Quỳnh Chi (phóng viên RFA) - "Nhiều người nói mà không dám làm vì có nhiều lý do. Chính vì thế mà tôi đã gởi lá thư ấy ra để có thể mọi người thấy và làm theo. Tôi ký tên và gởi lá thư kiến nghị vì tôi biết quá rõ về Điếu Cày. Tuy nhiên, những người không biết rõ Điếu Cày là ai cũng có thể ký tên. Có những sinh viên hỏi tôi về Điếu Cày vì chuyện cách đây 4 năm, họ không hề biết” - Blogger Mẹ Nấm.
Cuối tuần vừa qua, xuất hiện lá thư được một số người ký tên gởi cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu trả tự do cho blogger Điếu Cày, tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải.
Gửi đến Chủ Tịch nước
Lá thư đang nhận được sự quan tâm của dư luận và cộng đồng mạng vì nó nêu lên việc “bắt giữ trái phép công dân Nguyễn Văn Hải” vì sau một năm blogger Điếu Cày bị bắt tạm giam điều tra mà không có tin tức.
Lá thư đề ngày 21 tháng 10 năm 2011, tức hai ngày sau khi tròn một năm blogger Điếu Cày bị bắt giam lại mà không có tin tức. Lá thư được một nhóm blogger soạn thảo trong đó nêu ra rằng việc tạm giam blogger Điếu Cày đã vi hiến khi không có phán xét của tòa án, cũng như không cho ông tiếp xúc với thân nhân. Bức thư được gởi đến chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người giữ vai trò điều hành đất nước cao nhất vì theo những người soạn thảo lá thư thì chủ tịch nước phải quan tâm đến công dân. Blogger Mẹ Nấm, một trong những nhân vật chủ chốt khởi xướng, soạn thảo và ký tên đầu tiên vào lá thư cho biết lý do của việc viết lá thư này:
“Có rất nhiều người quan tâm đến trường hợp của blogger Điếu Cày, đặc biệt là sự lên tiếng của gia đình anh. Tuy nhiên, đã một năm rồi mà vẫn không có câu trả lời chính đáng nào (từ chính quyền) mà lại có những luồng thông tin về Điếu Cày mà không ai có thể kiểm chứng được. Trên thực tế, blogger Điếu Cày đã thực hiện xong bản án của tội trốn thuế. Nếu anh có bị bắt tiếp vì tội gì đi chăng nữa thì cũng phải công khai để gia đình anh biết. Chính vì không muốn nhìn thấy số phận của một con người bị rơi vào im lặng như thế nên tôi đã viết đơn ấy.”
Hiện tại, cộng đồng mạng và những người sử dụng Facebook chuyền tay nhau lá thư này. Thậm chí, nhiều người đổi hình nền Facebook của mình bằng hình bức ảnh blogger Điếu Cày đang đội mũ bảo hiểm với dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”. Bên cạnh đó là dòng chữ “Free Him Now”, nghĩa là “Tự do cho Điếu Cày”. Lá thư nhận được sự quan tâm của nhiều người giữa lúc có nhiều nguồn tin cho rằng blogger Điếu Cày bị mất một cánh tay, thậm chí có nhiều đồn đoán rằng blogger Điếu Cày đã chết bởi trong hơn một năm qua, thân nhân ông hoàn toàn không có tin tức gì về ông. Vợ cũ của blogger Điếu Cày, bà Dương Thị Tân chia sẻ:
“Tôi cũng rất cảm động khi mọi người quan tâm đến blogger Điếu Cày cũng như gia đình tôi. Từ mùng 3 tháng 6 năm 2009 thì tôi đã không được vào thăm anh Hải. Sau đó 7 tháng thì con tôi có vào trại giam Xuân Lộc thăm cha nó. Nhưng từ ngày 19 tháng 10 năm ngoái đến nay thì gia đình không được thăm và cũng không có tin tức gì. Và họ cũng không trả lời là anh Hải còn sống hay đã chết, bất kể thông tin nào dù nhỏ nhất chứng minh cho việc anh Hải còn sống cũng không có”.
Bức thư có đoạn trích lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc giữ vững chủ quyền biển đảo dựa trên cơ sở luật pháp; và cho rằng “nếu cơ sở quan trọng là luật pháp không được tôn trọng cho một công dân Việt Nam thì chính quyền Việt Nam làm sao có thể dùng nền tảng luật pháp để giải quyết việc giữ vững độc lập chủ quyền”.
Theo blogger Mẹ Nấm, ba ngày sau khi lá thư được công bố, đã có ít nhất 120 người trong nước ký tên cùng khoảng hơn 100 người Việt trên khắp thế giới. Blogger Mẹ Nấm cho biết:
“Một điều bất ngờ là cho đến giờ phút này đã có hơn 120 người trong nước ký tên. Trong số ấy, giới blogger chỉ chiếm phần ít. Đa số là dân đọc blog, là những người bình thường. Tôi biết được điều này vì tôi phải gọi cho từng người trong nước để xác nhận”.
Không ngại khó khăn
Trong những người ký tên, có những nhân vật quen thuộc với phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà giáo Phạm Toàn, đến các linh mục, những người biểu tình chống Trung Quốc hồi mùa hè vừa qua và cả những blogger chưa được nhiều người biết đến.
Thêm vào đó, bức thư ngoài chữ ký của những người bạn thân từng biểu tình chung với blogger Điếu Cày, còn có chữ ký của những người chưa từng làm việc chung với nhân vật này. Họ ký tên, có lẽ vì muốn góp thêm một chữ ký cho người đồng chí hướng, hay chỉ đơn giản là phản ứng lại hành động tạm giam trái pháp luật mà blogger Điếu Cày đang phải trải qua. Anh Huỳnh Công Thuận, người đứng tên gởi lá thư này với danh sách đợt đầu tiên đến cho biết.
"Nhiều người nói mà không dám làm vì có nhiều lý do. Chính vì thế mà tôi đã gởi lá thư ấy ra để có thể mọi người thấy và làm theo. Tôi ký tên và gởi lá thư kiến nghị vì tôi biết quá rõ về Điếu Cày. Tuy nhiên, những người không biết rõ Điếu Cày là ai cũng có thể ký tên. Có những sinh viên hỏi tôi về Điếu Cày vì chuyện cách đây 4 năm, họ không hề biết”.
Cuối tuần qua, lá thư với đợt chữ ký đầu tiên đã được gởi theo đường bưu điện đến ông Trương Tấn Sang. Theo dự tính, khi thu thập đủ một nghìn chữ ký trong nước, lá thư cuối cùng sẽ được gởi đến vị chủ tịch nước cùng với địa chỉ cụ thể của những người tham gia ký tên. Blogger Mẹ Nấm cho biết:
“Lá thư công bố trên mạng chỉ công bố tên và thành phố sinh sống để bảo đảm bí mật thông tin cá nhân. Nhưng tôi đã nói với những người ký tên rằng trong lá thư cuối cùng gởi đi cho ông Trương Tấn Sang thì tôi sẽ ghi địa chỉ cụ thể từng người. Và tất cả đều nói với tôi là họ ý thức được việc họ làm và không ngại khó khăn gì cả.”
Blogger Điếu Cày tên thật là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1952, là một cựu chiến binh và là thành viên chủ chốt của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, nơi đăng tải những bài viết phản ánh tình trạng đất nước. Năm 2007 và 2008, blogger Điếu Cày cũng là một trong những nhân vật tiên phong biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 10 tháng 9 năm 2008, blogger Điếu Cày bị tuyên án 30 tháng tù giam vị tội trốn thuế. Sau ngày mãn hạn 2 năm 6 tháng tù giam, ông Hải không được trả tự do mà bị tạm giam điều tra theo tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Từ đó đến nay, gia đình ông Hải đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng vẫn không có tin tức gì về ông.
Hồi đầu tháng, ông Trương Tấn Sang có chuyến công du đến Ấn Độ và cam kết khai thác dầu khí với công ty ONGC tại Trường Sa trong lúc Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng còn ở Bắc Kinh, như một cách khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Đây cũng là cơ sở hy vọng của những người viết ra lá thư kiến nghị trả tự do cho blogger Điếu Cày bởi nếu vị Chủ tịch đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, thì không có lý nào không quan tâm đến việc một công dân của mình bị bắt chỉ vì truyên truyền ý thức chủ quyền tại Biển Đông.