điểm sáng của ông Phạm Bình Minh. 

Tôi cho ông ta điểm 10 là như vậy. 

Còn một góp ý riêng cho ông Minh, mà bài viết của ông Hà Văn Thịnh bỏ qua. Đấy là việc ông Minh so sánh đàn áp biểu tình tại Anh quốc và ở Việt Nam. 

Ông Minh đã không hiểu bản chất của pháp luật Anh quốc. Sự so sánh lại khập khiễng khi so sánh những người yêu nước Việt Nam với côn đồ phá phách ở Anh quốc. 

Có phải ông muốn nói rằng những người biểu tình Việt Nam chống bành trướng Trung Quốc tại Biển Đông là côn đồ không ? 

Thế thì ông Minh có phản đối Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông hay không ? 

Để làm một chính khách, ông Minh còn phải học nhiều. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo