Người biểu tình “bay” - Dân Làm Báo

Người biểu tình “bay”

Nguyễn Tường Thụy Tôi đọc Thư ngỏ gửi Trần Mạnh Hảo và Trương Duy Nhất” của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại, thấy có nhiều điều băn khoăn, nghi hoặc. Bức thư này trả lời bài viết Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại bốc thơm Trần Gia Thái” của Nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Tôi không hiểu lắm về học thuật, cảm thụ văn thơ lại xoàng nên chẳng dám lạm bàn về việc thơ ông Trần Gia Thái có hay không và hay đến mức nào. Nhưng tôi cũng phải thú nhận rằng, nhờ có bài viết của Nhà thơ, Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo mà tôi hiểu thêm thế nào là thơ, thế nào là vè. Hóa ra, tôi cũng có kha khá những bài vè mà tôi cứ tưởng là thơ. Điều này cũng dễ hiểu đối với người mới học viết như tôi. Thi đàn với tôi chắc mãi mãi xa lạ. Ngay cả chính ông Đại cũng khiêm tốn mà nói rằng: “Tôi học hành lỗ mỗ, trí lực tầm thường…”. Câu ấy làm tôi cảm động và có thiện cảm với ông Nguyễn Sĩ Đại cho dù có thể ông chẳng khiến. 

Tôi cũng không đủ hiểu biết để nhận xét về Nhà thơ, Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo. Nhưng trong tâm khảm, tôi cảm được đó là con người chính trực, hiểu sâu, biết rộng mà tôi rất kính trọng. Hy vọng điều đó tôi không nhầm. 

Mặt khác, tôi cũng không muốn xen vào chuyện của hai ông. Vì thế, tôi không có ý định đề cập toàn bộ nội dung bức thư của ông Nguyễn Sĩ Đại, mà chỉ nêu bức xúc của mình về “người biểu tình bay” mà ông Đại nói tới: “Khi có can qua, tôi tin rằng, không ít người trong đoàn biểu tình ấy, và con cháu họ, đã bay tự bao giờ, ra chiến trường và đổ máu, chỉ con em nông dân mà thôi!” (Đoạn này khá lủng củng nên đọc hơi khó hiểu nhưng tôi luận mãi cũng vỡ ra được ý ông). 

Tôi không hiểu tại sao ông Đại lại cay nghiệt với người biểu tình chống Trung Quốc như vậy? Việc can qua (tính ở thời điểm này) chưa xảy ra cho nên ông Đại nói thế là có phần vội vã. 

Chính vì chưa xảy ra nên tôi cũng không dám khẳng định không có chuyện “… không ít người và con cháu họ đã bay tự bao giờ …” (Tôi xin phép được bỏ hai dấu phảy thừa khi dẫn lại). Nhưng bảo có ai đó “bay” cùng con cháu khi có can qua thì tôi nghĩ có thể là kẻ nào chứ tôi không dám nghi cho người biểu tình yêu nước. 

Tôi cũng là người biểu tình. Do tiếp xúc với những người biểu tình thường xuyên nên tôi hiểu khá nhiều về họ. Tôi là người lính, xếp bút nghiên đi bộ đội từ năm 1970, tức là trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Sau khi đất nước thống nhất, tôi tiếp tục phục vụ quân đội cho đến khi về hưu. Sự hy sinh so với đồng đội nằm lại chiến trường chẳng thấm vào đâu. Nhưng không vì thế mà tôi hồ đồ khẳng định điều này điều nọ. 

Ông Nguyễn Đức Nhanh giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định “biểu tình là xuất phát từ lòng yêu nước” (Báo Hà Nội mới). 

Mặc dù vậy, đã có nhiều qui kết cho người biểu tình. Ông Trần Gia Thái, Giám đốc Đài phát thanh & truyền hình Hà Nội đang bị những người biểu tình kiện. Cũng đã có nhiều ý kiến phản bác để bênh vực, bảo vệ những người biểu tình. Cho đến nay, an ninh, cảnh sát chưa tìm được người biểu tình nào phản động cả. Nhưng điều này tôi không đi sâu vào. 

Tôi và những người biểu tình đều tự hào về cuộc xuống đường Mùa Hè 2011. Những cuộc biểu tình ấy, không phải là hoàn toàn làm cho Đảng và Nhà nước khó chịu khi thống kê: 

Trong 12 cuộc biểu tình ở Hà Nội có 3 cuộc bị đàn áp (10/7, 17/7 và 21/8), cuộc ngày 18/9 không nổ ra được. Như vậy, có đến 8 cuộc biểu tình được Nhà nước ngầm ủng hộ, cho công an giữ trật tự, đảm bảo giao thông, mặc dù có sự nhắc nhở hoặc bắt bớ nho nhỏ. Quan hệ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, cảnh sát rất dung hòa. Ông Đại có bao giờ nghĩ đến điều đó? 

Người biểu tình gồm những nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng, lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp của quân đội và công an hưu trí, cựu chiến binh; đảng viên, doanh nhân, các cháu sinh viên, học sinh … Họ vì tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc mà xuống đường trước sự gây hấn của ngoại bang, tuy nhiên có thể khác với sách lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong một thời điễm nào đó. Nhiều lắm, tôi không thể kê ra đây. Tôi chỉ nêu ra trường hợp Nhà văn Nguyên Ngọc. Nhân cách, tài năng và thành tích cống hiến cho cách mạng của ông không ai phải ngờ vực. Riêng trong lĩnh vực văn chương, ông là bậc thầy của nhiều người đang có quyền cao chức trọng trong giới văn nghệ, báo chí hiện nay. Có lẽ ông Đại cũng nên dè dặt khi quả quyết như trên. 

Tôi không cho là ông Đại vơ đũa cả nắm. Nhưng ông không thế dự đoán mà không có cơ sở rằng sẽ có không ít (tức là nhiều) người biểu tình “bay” khi có can qua. 

Những người mang gia đình vợ con chạy trốn ra nước ngoài, trước hết phải là người có nhiều tiền của để ra đi sống sung túc, có thế lực để chen lấn lên máy bay khi hỗn loạn (lạy giời, mong đừng có chuyện ấy xảy ra). 

Những người biểu tình làm gì có thế lực, có điều kiện để vơ vét của dân, bòn rút ngân sách quốc gia để làm điều đó. Ai biết xin hãy chỉ. 

(……..) 

Cái gì đúng mức, được chứng minh bằng thực tế người ta dễ chấp nhận, Nhưng những gì khiên cưỡng, gượng ép cố nhồi nhét vào đầu con người thì dễ sinh ra phản cảm. 

Như đã nói, tôi không xen vào chuyện của hai người: Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại và Nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Hay dở, đúng sai thế nào, cảm nhận của những người khác ra sao, mọi người hãy đọc thêm những phản hồi trong website của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Nhà báo Trương Duy Nhất. 


Người biểu tình


gửi Dân Làm Báo


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo