Thảo Hương (NLĐ) - Thi thể ông Gaddafi bị trưng bày trong kho lạnh cửa hàng thịt ở thành phố Misrata 4 ngày trước khi đem chôn ở một nơi bí mật trong sa mạc.
Phóng viên Reuters cho biết thi thể ông Gaddafi bị trưng bày như một “chiến lợi phẩm” của phe nổi dậy. Hàng trăm người dân Misrata hiếu kỳ xếp hàng vào xem mặt mũi nhà lãnh đạo từng trị vì Libya suốt 42 năm.
Ngày đầu tiên (thứ sáu 21-10), thi thể ông Gaddafi được đặt nằm trên một tấm nệm, mặt ngửa lên trời, thấy rõ đầu bên trái có một lỗ đạn nằm phía trên lỗ tai, mình trần hằn những vết bầm trên lưng và vết cào xước trên ngực do bị đánh đập.
Thi thể Mutassim, con trai thứ của ông Gaddafi, nằm bên cạnh ngay dưới sàn nhà kho lạnh lẽo cũng đầy những vết thương do bạo hành.
Xác ông Gaddafi (bên phải) và Mutassim al-Gaddafi trong kho lạnh. Ảnh: LAT
Che bớt sự thật
Tuy nhiên, qua ngày hôm sau (thứ bảy 22-10), thi thể hai cha con ông Gaddafi đều được bọc kín đến cổ bằng chăn mỏng nhằm che giấu những chi tiết gây phản cảm. Đầu ông Gaddafi được quay nghiêng sang bên trái để người xem không thấy lỗ đạn. Các vết thương trên mặt Mutassim cũng được khâu lại.
Có thể nói từ đầu đến thời điểm trên, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (TNC), cơ quan lãnh đạo cuộc nổi dậy chống chính quyền ông Gaddafi, đã có những động thái khiến dư luận hoài nghi là che giấu sự thật xung quanh cái chết của ông Gaddafi.
Đầu tiên, TNC tuyên bố sẽ chôn cất ông Gaddafi theo nghi thức đạo Hồi, tức trong ngày ông Gaddafi qua đời (20-10). Vậy mà sau đó, họ đem thi thể ông trưng bày tại Misrata, “thủ đô” của quân nổi dậy.
Những giây phút cuối cùng dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo Libya diễn ra trong hỗn loạn, đầy bạo lực và khủng khiếp. Một video clip quay bằng điện thoại di động phát trên đài truyền hình Libya đã cho thấy điều đó.
Cả thế giới nhìn thấy ông Gaddafi phờ phạc, mặt đầy máu, bị lính TNC nắm tóc lôi đi quăng lên nắp ca-pô một chiếc Toyota loại bán tải chạy về hướng xe cứu thương nằm cách đó chừng nửa cây số.
Khi đến nơi thì ông Gaddafi đã chết với một vết thương trí mạng trên đầu và nhiều vết đạn khác. Ali Jaghdoun, tài xế xe cứu thương chở thi thể ông Gaddafi về Misrata, đã xác nhận điều này với phóng viên Reuters.
Vấn đề đặt ra là trong lúc di chuyển, ông Gaddafi bị lính TNC giết hay bị lạc đạn?
Thà giết hơn bắt sống ?
Các nhà lãnh đạo TNC quả quyết rằng ông Gaddafi bị lạc đạn vì lúc đó có giao tranh giữa lính TNC và lính ông Gaddafi. Tuy nhiên, Lofty al-Amin, thủ lĩnh katiba (lữ đoàn) Chahid, thừa nhận ông Gaddafi đã bị lính TNC bắn chết.
Al-Amin kể lại: “Khi bắt được Gaddafi, các thuwar (quân cách mạng) ào tới bao vây. Họ quăng ông ấy lên nắp ca-pô xe. Ông rớt xuống đất, ngồi dậy và bị đấm đá tới tấp. Nhiều người chạy tới chạy lui, la hét inh tai. Cảnh tượng lúc đó hết sức lộn xộn. Một người của chúng tôi bắn vào ông ấy”.
Đây chính là điểm gây tranh cãi gay gắt nhất. Người ta nghi ngờ từ đầu TNC đã có chủ trương giết chết ông Gaddafi chớ không bắt sống vì tổ chức xét xử sẽ rất lôi thôi và phiền phức. Ông Gaddafi sẽ nhân cơ hội biến phiên tòa thành một diễn đàn để lên án NATO và các nước phương Tây lật đổ ông.
Ngày 26-10, tuần báo Pháp Le Canard Enchainé (tuy tự xưng là báo trào phúng nhưng nắm nhiều thông tin tình báo “độc”) đã nêu ra khả năng kể trên.
Trong bài báo chạy tít “Gaddafi bị Washington và Paris xử tử”, tác giả cho biết ngày 19-10, một đại tá Lầu Năm Góc đã điện đàm với một cộng tác viên trong ngành tình báo Pháp. Nội dung cuộc gọi đề cập quyết định của Nhà Trắng không cho ông Gaddafi sử dụng diễn đàn Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) để kích nổ “một quả bom nguyên tử”.
Tờ báo cũng cho biết thêm tổng thống Pháp đã ra lệnh cho Benoit Pugat, tham mưu trưởng riêng của tổng thống, giám sát cuộc vây hãm ông Gaddafi ở Sirte. Trong các cơ quan tình báo Pháp, người ta cũng không ngại đề cập chuyện “khử” nhà lãnh đạo Libya. Tất nhiên, Washington, Paris và Misrata đều phủ nhận nguồn tin này.
Cũng từ nghi vấn trên, ngày 26-10, ông Marcel Ceccaldi, luật sư người Pháp đại diện cho gia đình ông Gaddafi, cho biết gia đình ông này sẽ đâm đơn kiện ban lãnh đạo NATO và các nhà lãnh đạo các nước thành viên tổ chức quân sự này gây tội ác chiến tranh làm ông Gadddafi bị giết một cách hèn hạ lên ICC ở The Hague.
Những nấm mồ vô danh
Ngay cả chuyện khám nghiệm pháp y thi thể và chôn cất ông Gaddafi cũng nhuốm màu bí ẩn. Tối 23-10, bác sĩ Othman al-Zentani, Trưởng Phòng Pháp y quốc gia Libya, sau khi khám nghiệm tử thi, tuyên bố rằng ông Gaddafi chết vì “trúng đạn” nhưng ông nói thòng một câu “tôi viết chưa xong báo cáo, cho nên không thể đi vào chi tiết vì đợi cấp trên bật đèn xanh. Kết quả chính thức sẽ được công bố trong vài ngày nữa”.
Tuy nhiên, ngay sáng cùng ngày, ông Mahmoud Jibril, nhân vật số 2 của TNC, đã công bố kết quả khám nghiệm pháp y, theo đó “đầu ông Gaddafi bị trúng đạn trong lúc giao chiến trên đường chở tới bệnh viện”. Ông Jibril còn hứa sẽ giao thi thể người quá cố cho gia đình ông Gaddafi và TNC sẽ tham khảo ý kiến nên chôn cất ở đâu.
Sự thật là TNC đã bí mật chôn xác hai cha con ông Gaddafi lúc 5 giờ ngày 25-10 trong sa mạc “không xa Misrata lắm” dưới sự chứng kiến của hai người bà con và Mansour Dao, cận vệ riêng của nhà lãnh đạo Libya. Địa điểm mồ chôn không được tiết lộ vì TNC sợ trở thành nơi hành hương của những người ủng hộ ông Gaddafi hoặc bị kẻ thù đào mồ cướp xác.